Người Truyền Lửa Nghề Dệt Lụa Làng Vạn Phúc - Công An Nhân Dân

  • Hà Nội sẽ triển khai dự án chợ lụa Vạn Phúc - Hà Đông

Người lính với tình yêu nghề dệt

Lớn lên trong thời chiến, người con làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội) - chàng trai trẻ Phạm Khắc Hà lựa chọn lên đường vào Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những năm tháng chiến tranh gian khổ đã trở thành đoạn ký ức không thể nào quên đối với ông.

Người truyền lửa nghề dệt lụa làng Vạn Phúc -0
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà dệt lụa. 

Tháng 6/1972, trong một trận đánh ác liệt tại trung tâm truyền tin núi Bà Rá (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) ông bị thương và phải điều trị mất một tháng sức khoẻ mới dần ổn định, sau đó tiếp tục quay lại đơn vị. Tháng 4/1975 ông Hà tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và đến năm 1977 thì trở về địa phương. 

Xa quê nhiều năm nhưng hình ảnh tấm lụa cùng khung dệt vẫn luôn hiện hữu trong trái tim ông. Bởi lẽ thanh niên Vạn Phúc sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này vẫn luôn được tiếp thu truyền thống nghề dệt lụa. Gia đình ông Hà đã gắn bó với nghề dệt từ bao đời nay, chính vì vậy mà chàng thanh niên khi đó mang trong mình niềm khao khát được tiếp tục theo cha ông nối nghề. 

Ông Hà chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề lâu đến vậy cũng là nhờ truyền thống cha ông truyền dạy và cái say mê với nghề đã được hình thành từ rất sớm. Là một người con đất Lụa, tôi đã quyết tâm giữ và phát triển nghề, đưa Lụa Vạn Phúc thành công được như hôm nay”.

Đối với ông Hà, lụa Vạn Phúc rất đặc biệt, nó mang một nét đặc sắc rất riêng mà chỉ nơi đây mới có. Hoa văn trên tấm lụa được vẽ tay tỉ mỉ rồi dệt lên chứ không giống các sản phẩm nơi khác chỉ đơn thuần là in lên.

Vì là dệt nên tấm lụa sẽ dùng được cả hai mặt, mặt phải và trái đều nổi hoa văn như vậy nhưng thể hiện được rõ ràng màu sắc của sợi dọc và sợi ngang. Chính nét đặc biệt đó đã làm nên thương hiệu lụa Vạn Phúc, khiến ông Hà càng thêm yêu mến nét đẹp truyền thống của quê hương.

Thời điểm mới quyết định giữ và theo nghề, chuyển mình từ một người lính sang thợ dệt, nghệ nhân Phạm Khắc Hà đã gặp rất nhiều khó khăn. Có thể kể tới sự thay đổi đột ngột về phương thức sản xuất. Ông Hà chia sẻ: “Người làng Vạn Phúc chúng tôi từ lâu đã quen với phương thức lao động tập thể. Nên khi nhà nước xoá bỏ bao cấp, bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường khiến cho mọi người bị chững lại”.

Người truyền lửa nghề dệt lụa làng Vạn Phúc -0
Làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng bởi những tấm lụa đa dạng mẫu mã, chủng loại, được dệt lên bởi đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những nghệ nhân...

Khó khăn lớn nhất về mặt tài chính khi tiền mua máy móc, nguyên vật liệu không có, tiền xây dựng nhà xưởng thiếu thốn nên phải tận dụng luôn nhà ở. Bản thân ông đã phải đi vay mượn làng xóm rất nhiều để đầu tư sản xuất và bươn chải cuộc sống.

Để theo được nghề phải có một tinh thần quyết tâm cao, với bản lĩnh của người lính không sợ gian khổ và sự đồng hành từ gia đình, nghệ nhân Phạm Khắc Hà đã vượt qua được khoảng thời gian đó.

Gìn giữ văn hoá Việt qua tấm lụa

Hiện nay tất cả các sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn được làm theo kiểu truyền thống từ xưa, chỉ cải tiến về các thiết bị để sản phẩm ngày càng đẹp và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.

Tấm lụa được trang trí hoa văn tinh xảo, thiết kế dệt để tạo nên nét đặc trưng của làng nghề Vạn Phúc. Toàn bộ họa tiết được dệt tay luôn thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, không hề có bất kì một lai tạo nào.

Với cương vị Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Lụa Vạn Phúc, nghệ nhân Phạm Khắc Hà đã điều hành những hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh rất tốt, góp phần đưa làng nghề trở thành một trong những niềm tự hào của Thành phố khi được rất nhiều khách tham quan du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. 

Người truyền lửa nghề dệt lụa làng Vạn Phúc -0
Những sản phẩm tại làng lụa Vạn Phúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Trong quá trình 13 năm tham gia công tác tại địa phương, bản thân ông cũng ý thức được việc phát triển sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng nhất của làng nghề. Bởi vì có phát triển được sản xuất thì mới có người tiếp tục sự nghiệp truyền thống của địa phương.

Nhiều năm qua, ông Hà đã tổ chức các lớp học dạy nghề, lớp học kỹ thuật sửa chữa may dệt, đào tạo những người đã biết về nghề dệt để họ có thêm kỹ năng về máy móc, sẵn sàng đối mặt với các sự cố trong quá trình sản xuất.

Làng Vạn Phúc cũng đã đào tạo cho các thợ dệt qua chương trình “Cầm tay chỉ việc”, những nghệ nhân của làng sẽ đích thân truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, giúp họ vững tay nghề hơn để ngày càng phát triển nghề dệt. Đây cũng là một trong những chương trình nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành.

 Để duy trì được truyền thống tốt đẹp của cha ông thì việc gìn giữ thôi là chưa đủ, cần phải có sự kế thừa và tiếp nối của thế hệ tương lai. Nhằm giúp thế hệ trẻ có thể hấp thụ thêm các kiến thức về làng lụa, địa phương cũng đề nghị các trường học tổ chức các lớp thực địa để học sinh cấp một, cấp hai có thể tham quan phố Lụa và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp các em “ngấm” được cái nghề ngay từ khi còn bé.

Người truyền lửa nghề dệt lụa làng Vạn Phúc -0
Cổng làng lụa Vạn Phúc.

Ông cũng gửi gắm tới thế hệ trẻ rằng, lao động sản xuất thôi chưa đủ, phải có lòng say mê yêu nghề thì mới nảy ra được những sáng tạo mới. Nhất là với nghề dệt cần biết vận dụng và sáng tạo ra những mẫu hoa văn mới thường xuyên.

Tại làng lụa Vạn Phúc, mỗi năm đều tổ chức hội thi sáng tạo mẫu mã cho sản phẩm lụa, từ đó gợi lên tình yêu nghề cho các bạn trẻ có hứng thú với nghề lụa. Đối với những nghệ nhân lâu năm như ông Phạm Khắc Hà, đây cũng là dịp để kết nối, truyền dạy các kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm tới thế hệ trẻ. Tre già măng mọc, mang ngọn lửa nhiệt huyết say mê nghề truyền lại để mai này các em sẽ tiếp tục duy trì truyền thống của địa phương...

  • Giới trẻ Hà Nội đổ về Làng lụa Vạn Phúc check – in con đường ô lung linh sắc màu

Từ khóa » Dệt Lụa Vạn Phúc