Nguồn Gốc Tên Gọi Các Nguyên Tố Hóa Học

Khi tìm ra một nguyên tố mới, người ta đặt tên nó như thế nào?

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các nhà khoa học đã trả lời câu hỏi đó bằng nhiều cách khác nhau.

Đa số các nhà khoa học đã chọn tên để tôn vinh một nhân vật, một địa danh hay để mô tả tính chất của một nguyên tố mới. Ngay cả các nguyên tố đã biết từ lâu đời không rõ ai đã tìm ra, nhưng tên của chúng vẫn có ý nghĩa từ nguyên.

Cho đến thời trung cổ, người ta mới chỉ biết có 9 nguyên tố: vàng, bạc, thiếc, thủy ngân, đồng chì, sắt, cacbon và lưu huỳnh.

Tên của các kim loại có nguồn gốc từ tiếng La Tinh mô tả đặc tính của chúng hoặc mang tên nơi khai thác.

  • Aurum (vàng) có nghĩa là buổi bình minh vàng.
  • Argentum (bạc) có nghĩa là “sáng bóng”.
  • Stannum (thiếc) có nghĩa là “dễ nóng chảy”.
  • Hydrorgyrum (thủy ngân) có nghĩa là “nước bạc”.
  • Plumbum (chì) có nghĩa là “nặng”
  • Cuprus (đồng) mang tên vùng Cyprus, nơi có nhiều mỏ đồng. Tên một số nguyên tố, có lẽ bắt nguồn từ chữ Phạn (Sanskrit) có trước chữ La tinh.

Nhiều nước gọi tên nguyên tố theo tiếng nước mình. Chẳng hạn người Angloxacxong cổ gọi thủy ngân là Mercury còn người Pháp gọi là Mercure.

Mercure là tên sao Thủy, đó cũng là tên thần “Tín sứ” trong thần thoại La Mã, là tên thần “Thương mại” trong thần thoại một số nước châu Âu khác. Sao thủy là một vì tinh tú chuyển động nhanh qua bầu trời cũng như thủy ngân là kim loại lỏng duy nhất và “chạy” rất nhanh. Mặt khác, người ta ví nó với thần thương mại nó cũng linh hoạt như các bác lái buôn.

Cho đến thế kỷ 17, hóa học vẫn chưa phải là một khoa học thật sự, nó mới chỉ là một số hiểu biết không định lượng, không có hệ thống. Vì vậy việc đặt tên các nguyên tố mới tìm ra vẫn còn mang tính chất tùy tiện.

  • Chẳng hạn tên nguyên tố Stibi là lấy từ tên chất stibi (Sb2S3) dùng để tô đen lông mày phụ nữ. Tên La tinh của nó là Stibium, nghĩa là “dấu vết để lại”.

Người Pháp gọi nguyên tố này là Antimoine bắt nguồn từ sự kiện sau: Để thử nghiệm tính chất sinh lý của nó, một tu sĩ trong một giáo đường đã trộn stibi vào thức ăn của đồng đạo và nhiều tu sĩ đã lâm nạn. Theo tiếng Pháp thì Anti có nghĩa là phản lại, còn moine có nghĩa là thầy tu.

  • Zinrum (kẽm) bắt nguồn từ tiếng Ba Tư “Seng”, có nghĩa là “đá” và người Đức gọi nó là Zinke.
  • Nguyên tố Asen bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Arsenikos có nghĩa là giống đực bởi vì các nhà giả kim thuật tin rằng kim loại cũng có giống đực, giống cái như các loài sinh vật. Còn người Ba Tư gọi nó là Zarnik có nghĩa là màu vàng.

Năm 1787, Lavoadie (A. Lavoisier), nhà hóa học lỗi lạc người Pháp đã xuất bản cuốn “Danh pháp hóa học” trong đó ông đề nghị nên thống nhất cách đặt tên các nguyên tố hóa học bằng cách dựa vào tính chất của mỗi nguyên tố.

Trong suốt 125 năm sau đó hầu hết các nguyên tố đều được đặt tên ứng với tính chất của chúng. Chẳng hạn một số nguyên tố có tên tiếng Pháp như sau:

  • Hydrogène (Hidro) theo chữ La Tinh Hydros-gen có nghĩa là sinh ra nước (khi đốt khí Hydro).
  • Oxygène (Oxy) theo chữ La Tinh Oksys-gen có nghĩa là sinh ra axit (ở đây Lavodie ngộ nhận axit nào cũng chứa oxi).
  • Brome (Brom) bắt nguồn từ chữ bromos có nghĩa là “hôi, thối”.
  • Argon (agon) bắt nguồn từ chữ A-ergon có nghĩa là “không phản ứng”.

Thật ra, ban đầu Ramsay và Rayleigh – những người tìm ra nguyên tố này đặt tên nó là “Aer” có nghĩa là “từ không khí”.  Nhưng hai ông bị công kích kịch liệt vì tên aeron quá gần với tên Aaron là anh cả của Moise và là đại giáo chủ người Do Thái.

  • Radium theo tiếng La Tinh là “tia” được dùng để đặt tên cho nguyên tố Radi. Radon cũng là một nguyên tố phóng xạ tự nhiên.

Màu sắc của nguyên tố hoặc màu của vạch quang phổ đặc trưng của nguyên tố cũng thường được dùng để biểu thị tính chất của nguyên tố.

Chẳng hạn tên các nguyên tố sau đây có nguồn gốc từ tiếng La Tinh hay Hy Lạp có nghĩa là:

  • Iot (Ioeides) : màu tím.
  • Iriđi (Iris) : cầu vồng (o hợp chất có nhiều màu sắc khác nhau).
  • Xesi (Cesius) : màu xanh da trời.
  • Indi (Indium): màu chàm.
  • Tali (Thalios) : màu xanh lục.

Tuy nhiên trái với những đề nghị của Lavoadie, nhiều nguyên tố vẫn được đặt tên theo các thiên thể, các nhân vật thần thoại, các nhà khoa học, các địa danh đã tìm ra nguyên tố, các quặng, các cây chứa nguyên tố hoặc theo mê tín dị đoan, đôi khi tên nguyên tố còn chứa đựng lịch sử tìm ra chúng.

–         Những nguyên tố mang tên các thiên thể và thiên thần:

  • Heli là Mặt Trời.
  • Telu (Tellurium) là đất.
  • Selen là Mặt Trăng (được tìm ra gần như đồng thời với Telu).
  • Xeri (Cerium) là tên sao Thần Nông.
  • Urani là tên sao Thiên Vương,
  • Neptuni là tên sao Hải Vương.
  • Plutoni là tên sao Diêm vương.

Hai nguyên tố đứng sau Urani là Neptuni và Plutoni được đặt theo tên của hai ngôi sao đứng sau sao Thiên Vương trong thái dương hệ.

  • Prometi đặt theo tên thần Prométheé , vị thần đã ăn trộm lửa thiên của trời cho loài người khai sáng ra nền văn minh đầu tiên của nhân loại.
  • Vanadi là tên của nữ thần Vanadis của các dân tộc Scanđinavơ.
  • Titan là tên thần Titans.
  • Tantan là tên thần Tantalos.
  • Thori là tên thần Thor, thần chiến tranh của người Scanđinavơ.
  • Coban là tên thần Kobold, một vị hung thần làm trở ngại cho việc khai thác mỏ đồng. Những người thợ mỏ còn gọi Coban là “đồng giả hiệu”.

–         Những nguyên tố mang tên quặng, tên cây chứa nguyên tố đó:

  • Kali lần đầu tiên thu được từ cây Salsola Kali. Người ta còn tìm thấy kali trong quặng potat (K2CO3) nên người Pháp và người Anh gọi Kali là Potassium.
  • Natri lần đầu thu được từ quặng Nitrum. Về sau quặng Nitrum được gọi là quặng soda (Na2CO3). Vì vậy người Pháp và người Anh gọi Natri là Sodium.

–         Những nguyên tố mang tên các địa danh. Sau đây  là một số ví dụ:

  • Rutheni gốc tiếng  Latinh là tên nước Nga
  • Gali theo gốc tiếng La tinh là tên cổ của nước Pháp
  • Lutex theo gốc tiếng La Tinh là tên thành phố Paris.
  • Germani theo gốc tiếng La tinh là tên đế quốc Nhật- Nhĩ- Mau.
  • Poloni đặt theo tên tổ quốc Ba Lan (Poland) của bà Mari Sklodowska Curi.
  • Có lẽ làng Ytterbi của đất nước Thụy Điển giữ kỷ lục thế giới vì có tới… 4 nguyên tố mang tên làng ấy. Đó là Ytri, Tebi, Eribi, Ytecbi.

–         Những nguyên tố mang tên các nhà khoa học. Sau đây là một số ví dụ:

  • Curi kí hiệu là Cm. C là chữ cái đầu của Curi, m là chữ cái đầu Marie. Đó là tên vợ chồng nhà bác học Pierre Curie người Pháp và Marie Sklodowska người Ba Lan. Ông bà là “cha mẹ” đã khai sinh cho hai nguyên tố Poloni và Radi và có công đầu khai sáng ra môn phóng  xạ.
  • Ensteni mang tên nhà bác học lỗi lạc A.Einstein người Đức, tác giả thuyết tương đối, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của vật lý học hiện đại.
  • Nobeli mang tên nhà hóa học Nobel, người Thụy Điển, người đã dành toàn bộ gia sản đặt giải thưởng Nobel.
  • Femi mang tên nhà vật lý học người Ý, người đã chế tạo ra pin Urani (lò phản ứng hạt nhân) đầu tiên năm 1942.
  • Lorenxi mang tên nhà vật lý học người Mỹ- người đã chế tạo ra máy xiclotron – máy gia tốc hình khuyên, gia tốc các hạt nặng mang điện.
  • Mendelevi mang tên nhà hóa học Nga vĩ đại là Mendeleep người đã tìm ra định luật tuần hoàn, kim chỉ nam cho việc nghiên cứu nhiều ngành khoa học.

Đôi khi tên các nguyên tố chứa đựng lịch sử tìm ra chúng.

Chẳng hạn năm 1839, Mosander đặt tên cho nguyên tố ông tách ra được từ hợp chất của Xeri là Lantan. Theo tiếng Hy Lạp thì Lantan có nghĩa là “sống ẩn náu”.

Hai năm sau, cũng từ muối Xeri ông nghĩ rằng mình đã thêm được một nguyên tố nữa và đặt tên là Điđi. Điđi theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “anh em sinh đôi”, bởi vì “không thể tách rời anh em sinh đôi này ra khỏi lantan. Ở đâu có lantan ở đó có Điđi”.

Nhưng đến năm 1885, V.Welsach đã tách Điđi thành hai nguyên tố mới và đặt tên là Neodin và Prazeodin. Theo tiếng Hy Lạp thì Neodin có nghĩa là “anh em  sinh đôi mới” và Prazeodin là “anh em sinh đôi xanh”.

Việc tranh chấp tên các nguyên tố

Hầu hết các nguyên tố được biết hiện nay đều được đặt tên một cách êm thấm. Nhưng đối với một số nguyên tố thì tiếc thay, sự việc lại không diễn ra như vậy. Ta hãy nêu một vài sự việc:

  • Niobi hay Columbi? (nguyên tố số 41)

Năm 1803, Ekeberg tách ra được từ quặng chứa tantan một nguyên tố mới và đặt tên là Niobi bắt nguồn từ chỗ theo thần thoại Hy Lạp thì Niobi là con gái thần tantan.

Nhưng về sau người ta n hận ra rằng Niobi chính là nguyên tố đã được Hatchett phát hiện ra trước đó một năm và ông dự định đặt tên là Columbi. Có điều lý thú là hơn một thế kỷ trước, viên toàn quyền đầu tiên của ban Conecticut (Mỹ) là Winthrop đã gửi về Anh một mẫu quặng và chính từ mẫu quặng đó , hơn 100 năm sau tức là năm 1802 Hatchett đã tách ra được một nguyên tố mới và đề nghị đặt tên là Columbi.

Trong khi ở châu Âu, người ta đã chấp nhận tên Niobi thì ở bên kia Đại Tây Dương, người Mỹ vẫn gọi nguyên tố đó là Columbi.

Cho mãi đến năm 1949, sau hơn 100 năm tranh chấp, tổ chức IUPAC (Hiệp hội quốc tế về hóa học lý thuyết và ứng dụng) đã quyết định nguyên tố thứ 41 chỉ mang một tên duy nhất là Niobi.

  • Nguyên tố 104 mang tên Kusatovi hay Rơdơfodi?

Cuộc tranh chấp về tên của nguyên tố 104 cũng kéo dài nhiều năm. Báo chí Liên Xô (cũ) và các nước Scandinvơ gọi nguyên tố 104 là Kusatovi để tôn vinh nhà bác học Kusatốp – Cha đẻ ra nền nguyên tử học Liên Xô (cũ). Còn báo chí Anh, Mỹ gọi là Rơdơfodi (Rutherfordium) để ghi công nhà bác học Anh là E.Rutherford – người đã tìm ra hạt nhân nguyên tử.

  • Nguyên tố 105 được gọi là Halni hay Ninsbori?

Cũng tương tự như nguyên tố 104, ở một số nước người ta gọi nguyên tố 105 là Halni để tưởng nhớ nhà bác học Đức Otto Haln, người đã đề xướng ra lý thuyết về sự phân rã của Urani. Ở một số nước khác, người ta lại gọi là Ninsbori (Niels-bohrium) để tôn vinh nhà bác học Đan Mạch Niel-Bohr, người có công đặt nền móng cho lý thuyết cấu tạo nguyên tử.

Năm 1978 để tránh những phiền hà trong việc đặt tên các nguyên tố, tổ chức IUPAC đã khuyến cáo rằng, từ nay (ít nhất là trong tình hình lúc bấy giờ) tên các nguyên tố từ 104 trở đi được đặt theo một hệ thống các con số:

nil là 0

un là 1

bi là 2

tri là 3

quad là 4…thêm tiếp vị ngữ ium.

Nguyên tố 104 được gọi là unnilquadium

Nguyên tố 105 được gọi là unnilpentium

Nhiều nhà hóa học đề nghị tổ chức IUPAC xem xét lại quyết định của mình và sẽ cho phép đặt tên các nguyên tố không theo nguyên tắc trên.

Há chẳng phải là một sự xúc phạm đối với các bậc “cha mẹ” đã tìm ra nguyên tố mà không có quyền đặt tên cho “con cái” hay sao?

Tháng 9 năm 1997

Để chấm dứt các  cuốc tranh chấp kéo dài giữa các trung tâm khoa học của các nước (chủ yếu là Hội hóa học Mỹ, phòng thí nghiệm Dubna-Liên Xô cũ và hiện nay là Nga-và trung tâm GSC ở Darmstadt-Đức) giành bằng phát minh và quyền đặt tên cho các nguyên tố mới từ 104 trở đi, vào tháng 8/1997, tại Geneve (Thụy Sĩ), trong một hội nghị gồm các thành viên của hơn 40 nước tham gia, IUPAC đã ra quyết định và được đại đa số cộng đồng thế giới chấp nhận.

  • Nguyên tố 104 đước đặt tên là Rutherfordium kí hiệu là Rf. Nguyên tố này mang tên nhà bác học Rutherford, người đã phát hiện ra hạt nhân nguyên tử. Nguyên tố không còn mang tên Kusatovium (Ku) “cha đẻ” ra nền nguyên tử học Xô Viết mà trước đây Liên Xô và một số nước vẫn dùng.
  • Nguyên tố 105 được đặt tên là Dubnium (Db). Nguyên tố này mang tên địa danh Dubna (Nga) nơi đặt phòng thí nghiệm Dubna). Nguyên tố này không còn mang tên Halni (Ha) hay Nilsbohrium (Ns) mà trước đây một số nước vẫn dùng.
  • Nguyên tố 106 mang tên Seaborgium (Sg). Nguyên tố này mang tên nhà bác học Gleen Seaborg (Mỹ), người lãnh đạo tài ba phòng thí nghiệm Berkeley, nơi đã tổng hợp được hàng loạt các nguyên tố siêu uran.

Đây là trường hợp chưa từng có đối với một nhà khoa học khi còn sống.

  • Nguyên tố 107 Bohrium (Bh). Nguyên tố 107 manh tên nhà bác học Đan Mạch Nils Bohr, người có công đặt nền móng cho lý thuyết cấu tạo nguyên tử.
  • Nguyên tố 108 Hassium (Hs). Nguyên tố mang tên địa danh Hass (Đức), nơi có trung tâm nghiên cứu các nguyên tố siêu nặng.
  • Nguyên tố 109 Meitnerium (Mt). Nguyên tố mang tên nhà bác học Đức Lise Meitner, người cộng tác với Otto Haln trong công trình phản ứng phân chia hạt nhân.
  • Nguyên tố 110-118. Tuy phòng thí nghiệm của một số nước thông báo đã tìm ra nguyên tố 110, 111, 114, 118 nhưng chưa được xác nhận và IUPAC qui định từ nguyên tố 110-118 tạm thời được đặt tên theo hệ thống các con số (như qui định năm 1978).

Như vậy:

  • Nguyên tố 110 được mang tên là Ununnilium, kí hiệu Uun.
  • Nguyên tố 111 được mang tên là Unununium, kí hiệu Uuu.
  • Nguyên tố 112 được mang tên là Ununbiium, kí hiệu Uub.
  • Nguyên tố 113 được mang tên là Ununtriium, kí hiệu Uut.
  • Nguyên tố 114 được mang tên là Ununquadium, kí hiệu Uuq.
  • Nguyên tố 115 được mang tên là Ununpentium, kí hiệu Uup.
  • Nguyên tố 116 được mang tên là Ununhexium, kí hiệu Uuh.
  • Nguyên tố 117 được mang tên là Ununseptium, kí hiệu Uus.
  • Nguyên tố 118 được mang tên là Ununoctium, kí hiệu Uuo.

Hơn 100 nguyên tố hóa học khác nhau, hơn 100 lịch sử phát minh, hơn 100 tên gọi!

Dĩ nhiên là còn nhiều nguyên tố mới sẽ được tổng hợp.

Sự đa dạng về tên các nguyên tố cũng nói lên phần nào lịch sử lâu đời và đầy màu sắc của môn hóa học.

Sưu tầm…(trang 246-257, tài liệu?)

Từ khóa » Nguyên Tố Uub