Ngưu Bàng Tử, Trừ Phong Nhiệt - Tin Tổng Hợp - Cổng Thông Tin Bộ Y Tế

Ngưu bàng tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây ngưu bàng (Arctium lappa Linn). Theo Đông y, ngưu bàng tử có vị cay, đắng, tính hàn; vào kinh phế và vị. Có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng và sát khuẩn. Dùng chữa cảm cúm, thông tiểu và chữa sốt, sưng vú, cổ họng sưng đau, viêm phổi, viêm tai, thúc mụn nhọt tràng nhạc nhanh vỡ và khỏi. Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các thuốc khác.

Một số cách dùng ngưu bàng tử trị bệnh:

Tán nhiệt, giải biểu:

Bài 1: Ngân kiều tán: ngưu bàng tử 24g, kim ngân 40g, liên kiều 40g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, cam thảo 20g, đạm đậu xị 20g, hoa kinh giới 16g, lá tre 4g. Các vị tán bột, lấy 24g hãm với nước sôi để uống, ngày 3-4 lần tùy theo bệnh nặng nhẹ. Trị các chứng cảm mạo phong nhiệt, toàn thân phát sốt, hơi sợ lạnh, miệng khát họng rát, ho, khạc ra đờm vàng.

Bài 2: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, thuyền thoái 6g. Sắc uống. Trị cảm mạo phong nhiệt.

Bài 3: ngưu bàng tử 12g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 8g, kinh giới 8g, bạc hà 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Mát họng, giảm đau:

Bài 1: Thang ngưu bàng: ngưu bàng tử 16g, đại hoàng 12g, phòng phong 12g, bạc hà 4g, kinh giới tuệ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng khi phong nhiệt sinh viêm họng.

Bài 2: ngưu bàng tử 8g, cát cánh 6g, kinh giới tuệ 6g, cam thảo 3g. Sắc uống. Chữa viêm cổ họng, đậu chẩn chậm mọc, sốt nóng. Nếu đậu chẩn đã mọc vẫn uống được nhưng không dùng cho người bị đại tiện lỏng, tỳ vị hư hàn.

Dùng khi phong nhiệt nhiễm vào phổi, ho, hen có đờm: ngưu bàng tử 12g, kinh giới 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Thúc sởi, tống độc: ngưu bàng tử 16g, kinh giới tuệ 8g, cát căn 12g, bạc hà 4g, liên kiều 12g, tiền hồ 8g, cát cánh 8g, hạnh nhân 12g. Sắc uống. Dùng khi sởi chưa mọc, phát ban, mụn nhọt.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng không dùng.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống​

Từ khóa » Cây Ngưu Bàng Tử Có Công Dụng Gì