Nguyễn Ái Quốc Với Tờ Báo Thanh Niên - Báo Hậu Giang

So với các nước phương Tây, báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn. Năm 1865, tờ báo đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ (Gia Định báo) mới được ra mắt bạn đọc. Tuy báo do thực dân Pháp chủ trương nhưng việc xuất bản một ấn phẩm bằng ngôn ngữ dân tộc vào thế kỷ XIX là sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ ấy, báo chí xuất bản ở nước ta ngày càng nhiều nhưng chưa có tờ nào đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân; chỉ đợi đến năm 1925 tiếng nói của báo chí cách mạng Việt Nam - báo Thanh niên - do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, mới được ra mắt bạn đọc.

Báo Thanh niên số ra ngày 3-10-1926. Ảnh: Tư liệu

Ngày 25-9-1924, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chấp thuận cho Người về Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, khi đã có một đội ngũ cán bộ nòng cốt, Nguyễn Ái Quốc cùng với nhóm thanh niên “Cộng sản đoàn” quyết định thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để mở rộng tổ chức và chuẩn bị gây cơ sở trong nước. Cơ quan Tổng bộ do Người lãnh đạo. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên của người Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Người. Để phục vụ cho đường lối cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, cảnh tỉnh Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 21-6-1925, số báo đầu tiên của tuần báo Thanh niên ra đời. Báo phát hành vào ngày chủ nhật hàng tuần, khổ khoảng 18 x 24cm, có số 4 trang, số 2 trang, viết bằng bút sắt trên giấy sáp, phát hành vài trăm bản. Trên mặt báo có các mục: xã luận, bình luận, phụ nữ đàm, vấn đáp, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc… Cùng tham gia viết báo còn có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh…

Chỉ từ ba đến năm tuần sau khi ấn hành, báo đã được các đường dây liên lạc bí mật đưa về lưu hành trong nước.

Tuy số lượng còn ít, hình thức còn khiêm nhường nhưng báo Thanh niên có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Nó không chỉ là điểm mốc mở đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là sản phẩm báo chí đầu tiên được sử dụng với ý nghĩa đầy đủ là phương tiện truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Báo đã đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản nhằm động viên tinh thần yêu nước của Nhân dân cần lao, làm cho giai cấp công nhân Việt Nam mau chóng trở thành lực lượng chính trị độc lập, giác ngộ những người yêu nước theo đường lối mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra, đẩy lùi khuynh hướng tư sản. Đây cũng là cơ quan liên lạc, tổ chức, chuẩn bị lực lượng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Nguyễn Ái Quốc xác định rõ mục đích của báo là: “1- đánh trả sự tàn bạo của người Pháp, 2- khích lệ dân tộc An Nam kết liên lại, 3- làm cho họ thấy được nguyên nhân đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kèn báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu” (1).

Vì vậy, báo Thanh niên tập trung tuyên truyền xoay quanh những chủ đề chính như sau:

1. Đế quốc và thuộc địa.

2. Cách mạng và cải lương

3. Vì lẽ gì người Việt Nam chưa làm cách mạng được? Những trở ngại về tư tưởng và tổ chức cần vượt qua.

4. Đảng cách mạng - Đảng Cộng sản.

5. Cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới.

6. Đảng cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất.

7. Hướng tới phát động một phong trào đấu tranh của quần chúng.

8. Học tập kinh nghiệm các cuộc cách mạng thế giới.

9. Học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tháng 4-1927, chính quyền Tưởng Giới Thạch đàn áp, bắt bớ các nhà cách mạng Trung Quốc và Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Liên Xô (đến lúc này Người trực tiếp chỉ đạo xuất bản được 88 số). Giai đoạn sau đó, báo xuất bản thêm được hơn 100 kỳ nữa nhưng khoảng cách thời gian giữa các kỳ không đều và lưu hành cũng bí mật hơn vì bị mật thám Pháp theo dõi cùng sự trấn áp gắt gao của chính quyền sở tại.

Trên 50 năm hoạt động sáng tạo không ngừng, ngoài báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc còn khai sinh ra nhiều tờ báo khác như: Người cùng khổ (Le Paria, 1922), Quốc tế nông dân (1924), Công nông (1925), Lính kách mệnh (1925), Thân ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942)… Người đã viết nhiều bài báo với nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt, với trên 150 bút danh. Các bài báo của Người được đánh giá rất cao không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả về hình thức nghệ thuật. Đối với Người “cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”.

Nguyễn Ái Quốc là người khai sinh, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí cách mạng. Tư tưởng của Người gồm những quan điểm toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất cơ bản của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; về nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức, phong cách của người làm báo với tư cách là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là “cẩm nang thần kỳ” cho đội ngũ những người làm báo, là tài sản tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc ta. Học tập, vận dụng và phát huy tư tưởng của Người là một yêu cầu quan trọng để bảo đảm sự phát triển của nền báo chí trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, báo chí càng giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi những người làm báo phải phấn đấu cao hơn, nhiều hơn nữa; ra sức học tập chính trị, trau dồi nghiệp vụ; nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn để xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Để báo chí trở thành tiếng nói chung của Đảng và Nhân dân, người làm báo cần thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “phải là người tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”(2); bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần phát triển xã hội, bảo vệ cuộc sống yên bình của Nhân dân.

Chính những cống hiến lớn lao của báo chí cách mạng và cũng để ghi nhận công lao của những người làm báo, ngày 5 tháng 2 năm 1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21-6 hàng năm làm “Ngày Báo chí Việt Nam” nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”.

ĐÀO LIÊM

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 2 trang 446.

(2) Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, laodong, 20-6-2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Sổ tay báo cáo viên, Ban TTVH Trung ương, Hà Nội, tháng 1/2005.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2004.

3. Tìm hiểu tư tưởng HCM về báo chí của PGS-TS Tạ Ngọc Tấn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

4. Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước của Thanh Đạm, Nxb Trẻ, Nghệ An 1998.

5. Nguyễn Ái Quốc, những năm tháng ở nước ngoài của Đặng Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, 2005.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

7. Bác Hồ với báo chí cách mạng.

8. Hồ Chí Minh - tiểu sử, Nxb lý luận chính trị, Hà Nội 2006.

Từ khóa » Tờ Báo Lính Cách Mệnh