Nhớ Lời Bác Dạy Về Nghề Làm Báo

    Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một nhà báo uyên bác. Người đã dùng báo chí làm vũ khí đắc lực trong quá trình hoạt động cách mạng của mình. Trải qua gần 60 năm hoạt động, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện, ký và ký họa. Người còn sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942) và Tạp chí Đỏ (1930). Đồng thời, Bác chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15/9/1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân), ngày 11/3/1951. Trong quá trình hoạt động Người đã sử dụng 150 bút danh và viết báo bằng nhiều thứ tiếng, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, công nhân viên Nhà máy in Tiến Bộ tại Hà Nội, ngày 11/5/1959. Nguồn baonghean.vn

 

    Và tờ Báo Thanh Niên, cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đặt nền móng của báo chí cách mạng, Người cũng trực tiếp phụ trách công tác biên tập và cũng là cây viết chủ yếu. Từ đó trở đi, lịch sử báo chí nước ta cũng luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ “tìm đường cứu nước”; “vận động cách mạng”; “kháng chiến giải phóng dân tộc”; “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; và đến ngày nay là “đổi mới và hội nhập quốc tế”; dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Báo chí cách mạng Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò tuyên truyền, cổ động tập thể, tổ chức tập thể như V.I.Lênin từng yêu cầu, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Nói về làm báo và viết báo, Bác Hồ cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946). Và Người cho là: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em trí thức Nam bộ, năm 1947). Trong kháng chiến chống Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc” (Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949) và Bác luôn căn dặn các nhà báo:  “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”” (Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965); Bác cũng chia sẻ về kinh nghiệm trong đời làm báo, Bác Hồ nói với báo giới: “Kinh nghiệm làm báo của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam”. Sự đi ngược ấy theo Người nói, là bắt nguồn từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Khởi đầu, Nguyễn Ái Quốc, thông qua những bài báo viết bằng tiếng Pháp, đánh động dư luận Pháp và châu Âu về tình cảnh các nước thuộc địa trên bán đảo Đông Dương. Sau đó, đến làm việc tại nước nào, Bác cũng cố gắng nắm vững ngôn ngữ nước ấy để viết báo, như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Thái, tiếng Đức, tiếng Trung Hoa...

    Trong Văn kiện Đại hội XI, lần đầu tiên Đảng ta đã chính thức ghi nhận và yêu cầu nền báo chí cách mạng Việt Nam nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”. Đây là yêu cầu cao và mới, đòi hỏi báo chí phải tiếp tục vươn lên để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng của loại hình văn hóa đặc biệt quan trọng này. Trong thời gian vừa qua, chức năng phản biện của báo chí tuy đã có những cố gắng nhưng vẫn chưa thể hiện rõ nét, và vẫn còn những nhận thức rất khác nhau, tình trạng né tránh những vấn đề gai góc nhạy cảm vẫn tồn tại.

Hồ Chủ tịch tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962). Nguồn baonghean.vn

 

    Tình hình trong nước, khu vực, quốc tế hiện nay đã và đang đặt ra cho công tác báo chí nhiệm vụ nặng nề, quan trọng là giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, động viên mọi tiềm năng, sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) đi vào cuộc sống. Báo chí phải đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, chiến đấu, chân thật và thẩm mỹ; phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích và lập trường chính trị của Báo chí cách mạng; phải chống khuynh hướng thương mại hoá, chạy theo lợi nhuận; phải chống hiện tượng lợi dụng báo chí và tự do ngôn luận để làm lộ bí mật quốc gia, thông tin kích động dư luận... Báo chí cần góp phần vào việc xây dựng con người mới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân; tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại, đồng thời đấu tranh chống ảnh hưởng xấu độc của văn hoá ngoại lai, góp phần bảo vệ và xây dựng văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Báo chí cũng có trách nhiệm vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của kẻ địch; tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc đổi mới, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.

    Ngày nay, trong kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề làm báo; làm cho báo chí nước nhà luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới. Các chiến sỹ - Nhà báo xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, phục vụ cho công cuộc đổi mới, bảo vệ và phát triển của đất nước, để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén và đắc lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Anh Võ

Từ khóa » Tờ Báo Lính Cách Mệnh