Nguyên Nhân Nào Gây Tiểu Buốt, Tiểu Rát? - Suckhoe123
Có thể bạn quan tâm
Tiểu buốt hay tiểu rát là từ dùng chung cho hiện tượng đau đớn, nóng rát hoặc buốt mỗi khi đi tiểu. Cơn đau có thể xảy ra ở bàng quang, niệu đạo hoặc đáy chậu (vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục).
Ở nam giới, vùng giữa bìu và hậu môn được gọi là đáy chậu. Còn ở phụ nữ, đáy chậu là vùng giữa hậu môn và cửa âm đạo.
Đau khi đi tiểu là vấn đề rất phổ biến và là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Các nguyên nhân gây đau khi đi tiểu
Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra cảm giác đau đớn khi đi tiểu và hầu hết các nguyên nhân này đều có thể điều trị được.
Dưới đây là 10 nguyên nhân thường gặp nhất cùng với các triệu chứng khác đi kèm.
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đừng tiết niệu là một nguyên nhân phổ biến nhất gây đau khi đi tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn sinh sôi quá mức ở một cơ quan trong đường tiết niệu. Đường tiết niệu gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra bên ngoài cơ thể).
Triệu chứng đi kèm
Ngoài cảm giác đau buốt khi đi tiểu, người bị nhiễm trùng đường tiết niệu còn gặp các triệu chứng khác như:
- Buồn tiểu thường xuyên
- Nước tiểu đục hoặc có lẫn máu
- Sốt
- Nước tiểu có mùi hôi
- Đau ở bụng dưới và lưng
2. Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia, lậu và herpes, đều có thể ảnh hưởng đến đường tiết niệu và gây nên cảm giác đau khi đi tiểu.
Triệu chứng đi kèm
Mỗi một bệnh lây truyền qua đường tình dục lại có các triệu chứng khác nhau. Ví dụ, bệnh herpes thường gây ra các vết phồng rộp và lở loét trên bộ phận sinh dục hoặc miệng.
3. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, tình trạng viêm mãn tính do bệnh lý khác, chẳng hạn như một bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm tuyến tiền liệt.
Triệu chứng đi kèm
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt còn có thể gây ra các triệu chứng khác như:
- Tiểu khó
- Đau ở bàng quang, tinh hoàn và dương vật
- Khó xuất tinh và đau khi xuất tinh
- Buồn tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
4. Sỏi thận
Sỏi thận cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tiểu buốt.
Sỏi thận là những cục cứng tích tụ từ các vật liệu khác nhau, ví dụ như canxi hoặc axit uric, hình thành bên trong hoặc xung quanh thận.
Đôi khi, sỏi thận mắc ở niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận đi vào bàng quang và cũng gây ra cảm giác đau buốt khi đi tiểu.
Triệu chứng đi kèm
Ngoài chứng khó tiểu và tiểu buốt, sỏi thận còn gây ra các triệu chứng khác như:
- Đau tức ở vùng bụng dưới sườn và lưng
- Nước tiểu có màu hồng hoặc nâu
- Nước tiểu đục
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Sốt
- Ớn lạnh
- Buồn tiểu thường xuyên nhưng mỗi lần chỉ ra một lượng nước tiểu rất ít
5. U nang buồng trứng
Giống như sỏi thận, u nang buồng trứng cũng có thể chèn ép lên bàng quang từ bên ngoài và gây đau khi đi tiểu.
U nang buồng trứng là những u lành, có thể hình thành ở một hoặc cả hai buồng trứng – cơ quan nằm ở hai bên bàng quang.
Triệu chứng đi kèm
Những phụ nữ bị u nang buồng trứng thường gặp các triệu chứng như:
- Ra máu âm đạo bất thường
- Đau tức vùng chậu
- Cảm giác tiểu không hết
- Đau đớn khi đến kỳ kinh nguyệt
- Vú nhạy cảm
- Đau âm ỉ ở lưng dưới
6. Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng mãn tính gây đau bàng quang và đôi khi là cả vùng chậu, kéo dài từ 6 tuần trở lên mà không phải do nhiễm trùng.
Triệu chứng đi kèm
Viêm bàng quang kẽ thường gây ra các triệu chứng sau đây:
- Đau tức ở vùng bàng quang
- Đau khi quan hệ
- Đau ở âm hộ hoặc âm đạo
- Đau ở bìu
- Đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu ít
7. Do chất gây kích ứng
Đôi khi, chất hóa học có trong các sản phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày, chẳng hạn như bột giặt hay nước xả vải là thủ phạm gây kích ứng vùng kín vốn nhạy cảm. Mỗi khi đi tiểu, tình trạng kích ứng này sẽ gây đau rát và ngứa.
Các sản phẩm có thể chứa hóa chất gây kích ứng gồm có:
- Dung dịch thụt rửa
- Xà phòng
- Giấy vệ sinh, băng vệ sinh có mùi thơm
- Chất bôi trơn âm đạo
- Sản phẩm dùng cho quần áo
- Chất tạo bọt bồn tắm
Triệu chứng đi kèm
Các sản phẩm này còn có thể gây ra các vấn đề khác như:
- Sưng đỏ
- Ngứa ngáy
- Kích ứng da xung quanh bộ phận sinh dục
8. Nhiễm trùng âm đạo
Nhiễm trùng âm đạo, hay còn được gọi là viêm âm đạo, là tình trạng xảy ra do sự phát triển quá mức của vi khuẩn hoặc nấm men (nấm candida) bên trong âm đạo.
Triệu chứng đi kèm
Ngoài đau khi đi tiểu, các triệu chứng của nhiễm trùng âm đạo còn có:
- Dịch tiết âm đạo có màu hoặc mùi bất thường
- Ngứa ngáy vùng kín
- Đau rát khi quan hệ
- Ra máu âm đạo bất thường
9. Do dùng thuốc
Một số loại thuốc có thể đi kèm tác dụng phụ gây viêm bàng quang.
Một số loại thuốc, ví dụ như những loại được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang, có thể gây kích ứng và viêm mô bàng quang, dẫn đến tình trạng tiểu buốt.
Khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới và gặp hiện tượng đau khi đi tiểu thì cần thông báo cho bác sĩ để hỏi xem liệu triệu chứng này có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không. Không nên tự ý dừng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Triệu chứng đi kèm
Các triệu chứng đi kèm khác tùy thuộc vào từng loại thuốc.
10. Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh bình thường trong bàng quang trở thành tế bào ung thư và tạo thành khối u.
Cảm giác đau buốt khi đi tiểu thường không phải là triệu chứng sớm của ung thư bàng quang mà những người bị bệnh này thường gặp hiện tượng nước tiểu sẫm màu hoặc có lẫn máu.
Triệu chứng đi kèm
Các triệu chứng khác của ung thư bàng quang gồm có:
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm
- Tiểu khó, tiểu rắt, tiểu són không tự chủ hoặc dòng tiểu yếu
- Đau vùng lưng dưới
- Mất cảm giác ngon miệng khi ăn
- Sụt cân không chủ đích
- Người mệt mỏi
- Sưng phù chân
- Đau xương
Khi nào cần đi khám?
Hầu hết mọi người đều từng gặp hiện tượng đau đớn khi đi tiểu ít nhất một lần.
Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ nếu như cơn đau kéo dài dai dẳng và còn đi kèm các triệu chứng khác như:
- Lẫn máu trong nước tiểu với biểu hiện là nước tiểu chuyển màu hồng, nâu hoặc đỏ
- Đau ở hông hoặc lưng dưới
- Cơn đau kéo dài quá 24 tiếng
- Dịch tiết bất thường từ dương vật hoặc âm đạo
- Sốt
Nếu người lớn bị sốt cao hơn 39 độ thì cần đưa đến bệnh viện khẩn cấp.
Tuy nhiên, dù đau nặng hay nhẹ và tình trạng kéo dài bao lâu thì cũng không nên coi thường triệu chứng đau khi đi tiểu. Nên đi khám để bác sĩ xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị tiểu buốt hay tiểu rát còn phụ thuộc vào nguyên nhân của vấn đề. Một số phương pháp điều trị gồm có:
Dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Với các trường hợp bị viêm bàng quang kẽ thì điều trị bằng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm ba vòng, pentosan polysulfate sodium (elmiron) và acetaminophen (Tylenol) với codein.
Tình trạng tiểu rát do nhiễm vi khuẩn thường cải thiện khá nhanh sau khi bắt đầu dùng thuốc nhưng luôn phải dùng thuốc chính xác theo như chỉ định của bác sĩ để tránh vi khuẩn kháng thuốc và bệnh tái phát. Đau do viêm bàng quang kẽ thường khó điều trị hơn và hiệu quả từ các loại thuốc cũng chậm hơn. Có thể phải dùng thuốc trong thời gian lên đến 4 tháng mới bắt đầu thấy cải thiện.
Cần tránh sử dụng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh hoặc các sản phẩm chứa chất hóa học có thể gây kích ứng ở vùng sinh dục. Nếu nguyên nhân là do hóa chất thì chỉ cần ngừng sử dụng sản phẩm đó là các triệu chứng sẽ tự hết.
Những người bị đau đớn khi đi tiểu nên uống nhiều nước để làm loãng nước tiểu và giúp cho việc đào thải được dễ dàng, bớt đau đớn hơn.
Cách ngăn ngừa đau khi đi tiểu
Có một số thay đổi về lối sống mà bạn có thể áp dụng để làm giảm nguy cơ bị các vấn đề gây đau khi đi tiểu. Ví dụ, tránh xa các chất tẩy rửa và sản phẩm vệ sinh có mùi thơm để tránh kích ứng. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thay đổi chế độ ăn uống, tránh các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang như rượu, caffeine, thực phẩm cay, trái cây chua và chất tạo ngọt nhân tạo.
Khi bàng quang bị kích thích thì cần đặc biệt tránh những loại thực phẩm có tính axit cao để bàng quang có thời gian lành lại và cố gắng duy trì chế độ ăn nhạt trong vài tuần cho đến khi điều trị khỏi.
Từ khóa » Tiểu Buốt Hay Buồn Tiểu
-
Tiểu Buốt - Rối Loạn Di Truyền - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Tiểu Rắt ở Nữ Giới: Nguyên Nhân Do đâu | Vinmec
-
Tiểu Buốt, Tiểu Rắt – Các Bệnh Lý Thường Gặp
-
Đi Tiểu Lắt Nhắt, Liên Tục, Lượng Nước Tiểu Không Nhiều - Báo Tuổi Trẻ
-
Tiểu Buốt Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì? Triệu Chứng & Thuốc - Hello Bacsi
-
Đi Tiểu Buốt Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách điều Trị Hiệu Quả
-
Bị Tiểu Nhiều Lần Tiểu Buốt Khắc Phục Bằng Cách Nào? - Vương Bảo
-
Bác Sĩ Tư Vấn Cách Chữa Trị Tiểu Nhiều, Tiểu Buốt, Tiểu Rắt
-
Cách Chữa Tiểu Buốt (đái Buốt), đi Tiểu đau (khó Tiểu) Không Nên Bỏ ...
-
Đi Tiểu Bị đau Cảnh Báo Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách điều Trị
-
Tiểu Nhiều Kèm đau Buốt Bụng Dưới Là Triệu Chứng Của Bệnh Lý Gì?
-
Tiểu Rắt Là Bệnh Gì? Điều Trị Như Thế Nào?
-
Chấm Dứt Tiểu Buốt, Tiểu Rắt Hiệu Quả Bằng Biện Pháp Thiên Nhiên
-
32 Cách Chữa Tiểu Buốt Tiểu Rắt Tại Nhà Tự Nhiên Hiệu Quả Và An Toàn