NGUYỄN VĂN LÝ VỚI VŨ TÔNG PHAN VŨ THẾ KHÔI Đại học Ngoại ngữ Hà Nội Giới nghiên cứu văn học từ lâu đã giới thiệu riêng biệt một số tác giả đầu triều Nguyễn như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu…, nhưng chưa mấy ai đề cập tới khía cạnh quan hệ giữa các tác giả đó với những người cùng thời nhằm tìm hiểu những diễn biến tư tưởng và hoạt động sáng tạo chung của họ. Cách đây hơn mười năm (1986), nhà nghiên cứu đã quá cố Đinh Tú có lẽ là người đầu tiên nêu vấn dề xem xét Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn như một tổ chức của sĩ phu Hà thành, được thành lập vào “cuối đời Minh Mạng (1820 – 1841) là chậm nhất”. Ông cho rằng mục đích của tổ chức này là “nhằm chiến đấu lật đổ triều Nguyễn”(1). Tuy nhiên, tác giả chỉ suy diễn từ câu “Bảo kiếm tân ma bạch hiện quang” (gươm báu mới mài ngời ánh sáng) trong bài văn bia Ngọc Sơn Đế quân từ ký do Vũ Tông Phan soạn năm 1843 ghi lại việc Hội Hướng Thiện xây dựng cải tạo chùa Ngọc Sơn thành đền thờ Văn Xương đế quân, chứ không đưa ra được một tài liệu minh chứng xác thực nào. Tiếp thu vấn đề người đi trước đã nêu ra, khi khảo cứu về tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1851), chúng tôi cho rằng Văn hội Thọ Xương và Hội Hướng Thiện quả là những tổ chức có chủ đích của sĩ phu Hà thành. Tuy nhiên mục đích của các hội này không phải là chiến đấu lật đổ triều Nguyễn, mà là tàng chí tu thân và chấn hưng văn hóa Thăng Long. Dựa vào mảng thơ văn thù tạc xướng họa, kết hợp đối chiếu với sử liệu và gia phả, chúng tôi đã cố gắng chứng minh rằng mối quan hệ của ông Nghè Tự Tháp với Thần Siêu, Thánh Quát và hàng loạt danh sĩ đương thời khác không phải chỉ là mối quan hệ trong một văn đàn thù tạc xướng họa, ngẫu hợp ngẫu tan. Văn hội Thọ Xương được lập ra không chỉ để tế lễ tiên hiền đạo Khổng; Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn không chỉ thờ cúng chư thánh Tam giáo, mà đã có những hoạt động văn hóa – xã hội rộng lớn như: nhất loạt mở các tư thục ở nội ngoại thành Hà Nội (1834), xây dựng cải tạo chùa Ngọc Sơn thành đền (1842) làm trung tâm hoạt động tàng chí tu thân, bài trừ đồi phong bại tục, trước tác và tổ chức khắc in những công trình văn hóa – giáo dục lớn, biến khu vực hồ Gươm với đền Ngọc Sơn thành một trung tâm văn hóa lớn nhất nước. Trong bối cảnh lịch sử cụ thể đầu đời Minh Mạng, khi triều Nguyễn bằng trấn áp khốc liệt đã áp đặt được sự thống trị chuyên chế, thi hành hàng loạt biện pháp nhằm cố tình hạ thấp vai trò chính trị - văn hóa của “nghịch địa” Thăng Long, và trong tình hình xã hội đương thời đang phát sinh nhiều biểu hiện suy đồi thì những việc làm của các hội nói trên có tác động tích cực trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long, và còn ảnh hưởng đáng kể đối với phong trào văn thân sau này(2). Trung tâm của các tổ chức sĩ phu Hà thành này, như chúng tôi đã viết, gồm hai người trong nhóm “nhất nghiễn tịch chi giao” (một chiếu bạn bút nghiên - lời Ngô Thế Vinh) là Vũ Tông Phan và sau ông là Nguyễn Văn Siêu (tạm gọi tắt là “nhóm Phan – Siêu”). Trong bài viết này, trên cơ sở phân tích đối chiếu thơ văn với sử liệu và gia phả, chúng tôi xin bước đầu tìm hiểu quá tình và thực chất quan hệ của Vũ Tông Phan với Nguyễn Văn Lý - một yếu nhân nữa trong hoạt động chấn hưng văn hóa Thăng Long hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Trong các công trình nghiên cứu, giới thiệu thơ văn chữ Hán của một số danh sĩ triều Nguyễn như Cao Bá Quát (1809-1854), Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), người ta chỉ nhắc tới tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868) (tự Tuần Phủ, hiệu Đông Khê, biệt hiệu Đông Tác) trong đôi dòng chú giải của những bài thơ thù tạc, xướng họa – nghĩa là xem Văn Lý thuần tuý như một bạn thơ. Về mối quan hệ giữa Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Lý nhiều người đã biết qua trang đầu tập Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ (14 bài thơ hoài cổ Thăng Long) có đề “Tự Tháp Vũ tiến sĩ ngâm vịnh. Đông tác tiến sĩ điểm duyệt”. Đó là bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ giữa hai danh sĩ đương thời. Nguyễn Văn Lý hơn Vũ Tông Phan 5 tuổi, nhưng đến năm 28 tuổi mới nhập môn của Lập Trai Phạm Quý Thích, tức muộn hơn nhiều so với nhóm Phan – Siêu(3), cho nên ông không có tên trong nhóm “nhất nghiễn tịch chi giao”: Phan – Siêu – Vinh – Trung (Lê Duy). Và dẫu là “hương niên”, tức cùng đỗ cử nhân với Phan, Siêu trong khoa thi hương 1825 ở trường Thăng Long, nhưng Lý không hề có mặt trong các cuộc giao du ban đầu của nhóm Phan – Siêu: thơ phú thù tạc của các thành viên nhóm Phan – Siêu trong giai đoạn này không nhắc đến ông, cũng như thơ xướng họa của ông trước 1834 không có dòng nào về họ. Như vậy khó có thể gọi quan hệ Phan – Lý là mối giao du đồng môn tự nhiên từ thuở thiếu thời. Lần đầu tiên trong thơ của Vũ Tông Phan cái tên tự “Nguyễn Tuần Phủ” xuất hiện mùa xuân năm 1834, trong bài tiễn ông Lý rời chức Tri phủ Thuận An về kinh đô Huế nhận chức mới, và đó là bài duy nhất trong thơ văn của Lỗ Am tiên sinh về người mà ông liệt vào hàng “cầu mã chi giao”. Nguyễn Văn Lý cũng chỉ có một bài thơ duy nhất đề gửi trực tiếp Vũ Tông Phan (sẽ giới thiệu kỹ dưới đây). Chúng tôi không ngẫu nhiên nhấn mạnh hai lần từ “duy nhất”: nó chứng tỏ mối “cầu mã chi giao” Phan – Lý không phải là quan hệ thi hữu xướng họa thường tình. Không cùng “một chiếu bạn bút nghiên” từ thuở thiếu thời, cũng chẳng phải những thi hữu tạc xướng họa, đường đời lại khác hẳn nhau: Vũ Tông Phan chỉ làm quan có 7 năm (1826-1833) rồi do bất mãn với “bá đạo” của Minh Mạng mà cáo về dạy học tư đến khi mất, Nguyễn Văn Lý lặn lội biển hoạn hơn ba chục năm (1822-1865), tức gần như suốt đời làm quan với triều Nguyễn. Vậy thì cơ sở đích thực của mối quan hệ Phan – Lý là gì? Chúng ta hãy lần lại theo dấu vết trong thơ văn chữ Hán quá trình của mối quan hệ này để thử tìm hiểu thực chất của nó. Bài thơ Tiễn Thuận An tri phủ Nguyễn Tuần Phủ chi kinh chúng tôi đã giới thiệu trong sách Vũ Tông Phan - cuộc đời và thơ văn. Ở đây, chỉ xin lưu ý một chi tiết liên quan đến thời điểm bắt đầu của mối thâm giao Phan – Lý: bài thơ của ông Phan nhắc đến cuộc chia tay ở Thuận An (nay là Thuận Thành) hè năm 1833, khi ông Phan từ chức Đốc học Bắc Ninh về dạy học, ông Lý đến nhậm chức Tri phủ Thuận An (Khứ niên tương biệt Đức Giang đầu - Đức Giang từ biệt mới năm qua), và cuộc tiễn đưa cuối xuân 1834 ở lầu bên sông Nhĩ Hà, khi ông Lý về kinh nhận chức mới (Thùy liệu kim tiêu Nhĩ thuỷ lâu – Ai ngờ đêm nay lầu Nhĩ Hà). Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị toàn phổ do chính Nguyễn Văn Lý soạn, tuy không có một chữ nào về quan hệ bạn bè, kể cả với Vũ Tông Phan, nhưng xác nhận những thời điểm và sự việc trên trong hoạn lộ của tiến sĩ Đông Tác: tháng 2/1833 ông được thăng Tri phủ Thuận An và tháng 4 đến trị sở; cuối tháng 3/1834 ông đã nhận được chiếu chỉ gọi về kinh. Trong thơ văn của Vũ Tông Phan không có bài nào khác nhắc đến Nguyễn Văn Lý. Tuy nhiên, trong tuyển tập thơ văn của một số sĩ phu đương thời chúng tôi phát hiện bài văn Tự thọ của cụ Tú Vĩnh Trai, cha ông Phan, được con cháu, bè bạn và môn sinh tổ chức long trọng năm 1840 tại trường Hồ đình. Bài Tự thọ này cung cấp thêm một bằng chứng về mối quan hệ thâm giao Phan – Lý: cụ Tú có nhắc đến việc “hân hạnh được tiến sĩ Đông Tác, quan Lang trung bộ Lại, là “khế hữu” (bạn thân thiết) của Tông Phan ta, “trang tụng tái tam” (trang trọng ngâm ba lần) bài thơ chúc thọ. Bài văn và thơ chức thọ này của các “khế hữu” cũng do Nguyễn Văn Lý ký tên đầu tiên, rồi mới đến nhóm “nhất nghiễn tịch chi giao” của ông Phan từ thuở niên thiếu Ngô Thế Vinh, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu(4). Điều này cho thấy địa vị đặc biệt của ông Nghè Đông Tác trong các mối quan hệ của Vũ Tông Phan. Mối quan hệ đó, có lẽ bắt đầu thông qua Thần Siêu, một con người phóng khoáng, quảng giao (hãy nhớ đến tình bạn vong niên thân thiết của ông với Cao Bá Quát, kém ông đến cả chục tuổi!). Lần đầu tiên trong thơ văn của Nguyễn Văn Siêu, tự hiệu Đông Tác Nguyễn Tuần Phủ xuất hiện năm 1822, trong bài văn của Nguyễn Văn Siêu cùng bạn bè thân thiết mừng Nguyễn Văn Lý đỗ tiến sĩ(5). Bản thân ông Lý trong bài thơ nhan đề “Phủ trị xuân dữ niên khế Nguyễn Phương Đình ẩm”, sáng tác sau khi nhận được chiếu chỉ gọi về kinh cuối tháng 3/1834, cũng xác nhận họ “bắt đầu dắt tay nhau”, tức trở nên tương đắc, mới cách đó 1 năm (“cách tuế thuỷ huề thủ”), tức vào năm 1832, nhưng “xa nhau vẫn không thôi thân thiết”. Điều gì đã khiến họ mau chóng trở nên thân thiết như vậy? Ta thử tìm hiểu qua những sự việc ân trong bối cảnh ngoài văn bản bài thơ. Năm 1832 họ bắt đầu kết thân thì cũng đúng năm 1832 đó, họ cùng nhau bà bạc lập ra Văn hội Thọ Xương. Bài văn bia Thọ Xương tiên hiền từ bi ký của Nguyễn Văn Lý xác nhận điều đó: “Năm Nhâm Thìn [tức 1832] bọn thân sĩ chúng ta cảm kích nhớ tới đạo đức phẩm chất các vị tiên hiền, nên bàn cách khiến cho được lưu truyền mãi, tham khảo quy chế phụng thờ, ghi thành ước lệ”(6). Sự việc trên chỉ có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ sau tháng 5/1832, tức sau khi ông Nghè Đông Tác vinh quy bái tổ: trong bài văn bia đã dẫn, ông viết: “… bọn ta nối tiếp nhau đỗ đạt”. Như vậy người đề xướng việc thành lập hội văn thân ở huyện Thọ Xương chính là Nguyễn Văn Lý – ông Nghè tân khoa 1832 (sự “quá tam 3 bận” niên điểm này không ngẫu nhiên), mặc dù trong “Hội viên sổ” tên ông đứng thứ hai, đứng đầu là tiến sĩ Vũ Tông Phan – theo “lễ”, vì ông Nghè Tự Tháp là người khai đại khoa (1826) cho huyện Thọ Xương dưới triều Nguyễn(7). Vũ Tông Phan có trực tiếp tham dự “đại sự” trên hay không, cũng tức là đã gặp gỡ với Nguyễn Văn Lý hay chưa - đến nay chưa tìm được bằng chứng xác thực, hơn nữa lúc ấy, năm 1832, ông Phan còn đang tại chức thự (quyền) Đốc học Bắc Ninh, nên có lẽ vắng mặt ở Hà Nội, mà ông Lý thì ngay sau đó, tháng 10/1832 đã phải “thượng kinh” để bắt đầu hoạn lộ từ chức biên tu ở viện Hàn lâm theo thông lệ. Điều có thể nói chắc chắn là thông qua người bạn chung Nguyễn Văn Siêu, ông Phan không thể không biết vai trò chủ xướng của ông Nghè tân khoa trong việc lập Văn hội Thọ Xương, hơn nữa cũng trong bài văn bia đã dẫn trên Nguyễn Văn Lý cho biết trong những bước tiếp tục xây dựng Văn hội Thọ Xương, sau khi ông Lý phải đi tòng chức tại Huế, thì chính Vũ Tông Phan đã đóng vai trò trung tâm: “Qua năm Bính Thân [1836] các thân sĩ đem ý định đó bàn với vị tiến sĩ khoa Bính Tuất, người thôn Tự Tháp và Vũ Hoán Phủ, rồi chọn nơi làm đền thờ ở phường Hồng Mai, phía nam huyện”. Mục đích của Văn hội Thọ Xương, như Nguyễn Văn Lý chỉ rõ, là: “Trên thì noi theo phong độ và ý chí của tiên hiền, dưới thì khuyến khích thế hệ mai sau trau giồi tiến tới. Trong phạm vi hẹp, thì trở thành các bậc quân tử trong làng, các vị thày dạy trong xã. Mở rộng ra, sẽ là tôn chúa, giúp dân. Và đây chính là biểu hiện cụ thể của ý nghĩa đó”. Chúng tôi xin lưu ý những mục tiêu “hẹp”, cụ thể, mà Nguyễn Văn Lý nêu trong bài văn bia là khuyến khích tu chí làm người quân tử, làm thày đồ nơi làng xã. Điều này hoàn toàn phù hợp với chí hướng mới đang hình thành ở Vũ Tông Phan: đến khoảng đầu những năm 30, mới qua 5-6 năm trên hoạn lộ dưới triều Minh Mạng, ông đã rút ra kết luận. Học cổ làm quan nay chẳng hợp… (Ngẫu cảm -1831*) nên đã “dẫn bệnh quy” (viện dẫn bệnh tật xin về - Đại Nam liệt truyện), để dứt cái nợ quan trường: Với nợ sinh ra vốn nặng duyên, Nợ tiền dai dẳng, nợ quan - phiền! Nợ tiền còn có ngày hoàn trả, Cái nợ quan trường biết mấy niên? (Nhàn trung kiểm trái – 1831*) và vui với nghiệp dạy học nơi thôn dã, khi mỗi sớm mai Trà suông trở dậy vài ba chén, Rảo tới phòng trai đón học trò. (Học xá hiểu khởi tức sự - 1832/33*) Như vậy, chính sự đồng chí hướng đã khiến hai ông nhanh chóng trở thành “cầu mã chi giao” khi nửa năm sau, tháng 4/1833 Nguyễn Văn Lý được thăng Tri phủ Thuận An, từ Huế trở ra nhậm chức. Lúc ấy ông Phan vẫn đang thực Đốc học Bắc Ninh, chắc họ phải gặp gỡ, đàm luạn nhiều và hẳn rất tương đắc nên mới không đành lòng khi hơn tháng sau đã phải “kẻ ở người đi”: vì Vũ Tông Phan “dẫn bệnh xin về”, nên tháng 5/1833 triều đình cử Bùi Trần Đản ra thay ông làm Đốc học Bắc Ninh, và khoảng tháng 6 ông đã chia tay với Nguyễn Văn Lý ở bến Đức Giang để trở về thôn Tự Tháp bên hồ Gương. Trong sách Vũ Tông Phan - cuộc đời và thơ văn chúng tôi đã đề cập những cuộc tụ hội, tá túc, luận bàn của nhóm sĩ phu này tại “Kiếm hồ ư cư” của ông Phan và tại “Ngọc Sơn tự” (lúc ấy còn đang là chùa!), ở đây xin miễn nhắc lại, chỉ xin bổ sung: tuy tên Nguyễn Văn Lý không thấy nhắc tới trong các cuộc tụ hội bên hồ Gươm, nhưng niên đại bài thơ nhắc tới trên đây của ông (3/1834*) cho phép khẳng định: đúng trong khoảng thời gian diễn ra những cuộc họp bàn mà ông Siêu luôn tham dự ấy, tức trong khoảng tháng 6/1833 - cuối xuân 1834, Thần Siêu có đi Thuận An gặp gỡ, du ngoạn với ông bạn Tri phủ. Nội dung luận bàn của họ, nay khó lòng biết được đích xác, nhưng lời thơ cho thấy rõ ràng đó không chỉ là chuyện phiếm và ngâm hoa vịnh nguyệt, dẫu có mượn chén rượu đưa đẩy câu chuyện. Đặt trong bối cảnh những cuộc bàn luận và những hành động cụ thể ngay sau đó của nhóm sĩ phu này dưới thời Minh Mạng, phải chăng hai câu thơ của Nguyễn Văn Lý “Thị phi tâm thượng sự, Sinh tử nhãn tiền nhân” có thể hiểu như sau: việc đúng sai để trong lòng, còn trong cuộc đời khi chuyện con người sống chết đang diễn ra ngay trước mắt này, thì phải làm những việc cụ thể hữu ích. Hai câu thơ đó càng không phải là lời nói hoa mỹ chung chung, bởi vì chuyện con người sống chết diễn ra ngay trước mắt ấy, quan Tri phủ Thuận An phải biết rõ hơn ai hết, Quốc sử quán và bạn ông – chính Thần Siêu! – cùng ghi lại: - Đại Nam thực lục: 1830: - Giặc cướp ở Bắc Ninh đánh vào Đông Ngàn, đốt 200 nhà và giết 30 người. 1831: - Bắc Ninh, Hải Dương có nhiều toán giặc cướp. 1832: - Bọn vô lại ở Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lương Tài, Đông Ngàn bám rễ vào dân, cứu giúp người trong lúc cấp bách, mưu làm loạn. 1833: - Tỉnh Bắc Ninh có bọn cướp hơn nghìn tên kéo đến đốt phá, cướp bóc ở Đông Ngàn. - Nguyễn Văn Siêu: Cảm tác nhân nghe người từ Bắc Ninh về kể chuyện Bắc Ninh – 1833/34* Sự quái lạ! Sự quái lạ! Không nỡ nghe: Ban ngày vào giết cả nhà người ta rồi đi. Lính tráng, quan lại qua đó phải làm ngơ, Làng xóm cũng giấu giếm sự tình không dám nói. (Nguyễn Vinh Phúc dịch) Còn như quan điểm về những việc có ích trước mắt phải làm, thì sau này Vũ Tông Phan đã ghi thành chủ trương của Hội Hướng Thiện do chính họ lập ra: “Thời đầu Hội chủ trương khuyến khích làm những việc có ích cho người” (nguyên văn: sơ dĩ miễn hành phương tiện vi chủ - Ngọc Sơn Đế Quân từ ký – 1843)(8). Việc cụ thể hữu ích đầu tiên nhóm sĩ phu Hà thành này làm sau những cuộc luận bàn ở cả bên hồ Hoàn Kiếm lẫn ở Thuận An chính là hành động nhất loạt khai trường mùa xuân 1834, kết thúc bằng bữa “tửu diên” khánh thành trường Phương đình của Nguyễn Văn Siêu. Thần Siêu đã lấy vần “đình” mời Vũ Tông Phan, Cao Bá Quát, Trần Văn Vi, Lê Duy Trung, Diệp Xuân Huyên và Khoái Ông Nguyễn (?) xướng họa. Đối với mục đích mở trường của họ là để chấn chỉnh sự học, chính nhân tâm và chấn hưng văn hóa, thì có khoa danh cao và uy tín trong sĩ phu là cần thiết. Trong số có mặt, lúc bấy giờ mới chỉ có Vũ Tông Phan đã đỗ tiến sĩ (1826), từng trải chứ Đốc học, nên bài xướng của ông Nghè Tự Tháp (10), phải chăng có ý nghĩa định hướng cho trường Phương đình cùng các tư thục khác họ vừa mới mở: nguyên Đốc học tiên sinh láy đi láy lại ba lần chữ “chính” (= ngay thẳng, làm ngay thẳng), vốn vô cùng quan trọng đối với Nho gia (ánh mặt trời chiếu “chính tà tà”, gió “chính thanh”, rặng trúc (thường tượng trưng quân tử) “chính thanh thanh”); ông nhắc đến “xuân phong”, “điển” và “hình” - những ngôn từ thường chỉ sự nghiệp giáo dục (chẳng hạn, Từ nguyên giải thích xuân phong: “lấy ý muôn vật nảy nở để chỉ giáo dục”). Và hẳn họ đã nhất trí cái chủ trương “chính” ấy, bởi vì trong một bài họa đáp Thần Siêu đã mượn chữ “phương” (= “vuông, vật gì hình thể ngay thẳng đều gọi là phương, người nào tính hạnh ngay thẳng là phương chính”, - Thiều Chửu – Hán - Việt tự điển) để nguyện với đồng chí: Cố tri viên thị trí Nguyện thủ phương vi hình (vẫn biết “tròn” là khôn, nhưng xin nguyện lấy “vuông” làm khuôn mẫu). Việc quan Đốc học Bắc Ninh, đang giảng dạy ở trường công của triều đình tại một tỉnh lớn đứng đầu cả nước về khoa bảng, kiên quyết đòi được hưu trí, để về làm vị thày đồ tư thục trong xã, cũng như định hướng ông phát biểu chính học nghiệp, chính nhân tâm, chính phong tục, hẳn tương đắc lắm đối với Nguyễn Văn Lý, bởi vậy tuy đang thụ chức ở tận kinh đô Huế nên không thể tham gia cái “hội khai trường” tưng bừng ấy, nhưng đầu năm sau< 1835, ông Nghè Đông Tác, có lẽ được Lê Duy Trung vào dự thì hội(9) cho biết bin vui, nên khi ông Trung trở ra, quan Lang trung mới được thăng đã gửi ông chuyển tới hai vị đã sớm từ quan về hoạt động “trong phạm vi hẹp” ở thôn Tự Tháp ven Kiếm hồ và Vũ Tông Phan và Phạm Hội bài thơ “Ký đề học Vũ Hoán Phủ kiêm trình Phạm Dưỡng Am”, với 4 câu mở đầu như sau: Thoát tục hà năng diệc nhất danh Tảo niên hoàn tác đại tiên sinh Lực năng cập xứ vi công nghiệp Lạc đắc chân lai nãi tính tình Dịch nghĩa: Làm sao đây để có thể thoát khỏi chốn quan trường mà vẫn thành danh? Từ rất sớm hai vị trở về làm chức phận của những bậc thầy lớn. Dùng được năng lực của mình đúng chỗ, ấy làm làm nên công danh sự nghiệp. Lại vui vì đạt tới cái “chân” vốn là bản tính**. Chúng ta thấy ở đây, trong “thư riêng”, chứ không phải văn bia dựng nơi công cộng, Nguyễn Văn Lý không nói nước đôi “hẹp thì..” – “rộng thì…” nữa, mà tỏ rõ thái độ hoan nghênh hai vị đã chọn sự nghiệp “trong phạm vi hẹp”, tức sớm từ quan về “trở thành các bậc quân tử trong làng, các vị thày dạy trong xã”, làm nên công danh sự nghiệp thực sự và đạt tới lẽ chân của đời người. Hẳn bản thân ông Nghè Đông Tác vừa mới thăng quan, trong thâm tâm cũng mong mỏi được như vậy, nên mới thốt lên cái câu nghi vấn “Làm sao đây để có thể thoát chốn quan trường mà vẫn thành danh?”. Minh chứng cho nhận định này là một số bài thơ Nguyễn Văn Lý sáng tác cùng thời gian (hè 1834* - xuân 1835*) với bài thơ gửi Vũ Tông Phan và Phạm Hội. Tiễn bạn đồng khoa cử nhân Phùng Kiệt, người phường Yên Thái ven hồ Tây, về hưu, ông ao ước cũng được chấm dứt phận thăng trầm nơi biển hoạn để về bên Tây hồ mây nước bao la: Khả thị Tây hồ yên thuỷ khoát Chỉ ưng tòng thử định thăng trầm Làm bài phú từ biệt Ngô Thế Vinh, tháng 9/1834 bị bãi chức Lang trung bộ Lễ và cách tuột khoa danh tiến sĩ vì tội chữa quyển thi cứu người thực tài, ông mừng cho bạn, từ nay được tĩnh tâm lập thân bằng tài văn chương mà trời đã phú cho: Lập thế văn chương tòng tĩnh đắc Thiên sinh tương hữu dụng ngô tài Chia tay với “khế nghị” (bạn thân từ đời ông cha) là Cao Huy Tố cáo bệnh được về quê, ông “ghen” với bạn: bệnh như anh thì tôi cũng bệnh, anh về thì tôi cũng sẽ về thôi (Bệnh quân ngã diệc bệnh, Quân quy ngã diệc quy), bởi hoạn lộ là cả một đời ăn nhờ ở đậu tạm bợ, lao khổ không ngừng vì cái phù danh: Bách niên tạm tụ hà kham thử Dịch dịch phù danh thị hoặc phi Cũng có thể bảo rằng trong các bài thơ tống tiễn trên đây Nguyễn Văn Lý diễn đạt như vậy để “an ủi” những người bạn về hưu hoặc bị bãi quan, ngôn từ ông dùng như “thăng trầm”, “dịch dịch phù danh”… vẫn chỉ là câu chữ thường dùng trong những tình huống tương tự, chứ không bộc lộ chính kiến của ông về quan trường v.v… Có thể lắm! Nếu như – cùng thời gian này quan Lang trung không “ngẫu nhiên cảm tác” một bài thơ về bản thân mình, có lẽ là độc nhất vô nhị trong thơ chữ Hán, nhan đề: “Đắc gia thư cố cư thất hỏa khí dụng huỷ duy vinh quy kỳ biển thượng tồn ngẫu thành”, với bốn câu kết: Trì ngư khước thị đồng du hoạn Đường yến thuỳ vi tác phú tài Khả thị hữu hình chung hữu hoại Đan tâm do tín vị thành hôi. Dịch nghĩa: Cá trong ao vẫn là bạn đồng hành với nghiệp làm quan, Chim yến nơi tổ biết ai là kể có tài làm cho bài phú đây? Phàm những vật có hình thể, chung quy rồi đều huỷ hoại cả, Riêng tấm lòng song thì tin rằng sẽ không thành tro bụi mà thôi. Trong bài thơ nói lên tâm sự nhân chuyện nhà cửa đồ đạc cháy sạch, gia nhân chỉ cứu được thứ họ cho là quý nhất - cờ biển vinh quy mà mới 3 năm trước ông Nghè Đông Tác được Vua ban cho, vậy mà quan Lang trung vừa mới được thăng lại sử dụng một số điển tích biểu lộ thái độ chán ghét quan trường: - “Trì ngư” là lấy chữ trong câu: “Thành môn thất hỏa, tương cập trì ngư”, nghĩa là “Cửa thành cháy, vạ lay đến cá trong ao” (Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển); - “Đường yến” là lấy chữ trong câu; “Yến tước xứ đường… tự dĩ vi an hỹ, dụ an cư nhi vong họa”, nghĩa là: “Chim yến, chim sẽ nơi tổ… chỉ cốt ở yên mà thôi, ý nói ở yên thì tránh được tai họa” (Lê Cẩm Hy – Hán ngữ từ điển). - “Tác phú tài” trong văn ảnh kết hợp với “đường yến” khiến người đương thời liền tưởng đến bài phú về sự an nhàn của Phan Nhạc: “Phan Nhạc hữu “Nhàn cư phú”, kim xưng nhân thất chức vô sự viết: nhàn phú”, nghĩa là: “Phan Nhạc có bài Nhàn cư phú, nay nói người mất chức được an nhàn vô sự là nhàn phú (Từ nguyên). Như vậy, chỉ có thể hiểu ngầm ý Nguyễn Văn Lý gửi gắm trong mấy câu thơ trên là: cái nghiệp làmquan thời “bá đạo” đầy bất trắc, lắm khi bị vạ lây nữa (bản thân ông từng chịu thân phận “trì ngư” không phải một lần: theo Đại Nam thực lục, tháng 10/1833 tù phạm phủ Thuận An phá ngục, Tri phủ Nguyễn Văn Lý “đi việc quan vắng” vẫn bị giáng 1 cấp (!): năm 1846 bị miễn chức An sát Phú Yên, cũng một cách oan trái); bởi vậy không biết có ai tài như Phan Nhạc để làm một bài phú giúp cho được mất chức mà an nhàn vô sự đay; cờ biển Vua ban rồi cũng thành cát bụi, chỉ tấm lòng son của kẻ sĩ là sẽ trường tồn mà thôi. Vài năm sau, khi đến lượt Nguyễn Văn Siêu, người lần lữa mãi chuyện đi thi hội, bởi có lẽ biết đỗ đại khoa rồi sẽ khó từ chối quan chức một lần thứ ba nữa, nhưng rút cục năm 1838 vẫn phải đi thi, chỉ được đỗ Phó bảng, phải tòng chức ở chính cái bộ Lễ mà ông đã hai lần từ được, thì Nguyễn Văn Lý đã tiếc cho người bạn đồng chí hướng rằng: “muốn lập thân bằng văn chương mà Ông Tạo lại chẳng chiều lòng”: Văn chương ưng lập thế Tạo hóa ngẫu phi tề (Phó bảng Phương Đình Nguyễn Tử hội thí hậu ninh giai thư tống -1838*) và bản thân chiêm nghiệm cái ách quan mới được 7 năm, Chí Đình đã chia xẻ với Phương Đình một ý sâu sắc: “việc vụn vặt hàng ngày nơi cửa quan làm lu mờ thiên mệnh, bút văn công sở tầm thường hẹn với chí thanh cao”? Hôn tịch vi hoa hư ứng tú Tầm thường quán bút quý lăng vân (Họa đồng khế Phó bảng Nguyễn Tử Phương Đình nguyên xướng -1839*) Chúng tôi thử đối chiếu các bài thơ trên đây trong di cảo thơ văn của Nguyễn Văn Lý mà gia tộc còn lưu giữ được (11), với các chính bản thi tập của ông hiện lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, như Chí Hiên thi tập, Chí Am thi thảo và Đông Khê thi tập, thì thấy rằng: - 2 bài tiễn Cử nhân Cao Huy Tố về hưu và họa Phó bảng Nguyễn Văn Siêu hoàn toàn vắng mặt trong tất cả các chiính bản thi tập nêu trên: - Ở bài thơ về vụ cháy nhà, trong chính bản Đông Khê thi tập, ký hiệu A.1873, hai câu về “trì ngư” và “đường yến” đã thay đổi hẳn như sau: Tiểu liêu chung thị thâm lâm ổn Yến tước thuỳ liên thử nhật hồi Dịch nghĩa: Con chim ri cuối cùng rồi cũng yên ổn nơi rừng sâu, Biết ai thương chim yến, chim sẻ trong ngày trở về lần này. Trong tộc phả Nguyễn Văn Lý cho biết về cuối đời ông tự biên tập lại thơ văn của mình. Nguyễn Trọng Hợp, cháu họ đồng thời cũng từng là môn sinh, khi làm chính bản Đông Khê thi tập, cũng viết ở Lệ ngôn: theo yêu cầu của vị trung sứ do Tự Đức cử ra gặp, ông Nghè Đông Tác đã chọn lọc và sai môn sinh chép gửi vào Bí thư các một tập thơ của mình. Vậy phải chăng chính tác giả đã không muốn công bố những bài thơ bộc lộ quá rõ chính kiến đối với quan trường dưới triều Nguyễn? Một sự thận trọng không thừa ở thời “bá đạo”: cha con Tổng trấn quận công Nguyễn Văn Thành chẳng bị tội chết vì mấy câu thơ đó sao! (Đương nhiên, mấy câu thơ của Văn Thuyên chỉ là cái cớ). Như vậy, mặc dù trước đó hàng chục năm từng là đồng môn và hương niên, thời điểm bắt đầu thực sự của mối quan hệ Phan – Lý là khoảng 1832/33, khi ở nhóm sĩ phu Phan – Siêu và cả ở Nguyễn Văn Lý cùng đang hình thành chủ trương chấn hưng văn hóa Thăng Long, và mối quan hệ đó nhanh chóng trở nên sâu sắc chính vì nền tảng của nó, thực chất của nó là sự đồng chí hướng: xem nhẹ quan trường, coi trọng việc tu chính và sự nghiệp giáo dục dân chúng. Tại sao triều đình đã thống nhất đất nước và tuyên bố “vương đạo”, “văn trị” mới được vài chực năm mà hàng loạt danh sĩ đã chủ trương “thoát tục”, tức rời bỏ quan trường của cái triều đình đó, để chỉ hoạt động “trong phạm vi hẹp”, coi việc “dùng năng lực đúng chỗ” đó mới “là làm nên công danh sự nghiệp”, mới là “đạt tới chân”? Câu trả lời phải tìm trong bối cảnh lịch sử xã hội đầu triều Nguyễn. Trong sách Vũ Tông Phan, cuộc đời và thơ văn chúng tôi đã thử phác họa bối cảnh ấy. Sau khi sách đã đưa in, chúng tôi mới được tiếp cận một sự phân tích thấu đáo của Giáo sư Cao Xuân Huy về bối cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời và tồn tại của chế độ chuyên chế nhà Nguyễn. Khác với một số người ngày nay từ phủ định tuyệt đói triều Nguyễn đang nhảy sang thái cực ngợi ca tô hồng, học giả bậc thầy họ Cao đã đưa ra những nhận định xác đáng. Trong chuyên đề Tình hình xã hội và tư tưởng Việt Nam dưới thời Tựu Đức, thuyết trình năm 1960 tại Viện Văn học, Giáo sư Cao Xuân Huy nhận định khái quát triều Nguyễn là “những nghịch lý lịch sử”, bởi lẽ “một nhà nước phong kiến tập quyền vốn đã không còn vai trò lịch sử ngay khi nó mới ra đời (1802)”, chẳng những vẫn tồn tại bất chấp “một loạt khủng hoảng khó lòng hàn gắn nổi như khủng hoảng về tư liệu sản xuất, về lực lượng sản xuất, và nhất là về nhân tâm”, mà còn “mở ra một bước ngoặt lịch sử”: hoàn tất được sự thống nhất đất nước sau mấy trăm năm chia cắt cát cứ, thiết lập được một sự ổn định tương đối thay cho tình cảnh bấp bênh loạn lạc triền miên, thực hiện được sự “tập thành” về văn hóa - tư tưởng, dẫu đó “cũng là một sản phẩm mang đầy nghịch lsy”(12). Kỳ lạ thay và – cũng sáng suốt tỉnh táo thay! – cách đây hơn 150 năm nhóm sĩ phu Phan – Siêu – Lý cũng đã cảm nhận được những nghịch lý nêu trên trong vận mệnh của đất nước, cũng như của bản thân họ. Trước hết, họ ghi nhận triều Nguyễn làm được việc “hợp lòng Trời”, tức hoàn tất công cuộc thống nhất đất nước sau ngót ba trăm năm (từ đời Mạc) chia cắt cát cứ: - Vũ Tông Phan: Thiên hạ nay đà quy một mối, Non sông muôn thuở vẫn thanh cao (Qua luỹ Ninh công nhớ chuyện xưa – 1826*) - Nguyễn Văn Lý: Gươm đao thời cũ phân đôi nước, Xe ngựa đời nay một cửa quan (Qua Hoành Sơn – 1832*) - Nguyễn Văn Siêu: Uy đức triều đình, Trời phù hộ, Bốn phương thiên hạ thảy an cư. (Bài đã dẫn – 1833/34*) Những tưởng đã mở ra vận hội thông đạt để kẻ sĩ thi thố tài chí phò vua, giúp nước “chấn hưng văn hóa, xây dựng trị bình”, như vị vua sáng nghiệp triều Nguyễn là Gia Long đã hứa hẹn trước sĩ dân Bắc Hà khi tiến vào Thăng Long năm 1802. Thế nhưng, ra đời trong nghịch cản, bản thân là ngịch lý của lịch sử, triều NGuyễn chỉ có thể nói “vương đạo” mà làm thì thực thi “bá đạo”. Sự ổn định bằng chế độ chuyên chế, với các biện pháp tăng cường bắt phu bắt lính, đi đôi với vơ vét bằng sưu cao thuế nặng và tham nhũng của quan lại, tất yếu dẫn đến “một loạt khủng hoảng không thể hàn gắn nổi” mà nhóm sĩ phu Hà thành đã thấy rõ và đã đồng thanh phản ánh trung thực trong thơ văn của mình. Xin đọc: - Cao Bá Quát: (…) Thu Mậu Tý mất mùa; Lang thang kiếm ăn khắp, Trở về ruộng bỏ hoang, Nợ thuế lý hương thúc Thuế tô có hạn kỳ, Ruộng rẻ không cố được. (Người vác hòm – 1831*, Khương Hữu Dụng dịch) Năm ngoái năm nay thóc lúa mất, Bỏ đây còn biết đâu là nơi? Xóm Đông chịu đói, xóm Tây cút, Chưa chết mười phần còn có một, Phu phen, lính tráng khổ chưa xong, Con yếu cháu nghèo bỏ đi tuốt. Lấy theo lệ cũ đã khó khăn, Chiểu lệ tăng thêm đến chất mất!... (Ông già Phúc Lâm -1833*, Hoàng Trung Thông dịch) - Vũ Tông Phan: Nhân hỏi tân tỉnh thành Hà Nội Khí sắc xem có được như xưa: Người bảo từ ngày lao dịch mới Trước mười nay tám chín phần thua. Lại thêm dân cư Hoài Đức phủ Nghe có lệnh vua tuyển binh ngũ Nhà nhà thất kinh, người trốn đi, Bất kể dân gốc hay dân ngụ, Ba sáu phố phường không phu phen, Chợ buổi, chợ phiên buôn bán bỏ, Quanh thành trộm cướp nổi triền miên, Một đêm năm lần cháy trong phố, Thôn phường mười hộ chín trống không, Dắt díu nhau đi tìm lạc thổ… (Đến đầu địa giới Hà Nội – 1831*) - Nguyễn Văn Siêu: Hỡi ôi! Hỡi ôi dân Bắc Ninh! Bình nguyên một dải không hiểm trở, Uy đức triều đình, Trời phù hộ, Bốn phương thiên hạ thảy an cư, Cớ sao một phương hoài đói khổ? Trộm cướp kêu than tiếng khôn cùng, Đồng hoang sinh cáo cày, chuột bọ… (Bài thơ đã dẫn trên – 1833/34*, V.T.K trích dịch) Họ không thể viết ra, nhưng đã chứng kiến “một loạt những khủng hoảng không thể hàn gắn nổi” ấy là bùng nổ nhất loạt năm 1833 trong cả ba kỳ thành 3 cuộc khởi nghĩa lớn của Nông Văn Vân, Lê Duy Lương và Lê Văn Khôi. Nhưng rồi họ cũng đã phải chứng kiến cả ba cuộc khởi nghĩa làm rung chuyển triều Nguyễn đó, chỉ sau 2 năm đã bị triều đình Minh Mạng đàn áp bằng cả bộ máy quân phiệt vận hành ngày càng hiệu quả qua cuộc chiến lâu dài chống Tây Sơn, với lực lượng quân sự khổng lồ dựa vào vũ khí nước ngoài vẫn còn nguyên vẹn. Chống lại triều Nguyễn lúc ấy khác nào lội ngược dòng nước xiết. Thiết tưởng đó chính là một “ý tại ngôn ngoại” nữa, mà ông Nghè Đông Tác gửi gắm trong cái điển cũ “cấp lưu dũng thoái”, bình vốn chỉ có nghĩa là từ quan về ở ẩn. Trong bài “Văn tế đốc học Vũ Lỗ Am” (1851), giải thích lý do từ quan của Vũ Tông Phan, ông viết: “Lỗ Am tự trong lòng biết rõ giữa dòng nước xiết phải dũng cảm thoái lui (nguyên văn: “Lỗ Am tại nội tự trọng cấp lưu dũng thoái”). Và không phải riêng Lỗ Am tiên sinh “dũng thoái”, mà chính Chí Đình đại phu cùng các bạn đồng chí hướng khi lâm vào tình cảnh “trì ngư” cũng đã “dũng thoái” như vậy bằng đối sách “hành – tàng”. Người ta thường cho rằng cặp chữ “hành – tàng” đồng nghĩa với “xuất - xử”, nhưng Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu định nghĩa hơi khác: - “Xử: trái lại với chữ xuất (ra), như xuất xử - ra ở (ra đời hay ở nhà)”. - “Tàng: lúc ra làm việc, lúc náu một chỗ gọi là hành – tàng”. Phan – Lý ưa dùng “hành – tàng” hơn “xuất - xử”. Ngay sau khi đỗ tiến sĩ năm 1832, biết chắc theo thông lệ sẽ phải ra nhận một chức quan, nên nhân qua viếng nhà thờ thầy Lập Trai, Nguyễn Văn Lý như thể cầu xin Thầy bảo ban về ý nghĩa sâu xa của chữ “hành – tàng”: Thâm ý hành – tàng biết hỏi ai? (Cung văn nghiệp sư Phạm Lập Trai – 1832*) “Tàng” đối với họ không phải để cầu an nhàn: khi dựng Phương đình năm 1834, Thần Siêu đang ở nhà, nhưng bộc bạch với các bạn rằng ông không “trồm lấy sự an nhàn”, vì như vậy sẽ thẹn với định hướng “phương chính” mà họ chủ trương: Lập thế vi nam tử Thâu an quý thử đình (Họa đáp Trần Thận Tư ngâm thưởng Phương đình – 1834*) Và hẳn sau nhiều cuộc luận bàn, họ đã nhất trí với nhau dù “hành” hay “tàng” thì vẫn phải luôn mài sắc sĩ khí để “làm những việc có ích cho người”, nên khi lập Hội Hướng Thiện thì vị Hội trưởng đầu tiên đã ghi trong “tuyên ngôn” tôn chỉ của Hội: Gươm báu mới mài ngời ánh sáng Hành hay tàng vẫn rạng muôn phương (Ngọc Sơn đế quân từ ký – 1843) Là các bậc túc Nho, dùng chữ “tàng” họ đương nhiên liên tưởng với câu trong Kinh Dịch: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thì nhi động” (người quân tử ấn giấu chí khí nơi mình, chờ thời mà hành động). Vậy họ chọn “hành – tàng” chính vì cặp chữ này bao hàm một ý chủ động, do đó cũng phù hợp hơn với nghịch cản của họ: phải chấp nhận sự ổn định bằng “bá đạo” của triều Nguyễn, nhưng chủ động giữ một vị thế độc lập bằng đối sách “hành – tàng” để được thực sự “hành” trong phạm vi hẹp ở làng xã, nơi phép vua thương thua lệ làng, nhưng lại là địa bàn căn bản và rộng khắp của công cuộc giáo dục và chấn hưng văn hóa mà sự cấp thiết đã được Vũ Tông Phan chỉ ra qua bức tranh sinh động về thế đạo, nhân tâm Hà thành ngay trước thềm của sự bùng nổ ba cuộc khởi nghĩa lớn đã nói ở trên. Than ôi! Trăm nghìn năm phồn hoa, Vật thịnh hay suy đều tại số. Nhưng nay phát sinh nơi đô thành, Nhiều hạng dân du thực du thủ, Đi học chỉ cốt giật tiếng Nho, Đi buôn chửa giầu đã khoe của, Cư dân thường túm tụm ba hoa, Bộ hành áo quần cực diêm dúa, Sòng bạc tràn lan khắp gần xa, Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối, Tâng bốc láng giềng, nịnh thân gia, Không còn nửa phân lòng trung hậu… (Đến đầu địa giới Hà Nội – 1831*) Nguyễn Văn Lý nhất trí với nhận định đó về tình trạng bệnh hoạn của đạo lý, nhân tâm và sự cấp thiết phải chữa trị căn bệnh xã hội đó: năm 1839, được ở nhà dưỡng bệnh (“ngẫu nhiên” (?) trùng khớp với thời kỳ triển khai các công việc lớn của Văn hội Thọ Xương năm 1838 và chuẩn bị dựng trụ sở Ngọc Sơn năm 1841), ông Nghè Đông Tác đã ngoại tứ tuần, mượn cớ làm thơ về “tai đã nặng, xương cốt muốn suy” của mình, để dẫn chú một câu trong sách thuốc của danh y Cảnh Nhạc, đại ý nói cơ thể con người sau tuổi trung niên phải có một lần chỉnh lý, rồi liên hệ: “Quốc vận trung hưng, nhân đạo khởi vô tái chấn? (trung hưng vận nước mà không chấn chỉnh đạo lý làm người được sao? - Tại gia bệnh trung cảm thành 1839*). Tóm lại, mặc dù thân phận khác nhau (người gần như suốt đời dạy học, người gần như suốt đời làm quan) Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Lý đến với nhau và trở nên tương đắc vì hai ông chẳng những đồng chí hướng, mà còn đồng quan điểm về thời cuộc (nhà Nguyễn là “bá đạo”, nhưng hợp xu thế lịch sử đương thời, nên phải chấp nhận), và cũng đồng chủ trương xử thế (chấp nhận, nhưng “tàng”, kể cả ở giữa quan trường, giữ một vị thế độc lập tương đối để “hành” thực sự trong lĩnh vực giáo dục văn hóa). Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng đó chính là một trào lưu tư tưởng tiến bộ trong sĩ phu Hà thành đầu triều Nguyễn. Nhờ đó mà Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu và các đồng chí của họ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long. Hà Thành đầu triều Nguyễn, những thập kỷ 20-30, hỗn loạn và suy đồi là thế, vậy mà đến giữa thế kỷ XIX một người nước ngoài ghé qua đã viết: “… Mặc dù nó không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giầu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn…”(13). Riêng tình bạn, tình đồng chí “cầu mã chi giao” Phan – Lý, sự quyến luyến và tôn kính lẫn nhau của hai Cụ thực là một di sản tinh thần quý báu cho con cháu hai họ, và trộm nghĩ cũng là tấm gương sáng cho đời soi chung. (Hà thành, ngày Canh Tý (27-3) cuối Xuân Mậu Dần) Chú thích: (*) Dấu hoa thị cạnh các niên đại chỉ rõ niên đại đó do chúng tôi xác định qua đối chiếu văn bản bài thơ với các tài liệu quốc sử, gia phả và thơ xuớng họa, chứ tác giả không ghi. – V.T.K. (**) Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn hai bạn Nguyễn Đức Sâm và Hồ Hoàng Biên về những ý kiến phủ chính quý báu cho bản dịch nghĩa này. – V.T.K. (*) Hai bài Người vác hòm và Ông già Phúc Lâm, sách Thơ văn Cao Bá Quát. – Văn học, 1984, xếp vào phần: B. Những bài không biết rõ thời gian. Vì niên đại của các bài thơ rất quan trọng đối với ý kiến đề cập ở đây, nên bài 1, chúng tôi căn cứ câu “Thu Mậu Tý mất mùa” (trong cuộc đời ngắn ngủ của Cao Bá Quát chỉ có 1 năm Mậu Tý = 1828) và câu dưới đó: “Ba năm không tình thân”, để xác định là viết năm 1831*; bài 2 chúng tôi cho rằng tác giả viết năm 1833* vì sách quốc sử Đại Nam thực lục ghi năm 1833 duyệt đinh bắt thêm lính ở 6 tỉnh Bắc Hà. (*) Xin lưu ý: dịch giả bài văn bia này ở Tuyển tập văn bia Hà Nội, có lẽ do sơ suất, trong câu “… nhi hội trung chi tàng, tu, du, tức giả hữu kỳ địa” đã bỏ qua các chữ “hội trung” và “tàng”, rất quan trọng đối với Vũ Tông Phan và các đồng chí của ông trong nghịch cảnh của họ thời bấy giờ; xin được dịch lại như sau: “… mà người trong Hội tàng khí, tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi cũng có nơi chốn”. CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO (1) Đinh Tú - Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn – Báo Người Hà Nội, số 35, 10/6/1986. Mới đây trên Tạp chí Hán Nôm số 4/1997 cụ Tảo Trang Vũ Tuấn Sán lại có bài lớn nhan đề Hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn, giới thiệu toàn diện hơn các hoạt động của Hội, trước hết ở trụ sở đền Ngọc Sơn như một trung tâm văn hóa – giáo dục và tuyên truyền tư tưởng yêu nước từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. (2) Vũ Thế Khôi: a- Vũ Tông Phan, cuộc đời và thơ văn. Vũ Thế Khôi biên khảo, tuyển chọn và dịch. – Văn học. 1995; b- Đền đài kỳ niệm Lê Thái Tổ bên hồ Gươm. – Báo Nhân Dân chủ nhật, ngày 10/10/1993. c- Một thời bên hồ Gươm. – Báo Người Hà Nội, số 32, 14/8/1994; d- Đền thờ Trần Hưng Đạo bên hồ Gươm. – Báo Đại đoàn kết, ngày 19/9/1995. e- Thần Siêu mở trường dạy học từ bao giờ? - Tạp chí Hán – Nôm, số 4/1995; f- Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn với sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long – Xưa và Nay, số 8/1996. (3) Thọ Xương Đông Tác Nguyễn Thị toàn phổ. – do Nguyễn Văn Lý biên soạn và viết tựa; nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hải Trừng, chút ruột của cụ Nghè Đông Tác, đã cho phép tham khảo các tài liệu gia bảo này. (4) Chư gia thi văn tuyển. - Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, ký hiệu A.375. (5) Phương Đình văn loại Bính tập. - Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, ký hiệu VHv.840/3. (6) Bài ký trên bia đền thờ tiên hiền huyện Thọ Xương – do Nguyễn Văn Lý soạn năm 1838. - Tuyển tập văn bia Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1978, q.II, tr.109; bài ký này khắc trên mặt chính tấm bia đá lớn mới được dựng lại trong ngõ Văn Chỉ, Bạch Mai – Hà Nội. (7) Thọ Xương huyện khải tự lệ thuyết - khắc in năm Giáp Thìn [1844] đời Thiệu Trị. - Viện nghiên cứu Hán – Nôm, ký hiệu VHv.2605. (8) Ngọc Sơn Đế quân từ ký – do Vũ Tông Phan soạn năm 1843. - Tuyển tập văn bia Hà Nội. Nxb KHXH, Hà Nội. 1978, q.II, tr.68-70. (9) Thượng Phúc Tiến sĩ Lê đại phu hành trạng. - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2606. (10) Xin xem tài liệu 1.a/đã dẫn, tr.156. (11) Di cảo này cũng nhan đề Đông Khê thi tập, gồm 2 tập, gia tộc mới tìm được tập đầu, hiện lưu giữ tại tư gia ô. Nguyễn Hải Trừng. (12) Cao Xuân Huy – “Tư tưởng phương Đông - Gợi những điểm nhìn tham chiếu”, Nxb Văn học – 1995, tr.196-200. (13) Dẫn theo: Nguyễn Thừa Hỷ - Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII, XIX. - Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội – 1993, tr.64. Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.199-225) |