Nhà Thiết Kế Minh Hạnh - Người Phụ Nữ Nặng Lòng Với Truyền Thống ...
Có thể bạn quan tâm
Tiểu sử
NTK Minh Hạnh sinh năm 1961, bà sinh ra tại Pleiku trong một gia đình gốc Huế có sáu chị em gái, trong hoàn cảnh chiến tranh gia đình bà phải di chuyển nhiều nơi từ Huế, Đà Nẵng rồi Sài Gòn. Vì thế sự hiểu biết về các vùng miền đặc biệt là trang phục ngưòi Việt của bà rất phong phú. Nhưng ấn tượng thời thơ bé với những sắc màu rực rỡ trên bộ váy áo của các cô gái dân tộc phố núi in đậm nét trong kí ức của bà. Nhanh nhẹn, thông minh, khéo tay, khi còn là cô bé, Minh Hạnh đã tự may được áo váy cho búp bê và quần áo cho mình, đặc biệt là chiếc áo dài cho bản thân khi mới 11 tuổi.
Đam mê cái đẹp, đam mê sắc màu bà đã theo học và tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định. Sau khi ra trường, bà xin về Duyên Hải làm thông tin cổ động, một thời gian sau bà vào làm họa sĩ trình bày ở báo Tuổi Trẻ, báo Công Nhân Giải Phóng (nay là báo Người Lao Động). Không bước ra từ trường dạy thiết kế báo, bà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm qua những cuộc tranh luận nảy lửa với các đồng nghiệp.
Khi chuyển sang báo Phụ Nữ TP.HCM, bà phụ trách trang báo về thời trang. Vải là vải bao cấp, người mẫu là nhân viên báo. Công việc của bà là cắt may, làm bản vẽ kỹ thuật và chụp hình đưa lên báo. Và đó cũng là trang báo thời trang đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1990, bà nhận được học bổng của khóa thiết kế đồ lót tại Indonesia. Năm 1992, Công ty Legamex mời bà về làm giám đốc, triển khai Trung tâm thời trang Việt Nam đầu tiên là Legafashion. Năm 1994, bà về làm việc cho Viện Mẫu thời trang Việt Nam.
Con đường trở thành “cây đại thụ” của làng thời trang Việt Nam
Là người Việt đầu tiên….
Ý thức về văn hóa dân tộc, NTK Minh Hạnh đi sâu vào tìm hiểu thời trang truyền thống, tìm hiểu chất liệu, kiểu họa tiết của các dân tộc thiểu số rồi thiết kế sáng tạo màu sắc hoa văn táo bạo bằng cảm quan hiện đại vào trong những bộ trang phục tơ tằm vốn là những sản phẩm mĩ nghệ thủ công truyền thống lên một tầm cao mới. Đây không phải là sự kế thừa theo truyền thống đơn thuần mà bà có ý thức “tương đối hóa” sự ảnh hưởng của thời trang Âu Mỹ ngày càng tăng lên, nhận thức một lần nữa giá trị của văn hóa trang phục cũng như tay nghề đặc sắc của người thợ Việt Nam để cho ra đời những mẫu sáng tạo đa dạng và phong phú.
Minh Hạnh đã dành hết toàn bộ thời gian trong sự nghiệp thời trang của mình để tôn vinh chiếc Áo dài Việt Nam, giới thiệu với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của tà Áo dài theo bà là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”. Tuy nhiên bí quyết để cho mọi người trên thế giới hào hứng với áo dài Việt Nam là “Trước khi giới thiệu đến họ văn hóa truyền thống của Việt Nam thì cần phải hiểu về văn hóa truyền thống của họ”.
Trên sàn diễn catwalk, Minh Hạnh là NTK Việt Nam sáng giá nhất, thu được nhiều thành công nhất, được nhiều Đài TH nổi tiếng trên thế giới phỏng vấn: CNN, NHK, TF1, TF2, RAI, CCTV… Trong công việc, bà chạm tay vào tất cả các khâu tỉ mỉ, từ việc chọn nguyên liệu, chiếc nút áo, đường chỉ, đường viền. Chẳng có quy định nào bắt buộc nhưng bà có thể sử dụng tất cả các loại máy may công nghiệp, am hiểu công nghệ dệt, nhuộm, may. Bà nói, mình có năng khiếu với mấy thứ máy móc đó. Nhưng đâu chỉ có thế, công việc của NTK buộc bà phải am hiểu và hoà vào nhịp điệu của cuộc sống.
Năm 1997, trong lần đem sản phẩm của mình ra đấu trường quốc tế, hai chiếc áo dài của bà đã đoạt giả thưởng New Designer Award tại cuộc thi thết kế Makuhari Grand Prix tổ chức ở Nhật và bà đã được ban tổ chức mời giới thiệu đến công chúng Nhật Bản 100 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập áo dài Việt Nam “ Truyền thống và tương lai” tại đền Kiyomizu- Dera, bà trở thành nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam cũng như nước ngoài được giới thiệu bộ sưu tập của mình tại đây.
Năm 1999, một lần nữa, NTK Minh Hạnh là nhà tạo mẫu đầu tiên của Việt Nam, một đại diện duy nhất của châu Á, được mời đến tham dự cuộc trình diễn thời trang quốc tế Big Q tại Đức cùng với những tên tuổi nổi tiếng của làng thời trang thế giới.
….đến “lão làng” thời trang Việt
Năm 2002, Bà tổ chức thành công buổi diễn thời trang tầm cỡ quốc tế tại cung đình Huế và hiện nay bà đã trở thành giám đốc nghệ thuật cấp cao cho các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế.
Năm 2003, bà lại một lần nữa được trình diễn bộ sưu tập áo dài mang tên “Trở lại thiên đường” tại đền Kiyomizu- Dera nhân dịp kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam- Nhật Bản. Để chuẩn bị cho bộ sưu tập, nhà thiết kế Minh Hạnh dành khá nhiều công sức cho việc tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, những hoạ tiết hoa văn truyền thống Nhật Bản. 80 bộ trang phục là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét truyền thống VN và hoạ tiết hoa văn Nhật.
Năm 2006, bà được chính phủ Pháp tấn phong danh hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương. Danh hiệu này vinh danh những người nổi bật vì có những sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật và văn chương hoặc có những đóng góp làm nổi bật nền văn hóa Pháp và thế giới. Bà đã có những hoạt động thiết thực nhằm thắt chặt mối quan hệ trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam và Pháp qua chương trình ký kết với Viện mẫu thời trang Pháp. Bà cũng đã tạo được ấn tượng sâu sắc với bộ sưu tập “Đêm trắng” tại Pháp trong khoảng thời gian này.
Lễ hội Festival Water được tổ chức tại Liễu Châu, Trung Quốc vào tháng 10/2011 với thông điệp “Gìn giữ sự sống cho hành tinh xanh”, NTK Minh Hạnh đã giới thiệu bộ sưu tập có tên “Đường chân trời của nước”. 30 mẫu được giới thiệu trong show diễn được thực hiện trên các chất liệu quý của Việt Nam như thổ cẩm, lụa với kỹ thuật thêu tay tinh xảo truyền thống của các nghệ nhân. Cách xử lý các họa tiết, các đường cắt cúp,.. của các bộ trang phục mang tới cho người xem cảm giác huyền ảo như đang ở trong thế giới tinh khiết của nước. “Đi đến đường chân trời để nghe được hơi thở từ những giọt sương mai kết tủa thành những tinh thể long lanh, nhiều màu sắc. Một ngày mới tươi sáng khi mà nước và mặt trời gặp nhau ở đường chân trời… Đó là điều tôi muốn gửi gắm qua bộ sưu tập của mình”, Minh Hạnh nói.
Ngày 9/12/2011, nhân dịp Vietnam Airlines mở đường bay trực tiếp sang Vương quốc Anh, trong buổi lễ khai trương chính thức đường bay thẳng Hà Nội – London, TPHCM – London do Vietnam Airlines tổ chức tại sân bay Gatwick, nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu 100 mẫu áo dài do bà thiết kế, lấy ý tưởng từ các họa tiết trong trang phục của Hoàng gia Anh được kết hợp khéo léo và tinh tế với các màu sắc trang phục dân tộc Việt. Các mẫu áo dài được làm từ những chất liệu truyền thống, đặc trưng của VN: Tơ tằm, thổ cẩm, sợi đay… được thực hiện bởi kỹ thuật 3D và nghệ thuật thêu tay truyền thống.
NTK Minh Hạnh là nhà thiết kế Việt Nam duy nhất được mời tham dự Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt tại triển lãm “Les Métamorphoses” tại Bảo tàng Bargoin (Pháp) từ ngày 12/9/2012 đến 16/9/2012. Với chủ đề “Biến đổi”, Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt sẽ đón tiếp tất cả các nghệ nhân, nhà thiết kế, nghệ sĩ đến từ khắp các châu lục: Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Mỹ La-tinh…và sẽ lần lượt giới thiệu về các vấn đề nhân học, kinh tế, sinh thái, kỹ năng về thủ công dệt may của các nghệ nhân trên thế giới.
Tham dự Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt này, NTK Minh Hạnh sẽ giới thiệu 50 mẫu thiết kế đặc biệt, tất cả được sử dụng bằng loại vải dệt tay của người H’Mông ở Hà Giang và Bắc Hà. Là những loại thổ cẩm của vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo. Là sự phối hợp tinh tế giữa truyền thống, hiện đại và là một bức tranh sinh động sắc màu của sự hoà quyện Đông Tây. Vốn quý của Việt Nam một lần nữa lại được hiện diện trên đất nước mà được mệnh danh là kinh đô thời trang của thế giới.
“Phong cách kiến trúc Ý” là bộ sưu tập được Minh Hạnh giới thiệu trong khuôn khổ chương trình Ý- Việt lần thứ 2 năm 2012. Những mẫu thiết kế trong bộ sưu tập này sẽ đưa khán giả đến với những công trình kiến trúc nổi tiếng của nước Ý bằng tâm hồn của người Việt Nam. Đó là Nhà thờ Duomo Milan, đấu trường Colosseo tại Roma, tháp nghiêng Pisa vùng Tuscani, đài tưởng niệm Victor Emmanuel Monument, đài phun nước Fontaine De Trevi, thánh địa Vatican…Đặc biệt, những nghệ thuật gothic và baroc trong kiến trúc Ý được thể hiện trên chất liệu vải thổ cẩm- một chất liệu trở thành niềm đam mê của Minh Hạnh từ nhiều năm nay. Không chỉ có vậy, kiểu dáng của bộ sưu tập này cũng sẽ rất phù hợp với phong cách La Mã cổ đại: Đơn giản nhưng mạnh mẽ và không kém phần lãng mạn.
“Áo dài đến kinh thành thời trang Paris” là sự kiện trình diễn áo dài có sự góp mặt của NTK Minh Hạnh được trình diễn trong sự kiện kết thúc năm chéo Việt Pháp 2013-2014.
Sân khấu của Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2015 là một vườn hoa khoe sắc, mang hơi thở của mùa xuân rực rỡ đầy sắc màu. Các thiết kế của Minh Hạnh được thêu hoa, in họa tiết hoa tinh tế và lạ mắt.
Tiếp tục đến Tuần lễ thời trang Việt Nam thu đông 2015, Nhà thiết kế minh hạnh trình diễn BST ứng dụng nhấn mạnh vào vẻ đep nữ quyền. Những chiếc áo khoác đa dạng về phom dáng, các chi tiết cách điệu mang hơi hướng hiện đại, cùng hoạ tiết nổi bắt mắt… Trang phục thu đông được may với cả chất liệu xuyên thấu, vừa gợi cảm vừa mạnh mẽ. Nghệ thuật Baroque truyền cảm hứng cho người mặc cũng như người xem các giá trị nữ quyền vẫn được tôn vinh. Có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những hoạ tiết thêu nổi, màu sắc hoạ tiết thay đổi trên các chất liệu và trang phục khác nhau.
Nhà thiết kế Minh Hạnh- nhà thiết kế thời trang Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng Văn hóa và Nghệ thuật (Arts and Culture) thuộc khuôn khổ Fukuoka Prize 2015. Lễ công bố giải thưởng diễn ra vào ngày 7/7 vừa qua tại Hà Nội. Fukuoka Prize chính thức ra đời năm 1990. Trong 25 năm qua, tổng số người nhận giải thưởng là 99 cá nhân, đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giải thưởng Fukuoka tôn vinh những cá nhân xuất sắc, đã thừa kế, phát triển và giới thiệu cho thế giới các giá trị châu Á đa dạng và độc đáo. Giáo sư Phan Huy Lê là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng này, vào năm 1996. Sau 19 năm, Việt Nam mới lại được xướng tên ở “sân chơi” uy tín của châu Á này. “Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi, mà dành cho văn hóa Việt Nam đã có dấu ấn tại châu Á. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn đến những người dân tộc gắn bó với mình trong nhiều năm qua. Và tôi cũng muốn nhấn mạnh giải thưởng này mở đầu cho sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thời trang giữa hai quốc gia. Có một câu mà tôi rất tâm đắc – Văn hóa chính là điều sẽ cứu rỗi thế giới” – NTK Minh Hạnh chia sẻ.
Gần đây nhất, vào tối 27/9, cùng với các nhà thiết kế khác như Hùng Việt, Hà Duy, Quang Huy và Vũ Việt Hà, NTK Minh Hạnh đã mang đến bộ sưu tập độc đáo, đa sắc sử dụng vải Hakata Ori cùng với chất liệu indigo đắt giá của Nhật Bản trong đêm Houte Couture cũng như Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2016.
Là một nhà thiết kế gạo cội của Việt Nam, Minh Hạnh cũng rút ra cho mình nhiều bài học cũng như nhiều kinh nghiệm quý báu về thiết kế thời trang. Dưới đây là những chia sẻ vô cùng sâu sắc của bà dành cho chính mình cũng như các nhà thiết kế khác:
“Điều khó nhất đối với các nhà thiết kế thời trang là đi tìm nét độc đáo trong sự bình thường nếu như tìm nét độc đáo trong sự bất thường thì sẽ bị lọt ra quy đạo bất thường ấy.”
“Là NTK, cần phải bình tĩnh, bước đi từ từ, đừng bao giờ vội vàng. Bạn đừng nghĩ vội vàng trong nghệ thuật. Cái gì tồn tại lâu và chạm được vào trái tim của hàng triệu người đều phải có đầu tư thời gian, chất xám và bằng cả trái tim của mình.
Tôi nói thật, nghề thiết kế vừa có tiền lại vừa có tiếng. Thế nhưng để có cả hai thứ đó, bi kịch họ lại tăng gấp đôi. Bởi thế, để tránh khỏi bi kịch, các NTK trẻ phải chấp nhận đến với nghề bằng sự chân thực nhất. Những ánh hào quang, phù hoa xung quanh mình đều phải xuất phát từ sự chân thực.
Việc đầu tiên của các NTK muốn thành công đó là phải có đạo đức. Đạo đức đây không phải là hiền lành, gọi dạ bảo vâng. NTK đôi khi cá tính, sắc sảo lắm chứ! Đạo đức của nghề thiết kế nằm ở trái tim, phải tạo ra sản phẩm bằng cảm xúc thật của chính bản thân chứ không phải là thứ cảm xúc vay mượn, thứ thiết kế copy, nhặt nhạnh, nặng hơn là ăn cắp từ cảm xúc của người khác.”
“Có một thực tế mà các nhà thiết kế trẻ vẫn chưa nhận thức được, đó chính là việc dùng chất liệu của các nước khác. Tác phẩm của các bạn làm ra có thể khiến người khác thích thú, nhưng sự ngưỡng mộ không có. mà sự ngưỡng mộ luôn kèm theo sự kính trọng. Các bạn đã bỏ qua một tài nguyên vô cùng quý giá của đát nước mình.
Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mang tính lịch sử, tại sao lại không làm? Vải dệt thô ở Việt Nam có thể chưa hoàn chỉnh về chất liệu, nhưng chúng ta bắt đầu có tiếng nói riêng đối với bạn bè quốc tế. Nhiều người nước ngoài thốt lên kinh ngạc thế nào khi cầm trên tay tấm vải thổ cẩm thô chất liệu sợi tơ mỏng manh và rất khác biệt của người Việt Nam. Đó chính là lý do mà tôi lựa chọn và vẫn luôn khai thác chất liệu thổ cẩm trong nhiều năm nay.
Nhiều người nói rằng tôi điên vì khai thác chất liệu hiếm hoi này. Thế nhưng, tôi lại thích, lại đam mê. Bạn thấy đấy, khi tôi khai thác thổ cẩm, rất ít người để ý đến chúng. Nhưng một năm sau, nó có mặt trên thị trường với giá thành sản phẩm rất lớn.”
“Tôi đã từng đi vào vùng A Lưới xa xôi, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cụ già dân tộc ngồi dệt thổ cẩm nhưng lại nghe nhạc của Michael Jackson, rất hiện đại và sành điệu. Họ làm thế để làm gì? Theo bạn? Họ muốn tạo cảm xúc riêng cho chính mình trên chính tấm vải mà họ dệt ra.
Cảm xúc bất chợt trên từng tấm vải của mỗi người dân tộc khi dệt ra tấm vải hoàn toàn không “đụng hàng”. Đó mới là vốn rất quý đối với những nhà thiết kế hiện nay nhưng nhiều bạn bỏ phí.”
NGUYEN THUAN/DESIGNS.VN
Có thể bạn quan tâm > Vera Wang: Đế chế không ngừng bành trướng > Những điều cần lưu ý khi thiết kế trang phục nữ công sở > Những chú ý khi thiết kế trang phục trẻ em FacebookPinterestTwitterLinkedinTừ khóa » Thời Trang áo Dài Minh Hạnh
-
Áo Dài Minh Hạnh - Home | Facebook
-
Minh Hạnh - Tân Mỹ Design
-
NTK Minh Hạnh: "Áo Dài đang Có Dấu Hiệu Bị đe Dọa" - Dân Trí
-
Nhà Thiết Kế Minh Hạnh Làm Chương Trình Thời Trang Với Tranh Chống ...
-
THỜI TRANG ÁO DÀI - MINH HẠNH (DDVN5) - YouTube
-
Nhà Thiết Kế Minh Hạnh: Áo Dài Là “đại Sứ” Của Việt Nam
-
NTK Minh Hạnh: Muốn Chạm Tới Giá Trị Của 'di Sản' áo Dài Cần đủ Lực
-
Nhà Thiết Kế Thời Trang Minh Hạnh
-
Nhà Thiết Kế Minh Hạnh: Nghệ Thuật Chỉ Có Giá Trị Khi Chân Thật Và ...
-
Tiểu Sử Nhà Thiết Kế Minh Hạnh - Wiki Phununet
-
Nhà Thiết Kế Minh Hạnh: Từ “giấc Mơ Thổ Cẩm” đến Các Sàn Diễn ...
-
Nhà Thiết Kế Minh Hạnh Phẫn Nộ Khi áo Dài Việt Nam Bị Ne Tiger ...
-
Chương Trình Thời Trang Tôn Vinh Chiến Sĩ Chống Covid-19