NTK Minh Hạnh: Muốn Chạm Tới Giá Trị Của 'di Sản' áo Dài Cần đủ Lực

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link

Giai đoạn đầu của chiến dịch đưa áo dài trở thành di sản với mong muốn phát huy hơn nữa vẻ đẹp của tà áo dài, để trang phục này trở thành biểu tượng của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, đã chính thức khởi động với chương trình “Áo dài của chúng ta,” diễn ra vào tối ngày 9/4, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Góp sức lớn trong hoạt động này phải kể đến nhà thiết kế Minh Hạnh, người vẫn luôn bền bỉ với việc gìn giữ những chất liệu truyền thống, không ngừng lan tỏa tinh thần đó cho thế hệ các nhà tạo mẫu trẻ.

[Áo dài của chúng ta’: Ngày hội tôn vinh ‘di sản’ của phụ nữ Việt Nam]

Về ngày hội áo dài lớn chỉ sử dụng chất liệu gai và lụa như một cách tôn vinh các giá trị truyền thống, nhà thiết kế Minh Hạnh đã có những chia sẻ với phóng viên.

Vải gai – một di sản của truyền thống

- Có thể nói, đây là lần đầu tiên vải gai trở thành chất liệu chủ đạo cho một ngày hội áo dài như chương trình “Áo dài của chúng ta,” với 15 bộ sưu tập của 15 nhà thiết kế. Thực tế, chưa nhiều người biết về chất liệu truyền thống đặc biệt này, thưa bà?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Có lẽ không ai biết, hơn chục năm qua cô Thúy [bà Đỗ Hồng Thúy – người tìm ra phương thức dệt vải gai ở Việt Nam – PV] đã phải mò mẫm và lẫm lũi để sản xuất sợi gai. Đặc biệt, với cây gai, mọi người quen thuộc với việc lá được dùng làm bánh, nhưng thân được lấy dùng dệt vải thì không phải ai cũng biết. Với việc “hồi sinh” chất liệu cổ truyền tưởng chừng bị lãng quên đó, tôi vẫn thường gọi vui cô Thúy là “bà tổ” của vải gai Việt Nam.

NTK Minh Hạnh: Muốn chạm tới giá trị của 'di sản' áo dài cần đủ lực ảnh 1Lá cây gai được lấy làm bánh, thân lấy sợi dệt vải. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cô Thúy hiện có nhà máy sản xuất ở Thanh Hóa với sản lượng khai thác từ 5.000ha cây gai/năm. Điều này đã mang lại giá trị mới cho cây gai Việt Nam khi bước chân vào thị trường.

15 bộ sưu tập được giới thiệu trong chương trình “Áo dài của chúng ta” vào tối ngày 9/4 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đều sử dụng chất liệu vải truyền thống là gai và lụa. Những chất liệu này cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt và chắc chắn rằng nhờ nó thời trang Việt Nam sẽ phát triển.

Cả lụa và gai đều là chất liệu truyền thống. Nếu lụa được xem là cô gái xinh đẹp, nhẹ nhàng, đỏng đảnh, rất đắt và sang trọng thì gai lại là cô gái khá thân thiện và dễ chịu. Bởi khi mặc gai tôi không phải giữ gìn nhiều mà giặt dễ dàng. Đặc tính của mỗi sản phẩm đều có giá trị riêng.

Về chất lượng của vải gai, có thể khẳng định nó còn vượt quá kỳ vọng của tôi. Tôi vẫn thường nói với Thúy: “Em cứ cố gắng đi, sau cơn mưa trời vẫn còn dơ, cho nên vẫn phải làm vải gai cho đến lúc sức cùng lực kiệt.”

Có thể nói, ở Việt Nam, chưa bao giờ chúng tôi có được một chất liệu đáng tự hào như thế. Trong chất liệu truyền thống, vải gai chính là di sản với cốt lõi là giá trị chuẩn mực và thân thiện.

NTK Minh Hạnh: Muốn chạm tới giá trị của 'di sản' áo dài cần đủ lực ảnh 2Sợi từ cây gai. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

- Ngoài những giá trị đến từ chất liệu, điểm nhấn của chương trình “Áo dài của chúng ta” là gì, thưa bà?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Trong chương trình lần này sẽ có điểm nhấn rất đặc biệt, đó là màn trình diễn của tám phu nhân đại sứ của tám nước tại Việt Nam; các cô gái đến từ Mozambique có làn da đen và hình thể khá đặc biệt. Tôi muốn chứng minh rằng áo dài không chỉ dành cho những phụ nữ có số đo chuẩn mà còn có thể ứng dụng cho rất nhiều kích cỡ, làn da và kể cả khác biệt về văn hóa…

Trong năm nay, chúng tôi sẽ triển khai dự án tái hiện 100 quốc gia trên tà áo dài Việt và các mẫu thiết kế này sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để trưng bày.

Đây là giai đoạn đầu chiến dịch áo dài trở thành di sản của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với mong muốn phát huy hơn nữa vẻ đẹp của tà áo dài để trang phục này trở thành biểu trưng của phụ nữ trong thời đại mới.

Phải có đủ lực mới chạm được vào giá trị bản sắc

- Thưa bà, nhiều người cho rằng để một đối tượng nào đó được công nhận là di sản thì nó phải được sống và được thực hành trong một cộng đồng. Vậy hoạt động như ngày hội trình diễn áo dài sắp tới có phải là bước đệm để chúng ta chứng minh cho thế giới thấy rằng áo dài vẫn “sống” trong cộng đồng Việt Nam?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Ở thời điểm này, một chiếc áo truyền thống hoặc những vấn đề về truyền thống là quá khó khăn. Chính vì vậy, những hoạt động như “Áo dài của chúng ta” phải đẩy lên được tinh thần của thời đại, để làm sao giá trị truyền thống hữu hiệu trong thời đại ngày nay.

NTK Minh Hạnh: Muốn chạm tới giá trị của 'di sản' áo dài cần đủ lực ảnh 3Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu lịch sử áo dài Việt với các nghệ sỹ gạo cội của làng điện ảnh Việt Nam như: Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang, nghệ sỹ ưu tú Thanh Tú... (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sự hữu hiệu đó không phải là những lời tâng bốc hay ca tụng về chiếc áo truyền thống mà chính là sự hữu hiệu trong đời sống tinh thần người Việt, áo dài sẽ trở nên gần gũi, thân thiện.

Ví dụ như áo dài có thể kết hợp với các loại trang phục năng động hơn, thoải mái hơn và đặc biệt trong đời sống tinh thần người Việt trẻ. Các em cần hiểu được giá trị truyền thống được tiếp biến trong thời đại này để tiếp nhận bằng một tinh thần mới, với nguồn năng lượng mới, từ đó tạo ra không chỉ những dấu ấn về áo dài mà chính là cột mốc trong lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam, của văn hóa truyền thống.

- Vâng thưa bà, có thể nói áo dài là mảnh đất màu mỡ cho các nhà thiết kế Việt khai thác. Bà đánh giá thế nào về vai trò của các nhà tạo mẫu Việt Nam khi họ mang hình ảnh của áo dài ra nước ngoài giới thiệu?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Thực ra đó là các nhà thiết có trách nhiệm, mà phải là trách nhiệm tự nguyện, nhưng cũng khá thách thức. Bởi khi họ chạm vào một chiếc áo dài truyền thống, chạm vào giá trị của bản sắc thì họ phải đủ lực để thể hiện. Nếu không đủ lực thì giống như trong thực tế đã có nhiều trường hợp áo dài trở thành thảm họa và rõ ràng chúng ta không hề mong muốn điều đó xảy ra.

Các nhà thiết kế Việt có thể tự hào và cảm thấy vinh dự khi áo dài trở thành cảm hứng sáng tác nhưng đồng thời họ cũng phải có trách nhiệm rất lớn trong việc tạo dựng thẩm mỹ của thời đại.

Thẩm mỹ đó không phải là thẩm mỹ lai căng hay vay mượn ở đâu đó mà chính là thẩm mỹ được nuôi dưỡng bằng một tinh thần Việt thuần chất nhưng không được lạc hậu mà phải rất hiện đại.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà./.

(Vietnam+)

Từ khóa » Thời Trang áo Dài Minh Hạnh