Nhận Diện Những Bất Cập, Khó Khăn, Vướng Mắc Và Hạn Chế Trong ...

Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, trong thực tiễn đã bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong chính sách thu hồi đất. Từ đó, một số địa phương do hiểu và áp dụng không thống nhất các quy định của pháp luật về thu hồi đất, nên còn lúng túng, máy móc trong việc giải quyết các yêu cầu của người dân có đất bị thu hồi hoặc ban hành các quyết định hành chính thiếu cơ sở pháp lý hoặc do chủ quan của một số cán bộ có trách nhiệm, nên đã dẫn đến tình trạng người dân có đất bị thu hồi không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai khi bị thu hồi đất trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp.

Do đó, việc nhận diện những bất cập, khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong chính sách thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 là một thực tế. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hướng tới việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong tình hình hiện nay và về lâu dài là rất cần thiết.

Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, qua thực tế cho thấy nổi lên những bất cập của quy định pháp luật về thu hồi đất hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi trong thời gian qua một số không nhận được sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi, họ cho rằng việc áp khung giá đất không phù hợp, quá chênh lệch so với giá thị thường, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết. Thực tế các tranh chấp trong thời gian qua ở địa phương và các vụ án dân sự, hành chính tại Tòa án nhân dân liên quan đến thu hồi đất, việc đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư rất phức tạp, chủ yếu là xuất phát từ việc bất cập về thu hồi đất quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng":

Vấn đề đặt ra ở đây, là phải tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng để phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội.

Để phân biệt rõ ràng đâu là "phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng", đâu là "phát triển kinh tế xã hội". Nói cách khác, cần phải làm rõ khái niệm "phát triển kinh tế xã hội" vì đây còn là một khái niệm chung chung, chưa rõ ràng, khó hiểu, dễ bị áp dụng chủ quan, dễ bị lợi dụng, trục lợi và trên thực tế đã dẫn đến nhiều dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích.

Theo Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 đã xác định cụ thể hai cơ chế thu hồi đất như sau:

Một là,thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Hai là,thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư.

Đây chính là bất cập rất lớn, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian vừa qua.

Vấn đề đặt ra ở đây, là phải tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng để phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội.

Để phân biệt rõ ràng đâu là "phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng", đâu là "phát triển kinh tế xã hội". Nói cách khác, cần phải làm rõ khái niệm "phát triển kinh tế xã hội" vì đây còn là một khái niệm chung chung, chưa rõ ràng, khó hiểu, dễ bị áp dụng chủ quan, dễ bị lợi dụng, trục lợi và trên thực tế đã dẫn đến nhiều dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích.

Do vậy, cần thiết phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế xã hội thuần túy phục vụ lợi ích của doanh nghiệp với dự án vì lợi ích chung của cộng đồng; tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của chủ đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc để lợi dụng và trục lợi dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi.

Một bất cập nữa trong công tác bồi thường khi thu hồi đất là: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi là bồi thường theo giá thị trường nhưng khi đi vào thực tế việc xác định theo giá thị trường là không rõ ràng. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải đảm bảo được sự hài hòa lợi ích của các bên Nhà nước, chủ đầu tư, doanh nghiệp và người sử dụng đất bị thu hồi. Công tác đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải linh hoạt và kịp thời, thực hiện theo đúng nguyên tắc chia sẻ lợi ích của người được đất và người có đất bị thu hồi. Nghĩa là giá đất của người sử dụng đất được nhận phải làm cho họ hài lòng và đồng thuận với giá mà Nhà nước thu hồi.

Mặc dù Nhà nước đã đặt ra cơ chế thu hồi như vậy, nhưng không rõ ràng giữa thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng với việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích thuần túy của chủ đầu tư. Nên khi triển khai trên thực tế đã phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế, không nhận được sự đồng thuận cao của người có đất bị thu hồi.

Chính vì vậy, việc tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng để phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội thuần túy sẽ rất thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và cho người đang sử dụng đất. Như vậy, thì người dân có quyền thỏa thuận mức bồi thường với chủ đầu tư. Trong trường hợp này, người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư bồi thường đất theo giá thị trường (theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013).

Như vậy, để những bất cập, khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong chính sách thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013 được minh bạch và tách bạch theo hướng trên, thì vấn đề đặt ra ở đây đối với hai trường hợp thu hồi đất sẽ được thực hiện rất thuận lợi, đó là;

Trường hợp thứ nhất: "Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng" sẽ được tuân thủ chặt chẽ theo quy trình về trình tự, thủ tục thu hồi đất, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân được thực hiện theo quy định tại các Điều 69, Điều 74 đến Điều 81 của Luật Đất đai năm 2013 trên cơ sở khung giá đất do Nhà nước ban hành.

Trường hợp thứ hai: để thực hiện các dự án để phát triển kinh tế xã hội thuần túy của chủ đầu tư thì sẽ do chủ đầu tư cùng người sử dụng đất thỏa thuận mức đền bù thường sát với giá thị trường, đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư, người bị thu hồi đất và được thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013, và Luật đầu tư 2014.

Trên cơ sở Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 quy định về khung giá đất của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và quy định cụ thể về giá đất, khung giá đất cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương và phù hợp với mức độ đô thị hóa của từng địa phương; đảm bảo giá đất, khung giá đất khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp với giá đất, khung giá đất trên thị trường.

Vấn đề đặt ra là, cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để làm rõ các khái niệm thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thế nào là phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc định ra cơ chế bồi thường phù hợp nhằm đảm bảo được sự hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích chủ đầu tư và lợi ích của người đang sự dụng đất bị thu hồi. Vì vậy, cần phải tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ra khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội thuần túy để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi, đền bù là khác nhau.

Do sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng nên các quy định về thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013 vừa mới áp dụng vào thực tiễn hơn 8 năm qua đã có những điểm bất cập, khó khăn, vướng mắc và hạn chế là lẽ đương nhiên. Song, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hồi đất phải đảm bảo tính linh hoạt, tính kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước là điều hết sức quan trọng, nó quyết định hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai cũng như điều tiết các mối quan hệ sở hữu và hơn nữa làm hạn chế các tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gây mất an ninh, chính trị ở địa phương./.

Luật sư Hoàng Đức Trình - Văn phòng Luật sư Đồng tâm & Cộng sự

Từ khóa » Những Tồn Tại Của Luật đất đai 2013