Những Bất Cập, Hạn Chế Của Luật Đất đai 2013 - PLO
Có thể bạn quan tâm
Ngày 8-10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. “Luật Đất đai gần 10 năm qua bên cạnh những ưu điểm thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập” - báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định.
Hạn chế, bất cập do không tương thích với nhiều luật
Trình bày báo cáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho hay: Những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự chồng chéo, không thống nhất của các quy định pháp luật về đất đai.
Các đại biểu tại hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 8-10. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Ngô Sách Thực, một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan; vướng mắc, bất cập trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai.
Cùng với đó là các vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai; vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của cộng đồng dân tộc thiểu số và vướng mắc, bất cập về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai.
Phát biểu và giải thích cho việc Luật Đất đai năm 2013 có nhiều bất cập, GS Trần Ngọc Đường cho hay: Lúc làm Luật Đất đai năm 2013 thì ông còn công tác ở Quốc hội. Khi đó, đạo luật quan trọng này được xây dựng song song với Hiến pháp 2013. Hôm trước Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 thì hôm sau Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2013.
“Vì được làm song song với Hiến pháp 2013 nên nhiều tư tưởng, tư duy của hiến pháp mới chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Luật Đất đai năm 2013. Ví dụ, các vấn đề về phân công, phân quyền, phân cấp, kiểm soát quyền lực, đề cao nhân tố quyền con người, quyền công dân. Luật Đất đai năm 2013 còn có chỗ chưa đề cao các vấn đề này. Luật Đất đai năm 2013 cũng không có tầm nhìn xa nên mâu thuẫn với một loạt luật được ban hành theo tinh thần của Hiến pháp 2013 sau này” - GS Trần Ngọc Đường giải thích.
Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói pháp luật về đất đai liên tục được hoàn thiện và là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai chặt chẽ hơn, giúp khai thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Và những năm qua, pháp luật về đất đai có những đóng góp quan trọng, nhất là vào phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Tuy vậy, bối cảnh mới hiện nay cho thấy Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ không ít bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khả năng khai thác, phát triển đất đai bị hạn chế, chưa giải quyết được hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp trong sử dụng đất đai. Nhiều quy định của luật chưa tương thích, đồng bộ với các luật khác, nhất là các luật sau Hiến pháp năm 2013.
“Điều đó tạo ra khoảng trống, kẽ hở để tổ chức, cá nhân trục lợi, dẫn đến nguy cơ tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân. 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai” - ông Châu nói.
Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Tham nhũng đất đai là đáng sợ nhất”
PGS Nguyễn Quang Tuyến, ĐH Luật Hà Nội, dẫn những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn xảy ra trong thời gian qua như vụ án Vũ “nhôm”, các vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM... và cho rằng “tất cả đều liên quan đến đất công”.
“Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các lợi ích nhóm. Doanh nghiệp cũng nhìn chằm chằm vào đất của quốc gia. Cứ thu hồi đất của nông dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền, bán chênh lệch là giàu có. Do đó, việc quản lý đất đai như thế nào là cả một vấn đề cần đặt ra” - ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, cần thể chế hóa bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác. Nhân dân với tư cách là đại diện chủ sở hữu có quyền hành gì thì luật phải quy định rõ.
Liên quan đến quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân, ông Tuyến lưu ý phải làm rõ “dân ở đây là ai” chứ không thể quy định chung chung. “Dân ở đây chính là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch. Đồng thời, khi người dân góp ý cần quy định số % nếu chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì các cơ quan lập quy hoạch sẽ thay đổi toàn bộ, thay đổi một phần hay không thay đổi thì phải giải trình cho nhân dân rõ” - ông Tuyến kiến nghị.
Cần làm rõ nội hàm “sở hữu toàn dân”
GS Võ Khánh Vinh cho rằng: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước nhưng dường như chúng ta mới ưu tiên việc quản lý nhà nước, trong đó chủ yếu nói đến vai trò của hành pháp là chính. Theo GS Vinh, trong lần sửa Luật Đất đai tới đây cần nhấn mạnh vai trò của MTTQ.
GS Vinh cũng đề nghị khi sửa đổi Luật Đất đai cần phải nhấn mạnh đất đai là sở hữu toàn dân nhưng cần làm rõ nội hàm để tránh những vấn đề phát sinh. “Từ nghiên cứu về tham nhũng thì thấy xuất hiện một vấn đề, đó là tham nhũng về đất đai là đáng sợ nhất. Người ta dựa vào lỗ hổng của chính sách pháp luật, của thực thi, của vượt thẩm quyền từ địa phương để tham nhũng, trục lợi” - GS Vinh nói.
Từng làm phó bí thư, chủ tịch UBND, rồi bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Lê Tiến Châu nhận xét: “Vấn đề quy định giá đất khi thu hồi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân về khiếu kiện. Bồi thường cho dân mấy chục ngàn/m2 thôi, sau đó giao cho doanh nghiệp, phân lô, bán nền mấy chục triệu/m2. Tiền bồi thường cho dân chả đủ để họ đi đâu cả”.
“Vi phạm pháp luật về đất đai thì cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra cũng phát hiện nhiều nhưng dân phát hiện là cơ bản. Bởi vậy cần đặt ra trách nhiệm tham vấn ý kiến nhân dân, trách nhiệm giải trình của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đất đai” - ông Châu nói.
Sáu bất cập lớn của Luật Đất đai năm 2013 1) Một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan. Cụ thể, chưa thể chế hóa một số quy định trong Hiến pháp năm 2013; chưa thống nhất, đồng bộ giữa các luật, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất cũng chưa đồng bộ, thống nhất. 2) Vướng mắc, bất cập trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể là về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 chưa thể hiện đầy đủ các không gian quy hoạch; quyền giám sát của HĐND các cấp chưa rõ ràng, còn chung chung, việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ. 3) Vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai. 4) Vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai. 5) Vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của cộng đồng dân tộc thiểu số. 6) Vướng mắc, bất cập về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai. Quy định tham vấn ý kiến nhân dân còn thiếu quy định về tham vấn ý kiến nhân dân; chỉ nêu về hình thức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm bằng hình thức dân chủ đại diện là thông qua các cơ quan như Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam... Còn cơ chế để nhân dân trực tiếp tham gia giám sát thì luật chưa quy định. (Trích báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) |
Từ khóa » Những Tồn Tại Của Luật đất đai 2013
-
Thực Tiễn Thi Hành Luật Đất đai 2013 Và Những Bất Cập Cần Sửa đổi ...
-
Những Bất Cập, Vướng Mắc Trong Thi Hành Luật Đất đai Nhìn Từ Góc ...
-
Một Số Tồn Tại, Khó Khăn, Vướng Mắc Sau 5 Năm Thi Hành Luật Đất ...
-
Luật Đất đai Năm 2013: Thực Tiễn Thi Hành Và Những Bất Cập Cần ...
-
Những Vấn đề Vướng Mắc, Bất Cập Cần Sửa đổi Bổ Sung Trong Luật ...
-
Một Số Sai Phạm Trong Quản Lý Nhà Nước Về đất đai Thông Qua Thực ...
-
Những Bất Cập, Chồng Chéo, Vướng Mắc Giữa Các Quy định Của ...
-
Sự Cần Thiết Phải Sửa đổi Luật đất đai Năm 2013
-
Thành Tựu Và Một Số Tồn Tại Hạn Chế Của Chính Sách Pháp Luật đất ...
-
Tháo Gỡ Vướng Mắc Trong Quá Trình Tổ Chức Thi Hành Luật Đất đai
-
Lấy ý Kiến Dự Thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Một Số Khó Khăn, Vướng Mắc Trong Thực Tiễn Thi Hành Luật Đất đai ...
-
Nhận Diện Những Bất Cập, Khó Khăn, Vướng Mắc Và Hạn Chế Trong ...
-
Sửa đổi, Bổ Sung Luật Đất đai Năm 2013 để Khắc Phục Hạn Chế, Yếu ...