Nhận Thức Sai Lầm Hay Là Sự Biện Minh Lố Bịch

Ngày 23-8 vừa qua, phát biểu tại Đại hội thường niên của Hội Cựu chiến binh Mỹ (VFW), Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã bộc lộ nhận thức sai lầm về cuộc chiến tranh Việt Nam khi dùng cuộc chiến tranh này biện minh cho những sai lầm của chính quyền do ông đứng đầu trong cuộc chiến tranh I-rắc hiện nay.

Cho đến nay, cuộc chiến I-rắc do chính Tổng thống Mỹ đương nhiệm phát động đã trải qua con đường dài đẫm máu. Bốn năm qua, mỗi tháng nước Mỹ đổ vào “canh bạc” I-rắc trên 10 tỉ USD và số “tốt đen” bị thí mạng trên “bàn cờ” này mỗi ngày một tăng lên. Đến trung tuần tháng 8-2007, lính Mỹ thiệt mạng ở I-rắc đã lên đến con số gần 4000 người. Họ được đưa đến I-rắc với “sứ mạng bảo vệ lợi ích quốc gia và lập lại nền dân chủ”, nhưng kể từ khi chính quyền của Sa-đam Hút-xen bị lật đổ, tình hình nước này ngày càng tồi tệ hơn. Mâu thuẫn giữa các nhóm sắc tộc đang đưa đất nước này tiến dần đến bờ vực của một cuộc nội chiến. Nội bộ Chính phủ I-rắc đang đứng trước nguy cơ tan rã do những rạn nứt khó hàn gắn giữa các phe phái. Những nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ I-rắc dưới sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ nhằm xây dựng lại liên minh thống nhất dân tộc dường như không thấm vào đâu so với những bất đồng, chia rẽ ngày càng sâu sắc. Các đồng minh trong cuộc chiến hao tiền tốn của đầy tai tiếng này đang dần tách khỏi liên minh với Mỹ. Hệ luỵ của chiến tranh I-rắc không chỉ tác động tiêu cực đến nước Mỹ và các đồng minh mà còn làm cho tình hình thế giới ngày càng thêm bất ổn.

Ngay trong lòng nước Mỹ, những thất bại nặng nề trên chiến trường I-rắc đang đặt Tổng thống Mỹ trước những sức ép không hề nhỏ. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa quay lưng lại với Nhà Trắng, phe Dân chủ trong Quốc hội đang mở chiến dịch gây sức ép, đòi ấn định thời điểm rút quân khỏi I-rắc, tỷ lệ cử tri ủng hộ Tổng thống Bu-sơ tiếp tụt sụt giảm…Những động thái đó đang đẩy chính quyền của ông Bu-sơ vào thế bị động. Gần đây, tờ New York Times đã đăng bài bình luận, trong đó có đoạn viết: "Đã tới lúc Mỹ nên rời khỏi I-rắc và đừng có thêm bất cứ sự trì hoãn nào sau thời gian cần thiết để tổ chức một cuộc rút quân có trật tự”. Kết quả thăm dò của báo "Nước Mỹ ngày nay" và Viện Gallup công bố ngày 10-7 cho thấy, làn sóng phản đối cuộc chiến I-rắc ngày càng tăng trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Bu-sơ trong cử tri Mỹ hiện chỉ còn ở mức 29%.

Lẽ ra phải tìm những lời giải thích thông minh, có thể chấp nhận được cho tình thế bất lợi hiện nay, thì ông Bu-sơ lại tìm cách biện minh cho những thất bại của mình bằng cách dùng cuộc chiến tranh Việt Nam để nói về cuộc chiến I-rắc hiện tại. Sẽ là tốt cho nước Mỹ, nếu ông biết rút ra những bài học sai lầm trong cuộc chiến tranh Việt Nam để sớm tìm ra cách thoát khỏi “vũng lầy” chiến tranh ở I-rắc. Tiếc thay, ông lại cho rằng việc rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam hơn 32 năm trước chính là “nguyên nhân của hàng triệu cái chết ở Căm-pu-chia và Việt Nam”, “để lại vết nhơ to lớn đối với danh tiếng của Mỹ.”…

Nhận thức về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam trên đây của ông Bush lập tức nhận được nhiều ý kiến công kích từ giới học giả và chính giới Mỹ. Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy, em trai cố tổng thống John F. Kennedy - người từng dính líu đến cuộc chiến Việt Nam, phân tích: “Tổng thống Bush đã đưa ra một bài học sai về lịch sử. Mỹ thua cuộc chiến Việt Nam vì quân đội chúng ta sa lầy ở một đất nước xa xôi mà chúng ta không hề hiểu gì hết. Mỹ khi đó ủng hộ một chính phủ không có đủ tính hợp pháp đối với người dân họ”. Giáo sư William ở Đại học Frostburg (Maryland, Mỹ) bình luận: “Giá ông Bush từng thật sự tham chiến trong chiến tranh Việt Nam thay vì tiệc tùng ở nhà khi còn trong quân đội, thì có thể ông ta đã có cách nhìn khác. Việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam hơn 40 năm trước là một điều hoàn toàn ngu ngốc, nguy hiểm và gây chết người... Tôi không nghĩ rằng nếu Mỹ ném thêm bom thì có thể chiến thắng trong cuộc chiến. Đó là điều ngu ngốc...”.

Nên nhớ rằng, sau gần 30 năm chính thức theo đuổi cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, Mỹ đã rút khỏi Việt Nam để tránh một thất bại đang cận kề. Và cũng cần phải nhắc lại rằng, chính sự hiện diện của quân Mỹ ở Việt Nam và Đông dương là mối “đại hoạ” đối với các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á.

Trong những năm qua, nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ với tinh thần “khép lại quá khứ hướng tới tương lai” đã có mối quan hệ tốt đẹp, góp phần vào việc giữ gìn và củng cố hoà bình thế giới. Nhiều chính trị gia đã coi quan hệ Việt-Mỹ là mẫu mực cho các nước khác trong việc xử lý các bất đồng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc biện minh lố bịch và bào chữa hàm hồ cho cuộc chiến tranh mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam, không đồng nghĩa với việc chối bỏ trách nhiệm lịch sử về những tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Nếu lấy cuộc chiến tranh Việt Nam để làm bình phong che chắn cho những sai lầm và hợp pháp hoá những sai lầm trong cuộc chiến tranh ở Iraq thì người đứng đầu Nhà trắng đã coi thường những mất mát, đau khổ mà cuộc chiến tranh ấy gây ra không chỉ cho nhân dân Iraq mà cả nhân dân Mỹ. Việc làm ấy không những không giúp ông Bush trấn an được dư luận, trái lại càng làm cho “hội chứng Việt Nam” trong lòng nước Mỹ xuất hiện những biến chứng mới, rất nguy hiểm. Phát biểu của ông Bush trong khi mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp như hiện nay là việc làm đáng tiếc và không cần thiết.

Lịch sử luôn để lại cho hậu thế những bài học bổ ích trên cơ sở nhận thức đúng lịch sử. Những ai nhận thức sai hoặc cố tình bóp méo lịch sử để biện minh cho những sai lầm của mình tất sẽ chuốc lấy những sai lầm và thất bại nặng nề hơn.

Hy vọng, Tổng thống Mỹ (cả hiện tại và trong tương lai) không phải là người như vậy./.

Từ khóa » Sự Lố Bịch