Nhiễm Trùng Máu ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ Nguy Hiểm Thế Nào? - VNVC

Với tỷ lệ tử vong cao từ 20-50%, nhiễm trùng máu sơ sinh là tình trạng nặng, có thể kèm theo viêm màng não mủ. Do đó, việc trang bị những kiến thức về bệnh là điều cần thiết để bảo vệ trẻ trong những ngày tháng đầu đời.

nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu sơ sinh là gì?

Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết) trẻ sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng cấp tính mức độ nặng ở trẻ từ lúc sinh cho đến 28 ngày tuổi. Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng bởi hệ thống miễn dịch – tuyến “phòng thủ” bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh… chưa phát triển hoàn chỉnh, nhất là trẻ nhẹ cân và sinh non.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Trong năm 2011, trên toàn thế giới có 360.346 trẻ sơ sinh chết vì nhiễm trùng máu và các bệnh nhiễm trùng khác.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu có thể xảy ra với bất kỳ trẻ sơ sinh nào, có thể xuất hiện trước, trong và sau khi sinh, đa số các trường hợp nhiễm bệnh phải được điều trị tích cực, nguy hiểm nhất là sốc nhiễm khuẩn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), nguyên nhân của nhiễm trùng máu sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như: Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Haemophilus influenzae, E.coli, Klebsiella, Pseudomonas… gây ra.

Bác sĩ Bạch Thị Chính nhận định: Phế cầu là vi khuẩn có thể gây ra 4 bệnh nguy hiểm gồm: viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi. Hằng năm, phế cầu khuẩn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Việt Nam một trong những quốc gia chịu gánh nặng nhiễm khuẩn huyết trên toàn cầu.

“Nói đến vi khuẩn phế cầu, các bác sĩ đều sợ hãi bởi đây là loại vi khuẩn thường gặp, gây ra nhiều biến chứng rất nặng và đang có xu hướng kháng lại kháng sinh rất mạnh. Nhất là những ca phế cầu xâm lấn, dù tỷ lệ những ca này không thường gặp nhưng nếu đã mắc phải, thì bệnh cảnh rất nặng nề” – bác sĩ Chính cho biết thêm.

Ở trường hợp trẻ nhiễm trùng máu trước khi sinh do trong thời gian mang thai, mẹ bầu mắc các bệnh như: Rubella, nhiễm trùng đường tiết niệu… Lúc này, những vi khuẩn gây bệnh sẽ thông qua nhau thai và gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu của trẻ.

Ở những trường hợp mẹ vỡ ối sớm sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn trong hệ sinh dục xâm nhập vào màng ối, làm nhiễm khuẩn nước ối. Nếu thai nhi nuốt phần nước ối bị nhiễm khuẩn, nguy cơ viêm phổi, viêm dạ dày và phát triển thành nhiễm trùng máu sẽ rất cao.

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm khuẩn huyết. Bệnh có diễn tiến nặng trong khoảng thời gian rất nhanh, tiên lượng khó lường trước, tỷ lệ tử vong rất cao. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết trẻ sơ sinh thường rất đa dạng, phức tạp nhưng không đặc hiệu do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý bẩm sinh như suy tim, suy hô hấp, rối loạn chuyển hóa,….

Nhiễm trùng huyết đang gieo rắc cái chết cho hàng triệu trẻ em bởi các biến chứng khôn lường như:

  • Biến chứng nguy hiểm nhất phải kể đến đầu tiên do nhiễm trùng máu là sốc nhiễm khuẩn, biến chứng này có thể gây suy hô hấp, suy tim, đột quỵ, suy các cơ quan và tử vong, kể cả khi đã được điều trị tích cực.
  • Biến chứng thứ 2 phải kể đến là hiện tượng tăng đông máu, cụ thể, Fibrinogen (một protein rất cần thiết cho sự hình thành cục máu đông) sẽ được chuyển thành Fibrin, tạo nên các cục máu đông trong vi tuần hoàn làm nặng nề thêm tổn thương tại các cơ quan. Nhiễm trùng máu làm giảm nồng độ của protein C, protein S, antithrombin III và TFPI, những yếu tố có tác dụng điều hòa quá trình đông máu. Khi hiện tượng này xảy ra có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tắc mạch ở các cơ quan, trẻ có thể tử vong nếu bị nhồi máu phổi, máu não, thiếu máu cơ tim…
  • Không chỉ vậy, nhiễm khuẩn huyết còn dẫn đến nguy cơ suy đa tạng. Đây là biến chứng rất nặng, người mắc trường hợp này phải được điều trị tích cực, lọc máu liên tục, thậm chí phải thở máy để thay thế các chức năng của gan, thận đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 20-50%. Nhiễm khuẩn huyết là căn bệnh luôn nằm trong “top” nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển và là nhóm bệnh có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ mắc và tử vong thay đổi tùy theo điều kiện về kinh tế-xã hội và hệ thống của từng nước, tại Mỹ và các nước phát triển tỷ lệ này khoảng từ 10-30%. Riêng tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tại một số bệnh viện tỷ lệ này là 20-50% ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

nhiem khuan huyet o tre

Nhiễm khuẩn huyết là bệnh luôn nằm trong “top” nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong cao lên tới 20-50%.

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Ở trẻ sơ sinh: Nhiễm trùng huyết có thể xảy ra ở tất cả trẻ, song những yếu tố trong quá trình sinh sản của người mẹ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh như: suy thai, vỡ ối sớm, trẻ sinh non và nhẹ cân, mẹ mắc một số loại virus như rubella, herpes,… hoặc nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS).

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn huyết ở trẻ nhỏ có thể kể đến: sử dụng ống tĩnh mạch trong thời gian dài (trên 10 ngày) khi trẻ nằm viện; thiết bị, dụng cụ y tế hay đồ dùng cho trẻ bị nhiễm bệnh; không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ,…

Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh còn xuất hiện nhiều ở trẻ chưa được tiêm chủng, suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị corticoid, trẻ mắc dị tật bẩm sinh,… Nhiễm trùng huyết là một rối loạn cực kỳ phức tạp liên quan đến sự hoạt hóa của nhiều cơ chế khác nhau, nhưng chồng chéo và tác động với nhau trong cơ thể người bệnh, như cơ chế gây viêm, chống viêm, đông máu,…

Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Để phát hiện nhiễm khuẩn huyết sớm và kịp thời, phụ huynh cần chú ý đến những triệu chứng “trông có vẻ” không bình thường ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như:

Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

  • Hô hấp: xanh tím, rối loạn nhịp thở, thở rên, thở nhanh > 60 lần/phút + co kéo, ngừng thở > 15 giây.
  • Tim mạch: xanh tái, da nổi bông, nhịp tim nhanh > 160 lần/phút, lạnh đầu chi, thời gian hồng trở lại của da kéo dài > 3 giây, hạ huyết áp.
  • Tiêu hóa: trẻ bỏ bú, bú kém, trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, dịch dạ dày ứ > 2/3 số lượng sữa bơm cử trước.
  • Da và niêm mạc: da tái, nổi vân tím, phát ban, xuất huyết, vàng da sớm trước 24 giờ, nốt mủ, phù nề, cứng bì.
  • Thần kinh: giảm hoặc tăng trương lực cơ, dễ bị kích thích, giảm phản xạ, co giật, thóp phồng, hôn mê.
  • Huyết học: tụ máu dưới da, tử ban, gan lách to, xuất huyết nhiều nơi.
  • Thực trạng cơ thể: sụt cân không nguyên do, rối loạn điều hòa thân nhiệt.

Các dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị nhiễm khuẩn huyết mà các mẹ thường nhầm lẫn với những bệnh lý khác như:

  • Sốt cao, trên 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt, dưới 35 độ C;
  • Buồn ngủ và ngủ li bì, chán ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều…
  • Da dẻ bé xanh xao, nhợt nhạt như mất máu.
  • Xuất hiện những triệu chứng của viêm phổi, suy hô hấp, hen suyễn, khò khè, khó thở.
  • Đi tiểu nhiều lần nhưng tiểu rất khó, có thể ra máu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

dau hieu nhiem khuan huyet o tre

Sốt cao – một trong những triệu chứng nhận biết nhiễm khuẩn huyết ở trẻ nhỏ

Chẩn đoán, xét nghiệm nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Để chẩn đoán nhiễm trùng máu sơ sinh, nhất là trong các trường hợp triệu chứng quá mơ hồ, không đặc hiệu, việc xét nghiệm là vô cùng cần thiết. Hơn thế nữa, đây còn là các thông số quan trọng giúp đánh giá sức khỏe tổng quát của trẻ sơ sinh hiệu quả. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Huyết đồ;
  • Khí máu;
  • Nồng độ điện giải;
  • Đường huyết;
  • Các xét nghiệm xác chẩn nhiễm trùng như định lượng nồng độ Protein phản ứng C (CRP), procalcitonin;
  • Các xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh là cấy máu, cấy nước tiểu và phân tích nước tiểu, cấy đàm, hoặc chọc dò tủy sống. Kết quả của việc nuôi cấy giúp định hướng loại kháng sinh hiệu quả cần dùng để tiêu diệt vi khuẩn tương thích.

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ở bất kỳ độ tuổi nào bị sốt và xuất hiện triệu chứng bệnh nghiêm trọng, bất kể đã có tiêm chủng hay không thì đều làm xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu và dịch não tủy. Các bác sĩ thường không thể chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ qua các triệu chứng “phổ thông” như sốt, bỏ bú mà cần thực hiện các xét nghiệm để có kết quả chuẩn xác nhất, do vi khuẩn thường quá nhỏ hoặc quá ít nên không thể dễ dàng tìm thấy được.

Ngoài ra, tùy từng độ tuổi mà các bé sẽ làm các xét nghiệm máu và xét nghiệm khác nhằm phát hiện nhanh virus. Đối với các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc tăm bông để lấy mẫu từ họng hay mũi. Kết quả thường có trong vòng vài giờ. Nếu có bệnh, trẻ sẽ được nhập viện và điều trị theo những phác đồ phù hợp với bệnh cảnh đang tiến triển.

Nhận biết sớm và xử trí kịp thời bằng các biện pháp đơn giản là tích cực bù dịch giờ đầu, sử dụng thuốc vận mạch và tăng cường co bóp cơ tim hợp lý giúp giảm tỷ lệ tử vong trong nhiễm khuẩn huyết.

Trẻ bị nhiễm khuẩn huyết có chữa được không?

Dùng kháng sinh

Khi trẻ sơ sinh xuất hiện các dấu hiệu mắc nhiễm trùng huyết cần phải cho trẻ dùng kháng sinh ngay. Để điều trị hiệu quả bệnh cho trẻ, các bác sĩ sẽ phối hợp 2-3 loại kháng sinh tùy theo bệnh cảnh lâm sàng hoặc dựa trên loại vi khuẩn mà trẻ bị nhiễm để sử dụng kháng sinh phù hợp theo kháng sinh đồ.

  • Nếu trẻ chưa được điều trị kháng sinh: Ampicillin với liều 100mg/kg/24 giờ và Gentamicin với liều: 5mg/kg/24 giờ;
  • Nếu trẻ đã được điều trị ở tuyến dưới với thuốc trên nhưng không đỡ, cần phối hợp Tacefoxym với liều 100mg/kg/24 giờ và Amikacin với liều 15mg/kg/24 giờ;
  • Khi có kết quả kháng sinh đồ: Trẻ phải được điều trị theo kháng sinh đồ;
  • Thời gian điều trị kháng sinh từ 10 – 15 ngày và đến khi có kết quả cấy máu (-) hết các dấu hiệu lâm sàng của bệnh. Trong trường hợp nhiễm khuẩn huyết có kèm theo viêm màng não mủ, thời gian dùng kháng sinh đặc trị kéo dài ít nhất 3 tuần.

Điều trị hỗ trợ

Ngoài việc điều trị bằng kháng sinh, trong trường hợp bệnh trở nặng, trẻ cần được nhập viện và cải thiện khả năng hô hấp với máy thở, song song đó là thực hiện các phương pháp dưới đây, nếu có:

  • Chống suy hô hấp;
  • Nuôi dưỡng đầy đủ;
  • Bù nước, điện giải, giữ thăng bằng toan kiềm nếu có rối loạn;
  • Sốc nhiễm khuẩn là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh, do đó, thực hiện chống sốc nếu có.
  • Nếu trẻ không bú được hoặc bú kém, hoặc cần phải thở oxy, trẻ sẽ được điều trị ở phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt (thở oxy, truyền dịch hoặc đặt ống thông dạ dày cho ăn,…).

Cần lưu ý: Tiến hành xử trí cấp cứu nếu bệnh nhi có rối loạn tuần hoàn, rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu, co giật, viêm màng não mủ, đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nước và chất điện giải,…

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu

Nhằm chăm sóc trẻ nhiễm trùng máu hiệu quả và an toàn, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh cần thực hiện một số cách dưới đây:

  • Nuôi trẻ bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
  • Cho trẻ uống nhiều nước (đối với trẻ lớn).
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, khoa học với những loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng sữa, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
  • Tắm gội sạch sẽ hàng ngày cho bé, sát trùng rốn và những nơi dễ bị nhiễm trùng.
  • Rửa tay sạch khi tiếp xúc với trẻ.
  • Đảm bảo vệ sinh phòng bệnh, vô trùng lồng ấp, có lịch diệt khuẩn định kỳ.
  • Không bồng bế trẻ đến những nơi có người đang nhiễm bệnh.

cham soc tre bi nhiem trung mau

Chăm sóc trẻ nhiễm trùng máu hiệu quả và an toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu

Phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?

“Nhận biết sớm các triệu chứng lâm sàng của bệnh để có xử trí kịp thời là vấn đề tiên quyết nhằm giảm tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Đồng thời, nhiễm khuẩn huyết thường bắt nguồn từ một ổ viêm nhiễm cụ thể trên cơ thể bệnh nhi, do vậy, để phòng bệnh hiệu quả cần phải điều trị dứt điểm các ổ viêm nhiễm này. Những trẻ đang bị viêm phổi, tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt cần có sự theo dõi sát của các bác sĩ chuyên khoa Nhi để phát hiện kịp thời những biến chứng. Để phòng nhiễm khuẩn huyết tốt hơn, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa”, Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.

Nhiễm trùng máu trẻ sơ sinh có thể ngăn ngừa không? Câu trả lời là có. Nếu người mẹ đang mang thai được chẩn đoán mắc nhiễm trùng huyết hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh để ngăn ngừa các nguy cơ cho em bé sau này. Bởi vì các bệnh nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc cho người mẹ khi mang thai, việc xét nghiệm cho mẹ trong thời kỳ mang thai là rất quan trọng.

Phụ nữ có thể bảo vệ chính mình và thai nhi bằng cách thực hiện các lời khuyên sau:

  • Tiêm phòng Sởi – Quai bị – Rubella và thủy đậu 3 tháng trước khi mang thai.
  • Rửa kỹ thức ăn, thường xuyên rửa tay và tránh tiếp xúc với động vật và phân động vật để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng như bệnh listeria và toxoplasma.
  • Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể dẫn đến nhiễm trùng bẩm sinh.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống cân đối và một lối sống lành mạnh
  • Tránh tiếp xúc với những người bị ảnh hưởng bởi bất kỳ loại nhiễm trùng nào kể trên.

phong ngua nhiem khuan huyet

Phụ nữ nên tiêm vắc xin đầy đủ trước khi mang thai để bảo vệ thai nhi khỏe mạnh

Tiêm vắc xin phòng ngừa vi khuẩn phế cầu là một phương pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các bệnh do phế cầu khuẩn như: nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu), viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp. Hiện nay, Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có vắc xin MMRII (Mỹ) phòng Sởi – Quai bị – Rubella và 3 loại vắc xin phế cầu khuẩn cho cả trẻ em và người lớn, là vắc xin Synflorix (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi, vắc xin Prevenar 13 (Bỉ) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn và vắc xin Phế cầu 23 Pneumovax 23 (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn. Cho đến nay các loại vắc xin này đã được chứng minh tính hiệu quả và an toàn tại hơn 100 quốc gia.

Ngoài ra, VNVC còn có nhiều Gói vắc xin linh hoạt, với đa dạng các loại vắc xin cho nhiều độ tuổi khác nhau, như gói vắc xin cho trẻ em, gói vắc xin cho trẻ tiền học đường, gói vắc xin cho tuổi vị thành niên và thanh niên, gói vắc xin cho người trưởng thành, gói vắc xin cho phụ nữ chuẩn bị trước mang thai, thường xuyên có nhiều quà tặng và ưu đãi đi kèm.

Để đăng ký tiêm phòng vắc xin phòng nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do phế cầu khuẩn gây ra hoặc nhiều loại vắc xin quan trọng khác, quý khách có thể gọi hotline: 028.7102.6595, inbox cho fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn.

Từ khóa » Dấu Hiệu Nhận Biết Suy Thận ở Trẻ Sơ Sinh