Nhóm Các Tội Xâm Phạm Trật Tự Quản Lý Kinh Tế Và ... - Tạp Chí Pháp Lý
Có thể bạn quan tâm
(Pháp lý) - Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ án hình sự kinh tế đã bị khởi tố, cùng với đó là nhiều người có chức vụ đã bị khởi tố bị can. Nghiên cứu từ thực tế các vụ án hình sự kinh tế có các bị can trước khi bị khởi tố là người có chức vụ cho thấy rất nhiều người trong số họ ( người có chức vụ) bị khởi tố tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà ít người bị khởi tố nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Đặc biệt có nhiều quan chức bị khởi tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219) . Trong khi đó, ít quan chức bị khởi tố nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ như tội tham ô, tội nhận hối lộ. …
Vậy nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh và nhóm các tội phạm về tham nhũng, chức vụ được qui định trong Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi 2017) có gì mới và đặc biệt. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219) có đặc điểm pháp lý gì và vì sao nhiều quan chức vi phạm điều luật này?
Về nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) so với BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng. Trong đó có nhiều qui định mới điều chỉnh nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định tại Chương XVIII BLHS 2015 gồm 47 điều (từ Điều 188 đến Điều 234), chia 03 mục: Mục 1- Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; Mục 2 - Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Mục 3 - Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Khách thể của tội phạm trong nhóm này xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, kinh doanh, , quản lý tài chính, tiền tệ, đầu tư, xây dựng cơ bản, đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai… gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Hầu hết các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có cấu thành vật chất, tức là các tội được coi là hoàn thành kể từ khi thực hiện một hành vi quy định trong điều luật với một số lượng, giá trị vật chất cụ thể. Đáng chú ý, BLHS 2015 đã quy định cụ thể các tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Hầu hết các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được biểu hiện bằng những hành động cụ thể, thể hiện bằng các thủ đoạn khác nhau khi thực hiện tội phạm. Công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm… thực hiện tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, trừ trường hợp luật định. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thực hiện với lỗi cố ý, động cơ mục đích của tội phạm mang tính vụ lợi. Tuy nhiên, động cơ, mục đích tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, trừ trường hợp điều luật quy định cụ thể.
Đa số các tội, chủ thể là bất kể người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi quy định. Tuy nhiên, nhiều tội trong nhóm tội này có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn.
Đáng chú ý, BLHS 2015 đã thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999), đồng thời bổ sung 15 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế để đáp ứng thực tiễn cuộc sống và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cụ thể, Điều 165 BLHS năm 1999 đã được thay thế bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất, quy định cụ thể tại các Điều: 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224 và Điều 230 của BLHS năm 2015.
15 tội danh mới liên quan đến lĩnh vực kinh tế bao gồm: Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a); Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230)
Trên thực tế, từ khi BLHS 2015 có hiệu lực đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều vụ án lớn với nhiều bị can là quan chức về các tội : Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222);; Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224);
Nhiều quan chức bị khởi tố Tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đặc biệt, cho đến nay, sau 3 năm áp dụng , đã có khá nhiều quan chức bị khởi tố Tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) là một trong rất nhiều vụ án có các quan chức đã bị khởi tố tội danh theo điều 219 BLHS.
Gần đây nhất là cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công thương , Vũ Huy Hoàng và Hồ Thị Kim Thoa , đã bị khởi tố tội danh này.
Và mới đây nhất , Bộ công an cũng đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBNDTP . Hà Nội. Theo đó, ngày 20/8, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015”. Vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng và làm rõ.
Đáng chú ý, ngày 28/8, cơ quan điều tra cũng đã có kết luận điều tra đại án xảy ra tại Bộ GTVT. Theo đó, khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng cùng thuộc cấp đã giúp sức để Đinh Ngọc Hệ hưởng lợi 725 tỉ đồng từ việc thu phí BOT. Liên quan đến vụ án này, cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cùng 5 thuộc cấp khác bị cáo buộc tội Vi phạm qui định về quản lý , sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015. Đây là vụ án thứ tư ông Đinh La Thăng bị điều tra.
“Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” - là một trong những tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế . Điều 219 BLHS qui định rõ về tội danh này. Cụ thể, qui định về các hành vi xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị). Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.
Hành vi của tội phạm này thể hiện qua việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.
Người thực hiện tội phạm phải đáp ứng điều kiện là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước). Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, cần xác định rõ hành vi của người đó đã vi phạm quy định cụ thể nào của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.
Nhìn một cách tổng quát, quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219)
Khoản 1 là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Khoản 2 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với các tình tiết định khung: “Vì vụ lợi”, “Có tổ chức”, “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, “Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”; khoản 3 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với tình tiết “gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên”; khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung.
Về hình phạt: khoản 1 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, khoản 2 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, khoản 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Về nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ
Nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ được quy định tại mục 1 Chương XXIII của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội giả mạo trong công tác. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 còn có những quy định liên quan đến một số chính sách xử lý đặc thù đối với tội phạm tham nhũng tại phần các quy định chung của Bộ luật.
Cụ thể là mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm về chức vụ để có thể xử lý một số hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực Nhà nước, những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước bao gồm: những người có chức vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, mà chỉ có những doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thỏa những điều kiện quy định tại Điều 80 Luật phòng chống tham nhũng 2018 mới là chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng.
Tội phạm về chức vụ ở khu vực ngoài Nhà nước áp dụng đối với 4 tội danh là: “Tội tham ô tài sản”, “Tội nhận hối lộ”, “Tội môi giới hối lộ” và “Tội đưa hối lộ”. Trong đó, tội danh tham nhũng có hai tội là: “Tội tham ô tài sản” quy định tại khoản 6 - Điều 353 và “Tội nhận hối lộ” quy định tại khoản 6 - Điều 354. Luật này cũng bổ sung việc xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, công chức các tổ chức quốc tế công. Đồng thời mở rộng nội hàm “của hối lộ” cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo quy định của BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009 “của hối lộ” chỉ bao gồm: tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào các cấu thành định tội đối với tội “nhận hối lộ”, “tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
BLHS 2015 còn bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội, quy định cụ thể các tình tiết định tội, định khung hình phạt. Ví dụ: như Điều 353 tội “tham ô tài sản”, bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự: Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn…
Đáng chú ý, BLHS năm 2015 nâng mức định lượng về giá trị tiền, tài sản tại các điều khoản có liên quan so với Bộ luật năm 1999. Cụ thể, đối với nhóm tội liên quan đến hối lộ, nâng giá trị tiền, tài sản làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khung 1 các Điều 354 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) từ “hai triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng” (trong khi BLHS năm 1999 quy định “từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng”)…
Để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật còn bổ sung một số chính sách mới liên quan đến việc xử lý tội phạm tham nhũng, như: không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng; hành vi nhận hối lộ đặc biệt nghiệm trọng. Đối với các trường hợp này, bất kể thời điểm nào phát hiện được tội phạm, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc đều bị đưa ra xử lý. Mặt khác, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, Bộ luật năm 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” (quy dịnh tại điểm c - khoản - 1 Điều 40 BLHS 2015).
Có thể nói, cùng với Luật Phòng, chống tham nhũng, những quy định về tội phạm tham nhũng trong Bộ luật hình sự mới sẽ góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, từ thực tế tố tụng các vụ án hình sự kinh tế thời gian qua, chúng tôi thấy số lượng các quan chức bị truy tố tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng, chức vụ, ít hơn các quan chức bị truy tố tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế . Riêng các quan chức bị truy tố tội nhận hối lộ xem ra có vẻ ít hơn tội danh khác.
Trong nhóm tội tham nhũng, chức vụ, thời gian gần đây, thấy nhiều vụ án về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích vụ lợi. Hành vị đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại.
Những vướng mắc trong thi hành BLHS năm 1999 về các tội phạm tham nhũng nói chung và đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281) nói riêng, chính là các tình tiết mang tính "định tính" như: Gây hậu nghiêm trọng, rất nghiệm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… và quy định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự chưa dự liệu các tình tiết phát sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng. Để đảm bảo mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định theo tinh thần của Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tội danh này theo hướng thay đổi các tình tiết “định tính” bằng cách quy định cụ thể thiệt hại về tài sản; đồng thời tách khung hình phạt để cụ thể hóa TNHS.
Nếu như Điều 281 BLHS năm 1999 quy định chung chung tại cấu thành cơ bản là: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…”. Để bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn xử lý loại tội phạm này, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đồng thời nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự, bảo đảm mức độ tương xứng giữa hình phạt với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Điều 356 BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể hơn, thiệt hại về tài sản mang tính “định lượng”: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…”. Như vậy, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ mà gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng sẽ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều này.
Tương tự, BLHS năm 2015 đã thay thế tình tiết định khung tại khoản 2, 3 BLHS năm 1999 bằng cách cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” ở khoản 2 BLHS năm 1999 bằng: "thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng"; cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 3 bằng: "thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên" và quy định rõ “phạm tội nhiều lần” là “phạm tội 02 lần trở lên”.
BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên khung hình phạt như quy định của Điều 281 BLHS năm 1999. Theo đó, khung hình phạt cơ bản là 1 năm đến 5 năm tù, khung thứ hai từ 05 năm đến 10 năm và khung thứ hai là từ 10 năm đến 15 năm tù.
Tuy nhiên, Điều 356 BLHS năm 2015 không quy định tình tiết tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, được quy định ở cùng một khung tại khoản 3 Điều 281 BLHS năm 1999, mà nâng mức định lượng tiền là tình tiết định tội, định khung hình phạt. Cụ thể, gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (khoản 3).
Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn nâng mức hình phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (khoản 4 Điều 281 BLHS năm 1999) lên thành từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (khoản 4 Điều 356).
Kết mở
Nghiên cứu từ thực tế tố tụng các vụ án hình sự kinh tế có các bị can trước khi bị khởi tố là người có chức vụ cho thấy đa số trong số họ ( người có chức vụ) bị khởi tố tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà ít người bị khởi tố nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Đặc biệt có nhiều quan chức bị khởi tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219) . Trong khi đó, ít quan chức bị khởi tố nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong đó có các tội như tham ô, nhận hối lộ. …
Nghiên cứu một số vụ án đã khởi tố gần đây xảy ra ở TP. HCM, Bộ Công thương và TP. Hà Nội, chúng tôi nhận thấy việc khởi tố các quan chức có có sai phạm về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219) là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên điều mà dư luận mong mỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục cần làm rõ là các quan chức đã bị khởi tố, họ đều là những người hiểu biết pháp luật, họ quá hiểu , quá thuộc các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Vậy tại sao họ vẫn cố tình vi phạm? Chả lẽ họ cố tình vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để đổi lại chút tình cảm đơn thuần, chả lẽ họ cố tình vi phạm mà không có lợi ích vật chất tiền bạc gì trong đó? Điều này là rất vô lý và phi thực tế. Vậy nên dư luận mong mỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra đến cùng xem họ có nhận hối lộ để cố tình vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng? Có như vậy bản chất vụ án mới thực sự sáng tỏ. Có như vậy mới có tác dụng răn đe và cảnh tỉnh các quan tham khác.
Điều 354: Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Lê Phúc
Từ khóa » Chủ Thể Tội Phạm Về Chức Vụ
-
Tội Phạm Về Chức Vụ Là Gì ? Quy định Về Tội Phạm Chức Vụ
-
Đặc điểm Chung Của Các Tội Phạm Về Chức Vụ
-
Khái Niệm Tội Phạm Về Chức Vụ Là Gì? - Luật Hoàng Anh
-
Các Tội Phạm Về Chức Vụ Là Gì? - Luật Hoàng Anh
-
Chủ Thể Của Tội Lạm Dụng Chức Vụ, Quyền Hạn Chiếm đoạt Tài Sản Của ...
-
Khái Niệm Tội Phạm Về Chức Vụ (điều 352) - Luật Hoàng Sa
-
Bàn Về Khái Niệm Tội Phạm Về Chức Vụ Trong Bộ Luật Hình Sự 2015
-
Phân Biệt Tội Lợi Dụng Chức Vụ, Quyền Hạn Trong Khi Thi Hành Công Vụ ...
-
Khái Niệm Tội Phạm Về Chức Vụ - Ngân Hàng Pháp Luật
-
Điểm Mới Về Các Tội Phạm Chức Vụ Trong BLHS 2015 - Tạp Chí Tòa án
-
Những Tội Vi Phạm Nghiêm Trọng Về Chức Vụ Cần Lưu ý! - PhapTri
-
Những điểm Mới Quy định Về Các Tội Phạm Về Chức Vụ Trong BLHS ...
-
Tội Phạm Về Tham Nhũng Là Gì? Yếu Tố Cấu Thành ... - Luật Dương Gia
-
Yếu Tố Cấu Thành Tội Lạm Dụng Chức Vụ, Quyền Hạn Chiếm đoạt Tài Sản?