Những Bài Thơ Về Mẹ Của Tố Hữu đặc Sắc Nhất - TopLoigiai

Câu hỏi: Những bài thơ về mẹ của Tố Hữu

Trả lời:

1. Bầm ơi!

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…

Bầm ơi có rét không bầm!

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Con ra tiền tuyến xa xôi

Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.

Nhớ thương con bầm yên tâm nhé

Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.

Con đi xa cũng như gần

Anh em đồng chí quây quần là con.

Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí

Bầm quý con, bầm quý anh em.

Bầm ơi, liền khúc ruột mềm

Có con có mẹ, còn thêm đồng bào

Con đi mỗi bước gian lao

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!

Bao bà cụ từ tâm như mẹ

Yêu quý con như đẻ con ra.

Cho con nào áo nào quà

Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

Con đi, con lớn lên rồi

Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!

Nhớ con, bầm nhé đừng buồn

Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm

Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…

(1948)

 

2. Mẹ Suốt

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Mẹ rằng: Quê mẹ, Bảo Ninh

Mênh mông sóng biển, lênh đênh mạn thuyền

Sớm chiều, nước xuống triều lên

Cực thân từ thuở mới lên chín mười

Lớn đi ở bốn cửa người

Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua

Lấy chồng, cũng khổ con ra

Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!

Nghĩ mà thương mẹ cha sinh

Thương chồng con lại thương mình xót xa... 

Bây chừ sông nước về ta

Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào

Bây chừ biển rộng trời cao

Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!

Ông nhà theo bạn “xuất quân”

Tui may cũng được vô chân “sẵn sàng”

Một tay, lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ... 

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?

Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?

Chẳng bằng con gái, con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò... 

Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:

Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?

Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu

Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!

Nghe ra, ông cũng vui lòng

Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:

“Coi chừng sóng lớn, gió to

Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!” 

Vui sao, câu chuyện ơn tình

Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say...

4-11-1965

3. Mẹ Tơm

 

Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa

Một buổi trưa, nắng dài bãi cát

Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa

Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát... 

Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước

Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.

Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước

Hay biển đau xưa rút nước xa rồi? 

Hòn Nẹ ta ơi! Mảng về chưa đó

Có nhiều không con nục con thu?

Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!

Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù? 

Tôi lại về đây, hỡi các anh:

Hỡi rừng sa mộc, khóm dừa xanh

Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng

Hỡi những vườn dưa đỏ ngọt lành! 

Như đứa con đi, biệt xóm làng

Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương

Nhớ lều rơm ướt sương khuya sớm

Bãi vắng đìu hiu lạc dấu đường... 

Con đã về đây, ơi mẹ Tơm

Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm

Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy

Không sợ tù gông, chấp súng gươm!         *Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng

Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong

Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng

Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong? 

Ngơ ngác trông quanh, lạ mấy lần

Hỏi thăm cô gái má bồ quân

Mái đầu tóc xoã xanh bên giếng

- Vâng, đúng nhà em, bác nghỉ chân 

- Ô kìa, cô bé nói hay sao!

Nhà của tôi, ai lại hỏi chào

Như thể khách đường xa ghé lại

Bố đi đâu, hĩm, mẹ đâu nào? 

Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?

- Hai mươi

- Ờ nhỉ, tháng năm trôi

Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến

Gió lộng đường khơi, rộng đất trời! 

- Ông mất năm nao, ngày độc lập

Buồm cao đỏ sóng bóng cờ sao

Bà “về” năm đói, làng treo lưới 

Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào...         *Bâng khuâng chuyện cũ: một chiều thu

Mười chín năm xưa, mấy bạn tù

Vượt ngục, băng rừng, tìm mối Đảng

Duyên may, dây nối, đất Hanh Cù. 

Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm;

Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm

Hai đứa trai ngày đi cúp dạo

Nồi khoai sớm tối lót thay cơm. 

Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật

Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con

Đêm đêm chó sủa... Làng bên động?

Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn... 

Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh

Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh

Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ

Chiều về... Hòn Nẹ... Biển reo quanh... 

Sóng hãy gầm lên, gió thét lên!

Triều dâng. Chèo mạnh, thuyền ơi thuyền!

Vui chăng, hỡi Mẹ, đời vui đó:

Cờ đỏ ta lay động mọi miền! 

Nhưng một đêm mưa, ướt bãi cồn

Lính về, lính trói cả hai con

Máu con đỏ cát đường thôn lạnh

Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!         *Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi

Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời! 

Đốt nén hương thơm, mát dạ Người

Hãy về vNui chút, mẹ Tơm ơi!

Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...

7-1961

Ngoài ra, cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về nhà thơ Tố Hữu qua một số thông tin hữu ích dưới đây:

1. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12 năm 2002) quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những bài thơ về mẹ của Tố Hữu đặc sắc nhất

2. Phong cách sáng tác của Tố Hữu

- Về nội dung: Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc.

+ Hồn thơ luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.

+ Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện và cũng là nguồn cảm hứng cho thơ.

+ Những tư tưởng lớn của thời đại, những tình cảm lớn của con người, những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc được phản ánh qua giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, thương mến.

- Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà.

+ Sử dụng thể thơ dân tộc: thơ lục bát, thơ thất ngôn.

+ Ngôn ngữ thơ gần gũi, sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói dân gian, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.

+ Thơ phát huy được tính nhạc của tiếng Việt ta.

3. Thành tựu văn học của Tố Hữu

a. Các tác phẩm chính

- Từ ấy (1937 – 1946), 72 bài thơ

- Việt Bắc (1947 – 1954), 26 bài thơ

- Gió lộng (1955 – 1961), 25 bài thơ

- Ra trận (1962 – 1971), 35 bài thơ

- Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973)

- Máu và Hoa (1972 – 1977), 13 bài thơ

- Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981)

- Một tiếng đờn (1978 – 1992), 74 bài thơ

- Ta với ta (1992 – 1999)

- Nhớ lại một thời (hồi ký, 2000)

- Một khúc ca xuân (thơ, 1977)

b. Bài thơ tiêu biểu của ông

Bác ơi

Bà má Hậu Giang

Bài ca xuân 1961

Bài ca quê hương

Bầm ơi!

Con cá chột nưa

Có thể nào yên?

Đi đi em!

Đời đời nhớ Ông

Đợi anh về (tập thơ dịch, 1998)

Em ơi... Ba Lan

Gặp anh Hồ Giáo

Hai đứa trẻ

Hồ Chí Minh

Hãy nhớ lấy lời tôi

Hoa tím

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Kính gửi cụ Nguyễn Du

Khi con tu hú

Lao Bảo

Lạ chưa

Lượm

Mẹ Suốt

Mẹ Tơm

Mồ côi

Một tiếng đờn

Miền Nam

Mưa rơi

Năm xưa

Sáng tháng Năm

Stalin! Stalin!

Emily, con ơi

Ta đi tới

Ta với ta

Từ ấy

Tâm tư trong tù

Tương tri

Theo chân Bác

Tiếng chổi tre

Tiếng hát sông Hương

Tiếng ru

Với Lênin

Vườn nhà

Việt Bắc (thơ, 1954)

Việt Nam máu và hoa

Xuân đang ở đâu...

Xuân đấy

Một khúc ca xuân**

Từ khóa » Thơ Lục Bát Về Mẹ Của Tố Hữu