Những Cách Hiệu Quả Xử Lý Ao Tôm Khi Trời Mưa - Microbe-lift

Khi trời mưa, nước trong ao tôm sẽ bị biến đổi và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của tôm. Do vậy, bà con nuôi tôm cần trang bị những cách xử lý ao tôm khi trời mưa hiệu quả nhằm hạn chế những rủi ro do mưa mang lại.    

Các nội dung chính

Toggle
  • Trời mưa ảnh hưởng đến ao tôm như thế nào?
    • Ảnh hưởng trực tiếp
    • Ảnh hưởng gián tiếp
    • Ảnh hưởng đến sức khỏe tôm
      • Nhiệt độ
      • Độ pH
      • Oxy hòa tan
      • Độ mặn và độ cứng
      • Sóng và gió
  • Những cách xử lý ao tôm khi trời mưa
    • Trước khi mưa
    • Trong mưa
    • Sau khi mưa

Trời mưa ảnh hưởng đến ao tôm như thế nào?

Xử lý ao tôm khi trời mưa

Ảnh hưởng trực tiếp

Khi trời mưa, nhiệt độ và độ pH của ao tôm sẽ bị giảm. Thông thường nhiệt độ ao nuôi sẽ thấp hơn môi trường từ 5 – 6 độ C. Mức nhiệt có thể bị giảm thấp hơn nếu mưa lớn kéo dài kèm theo tình trạng áp thấp. Độ pH của ao nuôi khi trời mưa thường từ 6.2 – 6.4. Mưa âm u khiến tảo không đủ ánh sáng để quang hợp, do vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến độ pH trong nước giảm thấp. Bên cạnh đó, nước mưa cũng làm giảm độ mặn (Tham khảo cách giảm độ mặn ao tôm), độ cứng của ao nuôi và làm cho sự phân tầng độ mặn của ao nuôi diễn ra mạnh hơn.

Tham khảo: Cách tăng/giảm pH ao tôm

Mưa khiến các chất lơ lửng trong nước gia tăng (do sự rửa trôi từ bờ ao), làm độ đục trong nước cao hơn. Do đó, khả năng xâm nhập của ánh sáng mặt trời vào ao nuôi sẽ bị hạn chế và dẫn đến hiện tượng suy giảm tảo ( sụp tảo) đột ngột. 

Những yếu tố thủy lý hóa bị ảnh hưởng bởi trời mưa được thể hiện trong bảng dưới đây:

Những yếu tố thủy lý hóa bị ảnh hưởng bởi trời mưa

Ảnh hưởng gián tiếp

Như đã nhắc đến ở trên, trời mưa làm suy giảm độ pH đột ngột trong nước, giảm nồng độ khoáng chất và vi chất dinh dưỡng, tăng độ đục và giảm cường độ ánh sáng mặt trời. Đây chính là những nguyên nhân khiến tảo giảm đột ngột sau mưa hoặc ngay cả khi đang mưa. 

Các tế bào tảo chết lắng xuống ao hình thành một lượng lớn chất hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển nhanh chóng, đe dọa đến sức khỏe của tôm. Vibrios spp (một chủng virus gây bệnh) thường chiếm ưu thế trong điều kiện này. Mật độ các vi khuẩn dị dưỡng tăng cao trong ao còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy hòa tan trong nước. Hơn nữa, chúng còn sản sinh ra lượng lớn CO2 khiến độ pH giảm thấp. (Tham khảo quản lý oxy hòa tan trong nước)

Một loạt những điều kiện bất lợi về oxy hòa tan, độ pH, nhiệt độ, … sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của tôm. 

Ảnh hưởng đến sức khỏe tôm

Nhiệt độ

Sự thay đổi của nhiệt độ sẽ tác động đến quá trình trao đổi chất của tôm. Khi nhiệt độ giảm xuống 1 độ C, sức ăn của tôm sẽ giảm 10%. Thông thường, mưa sẽ khiến ao nuôi giảm từ 3 – 5 độ C nên sức ăn của tôm có thể giảm ít nhất 30% vào thời tiết này. 

Ngoài ảnh hưởng đến sức ăn, khi nhiệt độ giảm do mưa, tôm sẽ có xu hướng di chuyển đến khu vực có nhiệt độ và độ mặn cao hơn, đồng thời tránh những âm thanh do mưa trên bề mặt nước. Kết quả là chúng sẽ tập trung đông tại các vùng ao sâu hơn – nơi có nồng độ oxy hòa tan thấp và nồng độ H2S cao nhất trong ao nên rất có hại cho sức khỏe của tôm. Nếu thời điểm này thức ăn dư thừa ở đáy ao nhiều, mật độ vi khuẩn gây bệnh cao sẽ càng làm thiếu oxy và giảm độ pH. (Tham khảo cách quản lý nhiệt độ ao tôm)

Độ pH

Nước ao nuôi có thể làm pH giảm 0.3 – 1.5 ngay khi mưa và kéo dài sau đó. pH thấp cùng độ mặn giảm là điều kiện để tảo lam phát triển mạnh. Bên cạnh đó cũng ra hiện tượng tảo tàn đột ngột, cung cấp lượng lớn chất hữu cơ cho vi sinh vật hiếu khí tăng mạnh, sản sinh ra lượng CO2, Oxy giảm nhanh. (Tham khảo cách giảm co2 ao tôm)

Oxy hòa tan

Hàm lượng oxy hòa trong nước là yếu tố vô cùng quan trọng đối với tôm. Độ bão hòa oxy trong nước thấp hơn 25 lần so với không khí trong cùng một nhiệt độ. Do vậy yếu tố oxy luôn là trở ngại đầu tiên đối với bất kỳ mô hình nuôi thủy sản nào. Khi oxy hòa tan trong nước giảm thấp sẽ làm tăng khả năng chuyển hóa sunfat và H2S trong nước. Nếu mưa kéo dài 1 – 2 ngày, oxy hòa tan giảm, cùng H2S tăng sẽ khiến tôm bị đen mang. (Tham khảo cách quản lý Oxy hòa tan trong ao tôm)

Độ mặn và độ cứng

Nồng độ ion bị giảm do mưa sẽ kéo theo sự giảm của độ mặn và độ cứng. Khi đó, hoạt động sống và sự cân bằng nội tiết tố của tôm sẽ bị ảnh hưởng. Tôm lột vỏ trong thời mưa, sau mưa sẽ không cứng vỏ do thiếu các ion Ca và Mg, gia tăng tình trạng tôm ăn thịt lẫn nhau. Đặc biệt, nếu tôm ăn thịt lẫn nhau sẽ có khả năng bị nhiễm trùng thứ phát và tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển. 

Sóng và gió

Khi mưa, gió sẽ tạo sóng trên bề mặt ao. Diện tích bề mặt ao càng lớn thì sóng càng to. Sóng gây ra sự xói mòn ở bờ ao và làm tăng độ đục của ao khiến tảo tàn nhanh hơn. 

Tham khảo: Cách xử lý tôm chết sau mưa

Những cách xử lý ao tôm khi trời mưa

Xử lý ao tôm khi trời mưa

Trời mưa gây nhiều nguy hại cho ao tôm và sức khỏe của tôm, vì thế bà con nên có những biện pháp xử lý để hạn chế những ảnh hưởng của mưa. 

Trước khi mưa

  • Tiến hành làm sạch và nạo vét kênh thoát nước. Có thể lắp thêm máy bơm ở đầu kênh thoát nước để vận hành bơm xả nước mưa khi mực nước sông cao hơn mực nước kênh 
  • Đặt các bao CaCO3 (500kg/ha) quanh bờ ao để khi mưa, CaCO3 sẽ hòa tan vào ao và hỗ trợ duy trì độ pH, độ cứng và hàm lượng các ion hòa tan ở mức có thể chấp nhận được. 
  • Sửa chữa, gia cố lại bờ ao, bờ kênh thoát nước chắc chắn hơn, nhất là những chỗ dễ sạt lở.
  • Kiểm tra và đảm bảo các máy móc, hệ thống sục khí, hệ thống điện,… có tình trạng hoạt động tốt

Trong mưa

  • Tiến hành xả nước mặt 
  • Kiểm soát và điều chỉnh lượng thức ăn của tôm khi nhiệt độ giảm, có thể giảm lượng thức ăn ít nhất 30%
  • Bật tất cả sục khí, quạt nước và cố gắng duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong nước trên 4 ppm. 

Sau khi mưa

  • Tăng dần lượng thức ăn cho tôm dựa theo sự thay đổi của nhiệt độ, cần đảm bảo độ pH và oxy hòa tan đã ở mức ổn định, phù hợp với tôm. Đặc biệt, cần kiểm tra và đánh giá  sản lượng tôm liên tục ít nhất 1 tuần sau mưa để điều chỉnh và cho tôm ăn đúng cách vì tôm thường bị chết sau mưa, hiện tượng này rất khó nhận biết và thường được gọi là chết mãn tính.   
  • Bổ sung thêm muối kali, natri, Mg và vitamin C vào thức ăn của tôm
  • Sử dụng thêm probitic vào ao để làm giảm bớt các vi khuẩn gây bệnh
  • Duy trì thời gian sục khí cho tới khi quần thể tảo mới phát triển và ổn định trở lại

Trên đây là những hướng xử lý ao tôm khi trời mưa. Hãy luôn trang bị đủ các thiết bị, máy móc cần thiết cho ao tôm, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước mưa nhằm hạn chế những rủi ro do mưa lớn mang lại đến mức thấp nhất nhé!

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký

Từ khóa » Cách Xử Lý Tôm