Những Câu Thơ... “tai Họa”! - Tiền Phong

Văn chương nói chung, thơ ca nói riêng, rất dễ đưa người thưởng ngoạn đến những cảm nhận và liên tưởng rất rộng. Từ hình tượng này, ý tưởng này người đọc có thể liên tưởng, tưởng tưọng ra ý khác, nghĩa khác, đôi khi rất đẹp rất hay, mà cũng có khi ngược hẳn lại, với ý vui vui đùa cợt hoặc… tục tằn! Có người bảo rằng do những đầu óc “bệnh hoạn” mới nghĩ ngợi ra thế! Thực ra không cần bệnh hoạn gì cả, chỉ cần một chút dí dỏm, hài hước thì từ những thô vụng vô tình ấy bạn đọc cũng có ngay cách liên tưởng… ngoại đề (mặc dầu họ rất hiểu)!

Có lẽ chuyện đầu tiên bạn đọc nhớ đến là “giai thoại” được lưu truyền từ lâu - Việc nhà thơ Xuân Diệu “phê” câu thơ “Cửa sông mình thắm đỏ phù sa” của một nhà thơ nữ nổi tiếng. Xuân Diệu bảo đại ý chữ “cửa” mà đặt gần với chữ “mình” như thế khiến bạn đọc liên tưởng đến…! Không những thế lại còn đi liền với cụm từ “thắm đỏ” nữa thì… thì…! Trường phái thơ Bút Tre đã tận dụng tối đa cách liên tưởng này để tạo nên một phong cách độc đáo của riêng mình: Chị em du kích giỏi thay/ Bắn máy bay Mỹ rơi ngay… cửa (nhà) mình”! Ai chả biết phái Bút Tre thì cố ý mà nhà thơ nữ kia thì quả thật vô tình.

Một nhà thơ nữ nổi tiếng khác có câu thơ nhằm ca ngợi ngành nghề thuỷ sản đã được bạn đọc “cố ý” hiểu “chệch hoá” đi thành “Em ngồi tôm cá bày ra cả”! (Đúng ra là Bao nhiêu tôm cá…). Có người còn “đế” thêm rằng câu này nếu ghép với câu “Anh đứng thành tro em biết không” (!) trong một bài thơ của một nhà thơ nam giới khác thì… rất là chỉnh thể! Kiểu vô ý này có tác giả H.N.N trong bài thơ nói chuyện chàng trai hằng đêm leo chín bậc cầu thang lên nhà sàn với người yêu, sáng ra cô gái lại tiễn người yêu xuống chín bậc cầu thang để ra về với câu kết “Sáng ra mặt tỏ mặt mừng/ Cầu thang chín bậc… em ưng anh trèo”! Ý cô gái muốn nói khi chàng trai trèo lên cầu thang để đến với nhau thì vui hơn lúc trèo xuống, vì phải chia tay. Nhưng cái vế “em ưng anh trèo” khiến bạn đọc liên tưởng… không lẽ …?!

Có một cách hiểu lắt léo theo kiểu nói lái của bà con phía Nam cũng đem đến khá nhiều rắc rối bất ngờ và… lý thú. Cái này trong thơ Hồ Xuân Hương cũng đầy rẫy, ví dụ “Trái gió cho nên phải lộn lèo!”. (Nhưng đó là một phong cách, một chủ định riêng). Câu “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” trong bài thơ ca ngợi nghề đi biển đánh cá của nhà thơ H.C thì “lái gió” nếu nói lái nghe cũng… kỳ kỳ! Hay nhà thơ X.D trong bài thơ “Bà mẹ mù loà” viết trong cải cách ruộng đất và giảm tô: -“Mẹ mù vì thuế phải đeo/ Vì tô phải trả lại đèo nợ non”, cụm từ “thuế phải đeo” vì quá khiên cưỡng nên dễ làm liên tưởng đến cách nói lái “đ… phải thuê”!

Cách trích dẫn, mượn ý từ văn học dân gian không chuẩn cũng gây cho độc giả cách cảm thụ không… trong sáng! Có khi người viết vì không tường minh nghĩa lý, hoặc trích ẩu để cho bắt vần ăn nhịp mà ra. Ví dụ tác giả nữ D.L.V viết: “Ngẫm ra bao cuộc vuông tròn/ Quay đi quay lại ta còn với ta/ Cuộc đời như chiếc lá đa/ Rong chơi cho chán rồi ta thăm trời...” có vẻ như vừa than vãn vừa hàm ý ngông ngạo với cuộc đời đen bạc, văng vật của kiếp người!

Ca dao có câu: “Sáng trăng em ngỡ tối trời/ Em ngồi em để cái sự đời em ra/ Sự đời như cái lá đa/ Đen như mõm chó, chém cha cái sự đời”! Tôi đồ rằng tác giả có biết có thuộc (không biết không thuộc thì sao nhớ mà trích dẫn, mượn ý) nhưng lại hiểu theo nghĩa nào đó nên mới tương ra thoải mái thế! Lại một tác giả nữ khác là V.T.N trong bài thơ đại ý trách móc, nghi ngờ người yêu thiếu lòng chung thủy: “Vì lời thề hẹn chỉ có nghĩa với em/ Vô tình trước anh/ Như một câu răn/ Đàn ông như cây gậy của kẻ ăn mày”! Câu thành ngữ hàm nghĩa không đẹp, không nên có trong thơ. Thiếu gì câu ví von về các “thói hư tật xấu” của cánh đàn ông nghe thanh nhã hơn để trích mượn!

Còn một cách vô tình dùng các cụm từ hàm nghĩa không hay. Tác giả B.H.T viết: “Trời không một đám mây mưa/ Áo em sao vạt giữa trưa ướt đầm?”. Câu thơ vừa khiên cưỡng lại còn đèo thêm cái cụm từ “mây mưa” xưa giờ các cụ dùng để ám chỉ việc… của trai gái. Cụm từ ấy lại đi liền với hình ảnh vạt áo em ướt đầm mồ hôi, thì…!

Sực nhớ ở Bình Định còn lưu truyền một giai thoại: Nhà thơ Chế Lan Viên làm được bài thơ, có một câu thấy dở, vụng, không thích lắm, bèn đem hỏi các bạn thơ trong nhóm “Bàn thành tứ hữu” của mình. Yến Lan rồi Hàn Mặc Tử góp ý, họ Chế cũng chưa ưng. Chế hỏi đến Quách Tấn là người có tiếng “chữ nghĩa” và kỹ lưỡng nhất nhóm. Một đêm trăng, hai thi nhân thao thức dạo bước sóng đôi dưới chân thành Bình Định, họ Quách góp cho mấy ý, họ Chế vẫn chưa ưng. Cuối cùng Chế Lan Viên tuyên bố vứt bỏ luôn bài thơ vì, theo lý luận của Chế, nếu bài thơ này mà để nguyên câu này thì cũng coi như… vứt! Nên vứt đi thì mới là… “bảo toàn thanh danh”!

“Vạch lá tìm sâu”, “Bới lông tìm vết” một ít trên đây rõ ràng là việc làm của kẻ trong lúc “vô công rỗi nghề” tình cờ đọc được rồi nghĩ vớ vẩn ra mà thôi, chỉ để trao đổi rằng câu cú chữ nghĩa đối với người viết nó kỳ khu vất vả lắm. Ai coi thường hay cẩu thả với nó thì sẽ nhận ngay một sự “hiểu nhầm đáng tiếc” (!), dẫu là cách hiểu hàm nghĩa vui đùa. Các cụ xưa đã để lại cho đời sau nhiều bài học khi viết lách và sử dụng ngôn từ, ngôn ngữ. Kỹ lưỡng quá đến thành kỹ năng kỹ thuật kỹ xảo, đến mất hết sự mơn mởn của tự nhiên thì không nên, nhưng… “tự nhiên chủ nghĩa” đến độ trở thành vô tình vô ý thì cũng nên để ý đến một tí.

Tạ Văn Sỹ

Từ khóa » đen Như Mõm Chó