Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer: Giản Dị Và Sâu Sắc

Mark Twain hẳn đã không còn là cái tên xa lạ với những người yêu văn chương bởi những đóng góp lớn lao của nhà văn cho nghệ thuật nhân loại. Trong số những tác phẩm đặc sắc của ông, không thể không kể đến Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, cuốn tiểu thuyết bất hủ luôn đồng hành với độc giả qua nhiều thập kỉ.

Mục lục ẩn 1 Nhà văn Mark Twain và hành trình chinh phục nền văn học thế giới 2 Những bài học không chỉ dành cho thiếu nhi trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer 3 Bức tranh xã hội Mỹ trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer 4 Giá trị tinh thần vô giá của tác phẩm trong lòng độc giả

Nhà văn Mark Twain và hành trình chinh phục nền văn học thế giới

Mark Twain tên thật là Samuel Langhorne Clemens, ông sinh năm 1835 tại Florida thuộc tiểu bang Missouri, nước Mỹ. Có một câu chuyện thú vị về sự cuộc đời của nhà văn đó là vào năm ông ra đời, sao chổi Halley đã rực cháy trên bầu trời Florida và khi ông mất, năm 1910, sao chổi Halley trở lại, vụt sáng rồi biến mất giữa bóng đêm.

Chính bởi lý do ấy, Mark Twain vẫn luôn được mệnh danh là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Mỹ và thế giới.

Bố mẹ nhà văn đến từ bang Virginia nhưng ông được sinh ra tại Florida, trong một gia đình nghèo khó nên ngay từ nhỏ Mark Twain đã phải lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống. Tuổi thơ nhọc nhằn đã in sâu trong tâm trí nhà văn, là nguồn tư liệu dồi dào trong không ít tác phẩm của ông.

Chân dung nhà văn Mark Twain
Chân dung nhà văn Mark Twain

Năm 1839, gia đình ông chuyển đến sống tại Hannibal, một thành phố nhỏ nằm cạnh dòng sông Mississippi. Cha mất sớm khiến ông phải bỏ học để chèo chống cả gia đình rồi sau đó theo nghề lái tàu kiếm sống. 

Khi cuộc nội chiến bùng nổ, nhà văn từ bỏ những con tàu và biển cả để dấn thân vào hành trình khám phá, phiêu lưu ở những dãy núi miền Tây nước Mỹ. 

Cuộc sống lưu lạc, nay đây mai đó đặc biệt khi còn lênh đênh vùng sông nước đã để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng thôi thúc nhà văn viết nên những kiệt tác như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Cuộc sống trên sông Mississippi hay Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn.

Mark Twain đến nộp đơn xin làm phóng viên ở một tòa soạn báo trong bộ dạng rách rưới và khổ sở đến nỗi nhân viên ở đó tương ông là một tên đầu đường xó chợ thay vì là một người có khả năng viết lách. Sau khi theo nghề cầm bút được một thời gian và dần định hình được phong cách viết, ông đổi bút danh thành Mark Twain. 

Ông bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng một tác phẩm hài hước và chính tác phẩm ấy đã giúp ông nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tiếp nối sự nổi tiếng đó, nhà văn thực hiện những chuyến ngao du trên khắp đất nước với những buổi nói chuyện tọa đàm hài hước, nơi ông đã khiến khán giả say mê bởi cách nói chuyện hài hước và vô cùng thông minh của mình.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và một số tác phẩm nổi tiếng của Mark Twain
Một số tác phẩm nổi tiếng của Mark Twain

Với niềm đam mê khám phá bất tận, nhà văn tham gia rất nhiều chuyến viễn du, đặc biệt là đến vùng Địa Trung Hải. Chính những cuộc phiêu lưu ấy đã trở thành tư liệu quý giá của tác giả trong việc sáng tác nên những tác phẩm đặc sắc như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer hay Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn.

Nhà văn xứng đáng được trân trọng bởi độc giả trên toàn thế giới và những tác phẩm của ông vẫn không những đem đến những giá trị vượt thời đại.

“Người Mỹ nói chung thường coi gia đình mình là trên hết. Nhưng nếu họ có để ra một chút tình yêu dành cho người ngoài thì người được lựa chọn sẽ chính là Mark Twain”

– Thomas Alva Edison.

Mark Twain đã để lại cho nhân loại những di sản văn hóa vô giá. Nhà văn đem đến cho nước Mỹ và thế giới nhiều tuyên ngôn văn học đáng quý cùng giọng điệu đặc sắc không bị hòa lẫn, vừa hài hước, dí dỏm vừa châm biếm, sâu cay.

Trong đó, tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer là một trong những tác phẩm đặc sắc và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của Mark Twain.

Lấy bối cảnh là ngôi làng nhỏ St. Petersburg, Missouri, đây được xem là cuốn tự truyện của tác giả Mark Twain, khi nhà văn đã sinh ra và lớn lên ở nơi đây.

Trong cuốn tự truyện của mình, Mark Twain đã kẻ lại rằng Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer là tác phẩm đầu tiên của ông mà bản thảo được đánh máy. Tuy nhiên, theo một nhà sử học nghiên cứu về đánh máy, tác phẩm đầu tiên được đánh máy của Mark Twain là Cuộc sống trên dòng sông Mississippi.

Những bài học không chỉ dành cho thiếu nhi trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh những năm bốn mươi của thế kỉ mười chín, xoay quanh cậu bé hiếu kỳ và ưa mạo hiểm Tom Sawyer. Cậu sống với người cô Polly và em cùng cha khác mẹ trong phố Mississippi River của St. Petersburg, Missouri.

Tác phẩm kể về những vấn đề mà cậu nhóc Tom cùng bạn bè phải đối mặt trong cuộc sống, xen lẫn trong đó những mẩu chuyện hài hước nhưng không kém phần kịch tính.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đã khắc họa tuổi thơ của Tom một cách thật gần gũi, khiến độc giả không khỏi thấy được bản thân trong từng trang sách. Thông qua hành trình của các nhân vật, Mark Twain đã khéo léo lồng những bài học cuộc sống đầy ý nghĩa.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer chứa đựng nhiều bài học quý giá
Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer chứa đựng nhiều bài học quý giá

Tom Sawyer là một cậu nhóc vô cùng nghịch ngợm và ham khám phá, chính điều ấy trở thành lý do cho nhiều rắc rối mà cậu gặp phải trong cuộc sống thường ngày.  Mark Twain đã dẫn độc giả đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi những việc tưởng như vô hại như không làm bài tập hay cãi lời cô Polly cũng đẩy Tom Sawyer vào những cuộc phiêu lưu vô cùng kỳ thù.

Cũng như Huck và nhiều đứa nhỏ khác, trong Tom luôn tràn đầy khao khát sống một cuộc sống phi thường và huy hoàng. Bởi lẽ ấy, cậu nhóc tinh nghịch luôn bày đủ trò để lôi kéo bạn bè, biến ngôi làng và trường học trở thành những địa điểm khám phá vô cùng thú vị, đồng thời gặt hái được những bài học ý nghĩa.

“Thế là, làm ra vẻ miễn cưỡng, Tom giao chổi sơn cho tên kia. Trong bụng, nó lấy làm vui sướng với tài khéo léo của mình! Nó chỉ còn chờ những nạn nhân khác, bọn này chẳng mấy chốc đến ngay. Tiền đấu giá tăng nhanh và như vậy trong khoảng chưa đầy hai tiếng đồng hồ, hàng rào được quét vôi trắng không sót chỗ nào cả, mặt trong vườn và mặt ngoài đường, còn Tom thì thu được một số hiện vật đáng kể: một chiếc diều còn sửa lại được, một con chuột cống chết buộc vào một sợi dây, mười hai viên bi, một đầu cắm còi, một chìa khóa, một cục phấn, một nút đậy bình nước, một vòng cổ chó hơi bị sứt móc, một cán dao, một vỏ cam còn nguyên vẹn và rất nhiều món khác vô cùng đáng giá.

Qua cách đùa vui và làm giàu như thế, Tom đã phát hiện ra một trong những quy luật lớn của tâm lý con người, ấy là để làm cho một người nào thèm muốn một vật thì chỉ cần đặt vật đó xa ngoài tầm tay, làm cho kẻ ấy khó với tới.”

– Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Sống trong môi trường cực đoan và khắt khe một cách thái quá, trong Tom luôn cố gắng vùng vẫy, vượt ra khỏi những luật lệ tầm thường của cuộc sống thường ngày trong làng. Cậu vài lần giả ốm, giả chết, giận dỗi và thậm chí trêu chọc một chú mèo nhỏ để đối đầu với cô Polly đến mức cô phải cầu xin cậu tha thứ.

Trong một lần trốn học và đánh nhau, Tom phải chịu một hình phạt là sơn hàng rào vào cuối tuần. Dù rất chán nản, cậu vẫn lém lỉnh nghĩ ra trò trao đổi kho báu, khiến lũ bạn tranh nhau làm công việc của mình. Bằng cách đó, cậu ngộ ra một điều rằng khi một thứ càng khó đạt được, người ta càng khao khát nó nhiều hơn.

Qua hành trình học hỏi và trưởng thành của Tom, Mark Twain đã xây dựng nhiều bài học quý giá. Cho dù Tom là một cậu nhóc cứng đầu nhưng trên tất cả, cậu vẫn có một tâm hồn đẹp, giàu lòng trượng nghĩa. Bởi lẽ đó, Huck và Becky cùng nhiều đứa trẻ khác trong làng đều yêu quý, thậm chí tôn sùng Tom.

Hành trình trưởng thành đầy hấp dẫn của các nhân vật trong cuốn sách
Hành trình trưởng thành đầy hấp dẫn của các nhân vật trong cuốn sách

Bên cạnh đấy, cách những người lớn trong làng đối với Tom cũng gợi cho độc giả nhiều suy ngẫm. Trẻ con được dạy dỗ nghiêm khắc là điều tốt nhưng những người trưởng thành cũng nên để cho chúng được tự do khám phá thế giới, bộc lộ những tư chất của bản thân thay vì ép chúng tuân theo một khuôn mẫu do định kiến xã hội tạo nên. 

Cậu bé Tom chơi thân với Huckleberry Finn, một thằng nhóc hư đốn theo chuẩn mực của người lớn, khi cậu là con trai của một kẻ nát rượu và học hành không tử tế. Tuy vậy, Huck vẫn là một người bạn đầy nghĩa hiệp và luôn sẵn lòng sát cánh bên Tom trong mọi hoàn cảnh.  

“Về phần mình, Tom nuôi lòng hờn dỗi và nghiền ngẫm những nỗi bất hạnh. Nó tưởng tượng nó đã bệnh nặng, thậm chí sắp chết và dì nó nghiêng mình cúi xuống đầu giường van xin nó tha thứ. Hoặc nó chết đuối dưới sông thì lúc đó tiếc nuối, ăn năn cũng đã quá trễ. Sự im lặng băng giá của cái chết sẽ dìm dì Polly vào tuyệt vọng suốt đời. Miên man với nỗi buồn và những ý nghĩ đen tối bi thảm, Tom bước ra đường phố, đi lang thang không mục đích lòng trĩu nặng, tan nát bởi bao nỗi giày vò.”

– Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Tom cũng thật lòng thương yêu cô Polly và hiểu được tấm lòng của cô, cho dù cô vẫn thường mắng và khắt khe với cậu. Qua những câu chuyện ấy, Mark Twain đã muốn nhắn nhủ một điều rằng mọi đứa trẻ đều cần được lắng nghe và quan tâm nhiều hơn trong hành trình trưởng thành.

Bức tranh xã hội Mỹ trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer 

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer là câu chuyện chứa đựng nhiều nét đặc trưng của một xã hội tư sản trong lòng nước Mỹ. Tom và Huck luôn say mê những câu chuyện cướp biển, đào vàng đồng thời, hai cậu bé luôn ấp ủ ước mơ sống cuộc đời giàu có, lẫy lừng.

Qua giấc mơ của cậu bé Tom, Mark Twain đã khắc họa niềm đam mê vàng bạc của người Mỹ trong thời đại vàng son của Hoa Kỳ, khi việc săn tìm kho báu và phiêu lưu trở nên phổ biến, đặc biệt là ở miền viễn Tây. 

Nhiều câu chuyện phiêu lưu đầy kỳ thú cũng được nhà văn dẫn dắt một cách thật khéo léo trong cuốn tiểu thuyết. Những cuộc khám phá của Tom đã lôi cuốn độc giả bởi không ít sự bất ngờ xen lẫn hài hước.

Một lần, Tom và Huck rủ nhau đến nghĩa địa vào ban đêm với mục đích tìm ra cách chữa trị cho một căn bệnh đến từ một con mèo chết. Thế nhưng trong chuyến đi ấy, hai cậu đã vô tình là nhân chứng cho một vụ cướp của giết người.

Trong một cuộc phiêu lưu khác, Tom, Huck và Joe Harper đã trốn đến một hòn đảo với mong muốn biến thành những tên cướp biển, dấn thân vào con đường thú vị mà chúng tự vẽ nên. Việc bỏ trốn ấy đã dẫn đến một loạt những tình huống vô cùng hài hước và cảm động.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer tạo được tiếng vang trên toàn thế giới
Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer tạo được tiếng vang trên toàn thế giới

Không chỉ vậy, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer còn mang đậm dấu ấn tín ngưỡng, khi những vấn đề về tôn giáo được Mark Twain đề cập đến không ít thông qua các nhân vật như cô Polly hay người thầy giáo. 

Dưới góc nhìn của nhà văn, tôn giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Mỹ lúc bấy giờ, thậm chí có ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới quan và cách sống của họ. Đức tin khiến cho các nhân vật trở nên mạnh mẽ hơn, nuôi dưỡng lương tâm và lòng tin của họ vào con người.

Mặt khác, bằng giọng văn hài hước thiên phú, nhà văn đã ngầm châm biếm, đả kích chế độ tư sản cho nhiều khía cạnh trong đời sống. Ông phê phán phương pháp giáo dục lạc hậu của chế độ nền học vấn tư sản với cách dạy cứng nhắc, màu mè nhưng sáo rỗng, không thể khuyến khích sự khám phá và phát triển khả năng của học sinh.

“Rất may, buổi thánh lễ cho Tom cơ hội quên đi sự bất hạnh của mình. Thằng bé quả thật có một kho tàng trong túi: một con bọ cánh cứng nhốt trong cái hộp mồi câu cá. Tom liền thả con côn trùng ra. Con bọ bò đến làm quen với một con chó xù đã rời khỏi đầu gối của chủ để tìm chuyện phiêu lưu. Thế là bắt đầu một điệu múa ba lê kỳ quặc: con chó hất đầu một cái làm con bọ ngã ngửa rồi nó đến gần hết sức thận trọng, đi vòng chung quanh, duỗi chân ra để nhìn cho rõ hơn. Xét thấy con bọ chẳng đáng chú ý gì cho lắm, cuối cùng nó quên đi và ngồi đè lên con vật. Thế là một tiếng kêu đau đớn làm xáo động buổi lễ yên tĩnh và người ta thấy con chó điên cuồng đau điếng quay mòng như một ngôi sao chổi trong nhà thờ cho tới khi chủ nó rứt được kẻ hành hạ. Tất cả các tín đồ đỏ mặt tía tai vì cố nhịn cười để khỏi làm xáo trộn buổi giảng Kinh tôn nghiêm. Chẳng cần phải nói là Tom trở về nhà trong tâm trạng rất vui vẻ…”

– Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Đồng thời, nhà văn cũng lên án mạnh mẽ lối sống lạc hậu, với nhiều thói hư tật xấu của phần lớn người dân sống trong ngôi làng St. Peterburg. Qua bức tranh cuộc sống ấy, Mark Twain đã khắc họa đủ kiểu người điển hình trong xã hội, đồng thời thẳng thắn thể hiện quan điểm vượt thời đại của mình bằng giọng văn trào phúng lôi cuốn.

Từ đó, độc giả được chiêm ngưỡng và khám phá một nước Mỹ thu nhỏ trong thế kỷ mười chín, khi mà chế độ tư sản dân bộc lộ những lỗ hổng khiến cho con người phải chịu nhiều áp bức cả về vật chất lẫn tinh thần.

Giá trị tinh thần vô giá của tác phẩm trong lòng độc giả

Dù ra đời nhiều thập kỷ, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer vẫn luôn có được một chỗ đứng vững chắc trong lòng những người yêu văn học. Tác phẩm xuất sắc của Mark Twain không chỉ đơn thuần cho viết cho thiếu nhi mà còn là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ độc giả, kể cả những người trưởng thành.

 Bằng giọng văn hóm hỉnh không hề khó cảm nhận, nhà văn đã đem đến những bài học sâu sắc mà không hề sáo rỗng, những thông điệp cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. 

“Hồi bé đọc không thích, nhưng phải trải qua hết mọi bậc giáo dục mới thấm được tính thời đại trong tác phẩm này. Nó không chỉ có sự nghịch ngợm của bọn trẻ con đâu mà còn ẩn chứa nhiều sự thật trong xã hội như phương pháp giáo dục, cách người lớn gắn mác cho trẻ con hay sự sáo rỗng trong những bài học đạo đức.”

– Goodreads

Không chỉ vậy, đến với Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, độc giả cũng được bước chân vào hành trình tuổi thơ nhiều lý thú, cùng các nhân vật chu du trên khắp miền quê nước Mỹ. Họ tìm thấy chính  mình trong  những câu chuyện tuổi thơ của Tom và các bạn, đồng thời say sưa chìm đắm trong những trò nghịch ngợm vô cùng lý thú.

“Chuyện về những đứa trẻ nhưng lại dành cho người lớn . Một câu chuyện về tuổi thơ đầy thú vị , rực rỡ và giàu biến cố bất ngờ nhưng cũng mang đây yếu tố tư tưởng về xã hội nước Mỹ lúc bấy giờ. Mark Twain bằng ngòi bút tinh tế của mình đã vẽ ra một bức tranh đầy màu sắc về những chuyến phiêu lưu đầy kì thú của cậu bé Tom , Huck , Joe và những đứa trẻ lúc bấy giờ muốn thoát ra khỏi cái xã hội đầy những chuẩn mực rắc rối kia.”

– Goodreads

Cuốn tiểu thuyết không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn làm rung động không ít những trái tim trưởng thành dù ở bất kì nơi đâu. Những bài học làm người quý báu sẽ luôn đi theo mỗi người trong suốt hành trình cuộc đời, chắp cánh cho những ước mơ trong tâm hồn, cũng như nuôi dưỡng những hạt giống của lòng tốt.

“Khi tiểu thuyết viết về người lớn, người ta biết rõ đến chỗ nào thì nên dừng, là chỗ kết thúc bằng một đám cưới. Nhưng khi viết truyện về trẻ con, người ta phải dừng lại ở chỗ nào tốt nhất mình có thể dừng lại được”

– Mark Twain

Bởi giá trị tinh thần của cuốn tiểu thuyết, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đã trở thành nguồn cảm hứng cho gần hai mươi bộ phim. Tác phẩm điện ảnh chuyển thể bằng phim màu đầu tiên được ra đời vào năm 1938 với tựa đề The Adventures of Tom Sawyer.

Tiếp theo đó, không ít bộ phim đã được phát hành dựa trên cuốn tiểu thuyết và nổi bật trong đó phải kể đến Tom và Huck được phát hành năm 1995, đem về doanh thu gần hai mươi lăm triệu đô cho nhà sản xuất.

Vào năm 2011, nhân dịp sinh nhật của nhà văn Mark Twain, Google Doodle thiết kế logo hình hai nhân vật chính là Tom Sawyer và Ben Rogers đang sơn hàng rào, một phân cảnh trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer để tôn vinh những cống hiến của ông, đồng thời chứng tỏ sức hút bất tận của cuốn sách đối với bạn đọc trên toàn thế giới.

Google tôn vinh nhà văn Mark Twain và sáng tác của ông
Google tôn vinh nhà văn Mark Twain và sáng tác của ông

Nhiều thập kỉ đã trôi qua, nền văn chương của nhân loại cũng đón nhận không ít những tác phẩm xuất sắc nhưng tên tuổi của Mark Twain cùng với những lý tưởng của ông vẫn chưa bao giờ phai mờ theo thời gian.

Chính bởi những bài học làm người và giá trị nhân văn sâu sắc mà cuốn sách đem lại, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer vẫn luôn giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả. Hành trình trưởng thành của cậu bé Tom và những người bạn đã, đang và sẽ không ngừng lan tỏa sức ảnh hưởng qua từng trang sách.

Tuệ Anh

Từ khóa » Tom Sawyer Sơn Hàng Rào