Những Dấu Hiệu Nhận Biết Nhiễm Sán Lợn - Báo Tuổi Trẻ

Những dấu hiệu nhận biết nhiễm sán lợn - Ảnh 1.

Cẩn trọng khi ăn rau sống - Ảnh: T.T.

1 Giun, sán khác nhau ra sao?

Giun và sán đều là những loại ký sinh trùng sống bám vào cơ thể người và luôn tlợn một chu trình phát triển ký sinh trong cơ thể người, đẻ trứng, trứng phát triển thành ấu trùng và thành con giun hoặc con sán trưởng thành.

2 Sán lợn gây bệnh gì cho người?

Sán lợn hay còn gọi là sán xơ mít gây 2 loại bệnh cho người:

- Nhiễm sán trưởng thành trong ruột non hấp thu chất dinh dưỡng.

- Nhiễm ấu trùng (giống hình dạng 1 con nhộng) ký sinh vào các cơ quan nội tạng trong cơ thể người như não, bắp thịt, gan, thận, mắt... hay còn gọi là "bệnh gạo người", nhiễm ấu trùng này là nguy hiểm nhất. Vì ấu trùng đóng thành như những hạt gạo nằm trong các cơ quan, gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở não và mắt. Nó có thể gây mù lòa, co giật, viêm não, viêm màng não, yếu liệt...

3 Sán lợn lên tới não có nhiều không?

Ăn thịt lợn gạo có những nang sán không gây bệnh gạo cho người ở não, cơ... nhưng sẽ làm chúng ta mắc bệnh nhiễm sán lợn ở trong ruột non.

Chúng ta bị bệnh gạo người (hay còn gọi là nhiễm ấu trùng sán) là do ăn thức ăn không hợp vệ sinh còn lưu trứng của sán. Thông thường có thể mất từ 6-10 tuần kể từ lúc nuốt trứng sán thì ấu trùng sán lợn có thể đến não và ký sinh ở đó. Tuy nhiên, tỉ lệ này không cao vì thật sự cơ thể của chúng ta vẫn có phản ứng để loại bỏ nó trước khi nó cố định được ở não.

4 Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết mình bị nhiễm sán lợn là gì?

Dấu hiệu điển hình nhất của nhiễm sán lợn là chúng ta đi ngoài ra những đốt sán trong phân, thường có màu trắng đục đứt khúc lẫn trong phân. Thậm chí không đi ngoài ra phân mà ra những đốt sán đục trắng.

Còn bệnh gạo người thì tùy thuộc ấu trùng cố định ở chỗ nào mà biểu hiện ở chỗ đó. Đôi khi không có triệu chứng gì cả. Ví dụ nếu ở não có thể gây ra những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, co giật, yếu tay chân hoặc cứng cổ, nhìn đôi, nhìn mờ. Nếu ở cơ có thể làm đau nhức cơ bắp, nổi u cục trên da...

5 Để chẩn đoán sán lợn, cần làm những xét nghiệm gì?

Để chẩn đoán chính xác bệnh sán lợn, cách quan trọng nhất là thử phân tìm thấy trứng của loài sán này trong phân.

Tuy nhiên cách này chỉ dùng để chẩn đoán nhiễm sán lợn ở trong ruột của chúng ta, còn bệnh gạo người thì không chẩn đoán được bằng cách này mà dùng đến sinh thiết hoặc phẫu thuật từ những vùng bệnh, lấy những nang nghi bệnh đem phân tích dưới kính hiển vi thấy hình ấu trùng của những con sán này, nhưng cách này thường khó áp dụng.

Phương pháp hay dùng là thử máu hay ngôn ngữ chuyên môn gọi là huyết thanh chẩn đoán. Tức là sẽ tìm một chất do cơ thể tiết ra và đặc biệt là chất này chỉ được tiết ra khi cơ thể đã từng gặp con sán này rồi (giống như chúng ta đã từng học võ, với thế thủ sẽ biết đánh thế võ nào).

Nhưng cách này chỉ gián tiếp nói lên rằng chúng ta đã từng gặp con sán này rồi chứ không chắc chắn chúng ta đang bị bệnh. Nếu kết quả máu có lỡ dương tính thì cũng không có gì phải căng thẳng, vì với kết quả máu này còn cần phải phối hợp với lâm sàng và một số xét nghiệm khác thì mới thật sự kết luận có đang bị nhiễm sán lợn hay không và có cần điều trị hay không.

Thực tế, đa phần sẽ không cần điều trị vì kết quả này chỉ cho biết là ta đã từng tiếp xúc với con sán lợn chứ chưa có nghĩa là đang mắc bệnh sán lợn.

Phòng bệnh sán lợn ra sao?

- Vệ sinh môi trường sinh hoạt của chúng ta, ăn chín, uống sôi, rửa sạch giúp phòng tránh nhiễm trứng sán lợn sẽ giúp phòng tránh được bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn (bệnh gạo người).

- Ăn thịt lợn đã được nấu chín (nước sôi 100 độ C) sẽ phòng được bệnh sán lợn trong ruột non.

- Điều quan trọng là không tự ý ồ ạt đi xét nghiệm máu rồi tự ý mua thuốc xổ sán.

Từ khóa » Hình ảnh Nhiễm Sán Lợn