"Những đề Thi Gây Thắc Mắc" Và Bức Xúc Với Chương Trình Dạy Và Học ...

Những đề thi gây thắc mắcĐề bài kiểu đánh đố, câu hỏi một đằng đáp án một nẻo cùng với cách dạy - học rập khuôn, máy móc đang là nỗi đau đầu và bức xúc của nhiều phụ huynh có con học tiểu học. Nhiều phụ huynh đang nhập vai cùng học với con đã lắc đầu chịu thua: “Người lớn còn phải vò đầu bứt tai”. Đánh đố con trẻChị Linh, có con học lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc Q.An Dương (Hải Phòng), cho chúng tôi xem phiếu kiểm tra của con với sự ấm ức. Một câu hỏi trong phiếu này ra cho 10> ... >7, có bốn phương án trả lời là a: 8,9; b: 10,9; c: 8,7; d: 8, đề nghị học sinh khoanh tròn phương án đúng. Bé Hồng, con chị Linh, khoanh tròn phương án d. Nhưng cô giáo gạch chéo phần trả lời này của bé Hồng, ghi “sai” và không cho điểm. Chị Linh nói: “Phương án a dĩ nhiên là phương án đúng và đầy đủ hơn nhưng cách chữa bài, trừ điểm của cô mà không giải thích khiến trẻ con tưởng phương án d là sai. Trong khi điền số 8 vào phần bỏ trống ở câu hỏi trên hoàn toàn không sai.Chị Thủy có con học lớp 2 Trường tiểu học quốc tế Thăng Long (Hà Nội) kể: trong phiếu ôn tập cuối năm của con có bài toán cho 13 cây bưởi và 17 cây cam trong vườn, hỏi tổng số cây. Con gái của chị Thủy cho đáp án 13+17= 30 (cây bưởi và cam) và cũng bị trừ điểm. “Theo cô giáo chỉ được ghi 30 (cây)” - chị bức xúc. Tương tự, cũng ở lớp học trên, chị Thủy cho biết cô giáo cho học sinh luyện phần tiếng Việt đặt câu hỏi “thế nào?” và “như thế nào?”.Để chấn chỉnh việc mạnh trường nào trường ấy tổ chức kiểm tra học kỳ II đối với học sinh lớp 1, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ra văn bản hướng dẫn cấu trúc và nội dung cơ bản của đề kiểm tra trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học do Bộ GD-ĐT ban hành.Nhưng cấu trúc và nội dung đề thi có thể điều chỉnh số lượng câu hỏi phù hợp với đối tượng học sinh. Văn bản này cũng lưu ý các phòng GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức ra đề, coi thi, chấm thi (yêu cầu phân công chấm chéo khối lớp). Hình thức tổ chức gọn nhẹ, không phức tạp, không tốn kém kinh phí. Các phòng GD-ĐT tại Hà Nội phải có trách nhiệm thẩm định đề kiểm tra và thẩm định xác suất kết quả chấm bài của các nhà trường.Đề cho câu: “Đàn trâu thung thăng gặm cỏ”. Các bé phải đặt câu hỏi cho câu này. Con gái chị Thủy viết: “Đàn trâu gặm cỏ như thế nào?” nhưng có bé khác viết: “Đàn trâu gặm cỏ thế nào?”. Câu của con gái chị Thủy được cho là đúng, câu của bé kia là sai. “Con tôi thắc mắc, tại sao dùng “như thế nào” đúng mà “thế nào” là sai, tôi chịu không giải thích được” - chị Thủy nói.Cách dạy - học máy móc ở tiểu học đang hình thành nên thế hệ... học thuộc. Tại một quận ở Hà Nội trong đợt kiểm tra cuối năm, phụ huynh có con học lớp 1 cho biết: “Cô cho ôn các dạng toán và 3-5 bài văn mẫu với một số câu trả lời trong phần tiếng Việt và dặn bố mẹ cứ cho con học thuộc sẽ thi đạt điểm cao”. “Con trai học lớp 2 thản nhiên giải thích thành ngữ Uống nước nhớ nguồn là nước ở đâu thì cứ về đó mà uống (!). Buồn cười về sự ngô nghê của con nhưng tôi cũng kiểm tra phiếu ôn tập cuối năm của con thì thấy trong các phiếu bài tập tiếng Việt cô cho hàng loạt thành ngữ như: Ăn vóc học hay, Chết trong còn hơn sống đục... Cô yêu cầu học sinh học thuộc nhưng lại không giải nghĩa nên các con không hiểu”- anh Hoàng, một phụ huynh ở Đại Kim - Hoàng Mai (Hà Nội), kể lại.Tranh cãi quanh đề thiNgay cả môn tiếng Việt, một môn học rèn cho học sinh câu chữ, ngôn ngữ, cách diễn đạt cũng được thể hiện bằng dạng trắc nghiệm một cách rất máy móc. Như đề kiểm tra môn tiếng Việt lớp 5 tại Q.3, TP.HCM đầu tháng 5 vừa qua. Đề yêu cầu đọc thầm bài “Một ly sữa” trong đó kể về một cậu bé nghèo phải đi xin ăn. Cậu được một cô bé cho một ly sữa và khi cậu hỏi: “Tôi nợ bạn bao nhiêu tiền?” thì cô bé trả lời: “Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả”. Nhiều năm sau cô bé mắc bệnh hiểm nghèo, cậu bé trở thành bác sĩ và tình cờ cô bé là bệnh nhân của cậu. Cậu đã cố gắng hết sức để chữa bệnh cho cô bé và tờ hóa đơn thanh toán viện phí có ghi dòng chữ: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa”.Học sinh phải trả lời 10 câu hỏi xung quanh bài đọc thầm, mỗi câu 0,5 điểm. Anh Trung, một giáo viên ở Q.3, lắc đầu: “Mỗi câu chỉ được chọn một trong bốn đáp án, nhưng trong đó có đáp án đúng, các đáp án còn lại cũng chưa hẳn sai. Ví dụ như: “Sau khi gặp cô bé, cậu bé bước đi và cảm thấy tự tin, mạnh mẽ hơn, vì sao? Có bốn đáp án được đưa ra:a) Vì không cần bán hàng rong nữa,b) Vì có được số tiền để đi học,c) Vì bụng đã hết đói,d) Vì nhận được sự giúp đỡ của cô bé”.“c và d đều là phương án hợp lý, vậy học sinh phải chọn c hay d?”, một phụ huynh đặt câu hỏi. Về đề thi này, đại diện Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 cho biết: “Trong đề bài luôn có câu “hãy khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất”. Như vậy học sinh phải chọn phương án nào chính xác nhất mới đạt điểm, dù những phương án còn lại có thể không sai”.Vừa qua, tại Q.1 (TP.HCM) nhiều giáo viên cũng tranh cãi về bài kiểm tra học kỳ II môn tiếng Việt lớp 5. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng các vế trong câu ghép “Con hãy làm trái tim họ bình yên, nếu họ vẫn khóc” được nối với nhau bằng quan hệ từ và nối trực tiếp, nhưng đáp án đúng lại là “nối bằng quan hệ từ”. Một giáo viên dạy văn cấp THCS phản ứng: “Câu chính xác trong văn bản là “Khi con thấy họ khóc, hãy nói con yêu họ biết bao và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên”, nhưng không hiểu sao người làm đề lại đảo thành câu “Con hãy làm trái tim họ bình yên, nếu họ vẫn khóc” và yêu cầu học sinh phân tích, như vậy không tôn trọng văn bản và khiến câu đọc lên không còn đúng ý như văn bản nữa”.Quy trình ra đề kiểm tra và chấm bài, vào điểm là một vòng tròn khép kín. Rất hiếm khi phụ huynh được tiếp xúc với các bài kiểm tra của con mình, trừ những trường hợp trẻ phản biện đề thi và cha mẹ đề nghị được phúc khảo bài thi. Chính vì vòng tròn khép kín này nên phụ huynh ít nắm được nội dung các đề thi của con mình, sai sót ít được phát hiện. Đề thi phát ra, học sinh làm ngay trên giấy và sau khi thu bài, chấm điểm, các em chỉ được thông báo số điểm của mình.Đề sai lên mạngĐề ôn thi trạng nguyên lớp 2 ở một trường tiểu học tại Hà Nội được một phụ huynh đưa lên mạng xã hội Facebook có câu: “Số liền sau số lớn nhất có hai chữ số giống nhau là số mấy?”. Đề cho bốn đáp án: 9, 10, 11 hoặc 12. Bé Châu không chọn một trong bốn đáp án đề cho, em ghi vào ô trả lời đáp án là 100, vì theo em số lớn nhất có hai chữ số giống nhau là số 99 chứ không phải 11. Em cũng sửa luôn bốn đáp án của đề cho thành 90, 100, 110 và 120.Chị Hải, mẹ của Châu, băn khoăn đặt câu hỏi: “Đề thi toán lớp 2 có 10 câu, riêng ba câu đầu hỏi một đằng trả lời một nẻo, hỏi trạng nguyên ở đâu ra?”. Ở câu số 2: 15 cộng với số liền trước nó bằng? nhưng bốn phương án cô giáo cho để lựa chọn lại là 16, 30, 12 và 28. Câu 3: Năm nay Minh có số tuổi bằng số bé nhất có hai chữ số. Hỏi hai năm trước Minh bao nhiêu tuổi? Bốn đáp án để lựa chọn là: 10, 9, 29 và 7. Bé Châu phải ghi vào ô đáp án câu này là: “Không có đáp án”.Ông N.Đ.T., phụ huynh có con học lớp 1 tại Hà Nội, cũng đưa lên trang cá nhân của mình một đề thi mà ông đang giải cùng con với lời ngỏ: “Ai máy móc hơn học sinh lớp 1?”. Đề cho: Đàn gà có 2 con gà trống và 5 con gà mái. Hỏi đàn gà có tất cả bao nhiêu con? Khoanh vào câu trả lời đúng. “Con tôi nói bố ơi đáp án “2+5=7 (con gà)” mới là đáp án chính xác. Còn những đáp án khác như “2+5=7” hay “2+5=7 con gà” đều không đúng. Phải có dấu ngoặc đơn. Thật là một sự rập khuôn và máy móc, rườm rà, phức tạp không cần thiết”, ông bức xúc cho biết.Nguồn: Vietnamnet.

Từ khóa » Câu Hỏi Thế Nào Và Như Thế Nào