Những điểm Mới Về Cục Diện Thế Giới Và Khu Vực Trong Văn Kiện Đại ...

Hơn năm năm trước, Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Trên thế giới, trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng... Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường.... Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu vực. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Các thể chế đa phương đứng trước những thách thức lớn. Các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ đang đứng trước những cơ hội và khó khăn, thách thức lớn trên con đường phát triển. Trong bối cảnh đó, tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nước trên thế giới và khu vực vì lợi ích của từng quốc gia tiếp tục diễn ra rất phức tạp”(1).

Thế giới đang trải qua những biến động to lớn...., xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn (Trong ảnh: Khói lửa bốc lên từ toà nhà có liên quan đến Phong trào Hamas của Palestine, sau khi trúng oanh tạc của máy bay Israel xuống Dải Gaza, trong cuộc giao tranh quân sự dữ dội giữa Israel và lực lượng Hamas, ngày 14-5-2021_Ảnh: AFP/TTXVN)

Thực tế trong những năm qua và nhất là những biến động trong năm 2020 đã cung cấp những cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để Đại hội XIII của Đảng đánh giá và dự báo tình hình thế giới theo hướng phức tạp và nhiều thách thức hơn. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nêu: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”(2). Nhìn chung, mặc dù cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, về cơ bản các nước lớn vẫn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, song khía cạnh “đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng”(3). Đại hội XIII của Đảng cũng đánh giá rất cụ thể là “Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”(4).

Nhìn chung, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung, là nguyện vọng tha thiết của nhân loại tiến bộ, là nhu cầu cơ bản của các quốc gia nhằm tập trung phát triển, phục hồi kinh tế. Hơn nữa, khả năng chiến tranh và xung đột lớn giữa các cường quốc khó xảy ra bởi lẽ điều đó sẽ mang lại những hệ quả khôn lường không chỉ đối với những bên tham gia cũng như khu vực liên quan mà còn cả thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua cho thấy, khía cạnh cạnh tranh và theo đó là nguy cơ xung đột, có xu hướng gia tăng đáng kể trong quan hệ quốc tế. Nguyên nhân là do: 1- Khủng hoảng kinh tế thế giới buộc các quốc gia phải tìm mọi cách để bảo đảm lợi ích và vị thế của mình, trong đó có những phương cách mang tính vị kỷ, cường quyền; 2- Tương quan so sánh lực lượng thay đổi mạnh mẽ góp phần khiến cạnh tranh trở thành mặt chủ đạo trong một số cặp quan hệ nước lớn quan trọng, tiêu biểu như Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, Trung Quốc - Ấn Độ. Trong nội bộ các quốc gia, sự nổi lên của các lực lượng cực hữu và cực tả tiếp tục thách thức các chính quyền đương nhiệm và gây ra bất ổn chính trị. Ở cấp độ khu vực, chủ nghĩa dân tộc có biểu hiện gay gắt và đa dạng hơn cả trong chính trị - an ninh cũng như trong kinh tế. Có thể khẳng định, cục diện an ninh - chính trị toàn cầu đang ở giai đoạn hết sức nhạy cảm, trong đó cạnh tranh nước lớn gia tăng về cường độ và quy mô, tạo ra nguy cơ cuốn các nước vừa và nhỏ vào tình thế “lưỡng nan” về ngoại giao và an ninh. Trong bối cảnh đó, các vấn đề an ninh truyền thống diễn biến phức tạp, các “điểm nóng” đều tăng nhiệt, một số tranh chấp lãnh thổ tái bùng phát thành xung đột cục bộ, trong khi các cơ chế quản lý xung đột và các nỗ lực kiểm soát vũ khí chiến lược ít phát huy tác dụng. Một số chuyên gia cho rằng, thế giới hậu dịch bệnh COVID-19 sẽ nghèo hơn, kém cởi mở và ít tự do hơn, trong đó tư duy “cùng có lợi” bị ảnh hưởng đáng kể(5).

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ bản chất là cạnh tranh chiến lược mang tính quy luật giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc tại vị. Xu hướng cạnh tranh diễn ra quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, như thương mại, công nghệ, ngoại giao, quân sự, dân chủ, nhân quyền và trên các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, cả hai nước đều kiềm chế, không để đổ vỡ quan hệ vì cả hai bên đều có nhu cầu tập trung xử lý những khó khăn trong nước. Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, trong bối cảnh nước Mỹ có chính quyền mới, Trung Quốc nỗ lực chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1-7-1921 - 1-7-2021), cạnh tranh và hợp tác giữa hai cường quốc này có những diễn biến mới, phức tạp hơn. Tài liệu Hướng dẫn tạm thời Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn nêu rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1 của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ An-tô-ni Giôn Blin-kin (Antony John Blinken) cho rằng, cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức địa - chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ XXI. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả Mỹ trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, hai bên để ngỏ khả năng hợp tác trên một số lĩnh vực, như biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất ô tô điện của tập đoàn xe điện Tesla (Mỹ) ở Thượng Hải, Trung Quốc)_Ảnh: THX/TTXVN

Xu thế đa phương toàn cầu có thể được củng cố ở mức độ nhất định do thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho thấy nhân loại cần phải chung tay đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có này. Quy mô của những thách thức tích tụ trước và trong dịch bệnh COVID-19, nhất là các vấn đề bất bình đẳng, đói nghèo, khủng hoảng y tế, xung đột, đòi hỏi phải có những giải pháp và cơ chế toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn bước đầu thực thi ngoại giao đa phương tích cực hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, cạnh tranh nước lớn khiến những cải cách mang tính đột phá của các cơ chế đa phương toàn cầu tiếp tục gặp trở ngại. Các nước ưu tiên hợp tác tại các cơ chế tiểu đa phương (minilateralism) ở cấp độ khu vực và tiểu vùng.

Toàn cầu hóa vốn gặp nhiều khó khăn trong mấy năm qua do xu thế dân túy, dân tộc và bảo hộ thương mại, từ năm 2020 đến nay càng gặp thách thức lớn do dịch bệnh COVID-19. Dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy các xu hướng “hướng nội”, “co lại”, bảo hộ thương mại, dân túy, dân tộc chủ nghĩa, khiến lực cản đối với toàn cầu hóa càng gia tăng. Trong thời gian tới, chính sách của nhiều nước, nhất là một số nước lớn có thể sẽ tiếp tục mang tính hướng nội, bảo hộ, cứng rắn. Điều này khiến tự do hóa thương mại, các dòng đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, về lâu dài, bản chất của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ toàn cầu hóa vẫn là phân công lao động quốc tế để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và lợi nhuận. Quá trình điều chỉnh toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục được thúc đẩy với những đặc điểm mới do nhu cầu phát triển kinh tế của các nước. Thế giới sẽ không chuyển sang xu hướng phi toàn cầu hóa (de-globalisation), mà chỉ thận trọng hơn và chọn lọc hơn trong thực hiện toàn cầu hóa. Các nước sẽ xây dựng những tiêu chuẩn mới cho việc duy trì sự chu chuyển của các dòng người, các dòng hàng hóa và dịch vụ, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa những nguy cơ liên quan tới sự chu chuyển này. Nhiều khả năng các quốc gia sẽ cùng xây dựng lại mô hình toàn cầu hóa dựa trên các nền kinh tế khu vực, bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và quốc tế, giữa tính hiệu quả và khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, giữa tăng trưởng và sự bình đẳng(6).

Về kinh tế, Đại hội XII của Đảng đánh giá “Kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn có nhiều biến động khó lường”(7). Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Tuy nhiên, trước sự gia tăng cạnh tranh nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn, điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”(8).

Do tác động của dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế thế giớirơi vào khủng hoảng sâu rộng chưa từng có. Về chiều sâu, kinh tế thế giới suy thoái ở mức -4,4% trong năm 2020, mức sâu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Về chiều rộng, khủng hoảng và suy thoái tác động tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Theo các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế, dự báo năm 2021 kinh tế thế giới có thể hồi phục và tăng trưởng 5,5%(9). Tuy nhiên, triển vọng phục hồi vẫn tiếp tục bấp bênh và không đồng đều giữa các quốc gia cũng như giữa các lĩnh vực khác nhau, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19, sự phục hồi của các nền kinh tế “đầu tàu” (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu  - EU...) và khả năng thích ứng, điều chỉnh của mỗi quốc gia. Trong trung hạn, kinh tế thế giới đứng trước một số yếu tố rủi ro, như nguy cơ sụt giảm năng suất do quá trình tái cơ cấu mô hình kinh doanh, điều chỉnh chuỗi cung ứng, sự gia tăng xu thế bảo hộ, tác động của các vấn đề xã hội, như nguy cơ nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng... Theo kịch bản xấu, nếu kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trở nên khó khăn, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 có thể giảm xuống mức khoảng 2% - 3%(10). Bên cạnh đó, những thách thức cố hữu của kinh tế thế giới vẫn tồn tại, như nợ công tăng cao, xu thế bảo hộ thương mại, chiến tranh/cọ xát thương mại, căng thẳng địa - chiến lược...

Cạnh tranh kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang mở rộng sang lĩnh vực tài chính - tiền tệ, kinh tế số, dữ liệu. Trong trung và dài hạn, xu hướng phân tách (decoupling) kinh tế Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, xét tổng thể, sự phân tách này chưa dẫn đến cục diện hai hệ thống kinh tế hoàn toàn độc lập và tách biệt nhau như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh bởi sự tùy thuộc, đan xen lợi ích các mặt giữa Mỹ và Trung Quốc rất sâu sắc và phức tạp. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn có thể sẽ không đẩy mạnh quá trình phân tách này một cách cực đoan như hướng tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm, mà sẽ tích cực can dự, đối thoại hơn. Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa nhiều nền kinh tế lớn khác, như EU - Mỹ, Nhật Bản - Hàn Quốc... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cùng với cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh thương mại và sự phát triển của công nghệ mới, dịch bệnh COVID-19 góp phần đẩy mạnh hơn quá trình dịch chuyển, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu theo một số xu hướng sau đây: 1- Rút ngắn chuỗi cung ứng bằng cách đưa một phần hoặc toàn bộ chuỗi sản xuất về nước (reshoring) và/hoặc về các nước gần gũi về địa lý trong khu vực (near-shoring). 2- Phi tập trung hóa, phân tán rủi ro thông qua dịch chuyển một số chuỗi/công đoạn ra khỏi Trung Quốc về nước, về các thị trường gần gũi về địa lý hoặc đến một nước/nhóm nước khác tin cậy hơn (off-shore). Xu hướng này không hẳn là nhằm tìm địa bàn hay “công xưởng” mới thay thế Trung Quốc, mà để phân tán rủi ro, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 3- Dịch chuyển các khâu/công đoạn: các chuỗi hàng thiết yếu, các khâu/công đoạn sử dụng công nghệ cao và/hoặc linh kiện thiết yếu nhiều khả năng sẽ di chuyển về nước và/hoặc các nước gần gũi về địa lý hoặc đối tác tin cậy.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chưa đề cập cụ thể đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), chỉ nêu “Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”(11). Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng rõ nét, cho phép nhận thức tương đối đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đánh giá “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”(12).

Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngoài công nghệ thông tin, các lĩnh vực có sự đột phá mạnh mẽ hàng đầu còn bao gồm y học, năng lượng, sinh học, môi trường.... Chuyển đổi số trở thành xu hướng chung được đẩy mạnh trong hầu hết các lĩnh vực như một nguồn động lực quan trọng của phát triển. Các quốc gia trên thế giới đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá. Cơ hội “nhảy vọt” về phát triển đang hiện hữu do mức độ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đánh giá là cao hơn hàng trăm lần so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tập đoàn công nghệ đã có số tài sản gia tăng lớn hơn GDP của nhiều nước là một trong những minh chứng rõ nét về điều này. Tăng trưởng kinh tế diễn biến theo hình chữ K, với nhóm các công ty dựa trên nền tảng số, công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh trong khi nhiều ngành, nghề suy giảm. Trong từng lĩnh vực cũng sẽ có những điểm đột phá mới, như trong công nghệ tài chính (Fintech), tiền kỹ thuật số, công nghệ y sinh học, lượng tử, thiết bị kết nối tốc độ cao hay trí tuệ nhân tạo (AI). Đổi mới sáng tạo và số hóa các ngành kinh tế - xã hội là công cụ để các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng, là cơ hội cho các nước vừa và nhỏ bứt phá, giành vị trí có lợi hơn trong chuỗi cung ứng và bản đồ công nghệ toàn cầu. Các sáng chế, phát minh sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề an ninh và kinh tế, nhưng cũng làm gia tăng nhanh chóng hơn sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước và trong mỗi quốc gia. Cũng chính vì vậy, nguy cơ “tụt hậu” sẽ cao hơn nếu không có sự chuyển đổi kịp thời.

Về các vấn đề toàn cầu, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhận định là “diễn biến phức tạp”, song nhấn mạnh hơn vào “an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,...”(13).Trong những năm qua, các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai phát triển của nhân loại và ngày càng trở thành nguy cơ sát sườn, hiện hữu đối với đất nước ta.Dịch bệnh COVID-19 là minh chứng rõ ràng cho những hậu quả toàn diện và lâu dài mà các thách thức phi truyền thống gây ra đối với thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, một số vấn đề an ninh phi truyền thống có những diễn biến phức tạp hơn, với quy mô lớn hơn hẳn giai đoạn trước. Ở nước ta, cùng với dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ hơn qua tình trạng thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Tình hình này đòi hỏi các giải pháp bền vững và nguồn lực đáng kể, nhất là sự chung tay của các quốc gia trên thế giới.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19..." (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh)_Ảnh: TTXVN

Đối với châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh và phát triển, là môi trường đối ngoại trực tiếp của đất nước ta, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn, tình hình Biển Đông và nhận định về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”(14). Trong những năm qua, nhất là khi nền kinh tế thế giới còn phục hồi khó khăn, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động, thu hút sự quan tâm chú ý của cả thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh quyền lực ở khu vực ngày càng gay gắt hơn, tập hợp lực lượng phức tạp, các điểm nóng cũng diễn biến khó lường. Đặc biệt, khu vực này đang trở thành địa bàn trọng điểm của cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, đang chứng kiến những nỗ lực tập hợp lực lượng của hai cường quốc này. Trong khi đó, các cường quốc, như Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a... cũng đang chủ động dẫn dắt một số tập hợp lực lượng không có cả Mỹ và Trung Quốc. Tranh giành ảnh hưởng và sự lôi kéo của các loại hình tập hợp lực lượng khác nhau tuy chưa đến mức khiến các quốc gia vừa và nhỏ phải “chọn bên”, song đặt ra nhiều thách thức trong ứng xử đối ngoại; đồng thời khiến đoàn kết ASEAN đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn(15).

Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy Hiệp hộitiếp tục nỗ lực xây dựng Cộng đồng trên cả ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Trong thời gian tới, do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ASEAN ưu tiên phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi kinh tế và thúc đẩy hợp tác trên các mặt, triển khai các sáng kiến đã đạt được trong năm 2020. Về cơ bản, ASEAN sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng trong chính sách của các nước lớn đối với khu vực, song sẽ tiếp tục đứng trước sức ép không nhỏ của cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Cạnh tranh địa - chiến lược giữa các cường quốc thực sự đã trở thành thách thức lớn trong nỗ lực củng cố đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Một số vấn đề nóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương,như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, biển Hoa Đông... đang tiếp tục diễn biến phức tạp.Trong đó, tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có khả năng sẽ biến động khó lường hơn do chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận, không tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại cấp cao như thời chính quyền tiền nhiệm. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc) căng thẳng chưa từng có khi chính quyền của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử và tăng cường quan hệ với Mỹ, nhất là hợp tác quân sự.

Tình hình Biển Đông nhiều khả năng có những diễn biến mới ngày càng phức tạp (Trong ảnh: Đoàn kết giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc)_Ảnh: Tư liệu

Tình hình Biển Đông nhiều khả năng có những diễn biến mới ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải xử lý hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, linh hoạt. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động cả trên thực địa lẫn trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, pháp lý. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn tăng cường lôi kéo đồng minh tham gia kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước Đông Nam Á liên quan đều kiên quyết hơn trong thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Khu vực tiểu vùng sông Mê Công tiếp tục thu hút sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của các đối tác. Nỗ lực của ASEAN trong việc tăng cường vai trò và gắn kết hợp tác Mê Công với hợp tác tiểu vùng trong ASEAN sẽ mở ra triển vọng mới cho hợp tác ở tiểu khu vực này. Tuy nhiên, khác biệt lợi ích giữa các nước ASEAN, sự can dự, lôi kéo nhằm gây ảnh hưởng của các nước lớn sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì các cơ chế hợp tác Mê Công phục vụ thiết thực cho lợi ích phát triển của khu vực. Việc đánh giá đúng đắn và dự báo chính xác tình hình, cục diện và xu thế thế giới là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, trong chủ đề Đại hội lần này, lần đầu tiên thành tố “kết hợp sức mạnh thời đại” được nêu rõ, cùng với nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, chỉ có đánh giá đúng xu thế thế giới mới kết hợp hiệu quả sức mạnh thời đại, tạo nguồn lực tổng hợp để cách mạng thành công. Đồng thời, sau 10 năm hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, có nền kinh tế với độ mở cao, nhiệm vụ bảo đảm các lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước phụ thuộc rất lớn vào việc đánh giá và nhận định tình hình quốc tế. Những biến động to lớn của thế giới trong những năm qua, nhất là năm 2020, đã được Đại hội XIII nhận định, đánh giá sâu sắc, súc tích, đầy đủ. Những diễn biến rất nhanh của tình hình khu vực và thế giới, nhất là cạnh tranh nước lớn, trong những tháng đầu năm 2021 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã chứng tỏ những nhận định của Đại hội XIII là đúng đắn. Tuy nhiên, do thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi với nhiều yếu tố khó lường, trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cần không ngừng theo dõi, quan sát, đánh giá và dự báo sát hợp với tình hình thực tế, chỉ rõ những cơ hội và thách thức đối ngoại của đất nước. Từ đó, hoạch định chủ trương và chính sách cụ thể để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

-----------------------

(1) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600 (2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, t. I, tr. 105, 106 (5) H. Brands, F. Gavin: “Covid-19 and world order, Covid-19 and world order: The future of conflict, competition and cooperation”, Johns Hopkins University Press, Maryland, tháng 9-2020 (6) P. Enderwick & P. Buckley: “Rising regionalization: will the post-Covid-19 world see a retreat from globalization?”, ngày 15-9-2020, https://unctad.org/system/files/official-document/diaeia2020d2a5_en.pdf (7) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tlđd (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 106 (9), (10) Báo cáo triển vọng phát triển toàn cầu 2021 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2021/01/26/2021-world-economic-outlook-update (11) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tlđd (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr. 106 (13), (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 106, 107 (15) Xem: Lê Hải Bình (chủ biên): Tập hợp lực lượng trong thế kỷ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2020

Từ khóa » đặc điểm Cục Diện Thế Giới Hiện Nay