Thế Giới đang Chuyển Sang Cục Diện Mới? - Báo Nhân Dân

Cho dù kết cục của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc như thế nào, cấu trúc an ninh châu Âu một lần nữa được cài đặt lại. Từ khi “thế giới hai cực” chấm dứt tới nay, “lục địa già” chứng kiến ba chiều hướng: EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng mở rộng về phía đông; có thời quan hệ giữa Liên bang Nga với Tây Âu và cả NATO lẫn Mỹ được cải thiện nhất định, thậm chí bên cạnh NATO và Hội đồng châu Âu có cơ quan đại diện Nga; EU vừa mở rộng thành phần, vừa đối mặt tình trạng phân hóa mà đỉnh điểm là vụ Brexit đi đôi với mâu thuẫn Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) hiện hình rõ nét dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc khủng hoảng lần này một mặt đào sâu thêm hố ngăn cách giữa phương Tây với Nga, mặt khác phần nào hàn gắn rạn nứt trong quan hệ EU - Mỹ; một số thành viên EU vốn chưa tham gia NATO và theo đuổi chính sách tương đối trung lập trong quan hệ với Nga, nay lên án Moscow, ủng hộ và giúp đỡ Ukraine, một số nước thậm chí cân nhắc khả năng gia nhập NATO. Đáng chú ý, Đức đã điều chỉnh chính sách từ chỗ chủ trương “thay đổi thông qua thương mại” (Wandel durch Handel) sang chính sách xa lánh Nga, tăng cường chi phí và lực lượng quân sự. Mặt khác, bị mắc kẹt giữa “hai làn đạn”, ý chí tự cường trong EU trỗi dậy với sự đồng thuận cao về chính sách tự lập trên ba trụ cột: phòng vệ - năng lượng và kinh tế.

Trải qua thử thách gay cấn, trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Nga bộc lộ một số nét mới. Lâu nay, cả chính quyền đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ ở Mỹ đều chủ trương ra sức củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, đều coi Trung Quốc lẫn Nga là những đối thủ chủ yếu. Tuy nhiên, nếu như dưới thời ông Trump, mâu thuẫn Mỹ - Trung bộc lộ gay gắt hơn thì nay dưới thời Tổng thống Joe Biden, mâu thuẫn Mỹ - Nga trở nên hết sức căng thẳng, thậm chí có lúc xuất hiện những lời lẽ và hành vi đe dọa vũ khí hạt nhân!

Tiếng vậy, xem ra cả hai bên đều không dám vượt qua “lằn ranh đỏ” là lao vào xung đột quân sự trực tiếp, mà buộc phải thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng và đánh tiếng về một cuộc đàm phán an ninh. Mỹ và NATO tuy ra sức cổ vũ Ukraine nhưng đều công khai không trực tiếp can dự cuộc chiến, khiến Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky nhiều lần phải thốt lên thất vọng về sự đơn độc của Ukraine trên chiến trường. Một lần nữa, phương ngôn “không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn” được khẳng định trên thực tế!

Điều rõ ràng là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang “đầu độc” bầu không khí toàn cầu; các nguyên tắc cơ bản thể hiện tập trung trong Hiến chương LHQ bị vi phạm nghiêm trọng; thể chế và luật lệ của nhiều tổ chức đa phương bị xem nhẹ, chính sách cường quyền tái hiện, tạo tiền lệ rất nguy hiểm đối với quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước nhỏ.

Thế giới đang chuyển sang cục diện mới? -0

Kinh tế thế giới hứng chịu những miếng đòn vô cùng đau đớn. Trong khi những hệ lụy nặng nề của đại dịch còn chưa được hàn gắn, thì “chiến dịch quân sự đặc biệt” kéo theo những đòn trừng phạt và phản trừng phạt đẩy cả thế giới vào cơn bĩ cực. Trên võ đài cạnh tranh, cả kẻ công lẫn kẻ thủ không mẻ đầu cũng sứt trán, còn người bị đòn đau nhất chính là mọi người dân, không chỉ ở các nước liên quan trực tiếp mà ở nhiều khu vực trên thế giới. Chịu đòn kép từ “đại dịch” và “chiến dịch”, nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ, trong đó nổi lên là khủng hoảng năng lượng, lương thực và tiền tệ. Các chuỗi sản xuất và cung ứng cũng như sự giao lưu toàn cầu bị đại dịch làm đứt gãy chưa kịp nối lại thì nay lại rối tung rối mù, không biết khi nào mới nối lại được và sẽ theo đường nét nào?

Đòn kép “hai trong một” còn gây ra những hệ lụy nặng nề về mặt xã hội. Thật đau buồn trong thời bình mà hàng triệu con người, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ phải rời bỏ quê hương, gia đình, tài sản lũ lượt ra đi lánh nạn! Không biết bao nhiêu doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu con người trên toàn cầu mất công ăn việc làm rơi vào cảnh nghèo túng, khốn khó.

Thể dục - thể thao vốn là lĩnh vực tượng trưng cho hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc cũng bị cuốn vào vòng cạnh tranh chiến lược, khi các cầu thủ của đội tuyển Nga bị loại khỏi vòng đấu tranh vé tham gia World Cup, câu lạc bộ Chelsea ở Anh mà ông bầu là nhà tỷ phú Nga Abramovitch cũng bị vạ lây!

Xem như vậy thì sẽ chẳng có chuyện “cùng thắng” hay “kẻ thắng, người thua” mà sẽ là cục diện “mọi người đều bại”.

Sau “đại dịch” và “chiến dịch” có thể thế giới sẽ dần trở lại trạng thái bình thường, nhưng chắc sẽ không hoàn toàn như trước thời khủng hoảng kép.

Là một bộ phận của thế giới và đã hội nhập sâu rộng vào cấu trúc toàn cầu, nước ta không thể tránh khỏi tác động từ những biến động lớn lao và sâu rộng của thời cuộc. Tuy nhiên, “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Chân kiềng thứ nhất là tiếp tục coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, kiên trì đường lối độc lập tự chủ; chân kiềng thứ hai là thuận theo những giá trị, những lẽ phải phổ quát của thời đại là hòa bình, hợp tác để phát triển; chân kiềng thứ ba là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên cơ sở “trông ở thực lực” như Bác Hồ từng căn dặn từ thời lập quốc.

Từ khóa » đặc điểm Cục Diện Thế Giới Hiện Nay