Những điều Cần Biết Về Dự Phòng Trước Phơi Nhiễm HIV
PrEP là gì? PrEP được viết tắt của cụm từ tiếng Anh - Pre-Exposure Prophylaxis – có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV – Sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi rút HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng vi rút là TENOFOVIR DISOPROXIL FUMARATE (TDF) 300mg và EMTRICITABINE (FTC) 200mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên. Ai có thể dùng PrEP? PrEP được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng sau: - Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); - Người chuyển giới nữ (TGW); - Phụ nữ bán dâm; - Các cặp dị nhiễm tức có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml. Trường hợp xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV <200 bản sao/ml thì không cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho bạn tình không nhiễm HIV vì với tải lượng vi rút dướu 200 bản sao, người nhiễm HIV khi đó sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ.
Tại sao nên dùng PrEP?
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Các nghiên cứu cho thấy chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc nếu họ không sử dụng nó đều đặn theo hướng dẫn sử dụng của các bác sĩ. Theo kết quả của nghiên cứu iPrEx, trong đó 2.499 MSM và TGW đã tham gia. Những người sử dụng PrEP hàng ngày đạt được tỉ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%. PrEP được dung nạp tốt, hiếm khi phải ngừng thuốc do tác dụng phụ được kiểm chứng trong một thử nghiệm lâm sàng iPrEx với nhóm 2.499 MSM tham gia. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu ghi nhận có giảm chức năng thận và giảm mật độ xương ở những người dùng PrEP vì thế sử dụng PrEP chống chỉ định với một số người. PrEP là thuốc kháng HIV, do vậy một người muốn dùng PrEP cần gặp Bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và chỉ định, hướng dẫn cụ thể. PrEP sử dụng như nào? - Uống PrEP mỗi ngày: Dùng cho tất cả những người có hành vi nguy cơ. PrEP uống hàng ngày đã chứng minh hiệu lực >95% với nhóm MSM trong một sổ thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của vài nghìn người. Hiện nay hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến cáo sử dụng PrEP hàng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm nguy cơ cao. - Uống theo tình huống (ED-PrEP): Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống được chỉ định cho nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP và có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần và cần đảm bảo được việc dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục. Thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống về bản chất cũng là thuốc kháng vi rút có thành phần là TDF/FTC hoặc TDF/3TC như PrEP hàng ngày. Tuy nhiên uống liền 2 viên cho liều đầu tiên trong vòng từ 2-24h trước khi quan hệ tình dục và uống viên thứ 3 sau liều đầu 24h và uống viên thứ 4 sau liều đầu 48h.
Ai không dùng được PrEP? Với PrEP uống hàng ngày, những người sau không sử dụng được: - Người có HIV dương tính. - Người có bệnh lý về thận; - Người có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV. - Người dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP. - Người nhẹ cân (dưới 35 kg); - Người phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ qua. - Nếu chỉ có một bạn tình duy nhất, xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV <200 bản sao/ml và tuân thủ điều trị tốt. Với PrEP uống theo tình huống: Không sử dụng PrEP theo tình huống cho: - Phụ nữ hoặc người chuyển giới nữ. - Chuyển giới nam có quan hệ tình dục qua đường âm đạo. - Nam quan hệ tình dục với nữ qua đường âm đạo/hậu môn. - Người có viêm gan B mạn tính. - Người tiêm chích ma túy.
Lưu ý gì khi sử dụng PrEP? Thời gian đạt hiệu quả bảo vệ tối đa: - Đối với người có nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc qua đường máu: PrEP chỉ có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng đủ 21 ngày thuốc ARV liên tục. - Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: hiệu quả tối đa sau 7 ngày uống liên tục hoặc uống 2 viên TDF/FTC trước khi quan hệ tình dục 2 -24 giờ. Thời gian bảo vệ sau lần phơi nhiễm cuối cùng: - Đối với người quan hệ tình dục qua đường âm đạo và nguy cơ lây nhiễm qua đường máu: PrEP cần được tiếp tục sử dụng đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng. - Đối với người nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng. Ngoài ra, người dùng PrEP cũng cần lưu ý: - PrEP chỉ là một phần trong chiến lược dự phòng tổng thể HIV, PrEP cần có thời gian để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa vì vậy cần sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục: - PrEP nên uống đúng theo hướng dẫn của bác sĩ - Phản ứng phụ khi dùng PrEP đó là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt nhẹ và sẽ hết trong 1-2 tuần. Nếu kéo dài, nên gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn. - PrEP không dự phòng được các nhiễm trùng lây qua đường tình dục như: Lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan B, C v.v… do vậy vẫn cần sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. PrEP được cung cấp ở đâu? Hiện nay PrEP được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc, với tác dụng của PrEP, Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai biện pháp điều trị dự phòng ra tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thời gian tới. Hãy liên hệ với các cơ sở điều trị HIV/AIDS hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được biết thêm thông tin chi tiết hoặc truy cập: https://dichvu.vaac.gov.vn/
Trung Bách
Từ khóa » đồ Dự Phòng Tiếng Anh Là Gì
-
Phép Tịnh Tiến đồ Dự Phòng Thành Tiếng Anh | Glosbe
-
DỰ PHÒNG - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
"Dự Phòng" Trong Tiếng Anh Là Gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt
-
DỰ PHÒNG - Translation In English
-
"thiết Bị Dự Phòng" Tiếng Anh Là Gì? - EnglishTestStore
-
DỰ PHÒNG Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
ĐÈN DỰ PHÒNG Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Nghĩa Của Từ Spare Parts - Từ điển Anh - Việt
-
Sạc Dự Phòng Tiếng Anh Là Gì? - Cổ Trang Quán
-
Tra Từ Dự Phòng - Từ điển Việt Anh (Vietnamese English Dictionary)
-
Sạc Dự Phòng Tiếng Anh Là Gì, Pin Sạc Dự Phòng Tiếng Anh Làm ...
-
Phương án Dự Phòng In English With Contextual Examples
-
How To Say "" Sạc Dự Phòng Tiếng Anh, How Do ...