Những Hải Sản Quý Hiếm Giá Bạc Triệu Thu Hút Khách Hàng - Gia đình

1. Cua huỳnh đế

Cua huỳnh đế hay còn gọi là cua hoàng đế - một đặc sản mà thời xưa thường được dâng lên các vị vua chúa mỗi dịp xuân về. Cua này màu sắc khá đặc biệt, thịt lại thơm ngon như tôm hùm, chắc, gạch thơm béo và chứa nhiều dinh dưỡng nên được nhiều thực khách ưa chuộng. Cua huỳnh đế thường sống ở xa bờ, vùng biển sạch, nước sâu, nơi có đất cát và sỏi. Loại cua này chỉ có nhiều vào thời điểm trước Tết âm lịch một tháng và kéo dài đến tháng 4 âm lịch. Còn lại các tháng khác sẽ ít dần. Do vậy, loại này khá quý hiếm. Thời điểm này nhiều khách đặt trước cả tháng cũng chưa chắc có sản phẩm để sử dụng.

Chủ vựa hải sản ở quận 10 (TP HCM) cho biết, hầu như năm nào khi vào mùa cua sản phẩm này cũng cháy hàng. Mỗi ngày cửa hàng thu mua về gần nửa tạ nhưng không đủ phục vụ khách hàng. Hiện tại, nhiều khách đặt hàng nhưng sản phẩm đã không còn để bán. Đặc biệt, đối với sản phẩm từ 1kg mỗi con trở lên được khách Hà Nội săn đón và mua hết dù giá cao. Ở thời điểm vào mùa, loại từ 1kg mỗi con này có giá một triệu đồng một kg, con nặng nhất là 1,5kg. Còn thời điểm trái mùa có lúc giá lên 1,5 triệu đồng một kg. Riêng với loại cua có trọng lượng 700-900gram một con giá bán là 850.000 đồng/kg, còn loại 4-5 con/kg có giá 450.000 đồng.

2. Tôm mũ ni đỏ

Là loại hải sản quý hiếm nhất trong họ tôm mũ ni, dòng mũ ni đỏ được nhiều thực khách săn đón, trong đó loại có trọng lượng trên 2 kg một con có thể bán giá 3-5 triệu đồng/kg.

Quản lý tại cửa hàng hải sản nổi tiếng ở Thủ Đức (TP HCM) cho biết, thời điểm này, tôm mũ ni vào mùa nên lượng hàng dồi dào. Đặc biệt, tôm mũ ni đen và đỏ chỉ có từ tháng 4 đến tháng 7 nên nhiều khách hàng cũng như khách sạn, nhà hàng lớn ở TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội đều có nhu cầu đặt mua. Do đang vào mùa nên mỗi tháng, cửa hàng này bán được 30-100 kg mũ ni đen, còn mũ ni đỏ thì 20-30 kg vì loại này hiếm hàng. Với mũ ni trắng, giá dao động 650.000-690.000 đồng một kg (3-5 con một kg), còn mũ ni đen vào mùa giá 850.000 đồng, nhưng khi khan hàng giá lên tới một triệu đồng một kg. Riêng mũ ni đỏ, do là đặc sản quý hiếm nên giá 1,8-2 triệu đồng/kg (2-4 con một kg). Nếu mũ ni đỏ có trọng lượng từ 2kg trở lên sẽ được bán với mức giá thương lượng riêng, dao động 3-5 triệu đồng/kg.

Sở dĩ mũ ni đỏ có giá “trên trời” là vì đây là dòng hải sản quý hiếm, chỉ có ở một số vùng biển có nhiều san hô, thức ăn là một số loài giáp xác như nghêu, ốc, bào ngư, hải quỳ.

Mũ ni đỏ có hình dáng đẹp, màu sắc bắt mắt là nhờ chúng ăn các loại thức ăn là động vật và san hô mang chất dinh dưỡng cùng khoáng chất tự nhiên cao. Do vậy, thịt của tôm mũ ni đỏ mềm, ngọt, thơm, giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, calo và mega3…

Đa phần tôm mũ ni phân bố ở vùng nước cạn nơi có rạn san hô phát triển. Tôm không có cặp càng to như tôm hùm, thay vào đó là 2 miếng vỏ mỏng và dẹp như chiếc mũ ni. Vào ban ngày, chúng thường vùi mình vào đáy cát hoặc treo mình lên các vách đá, ẩn trong hang hốc; ban đêm mới rời hang đi kiếm mồi. Lúc đó, thợ lặn rình bắt hoặc chúng tự sa vào lưới. Tại Việt Nam, tôm mũ ni có nhiều ở các vùng biển Quảng Ninh, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang.

3. Sá sùng

Sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm từ thời xa xưa, cho tới nay vẫn có giá khá cao. Thậm chí, trong một vài thời điểm, giá 1kg thành phẩm của loại “sâu biển” này tương đương hoặc hơn một chỉ vàng.

Bà Hoàng Thị Xuân Điểm - Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến sá sùng Quan Lạn cho biết, sá sùng chính vụ khai thác của địa phương diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 10 hằng năm. Còn thời gian gần đây, sản lượng khá ít nhưng vẫn nhiều hộ tranh thủ tìm bắt để về bán cho tiểu thương.

Với một kg sá sùng tươi nếu giao ngay tại bãi có giá 250.000-300.000 đồng/kg. Nhưng nếu đem về sấy khô thì giá bán cao gấp 10 lần, dao động trong khoảng 3,5-4 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm khan nguồn cung giá bán ra gần 5 triệu đồng mỗi kg. Sở dĩ sá sùng khô đắt đỏ là vì để được một kg khô cần đến 10-11kg tươi, sấy khô cũng qua nhiều công đoạn.

Sá sùng sinh sống và phát triển nhiều nhất ở vùng biển Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh), Hải Phòng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Giờ (TP HCM). Ngoài tên gọi sá sùng, nhiều vùng còn gọi loài hải sản này là sâm đất. Bề ngoài sá sùng có màu nâu đỏ, nhìn qua rất dễ bị nhầm lẫn với con trùn đất. Tuy nhiên, trên thân loài này có xuất hiện những sợi vân nhỏ li ti.

Sá sùng có thể chế biến món ăn khi còn tươi hay đã phơi khô. Tùy phương pháp chế biến, song với mỗi món ăn, loại nguyên liệu này luôn được khách ưa chuộng.

Theo VnExpress

Từ khóa » Các Loại Hải Sản Quý Hiếm