Những Rủi Ro Trong Thanh Toán Quốc Tế - Xuất Nhập Khẩu Lê Ánh

Những Rủi Ro Trong Thanh Toán Quốc Tế - Thanh toán quốc tế là hoạt động thanh toán trong đó có ít nhất một bên liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản thanh toán ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thanh toán quốc tế là hoạt động cơ bản nhất và giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh đối ngoại của các NHTM mà ngày nay nó được gọi là một bộ phận quan trọng trong nghiệp vụ ngân hàng quốc tế của các NHTM.

Tuy nhiên nghiệp vụ này cũng gặp phải rất nhiều rủi ro nếu trong quá trình thực hiện không đảm bảo đúng và đủ nguyên tắc và quy trình thực hiện. Cùng Xuất nhập khẩu Lê Ánh tìm hiểu về những rủi ro trong thanh toán quốc tế trong bài viết dưới đây:

I. Rủi ro trong thanh toán quốc tế là gì?

Rủi ro trong thanh toán quốc tế là những rủi ro về kinh tế phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế, nó do các nguyên nhân phát sinh từ quan hệ giữa các bên tham gia TTQT (nhà xuất khẩu, nhập khẩu, ngân hàng, các tổ chức, cá nhân và các tác nhân trung gian…) hoặc những nhân tố khách quan khác gây nên như thiên tai, chiến tranh, chính trị...

Rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế liên quan đến các giao dịch thương mại quốc tế.

Nó cũng giống như rủi ro trong giao dịch thương mại trong nước, nhưng phức tạp hơn do khoảng cách về địa lý, những khác biệt về văn hóa, luật pháp…

II.Một số rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế

Có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá và phân loại rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế. Nếu theo nguyên nhân phát sinh ta có thể phân thành rủi ro tín dụng, rủi ro đạo đức, rủi ro quốc gia, rủi ro ngoại hối, rủi ro về tác nghiệp; còn ứng với những phương thức thanh toán khác nhau ta lại có thể phân chia ra các rủi ro đối với các bên tham gia.

1. Phân loại theo nguyên nhân phát sinh rủi ro thanh toán quốc tế

a.Rủi ro tín dụng:

Đây là rủi ro mất khả năng thanh toán của một trong các bên tham gia vào thanh toán đặc biệt trong phương thức tín dụng chứng từ. Nguyên nhân của loại rủi ro này:

Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, chịu sự chi phối lớn của các quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh… nên phải thường xuyên đối mặt với rủi ro từ mọi phía gây phản ứng dây chuyền khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh, thậm chí thua lỗ, vỡ nợ phá sản nên mất khả năng thanh toán.

Thứ hai, do thông tin tín dụng không đầy đủ, nếu một bên không nắm vững tình hình tài chính, uy tín khả năng thanh toán của đối tác, không am hiểu, không kiểm tra được các thông số kỹ thuật và hiệu quả của dự án mà mình tài trợ thì rủi ro tín dụng là điều khó tránh khỏi. Đây chính là thông tin không cân xứng.

Ví dụ: NHQĐ mở L/C với tổng trị giá: 699.556 USD nhập dầu DOP của công ty ELOPI cho Công ty VIMEXCO, Vũng tàu. Đến hạn Công ty VIMEXCO không tiêu thụ hết hàng và không có đủ tiền để thanh toán.

Cuối cùng NHQĐ đã phải trả thay và yêu cầu Công ty VIMEXCO nhận nợ vay bắt buộc. Vì vậy, lựa chọn khách hàng và ngân hàng nước ngoài có quan hệ tín dụng tốt là điều vô cùng quan trọng trong thanh toán quốc tế.

b. Rủi ro tỷ giá

+ Đối với nhà xuất khẩu, tỷ giá biến động sẽ phá vỡ kế hoạch tính toán của nhà xuất khẩu. Biến động tỷ giá hối đoái giảm còn ảnh hưởng khi nhà xuất khẩu nhận tài trợ xuất khẩu từ ngân hàng bằng nội tệ để phục vụ sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.

+ Đối với nhà nhập khẩu, việc lựa chọn đồng tiền thanh toán và đồng tiền tính toán trong một thương vụ khác nhau cũng gây nên rủi ro cho nhà nhập khẩu khi có biến động tỷ giá. Khi tỷ giá hối đoái biến động tăng sẽ bất lợi cho nhà nhập khẩu vì họ mua ngoại tệ thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu với giá cao nhưng giá cả tiêu thụ hoặc nguyên vật liệu còn phụ thuộc cung cầu thị trường không thể bù đắp nổi với biến động thay đổi tỷ giá.

+ Đối với các ngân hàng thương mại: Trong quá trình thực hiện thanh toán cho khách hàng, vấn đề quản lý nguồn ngoại tệ và hoạt động kinh doanh ngoại tệ để đảm bảo nhu cầu thanh toán trên cơ sở cân đối tài sản có bằng ngoại tệ là vô cùng quan trọng, nhằm tránh những rủi ro do biến động tỷ giá gây nên.

Ví dụ: Tổng Công ty May 10 ký hợp đồng xuất khẩu trị giá 500.000USD ngày 08/05/2007, hợp đồng được thanh toán sau 6 tháng kể từ ngày ký - 08/11/2007. Tại thời điểm ký kết tỷ giá USD/VND = 16.200. Vào ngày thanh toán tỷ giá USD/VND = 16.000, như vậy cứ mỗi USD xuất khẩu công ty bị thiệt 200VND. Toàn bộ hợp đồng trị giá 500.000USD, công ty bị mất 100 triệu VND. Giải pháp:

- Sử dụng các phương pháp dự báo tỷ giá

- Lựa chọn ngoại tệ thanh toán

 - Sử dụng hợp đồng xuất nhập khẩu song hành

c. Rủi ro quốc gia:

Đây là những rủi ro liên quan đến sự thay đổi chính trị, kinh tế, về chính sách quản lý ngoại hối - ngoại thương của một quốc gia khiến cho nhà xuất khẩu không nhận được tiền hàng, nhà nhập khẩu không nhận được hàng hoá.

+ Rủi ro đối với nước NK xảy ra do những biến động hoặc biến cố bất thường trong quốc gia nhập khẩu khiến cho chính phủ của nước nhập khẩu cấm các công ty của nước mình thanh toán ngoại tệ ra nước ngoài, hoặc hàng hóa nhập khẩu thuộc diện cấm nhập khẩu nên không được làm thủ tục thông quan.

+ Rủi ro đối với nước XK xuất hiện khi có sự thay đổi về chính sách ngoại thương, thuế quan của quốc gia đó gây khó khăn cho việc cấp hàng và nhận tiền hàng của người XK

+ Rủi ro quốc gia cũng có thể xảy ra đồng thời với nhà XK và NK nếu sau khi ký kết hợp đồng ngoại thương chính phủ nước NK và XK đều không cho phép nhập và xuất mặt hàng đó nữa.

Ví dụ: Theo lệnh cấm vận của Mỹ, mọi khoản thanh toán bằng đồng USD qua hệ thống thanh toán bù trừ tại Mỹ cho những người hưởng có tên nằm trong danh sách cấm vận đều bị phong tỏa tại Mỹ. BIDV khi thực hiện lệnh thanh toán số tiền 13,000 USD theo đề nghị của khách hàng trong nước cho 13 người du lịch thăm dò thị trường Cuba đã gặp sơ suất khi nêu tên Cuba trong lệnh thanh toán.

Giao dịch trên khi được thực hiện bù trừ tại Mỹ thông qua ngân hàng đại lý American Express Bank, New York đã bị phong toả vì hệ thống điện tử phát hiện ra từ “Cuba”, là một nước bị Mỹ cấm vận. Mặc dù BIDV đã rất cố gắng liên hệ với các đối tác để tìm cách giải phóng số tiền bị phong toả, nhưng đều bị từ chối. Số tiền trên sẽ chỉ được trả lại cho BIDV khi Cuba không còn bị lệnh trừng phạt cấm vận của Mỹ.

d. Rủi ro đạo đức

Là những rủi ro xảy ra khi một bên tham gia cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình gây thiệt hại tới quyền lợi của người khác. Đạo đức ở đây chính là sự tín nhiệm, uy tín trong kinh doanh. Đây là vấn đề quan trọng trong thương mại và thanh toán quốc tế, vì các bên đối tác thường ở cách nhau rất xa, thậm chí không hề gặp nhau trong quá trình thực hiện đàm phán. Gồm rủi ro nhà nhập khẩu, rủi ro nhà xuất khẩu, rủi ro nhà chuyên chở, rủi ro ngân hàng…

Ví dụ: Khi mới thành lập, NHQĐ chi nhánh Hồ Chí Minh tiếp nhận một hồ sơ xin mở L/C yêu cầu mức ký quỹ thấp (10%). Khi xem xét hợp đồng thì nhân viên ngân hàng nhận thấy chữ ký của người XK đã được cắt dán và photocopy. Người NK giải thích đó là chữ ký qua fax. Thấy nghi ngờ, NHQĐ chi nhánh Hồ Chí Minh tiến hành điều tra thì thấy đây là một công ty ma, số điện thoại và số fax trên hợp đồng không có thực. NHQĐ đã từ chối mở L/C. NHQĐ cũng như các ngân hàng khác phải hết sức cảnh giác để tránh mở L/C cho các công ty ma. Giải pháp: tìm hiểu thông tin chính xác về khả năng tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh cũng như uy tín, tính trung thực của đối tác.

>>Tìm hiểu thêm: Khoá học xuất nhập khẩu online 

e. Rủi ro pháp lý

Xảy ra trong trường hợp có tranh chấp hay khiếu kiện giữa các bên có tham gia thanh toán. Vì môi trường pháp lý và luật pháp của các bên khác nhau nên rủi ro pháp lý là không thể tránh khỏi.

Ví dụ: Theo quy định của UCP 500, nếu L/C không quy định là hủy ngang hay không hủy ngang thì được coi là L/C không hủy ngang (Irrevocable).

Tuy nhiên, theo bộ luật dân sự của Nga (Civil Code), nếu L/C không quy định cụ thể là hủy ngang hay không hủy ngang thì được hiểu là L/C hủy ngang. Khi L/C nhận được một thư tín dụng phát hành từ một ngân hàng của Nga, không ghi rõ là có hủy ngang hay không hủy ngang, cán bộ của BIDV đã sơ suất không đề nghị ngân hàng phát hành sửa đổi và đã thông báo cho khách hàng. 1 tháng sau, ngân hàng phát hành của Nga thông báo cho BIDV là L/C nói trên đã bị hủy mà không cần có sự đồng ý của người thụ hưởng L/C, bởi vì theo họ đây là L/C hủy ngang. Rất may mắn là người thụ hưởng của L/C mới chỉ đang chuẩn bị hàng hóa để giao nên không bị mất hàng. Tuy nhiên, đây là một rủi ro rất nguy hiểm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhà xuất khẩu và BIDV.

Giải pháp: cần tìm hiểu kỹ càng pháp lý, pháp luật của đất nước đối tác kinh doanh để có thể phòng ngừa tốt loại rủi ro này

f. Rủi ro trong quá trình hoạt động, tác nghiệp

Đây là những rủi ro sai sót kỹ thuật do chính các bên tham gia gây ra. Rủi ro này thường được thể hiện trong việc lập hồ sơ chứng từ không hoàn hảo, không đáp ứng đầy đủ các điều khoản và điều kiện của L/C hoặc hành động không đúng theo UCP – 500 và các thông lệ, tập quán quốc tế khác.

Cụ thể các bên gặp rủi ro như sau:

+ Ngân hàng chuyển tiền: Do nhận chuyển tiền cho những hợp đồng thanh toán vi phạm chế độ quản lý hạn ngạch nhập khẩu, chế độ quản lý ngoại hối, những hợp đồng thanh toán ma được lập để lợi dụng hoạt động phi pháp..

+ Ngân hàng uỷ nhiệm và nhận nhờ thu: Do giao bộ chứng từ nhận hàng cho khách hàng trước khi nhận được thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán hối phiếu, nhận và gửi chỉ thị thanh toán không rõ ràng.

+ Các ngân hàng có liên quan trong phương thức tín dụng chứng từ…

Giải pháp: đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao nghiệp vụ trong thanh toán quốc tế.

rui-ro-phuong-thuc-thanh-toan-quoc-te.png

2. Phân loại theo các phương thức thanh toán quốc tế

a. Rủi ro về phương thức thanh toán chuyển tiền (TTR)

Phương thức này thường được áp dụng trong trường hợp người mua và người bán quen biết và tín nhiệm lẫn nhau. Phương thức thanh toán này đơn giản, chi phí thấp. Tuy nhiên, đây là phương thức có rủi ro lớn nhất cho cả người bán và người mua. Có 2 hình thức chuyển tiền:

+ Chuyển tiền trả trước (TT): là nhà Nhập khẩu thanh toán trước một khoản tiền cho nhà Xuất khẩu trước khi giao hàng. Rủi ro chuyển tiền trước:

✓Rủi ro cho nhà xuất khẩu (thấp): Giao hàng sau khi nhận được tiền hàng, như vậy Người xuất khẩu không chịu bất cứ rủi ro nào

✓Rủi ro cho nhà nhập khẩu (cao):

▪ Nhà xuất khẩu có thể giao hàng không phù hợp với các yêu cầu chất lượng

▪ Nhà xuất khẩu có thể không giao hàng hoặc giao hàng trễ

▪ Trong trường hợp trên lợi nhuận sẽ bị giảm

+ Chuyển tiền sau (TT after shipment): là nhà Nhập khẩu thanh toán tiền cho nhà Xuất khẩu sau khi nhận hàng. Rủi ro chuyển tiền sau:

✓Rủi ro cho nhà xuất khẩu (cao):

▪ Người chịu trách nhiệm thanh toán hối phiếu, không thanh toán-do có tranh chấp

▪ Người chịu trách nhiệm thanh toán hối phiếu, không thể thanh toán- không đủ khả năng trả nợ/ không có tiền mặt

▪ Không có đủ ngoại tệ

▪ Không còn kiểm soát hàng hóa

✓Rủi ro cho nhà nhập khẩu: không có

Ví dụ: Rủi ro do thực hiện sai chỉ dẫn của người chuyển tiền: BIDV nhận được một chỉ dẫn thanh toán chuyển 500,000 EUR cho người thụ hưởng mở tài khoản tại ngân hàng BNP Parisbas ở Paris. Tuy nhiên, khi thực hiện lệnh chuyển tiền, do sơ suất trong việc kiểm tra ngân hàng giữ tài khoản, cán bộ thanh toán đã chuyển nhầm số tiền trên cho ngân hàng Banque de Paris tại Paris. 3 ngày sau, người chuyển tiền thông báo cho ngân hàng là người thụ hưởng vẫn chưa nhận được tiền thanh toán và đề nghị tra soát. Kiểm tra lại hồ sơ, phát hiện ra sự nhầm lẫn nói trên, BIDV ngay lập tức yêu cầu ngân hàng Banque de Paris trả lại khoản tiền chuyển nhầm, đồng thời tạm thời sử dụng tiền của ngân hàng để trả cho người thụ hưởng theo đúng chỉ dẫn. Phải mất một tuần, sau rất nhiều điện yêu cầu, Banque de Paris mới trả lại khoản tiền chuyển nhầm của BIDV sau khi đã trừ 100EUR phí dịch vụ. Để phòng ngừa rủi ro các bên nên:

- Xây dựng rõ lộ trình chuyển tiền: Ví dụ: chuyển trước bao nhiêu % tại thời điểm nào? Thanh toán nốt phần còn lại tại thời điểm nào? …

- Thỏa thuận thời điểm chuyển tiền trùng với thời điểm giao hàng.

- Quy định rõ về phương tiện chuyển tiền, chi phí chuyển tiền ai chịu.

b. Rủi ro trong phương thức ghi sổ:

Phương thức thanh toán ghi sổ thuận lợi cho người mua, rủi ro cho người bán.

+ Thuận lợi cho người mua: Người mua chỉ phải trả tiền khi đã nhận được hàng hóa, dịch vụ hoặc thậm chí khi tiêu thụ xong hàng hóa và dịch vụ.Thuận lợi cho người bán: Tiêu thụ được hàng hóa và giữ được thị trường truyền thống.

+ Bất lợi cho người bán: Người bán đã chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa mà không được đảm bảo thanh toán: Có khả năng các sự kiện kinh tế chính trị sẽ đặt ra các quy định làm chậm trễ hoặc tạm ngừng việc chuyển tiền cho người bán; vốn của người bán bị đọng cho đến khi người mua nhận hàng, đôi khi gặp sự chây ỳ không thanh toán của người mua vì ngay từ đầu người mua đã không cần phải phát hành bất cứ chứng từ nhận nợ nào để cam kết thanh toán mang tính phi lý của mình.

c. Rủi ro trong phương thức nhờ thu kèm chứng từ:

Có hai loại: là nhờ thu chứng từ trả nhanh (D/P) và nhờ thu chứng từ trả chậm (D/A).

* Đối với phương thức D/P: sau khi giao hàng, người xuất khẩu lập bộ chứng từ thông qua ngân hàng phục vụ người nhập khẩu nhờ thu hộ tiền, ngân hàng phục vụ người nhập khẩu giao bộ chứng từ cho người nhập khẩu đi lấy hàng đổi lấy việc thanh toán. Người nhập khẩu muốn nhận hàng thì bắt buộc phải thanh toán. Rủi ro theo D/P:

❖ Rủi ro của nhà xuất khẩu (trung bình):

➢ Nhà nhập khẩu không thể thanh toán-không có khả năng trả nợ/không đủ tiền mặt

➢ Nhà nhập khẩu không thanh toán –do có tranh chấp

➢ Không có đủ ngoại tệ.

➢ Phát sinh chi phí lưu tồn, lưu bãi.

➢ Nếu hàng giao bằng đường biển, vẫn còn kiểm soát được hàng hóa

❖ Rủi ro của nhà nhập khẩu (trung bình/cao):

➢ Hàng hóa có thể không phù hợp với các yêu cầu về chất lượng nhưng nhà Nhập khẩu đã thanh toán tiền hàng…Giảm lợi nhuận

* Đối với nhờ thu (D/A): người xuất khẩu sau khi giao hàng sẽ lập bộ chứng từ gửi cho ngân phục vụ người nhập khẩu thông qua ngân hàng phục vụ mình. Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu sẽ giao bộ chứng từ cho người nhập khẩu đi lấy hàng khi người nhập khẩu chấp nhận bộ thanh toán chứng từ. Mặc dù bộ chứng tờ đã được người nhập khẩu chấp nhận thanh toán nhưng ngân hàng không có trách nhiệm khi đến hạn thanh toán mà người nhập khẩu không thanh toán phương thức thanh toán nhờ thu (D/A) khá rủi ro đối với người nhập khẩu. Rủi ro theo D/A gồm:

➢Rủi ro của nhà xuất khẩu (cao):

Nhà nhập khẩu không thanh toán

Nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán

Rủi ro quốc gia, không có đủ ngoại tệ

Một khi Nhà nhập khẩu đã chấp nhận hối phiếu, Nhà xuất khẩu sẽ không còn kiểm soát được hàng hóa

➢Rủi ro của nhà nhập khẩu(thấp):

Nhà nhập khẩu có thể kiểm tra hàng hóa trước khi quyết định đồng ý thanh toán hoặc từ chối thanh toán hối phiếu trả chậm vào lúc đáo hạn của hối phiếu

❖Các rủi ro đối với Ngân hàng:

➢Rủi ro về tác nghiệp, …ngân hàng thực hiện theo đúng chỉ dẫn của khách hàng và tuân thủ các quy tắc Thống nhất về Nhờ thu (URC)

➢Rủi ro chung về tín dụng- nếu Ngân hàng chọn tài trợ giao dịch.

Ví dụ: NH Techcombank nhận được bộ chứng từ nhờ thu với chỉ dẫn là D/P 30 days after sight (giao chứng từ trên cơ sở thanh toán 30 ngày sau ngày nhận được chứng từ). Khi nhìn thấy cụm từ “30 days after sight”, cán bộ thực hiện đã không đọc kỹ “D/P”, cho rằng đây là bộ chứng từ trả chậm 30 ngày, nên đã xử lý như chứng từ D/A, nghĩa là chỉ yêu cầu khách hàng chấp nhận hối phiếu trả chậm và trả chứng từ.

Đến thời hạn 30 ngày phải thanh toán, nhà nhập khẩu từ chối thanh toán vì hàng không đúng chất lượng quy định. Khi làm điện thông báo từ chối gửi tới ngân hàng gửi chứng từ nhờ thu, Techcombank đã nhận được điện phản hồi yêu cầu thanh toán vì đó là chứng từ D/P. Do không thực hiện đúng chỉ dẫn nhờ thu, NH đã bị rủi ro khi phải trích tiền của ngân hàng để thanh toán thay cho nhà nhập khẩu.

Việc đòi lại tiền từ nhà nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian và chi phí.

d. Rủi ro trong phương thức tín dụng chứng từ

Đây là phương thức thanh toán mà theo đó dựa theo yêu cầu của nhà NK, ngân hàng sẽ mở một thư tín dụng( Văn bản bảo lãnh) cam kết với người thụ hưởng( nhà XK) sẽ thanh toán, chấp nhận hối phiếu… nếu nhà XK xuất trình được bộ chứng từ thanh toán phù hợp với các điều kiện và điều khoản được quy định trong thư tín dụng. Những rủi ro khi sử dụng phương thức Thư tín dụng:

Người mua/ Nhà nhập khẩu: Do thanh toán chỉ dựa trên chứng từ nên:

➢Rủi ro người hưởng lợi không giao hàng, và chứng từ bị giả mạo

➢Rủi ro người hưởng lợi giao hàng nhưng giao thiếu hoặc giao hàng hóa không đúng như chất lượng

➢Rủi ro hàng hóa giao đúng thời gian giao hàng nhưng đến trễ

➢Rủi ro hàng hóa đến trước chứng từ nên người yêu cầu buộc phải bỏ qua các bất hợp lệ của chứng từ và thanh toán một khi đã yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh nhận hàng.

➢Rủi ro về tỷ giá khi áp dụng tỷ giá giao ngay tại thời điểm thanh toán.

➢Rủi ro không thể lấy ký quỹ do ngân hàng phát hành bị phá sản

Ví dụ: Tập đoàn Nestle có nhập khẩu bơ từ hãng Latel của Na Uy để sản xuất các loại sữa giàu dinh dưỡng. Cuộc mua bán được giới thiệu thông quan một số thông tin trên Internet. Do đang trong lúc cần nguyên liệu gấp nên Nestle đã nhanh chóng thoả thuận hợp đồng nhập khẩu với Latel.

Họ đã thoả thuận thanh toán theo L/C, vì vội vàng nên Nestle chưa đề cập kỹ các nội dung cụ thể của L/C mà nhanh chóng chuyển tiền cho Latel theo L/C thông qua một ngân hàng do Nestle chỉ định. Nhưng rồi, tiền thì được gửi đi mà hàng thì mãi vẫn chưa thấy về. Tìm hiểu kỹ thì Nestle mới vỡ lẽ ra rằng, Latel chỉ là một công ty ảo trên mạng, không có thật.Nhà nhập khẩu

➢Rủi ro về khả năng thanh toán của người yêu cầu mở LC (người mua).

➢Rủi ro AML.

➢Rủi ro do phát hành LC không tuân thủ đơn mở của người mua.

➢Rủi ro trong việc KTCT do trình độ nghiệp vụ chưa cao.

➢Rủi ro không cập nhật kịp thời các thông tin bổ sung của ICC.

Người bán

✓Không thể thực hiện các điều khoản L/C

✓Ngân hàng phát hành mất khả năng thanh toán

✓Các tài khoản của Ngân hàng phát hành bị đóng băng theo lệnh tòa án

✓Đối tác, thị trường, hàng hóa bị vướng vào danh sách cấm vận

Ví dụ: Năm 1997, BIDV nhận được một thư tín dụng trị giá 1,957,800 USD phát hành bằng telex từ một ngân hàng ở Mỹ cho người hưởng lợi là Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang, nhập khẩu gạo. Bức điện có mã khóa (testkey) với ngân hàng Bank of New York, Hongkong.

Tuy nhiên, ngân hàng này thông báo là không cung cấp số test đó và đề nghị BIDV xác nhận lại với ngân hàng phát hành. Khách hàng trong nước đã chuẩn bị đủ hàng ở cảng, đang rất cần L/C. để chờ xếp xuống tàu nên giục BIDV thông báo L/C. Do không kiểm tra được tính chân thực bề ngoài của bức điện, BIDV đã kiên quyết từ chối thông báo L/C.

Sau khi tìm hiểu, khách hàng phát hiện người nhập khẩu là kẻ lừa đảo và rất may là họ chưa giao hàng.

NH xuất trình/ chiết khấu

✓ Rủi ro tác nghiệp: Gửi chứng từ nhầm địa chỉ, Gửi thiếu chứng từ của Khách hàng, thiếu chỉ thị thanh toán, Chỉ thị thanh toán bị sai các thông tin của giao dịch như tên, địa chỉ, số tiền, số LC...

✓Rủi ro nghiệp vụ: trình độ nghiệp vụ chưa cao nên dẫn đến mâu thuẫn về tranh cãi các lỗi BHL chứng từ.

✓Các tổ chức, cá nhân trong giao dịch vướng vào cấm vận (Sanction) nhưng không bị phát hiện.

✓Rủi ro thanh toán:

Không nhận được hoàn trả từ NH phát hành dù chứng từ hợp lệ do Nh phát hành phá sản, không có uy tín.

Không truy được các khoản chiết khấu từ người hưởng lợi do KH không có uy tín.

✓Rủi ro quốc gia, tỷ giá

NH thông báo

✓Sơ suất trong việc xác thực sự chân thật bên ngoài của LC, tu chỉnh nhận được như:

Thông báo LC, tu chỉnh đã nhận bằng các điện SWIFT chưa được xác thực

Không đối chứng đúng chữ ký thuộc phạm vi ủy quyền ký trên LC giấy nhận được từ ngân hàng phát hành với chữ ký mẫu

Giải mã “test” sai khi LC được phát hành bằng hình thức Telex

Không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra nội bộ như AML, dấu hiệu các giao dịch đáng ngờ.

✓Không xác thực được chân thật bên ngoài của LC nhưng vẫn tiến hành thông báo.

✓Không thông báo đúng và đủ các nội dung của LC nhận được như bị cắt xén, mất chữ...

>>Tìm hiểu thêm: Khoá Học Thanh Toán Quốc Tế Chuyên Sâu

III Những biện pháp để hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế

Các giải pháp chung:

a. Chọn ngân hàng phục vụ.

Nên lựa chọn ngân hàng phục vụ có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong TTQT. Các chuyên gia ngân hàng giỏi về TTQT có thể tư vấn và giúp doanh nghiệp rất nhiều trong hoạt động xuất nhập khẩu như tư vấn về các điều khoản hợp đồng, lựa chọn phương thức thanh toán thích hợp, giúp doanh nghiệp lập bộ chứng từ phù hợp, giải quyết tranh chấp phát sinh, nhờ đó mà doanh nghiệp có thể hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

b.Sự trợ giúp từ một tổ chức khác.

Các ngân hàng có thể giảm thấp rủi ro bằng cách tìm kiếm một tổ chức hoặc trả nợ gốc và lãi vay nếu ngân hàng vay không hoàn trả nợ được. Một giải pháp khác là bảo lãnh một tổ chức tín dụng tại nước ngoài, thông thường đó là các quỹ bảo hiểm tín dụng của ngân hàng xuất nhập khẩu ngay tại chính quốc của ngân hàng tài trợ.

c.Chia sẻ rủi ro.

Các ngân hàng cũng có thể giảm thấp rủi ro bằng cách liên kết tài trợ. Theo dạng thức này, các ngân hàng liên kết với nhau cùng tài trợ một khoản tín dụng quốc tế và nhờ đó giảm thấp rủi ro trực tiếp của một ngân hàng. Các ngân hàng lớn tham gia đồng tài trợ sẽ tiến hành việc đánh giá rủi ro chính trị và rủi ro tín dụng của khoản tài trợ, các ngân hàng bé dựa vào các báo cáo của ngân hàng lớn.

d.Phân tán rủi ro.

Khi xảy ra rủi ro không hoàn trả được nợ vay của một khách hàng, thu nhập từ các khoản đầu tư hoặc tín dụng khác sẽ làm giảm bớt hậu quả của khoản tổn thất tín dụng trong tổng thu nhập của ngân hàng. Các ngân hàng thực hiện phân tán rủi ro tài trợ bằng nhiều cách khác nhau, phân tán theo khu vực địa lý là cách dễ thấy nhất, cách này làm giảm rủi ro chính trị, nhưng như thế chưa hẳn là tốt.

Các giải pháp đối với từng chủ thể tham gia

Với chủ thể là các Ngân hàng Thương mại.

Đối với bản thân mỗi Ngân hàng thương mại cần phải thực hiện

Hiện đại hóa công nghệ hoạt động TTQT của ngân hàng theo mặt bằng trình độ quốc tế. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên. Nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành các cấp và tăng cường công tác kiểm tra giám sát rủi ro trong hoạt động TTQT. Tăng cường công tác thông tin phòng ngừa rủi ro và công tác đối ngoại với các NH nước ngoài.

Đối với NHNN

Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát và đánh giá an toàn đối với hệ thống NHTM. Hoàn thiện hoạt động thông tin phòng ngừa rủi ro trong hoạt động TTQT cho toàn bộ hệ thống NHTM.

Với chủ thể là khách hàng

Trang bị tốt kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ cho các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ ngoại thương. Am hiểu thông lệ quốc tế trong buôn bán ngoại thương. Cần tạo sự ổn định về môi trường kinh tế vĩ mô, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Với chủ thể là các nhà xuất nhập khẩu

Cần tìm hiểu kỹ bạn hàng bao gồm năng lực tài chính, tiểu sử hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như tham khảo ý kiến ngân hàng về quá trình kinh doanh của đối tác là điều quan trọng để hạn chế rủi ro.

Chủ động tìm hiểu về quy định pháp lý liên quan đến xuất nhập khẩu tại các thị trường lớn để đưa ra những đối sách phù hợp; doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên lựa chọn ngân hàng lớn uy tín trong nước để sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế.

Với chủ thể là nhà nước

+ Nhà nước cần tạo sự ổn định về môi trường kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo dựng môi trường kinh tế thông thoáng, ổn định và thuận lợi

+ Củng cố, phát triển và hoàn thiện môi trường pháp luật cho hoạt động TTQT

+ Nâng cao chất lượng điều hành vĩ mô về tiền tệ, tín dụng

+ Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thanh toán quốc tế

 Với những những chia sẻ về Rủi ro trong thanh toán quốc tế tại Xuất nhập khẩu Lê Ánh trên đây, hy vọng sẽ hữu ích tới bạn.

Xuất nhập khẩu Lê Ánh – Nơi đào tạo xuất nhập khẩu thực tế số 1 Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức thành công các khóa học xuất nhập khẩu, và hỗ trợ việc làm cho hàng nghìn học viên, mang đến cơ hội làm việc trong ngành logistics và xuất nhập khẩu đến với đông đảo học viên trên cả nước

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về các khóa học xuất nhập khẩu: 0904848855/0966199878

>>>>> Bài viết liên quan:

  • Điều kiện FCA trong Incoterms 2020
  •  FCA – Điều kiện Incoterms cách hiểu và áp dụng trong hoạt động ngoại thương
  • Xác định giá mua bán hàng hóa theo Incoterms
  • Giải thích một số thuật ngữ trong Incoterms 2010
  • Tiêu chí lựa chọn điều kiện giao hàng (Incoterms) 

Từ khóa » Các Loại Rủi Ro Trong Thanh Toán Quốc Tế