Heo đực giống cung cấp nguồn cải thiện di truyền, ảnh hưởng đến tỉ lệ và kích thước lứa đẻ của heo nái. Có thể nói, heo đực giống là một thành phần quan trọng quyết định tới sự thành công và năng suất của trang trại lợn nái. Hiện nay tại nước ta quần thể heo đực giống vẫn chưa được quan tâm phát triển dẫn đến ở nhiều trang trại chăn nuôi năng suất và lợi nhuận bị giảm do không chú trọng xây dựng một chương trình chăn nuôi phù hợp để tận dụng hết tiềm năng của lợn đực giống. Sau đây chúng ta hãy cùng xem xét những sai lầm cơ bản trong quá trình chăn nuôi heo nọc. 1. Chế độ dinh dưỡng Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh tinh và khai thác tinh dịch. Ở giai đoạn đầu của heo nọc (25-30kg), đây là giai đoạn heo lớn nhanh, khung xương và các bộ phận sinh dục phát triển rất nhanh, do đó thức ăn trong giai đoạn này đòi hỏi phải có chất lượng cao, cung cấp đầy đủ các loại khoáng chất cho heo sinh trưởng và phát triển tốt. Giai đoạn thứ 2 trong vòng đời heo nọc (50kg-phối giống) là giai đoạn phát triển nhanh các mô mỡ. Mà các mô mỡ ảnh hưởng đến tuyến não chùy và tuyến thượng thận, liên quan trực tiếp đến quá trình khai thác tinh cũng như khả năng phối giống của con nọc. Do đó, ở giai đoạn này người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, cho ăn chế độ ăn định lượng, bổ sung đầy đủ các loại acid amin để không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tinh dịch. 2. Chương trình quản lí 2.1. Quản lí chuồng trại Ngoài chế độ dinh dưỡng, chuồng trại nuôi heo nọc cũng cần được đặc biệt quan tâm, ấm về mùa đông, mát về mùa hè Mặt khác chuồng heo đực giống phải xây dựng ở một khu riêng biệt, xa chuồng heo nái, bố trí trước hướng gió so với chuồng heo nái sinh sản. Chuồng có thể làm 1 dãy hoặc 2 dãy, Diện tích ô chuồng phải theo đúng chỉ tiêu quy định 1 heo đực giống làm việc cần có ô chuông có diện tích là 4 – 6 m2 và 6 – 9 m2 sân chơi. 2.2. Chương trình huấn luyện Huấn luyện heo nhảy giá là một việc quan trọng và cần thiết giúp heo nọc làm quen, thành lập các phản xạ sinh dục có điều kiện (phản xạ tiết tinh dịch) dựa trên các phản xạ không điều kiện (phản xạ ngửi “mùi heo nái”, phản xạ nhìn thấy giá nhảy…) với mục tiêu là có thể khai thác tinh heo đạt chất lượng.Việc huấn luyện heo nhảy giá đúng phương pháp, kỹ thuật giúp cho chất lượng tinh được nâng cao và ổn định, từ đó nâng cao hiệu quả thụ tinh → nâng cao năng suất sinh sản của heo nái → hiệu quả chăn nuôi của toàn trại tăng cao.Tuy nhiên, làm thế nào để huấn luyện heo nọc nhảy giá đúng cách? Người chăn nuôi heo nọc gặp phải khá nhiều khó khăn trong việc huấn luyện heo đực nhảy giá trong những lần đầu tiên do chưa hiểu hết những cơ sở sinh lí của các phản xạ sinh dục có liên quan tới quá trình phối giống và ứng dụng nó trong các động tác kỹ thuật lấy tinh cũng như thiếu các trang thiết bị lấy tinh phù hợp. Một số lưu ý khi luyện tập cho heo nọc nhảy giá: (nguồn Pigprogress) 1. Tất cả các lợn đực giống nên được cho ăn vào buổi sáng sớm hoặc sau khi huấn luyện, vì đó là lúc chúng hoạt động, thích thú và dễ làm việc nhất. 2. Gía nhảy của mỗi con heo nọc cần đảm bảo được giữ yên tĩnh, phải sạch sẽ, khô ráo và đủ ánh sáng. 3. Nếu có thể, nên điều chỉnh chiều cao của giá nhảy để phù hợp với kích thước của heo nọc 4. Nền chuồng không được trơn trượt để lợn đực có cơ hội luyện tập tốt nhất. Nên dùng cát trải trên sàn để làm khô sàn và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Lưu ý chất vệ sinh khô hoặc mùn cưa mịn trong chuồng có thể làm tăng nguy cơ làm hỏng tinh dịch. 5. Lợn đực giống cần được tập trung trong quá trình huấn luyện bằng cách tránh xa tầm nhìn của các con lợn đực khác. Sau khi lấy tinh dịch thành công nên cho heo đực ăn để bù lại năng lượng 6. Tinh dịch thu được trong quá trình huấn luyện không được dùng để thụ tinh. Tuy nhiên, người chăn nuôi nên lưu lại cho các mục đích phân tích chất lượng sau này. Hình ảnh thiết bị nhảy giá cho heo nọc 2.3. Độ tuổi khai thác Độ tuổi khai thác tinh dịch đầu tiên là khác nhau ở mỗi cá thể và mỗi loại giống. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là không nên sử dụng lợn đực giống cho đến khi nó được ít nhất 28–30 tuần tuổi. Nếu lợn đực giống được sử dụng quá sớm có thể bị rút ngắn tuổi thọ đáng kể và suy giảm khả năng sản xuất tinh của chúng. 2.4. Thời điểm khai thác tinh/phối giống Giao phối tốt nhất vào sáng sớm trước khi cho heo ăn bởi vì khi ăn no sẽ có thể gây ra những căng thẳng cho heo nọc. Ngoài ra, heo nọc hoạt động mạnh hơn vào sáng sớm, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng.
3. Tần suất khai thác
Tần suất khai thác tinh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tinh dịch. Nếu khai thác quá ít làm tinh trùng không khỏe và dễ chết. Ngược lại, nếu khai thác quá nhiều sẽ làm cho tinh trùng không kịp thành thục, ảnh hưởng đến hoạt lực tinh trùng. Vì vậy, cần phải có tần suất khai thác tinh phù hợp như sau: sau khi heo cho khai thác lần đầu tiên, các lần tiếp sau khai thác theo lịch: 21 ngày – 21 ngày – 14 ngày – 14 ngày – 7 ngày – 7 ngày, sau đó khai thác theo tuổi
(8-10 tháng: 7 ngày/lần, 10-12 tháng: 14 ngày/3 lần, hơn 1 năm: 7 ngày/2 lần)
Để tối đa hóa hiệu suất, heo nọc cần phải được quan tâm chăm sóc. Bằng cách tuân theo những nguyên tắc cơ bản, người chăn nuôi nên lưu ý tránh những sai lầm trong quá trình nuôi heo nọc để giúp tối ưu và gia tăng năng suất.
Tổng hợp: Trương Ánh (R&D)