Những Thủ Tục Cần Lưu ý Trước Khi Chuyển Nhà ở Nhật - Tsunagu Local

Trong thời gian sinh sống ở Nhật chắc chắn sẽ có thời điểm bạn phải chuyển nhà từ nơi này sang nơi khác vì lý do công việc hay gia đình. Với người đã ở Nhật lâu thì không có vấn đề gì, nhưng với những người nước ngoài lần đầu chuyển nhà ở Nhật đây sẽ là một thử thách khá khó khăn khi họ chưa quen với những thủ tục tại đây. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng, vì trong bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn về những thủ tục cần thiết khi chuyển nhà ở Nhật. Hãy tham khảo bài viết và áp dụng vào trường hợp của bạn để việc chuyển nhà trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nhé.

Liên hệ với công ty bất động sản hoặc chủ nhà để cắt hợp đồng và hẹn ngày chuyển đi

lịch
Photo: PIXTA

Sau khi đã ký được hợp đồng nhà mới và có lịch chuyển nhà cụ thể, việc đầu tiên bạn cần làm là liên hệ với công ty bất động sản quản lý ngôi nhà hiện tại bạn đang ở để thông báo với họ về việc bạn sẽ chuyển đi. Việc này đồng nghĩa với việc bạn sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà hiện tại với họ.

Thông thường, hợp đồng thuê nhà ở Nhật thường có thời hạn 2 năm. Nếu bạn chấm dứt hợp đồng khi mới ở chưa đầy 1 năm bạn sẽ phải nộp một khoản phí bồi thường (thường bằng 1-2 tháng tiền nhà). Còn nếu bạn ở trên 1 năm thì bạn có thể kết thúc hợp đồng thoải mái mà không có vấn đề gì. Tùy vào ngôi nhà bạn thuê mà khoảng thời gian này có thể sẽ khác nhau, nên bạn cần kiểm tra hợp đồng hoặc liên hệ với bên bất động sản trước khi quyết định chuyển đi.

Ngoài ra, các công ty bất động sản thường yêu cầu người thuê nhà phải báo cho họ tối thiểu là 1 tháng trước ngày chuyển đi, nên bạn không thể hôm sau chuyển đi ngày hôm trước mới gọi điện thông báo. Quy định này thường được ghi rõ trong hợp đồng thuê nhà ngay từ đầu nên nếu bạn nào chưa biết thì hãy mở hợp đồng ra xác nhận lại thông tin trước khi liên hệ với bên bất động sản nhé.

Từ lúc bạn thông báo chấm dứt hợp đồng cho đến ngày bạn dọn vào nhà mới không còn đủ 1 tháng, bạn buộc phải chấp nhận

Cắt hợp đồng điện, nước, gas, mạng,…

tiền điện, nước, gas,..
Photo: PIXTA

Nếu bạn là người đứng ra làm hợp đồng điện, nước, gas,… thì trước khi rời đi bạn cũng cần phải hủy hợp đồng hiện tại. Bạn có thể tiến hành thủ tục này ngay sau khi đã chốt ngày chuyển đi và yêu cầu phía công ty cung cấp dịch vụ hủy hợp đồng cho bạn vào ngày mà bạn rời đi. Việc hủy hợp đồng này không có yêu cầu thời gian khắt khe như hợp đồng thuê nhà, nhưng bạn cũng nên chú ý liên hệ với họ trước, có thể là 1 tuần trước ngày bạn chuyển đi để tránh những tình huống không may có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Một số công ty cung cấp dịch vụ như điện, gas, mạng,… có thể sẽ yêu cầu bạn phải có mặt vào ngày hủy hợp đồng để họ chốt số điện, hoặc yêu cầu thanh toán luôn số tiền sử dụng của tháng đó.

Ngoài ra, vì đây là những khoản thanh toán sau khi sử dụng nên phía công ty có thể sẽ yêu cầu bạn cung cấp cho họ địa chỉ mới để sau đó họ sẽ gửi biên lai thanh toán đến.

Dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra các thiết bị trong nhà xem có bị hư hỏng gì không

cô gái đang dọn nhà
PR Image Factory/Shutterstock.com

Sau khi đã tiến hành xong các thủ tục rườm rà trên, việc tiếp theo bạn cần làm là dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Thông thường, mọi người thường dọn nhà vào ngày cuối sau khi đã chuyển hết đồ đạc đi.

Với những rác lớn (粗大ごみ) như đệm, gường, tủ, đồ điện gia dụng,… nếu muốn vứt đi bạn phải đăng ký với trung tâm xử lý xác thải. Thường ở khu vực vứt rác của mỗi tòa nhà đều có dán số điện thoại của trung tâm xử lý rác. Bạn hãy gọi điện và đăng ký trực tiếp với họ. Lưu ý là khi đăng ký vứt rác ở Nhật bạn sẽ phải trả một khoản phí như phí xử lý rác thải nên hãy suy nghĩ thật kỹ xem có nên vứt đồ đi không.

Ngoài ra, với những món đồ vẫn còn sử dụng được nhưng bạn không cần đến nữa bạn có thể cho người quen, đăng lên các trang mua bán đồ cũ để bán lại cho những ai có nhu cầu. Việc này không chỉ giúp bạn xử lý đống rác thải một cách gọn ghẽ mà còn đỡ cho bạn được một khoản phí vứt đồ, chưa kể còn có thể thu hồi lại được một chút tiền ban đầu bỏ ra mùa đồ.

nhà ở ở Nhật
Photo:PIXTA

Trong quá trình dọn dẹp bạn cũng cần kiểm tra xem có thứ gì bị hỏng không, như tường nhà bị trày xước hoặc bẩn, bóng điện bị cháy, khóa cửa bị hỏng,… Với những thứ bạn thấy có thể tự sửa lại được và chi phí cũng không quá tốn kém thì tốt nhất bạn nên sửa lại luôn. Vì nếu không khi công ty bất động sản đến kiểm tra nhà, bạn có thể phải bồi thường số tiền tổn thất còn cao hơn nữa đó.

Các thủ tục hành chính khi chuyển nhà

Đăng ký thủ tục chuyển đi và chuyển đến tại cơ quan hành chính địa phương

đơn đăng ký chuyển đi

Trước khi bạn rời đi hoặc sau khi chuyển đến một nơi nào đó bạn cần phải thông báo cho cơ quan hành chính địa phương (shiyakusho hoặc kuyakusho) ở nơi ở hiện tại và nơi ở sắp chuyển đến để làm thủ tục chuyển đi và đăng ký địa chỉ mới.

Thủ tục này trong tiếng Nhật được gọi là 転出届* (tenshutsu todoke) và được thực hiện tại cơ quan hành chính địa phương nơi bạn đang ở. Sau khi hoàn tất thủ tục bạn sẽ nhận được một tờ giấy chứng nhận tên là 転出証明書 (tenshutsu shoumesho). Tốt nhất bạn nên làm thủ tục chuyển đi trong vòng 1-2 tuần trước khi chuyển đi, để tránh mất thời gian sau khi đã đi rồi lại phải quay về.

Tiếp đến, bạn sẽ mang giấy chứng nhận 転出証明書 đến cơ quan hành chính địa phương ở nơi ở mới để làm thủ tục đăng ký địa chỉ mới 転入届 (tennyu todoke).

Khi bạn thay đổi địa chỉ, các giấy tờ có liên quan như thẻ lưu trú (zairyu card), my number, bảo hiểm y tế quốc dân,… cũng sẽ được cập nhật lại nên tốt nhất là bạn nên mang theo tất cả những giấy tờ có liên quan đến khi đi làm thủ tục. Để cho chắc chắn, bạn cũng có thể kiểm tra thông tin trên trang web chính thức của cơ quan hành chính địa phương nơi bạn ở.

Thời gian để xử lý các thủ tục trên là trong vòng 14 ngày kể từ ngày chuyển đến địa chỉ mới. Hãy chú ý cân đối thời gian để không bị quá thời hạn nhé, bởi nếu quá 14 ngày bạn có thể sẽ bị phạt mức tiền lên đến 50,000 yên đó.

*Nếu bạn chuyển nhà trong cùng khu vực hành chính, bạn cần phải làm thủ tục “đăng ký di chuyển” (転居届), còn nếu chuyển đến một khu vực hành chính khác thì làm thủ tục “đăng ký chuyển đi” (転出届)

Thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký với bên bưu điện

giao hàng cho khách
Hananeko_Studio/Shutterstock.com

Thủ tục này không mang tính bắt buộc như thủ tục hành chính ở trên, nhưng là một trong những thủ tục bạn nên làm khi chuyển nhà. Sau khi đăng ký chuyển địa chỉ với bên bưu điện, những đồ đạc được gửi đến theo địa chỉ cũ của bạn sẽ được các nhân viên chuyển đến địa chỉ mới mà bạn đã đăng ký, giúp bạn tránh bị thất lạc đồ đạc.

Bạn có thể trực tiếp đến bưu điện lấy mẫu đăng ký chuyển địa chỉ và điền thông tin vào, hoặc đăng ký trên trang chủ của bưu điện ở mục e転居

Thủ tục thay đổi địa chỉ khác

Vì địa chỉ của bạn đã thay đổi, nên những thông tin lúc bạn đăng ký tài khoản ngân hàng, hay sim điện thoại,… cũng sẽ thay đổi. Bạn có thể lên trang web hoặc vào ứng dụng của các nhà cung cấp dịch vụ để cập nhật địa chỉ mới hoặc gọi điện trực tiếp nếu bạn không biết làm như thế nào. Tuy nhiên, trên thực tế đây không phải là thủ tục bắt buộc, nên nếu bạn cảm thấy thủ tục này quá phức tạp và mất thời gian bạn có thể bỏ qua.

Trên đây là một những thủ tục cơ bản bạn phải ghi nhớ thực hiện trước khi chuyển nhà. Hy vọng thông qua bài viết này bạn sẽ tìm được những thông tin hữu ích để có thể chuyển nhà suôn sẻ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào!

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Từ khóa » Cách Cắt điện Nước ở Nhật