Những Tồn Nghi Về Tình Già - Bài Thơ Khởi đầu Thơ Mới - Báo Đà Nẵng

Bài thơ Tình già của học giả, nhà thơ, nhà báo xứ Quảng Phan Khôi là tác phẩm khởi xướng cho phong trào Thơ mới Việt Nam (1932-1945). Đến nay, bài thơ “trình làng” vừa tròn 90 năm, nhưng những tồn nghi vẫn còn đó, cần được giải mã.

Các tác phẩm của hai người con Phan Khôi: ông Phan An Sa và bà Phan Thị Mỹ Khanh đề cập những chi tiết về bài thơ “Tình già”. Ảnh: N.T
Các tác phẩm của hai người con Phan Khôi: ông Phan An Sa và bà Phan Thị Mỹ Khanh đề cập những chi tiết về bài thơ “Tình già”. Ảnh: N.T

“Thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng”

Trong bài tổng quan giới thiệu cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân viết về sự kiện xuất hiện bài thơ Tình già như sau: “Nhưng một ngày kia, cuộc cách mạng về thơ đã nhóm dậy. Ngày ấy là ngày 10 Mars 1932. Lần đầu tiên thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”.

Về phần mình, nêu lý do trình làng bài Tình già như một “tuyên ngôn” cho Thơ mới thể hiện trong bài “Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ” đăng trên Tập văn Mùa xuân, Phan Khôi nêu rõ: “Mới đây, tôi có được gặp ông Phạm Quỳnh ở Sài Gòn. Trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài “Trúc chi từ” của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó là hơn.

Lời khuyên của ông Phạm đó, dầu là lời nói giỡn đi nữa, với tôi, tôi cũng phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau khi nghe lời ấy, tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh, không dám vội vàng tỏ ra mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về tinh thần, lại còn khó hơn Chánh phủ thay đổi cái chế độ giáo dục hay chế độ nấu rượu nữa, không phải việc chơi đâu mà hấp tấp. Duy có vì nghe lời ông đó mà tôi nhớ sực lại sự làm thơ. Thật, cái động cơ viết bài này là chính ở mấy lời của ông” (dẫn theo Vị thế Phan Khôi trong phong trào Thơ mới nhìn từ thực tại Thơ mới 1932-1945, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học Việt Nam).

Trong bài báo này, luận bàn về thơ, Phan Khôi cho rằng: “Đại phàm thơ là để tả cảnh tự tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải qui cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối Thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết”.

Ngoài việc phá bỏ niêm luật thì “đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra” là cảm hứng sáng tác gắn liền ý thức cá nhân, là thể hiện “cái tôi” - điểm đặc sắc nhất của phong trào Thơ mới. Bản lĩnh thể hiện “cái tôi” của học giả mang đậm tính-cách-Quảng Phan Khôi, đã mở đường cho một “cái tôi” trên văn đàn, khai sinh phong trào Thơ mới của Việt Nam giai đoạn 1932-1945.

Nhầm lẫn về thời điểm đăng báo lần đầu của “Tình già”

Mặc dù Tình già ra đời đến nay đã 90 năm, nhưng vẫn còn những nhầm lẫn về thời điểm lần đầu đăng báo của bài thơ này. Trong bài tổng quan giới thiệu cuốn Thi nhân Việt Nam viết năm 1941 của Hoài Thanh - Hoài Chân giới thiệu ở trên, cho biết “Ngày ấy là ngày 10 Mars 1932” (10-3-1932). Nhầm lẫn đó kéo dài đến nay.

Để cải chính cho nhầm lẫn kéo dài đó, trong bài viết Phần hồn và phần xác bài thơ Tình già, Phan An Sa cho biết: “Vào năm 2009 - nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phát hiện: bài báo Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi - trong bài có đăng kèm bài thơ Tình già - lần đầu tiên được đăng trên Tập văn Mùa xuân của báo Đông Tây số Tết Nhâm Thân 1932, ở Hà Nội.

Cũng bài báo này và bài thơ này, nhưng bản đăng ở báo Phụ nữ Tân văn số 122 ngày 10-3-1932 trong Sài Gòn, muộn hơn khoảng một tháng, lại bị Sở kiểm duyệt yêu cầu đục bỏ mất trên một trăm từ, cụ thể là bỏ hết những đoạn nào, từ nào nhắc đến bài Dân quạ đình công của Phan Khôi gắn với phong trào xin xâu, kháng thuế ở Trung Kỳ đầu năm Mậu Thân 1908 (…) Năm đó, ngày mồng 1 Tết Nhâm Thân, nhằm ngày 6-2-1932, vậy nên bài Tình già được công bố lần đầu tiên ít nhất là một tuần trước đó”.

Vậy, bài thơ Tình già được đăng trước thời điểm ngày 6-2-1932 trên Tập văn Mùa xuân, chứ không phải trên Phụ nữ Tân văn số ngày 10-3-1932? Phải chăng do tờ Phụ nữ Tân văn lúc đó có ảnh hưởng lớn, bài thơ Tình già được đăng trên báo này, sau đó được báo Phong Hóa tiếp thêm bằng cách đăng lại, đã dẫn đến những tranh luận về Thơ mới, từ đó gây sự nhầm lẫn như trên? Đây là những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu.

Mối tình đầu ngang trái được chôn kín?

Ngoài viết báo, làm thơ, Phan Khôi còn viết văn với tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra và các truyện ngắn: Ông bình vôi, Ông Năm Chuột, Mộng trong giấc mộng, Sóng gió bề hoạn, Ít nhiều lãng mạn, Tình trong tù… Phải chăng chất báo chí ngấm sâu vào trong bút pháp, nên các truyện ngắn của Phan Khôi ít nhiều mang tính tự truyện hoặc bút ký? Trong đó, truyện ngắn Tình trong tù (còn gọi là Phan Khôi tự truyện) đăng trên tạp chí Đông Dương số Xuân 1939 có những ý làm người đọc liên tưởng đến câu chuyện có thật với tồn nghi là cơ sở cho bài thơ Tình già. Ngay cả bà Phan Thị Mỹ Khanh (Phan Thị Miều) - con gái Phan Khôi, khi viết về cha mình trong cuốn Nhớ cha tôi, Phan Khôi (NXB Đà Nẵng, 2017) đã dành một mục “Nếm mùi ngục thất và mối tình đầu” để viết về nội dung này.

Theo đó, bà Phan Thị Mỹ Khanh viết về cơ duyên của mối tình này: “…cha tôi bị nhà cầm quyền bắt, giải về Quảng Nam, kết án tù 3 năm, giam ở nhà lao Hội An”. Một ngày, ông được viên quan võ hàng tứ phẩm trông coi nhà tù điều ra nhà riêng viết câu đối. Ở đó, ngoài quan cai tù ra, có “một thiếu phụ còn trẻ lắm, trạc tuổi tôi, người trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan, cả đầu lẫn cổ quấn cái khăn nhiễu điều ngồi bên kia sập” mà sau “nghe mới biết người ấy là bà Ch. vợ ông”. Sau khi người thiếu phụ ấy rót rượu cho ông uống để có cảm hứng viết, thì “Bấy giờ tôi thấy dễ chịu, hươi cây bút như rồng bay phượng múa, hết đôi này đến đôi khác, càng viết càng tốt. Người thiếu phụ cứ đưa con mắt theo ngòi viết tôi”.

Sau bữa ấy, người thiếu phụ cảm mến người viết chữ, nên nhờ người tù mang gói nhỏ gồm trầu, cau… nói là của bà Ch. gửi ông. “Một ngày tháng Chạp, thình lình tôi tiếp được lá thư của bà Ch., ấy là lần đầu bà viết thư cho tôi mà cũng là lần cuối. Trong thư bà nói nhân gần đi chữa lại đồ nữ trang, muốn gặp tôi tại nhà người thợ bạc, câu này tôi nghĩ mãi: “Dù yêu nhau mà không được gần nhau, thôi thì sống để dạ chết đem đi”. Tôi đến nhà thợ bạc thì gặp bà Ch. ở đó nhưng người trong nhà đông quá, chỉ nhìn nhau mà hai chúng tôi còn sợ tai tiếng, không dám nhìn no nê. Trọn buổi chiều ở đó, làm ông cũng lò mò tới. Khi trông thấy cái sống mũi đỏ chờn vờn trước cửa thì tôi đã đảo ngõ sau, thành ra thủy chung với bà tôi chẳng trao đổi cùng nhau một lời nào. Tôi không ngờ lần đó là lần cuối cùng tôi gặp bà Ch., vì sang tháng giêng bà lâm bệnh, được đưa về Huế điều trị, rồi mấy tháng sau có tin bà từ trần…” (đoạn in nghiêng trích Tình trong tù - Phan Khôi).

Bà Phan Thị Mỹ Khanh cho rằng “Câu chuyện tình đẹp đẽ giữa cha tôi và người vợ trẻ của viên võ quan trông coi nhà lao Hội An được chính ông thuật lại trong tự truyện Tình trong tù chỉ có thế. Xét về thời điểm xảy ra sự việc là năm 1908, ông 21 tuổi, tính đến năm ông viết bài thơ Tình già, ông 45 tuổi, trùng hợp với “24 năm xưa”, thì chúng ta có thể hiểu rằng Tình già có một phần sự thật”.

Còn người đọc hôm nay, dù có cho rằng đem truyện trên mà gán ghép với căn nguyên ra đời của bài thơ là gượng ép, thì cũng ngập ngừng đâu đó những chi tiết trùng hợp của truyện với bài thơ như: “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng (…) Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung”; hay “Người thiếu phụ cứ đưa con mắt theo ngòi viết tôi; chỉ nhìn nhau mà hai chúng tôi còn sợ tai tiếng, không dám nhìn no nê”… dễ làm liên tưởng đến hình ảnh: “Con mắt còn có đuôi”…

Theo tác giả Phan An Sa, nguyên bản nội dung và hình thức của bài thơ Tình già, gồm 10 câu và được viết như sau:

Tình già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa, Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở: - “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng; Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!” - “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ? Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy! Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung” … Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau; Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được! Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi!

ANH QUÂN

Từ khóa » độ ấy Thơ Mới Vừa Mới Ra đời