Niệm Phật Niệm Tâm, Tâm Niệm Phật - Chùa Hoằng Pháp

Chùa Hoằng Pháp do Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập được gần nửa thế kỷ. Người sau đã tiếp nối sự nghiệp và phát triển đến hôm nay có thể nói là một trung tâm niệm Phật tầm cỡ trong cả nước. Tôi mong tất cả chúng ta cố gắng tu tập để đạt được diệu nghĩa của Đức Như Lai

Niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật

 

          Chùa Hoằng Pháp do Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập được gần nửa thế kỷ. Người sau đã tiếp nối sự nghiệp và phát triển đến hôm nay có thể nói là một trung tâm niệm Phật tầm cỡ trong cả nước. Tôi mong tất cả chúng ta cố gắng tu tập để đạt được diệu nghĩa của Đức Như Lai. Nếu được như vậy thì Phật pháp hưng thịnh. Tu không có kết quả dù cố gắng mấy cũng trở thành phá pháp. Theo Nhựt Liên Thánh Tăng thì tội phá pháp còn nặng hơn cả tội ngũ nghịch. Có những đạo tràng mọc lên rầm rộ nhưng sinh hoạt được một thời gian rồi tàn lụi là vì tổ chức cho có phong trào chứ không thực hành đúng pháp nên không đạt được như ý. Ta tu hành có kết quả là xiển dương được đạo pháp. Ta tu hành không có kết quả, nghiệp chướng nổi lên là chúng ta làm tổn hại đến đạo pháp. Vì sao? Vì như vậy sẽ khiến cho kẻ khác nhìn vào đạo có tâm nghi ngờ, không muốn tu. Khi tu hành có kết quả, trong ta có được an lạc, hạnh phúc và giải thoát sẽ chiêu cảm đến mọi người. Dù không đi rao giảng nhưng đức tu của ta có thể khiến mọi người hoan hỉ phát tâm. Như vậy ta càng có công đức, và như vậy là chúng ta đã hoằng pháp rồi. Không phải quý thầy thăng tòa giảng kinh mới gọi là hoằng pháp mà ngay  cả Phật tử nếu làm đạo được người tin theo tu hành tức ta đang làm công tác hoằng pháp vậy.

   Mỗi người có bổn hạnh khác nhau. Riêng tôi, tôi tu theo kinh Pháp Hoa. Cho nên sau khi du học, tôi về nước thành lập Đạo tràng Pháp Hoa, hướng dẫn Phật tử tu theo pháp môn này. Có người thắc mắc tu Pháp Hoa khác với tu Tịnh độ, tu Tịnh độ khác với tu Thiền. Thế học pháp môn này có bổ ích gì cho pháp môn kia không? Là người học Phật, nếu không thông hiểu sẽ dễ bị kẹt vào pháp môn tu và kẹt vào người hướng dẫn tu. Cùng xuất thân từ Ấn Quang nhưng Hòa thượng Thanh Từ chuyên tu về Thiền, Hòa thượng Thiền Tâm chuyên về Tịnh Độ còn tôi chuyên về Pháp Hoa. Tuy bổn nguyện có khác nhưng mục đích vốn không hai. Tất cả đều hướng về an lạc và giải thoát, cũng như nước bốn biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp bao la nhưng chỉ có một vị là vị giải thoát. Còn như chúng ta tu pháp môn nào nếu được thân an lạc, tâm giải thoát như vậy là ta đã đi đúng tôn chỉ của Phật pháp. Toàn bộ kho tàng giáo lý của Đức Phật đều xuôi về giải thoát. Người không hiểu, tu pháp môn này, bài xích pháp môn kia, làm như vậy an lạc không có, phiền não lại phát sinh, làm tổn hại đến Phật pháp. Ở khóa Phật thất này ta tu Tịnh độ, ở Thiền viện Trúc Lâm, Hòa thượng Thanh Từ hướng dẫn tu Thiền, còn ở Ấn Quang, Phật tử theo tôi tu hạnh Pháp Hoa, tuy pháp môn có khác nhưng mục đích tương đồng. Dù niệm Phật hay tham thiền hay trì kinh đều được giải thoát. Chính vì vậy, mà trong bài sám Pháp Hoa, tôi đề cập cả các pháp môn Thiền, Tịnh và Mật. 4 câu mở đầu bài sám là 4 câu đề cập đến pháp môn niệm Phật: 

Một lòng niệm Phật Di Đà Tây phương Cực lạc nở hoa sen vàng Công danh phú quý không màng Liên Trì Hải Hội tìm đàng quy y.
   Người tu theo Tịnh độ có thể căn cứ 4 câu này làm nền tảng để tiến tu. Nếu chúng ta không háo công danh, chẳng màng phú quý trở về quy y với Đức Phật Di Đà, nhất tâm trì niệm danh hiệu Ngài thì vườn Cực lạc chờ ta trước mắt, Hội Liên Trì sen nở nâng chân.

   Thân Loan Thượng nhân, một vị Tổ của Tịnh Độ tông ở Nhật Bản, có đưa ra 3 điều căn bản là Tín, Hạnh, Nguyện, tức: Thứ nhất phải có niềm tin, thứ hai phải có thực hành và thứ ba là nguyện sinh về thế giới Tây phương Cực lạc.

   Cái chính của pháp môn niệm Phật là ở chỗ nhất tâm. Phần nhiều người ta thường trì danh niệm Phật, ít chú trọng đến nhất tâm niệm Phật. Trì danh niệm Phật là niệm danh hiệu Phật bằng lời ra tiếng, trong khi nhất  tâm niệm Phật là niệm bằng tất cả sự thành tâm khẩn ý. Có thể trì danh niệm Phật liên tục không gián đoạn nhưng chưa chắc đã nhất tâm. Mà cái cốt tủy của niệm Phật là làm cho nhất tâm. Tức là đem tâm cột vào một chỗ ngay trong hiện tại, nên nói "Nhất niệm hiện tiền". "Nhất niệm hiện tiền" là tâm an trụ ngay bây giờ và tại đây, không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai. Chỉ có hiện tại là tối thượng. Chính lúc này tâm không tán loạn, không có tạp nhiễm, nhờ vậy định lực phát sinh, trí tuệ hiển bày.

    Phương pháp niệm Phật, chúng ta đi xa hơn một chút nữa là không xưng danh Ngài nữa mà chúng ta chỉ nghĩ về Ngài. Cho dù miệng không niệm danh hiệu Ngài nhưng tâm lúc nào cũng hướng về Ngài. Niệm Phật bằng miệng trong 1 phút, có thể niệm được 10, 20 hoặc 30 lần, nhưng niệm bằng tâm thì Phật luôn có ở trong ta không gián đoạn. Lúc này từ trì danh niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, ta nâng cao thêm một bước nữa là quán tưởng niệm Phật. Phương pháp này rất cao, hành giả phải vận dụng trí năng quán để quán tưởng kim tướng và hạnh nguyện của Đức A Di Đà để được thể nhập Phật thân, Phật trí. Các bậc cao tăng ngày xưa khi tu đến đỉnh cao, các Ngài không còn niệm Nam mô A Di Đà Phật mà niệm "Ai niệm Nam mô A Di Đà Phật". Ở đây ta thấy "Niệm Phật niệm tâm tâm niệm Phật. Tham thiền tham Thánh Thánh tham thiền". Đó là những bước tu, trước hết bằng thân, bằng miệng, bằng ý và sau cùng là bằng tâm. Lúc đó tâm là Phật, Phật là tâm.

    Có người chuyên tâm niệm Phật nhưng không hiểu về Đức Phật. Hiểu Đức Phật là hiểu về Nhân - Hạnh - Quả - Đức. Khi hiểu Đức Phật rồi thì ta không cần niệm danh hiệu Ngài nữa mà chỉ niệm hạnh nguyện của Ngài, như vậy cũng chính là niệm Phật rồi. Cũng như quý vị chưa biết gì về tôi thì: "Kính thưa Hòa thượng Trí Quảng", nhưng khi đã hiểu tôi, biết được công hạnh tôi, thì quý vị chỉ nghĩ đến công hạnh của tôi như vậy là đã niệm tôi rồi. Điều này ta không niệm bằng lời mà bằng độ cảm tâm giữa ta với Phật nên nói "đồng hạnh đồng nguyện" là vậy. Có người không kêu tên tôi, không nghĩ đến tôi nhưng họ làm Phật sự giống tôi thì mối quan hệ này là gì. Thầy trụ trì ở đây chuyên tu về Tịnh độ, mở đạo tràng Phật thất cho Phật tử tu tập, còn tôi, chuyên hành hạnh Pháp Hoa, lo đi hoằng pháp nơi này chốn nọ. Hai người không có liên hệ nhau nhưng tâm thì hướng về một điểm, sức cùng lo về một việc nên có sự cảm thông nhau và gặp nhau chính là ở chỗ này.

    Niệm Nhân - Hạnh - Quả - Đức là niệm công hạnh của Đức A Di Đà. Thường người Phật tử nên niệm quả trước nhân sau. Cái quả của Đức Phật A Di Đà có được là thế giới Tây phương Cực lạc. Nghĩ tới Đức A Di Đà là nghĩ tới thế giới an lành này. Cũng như Phật tử nghĩ đến thầy Chân Tính là nghĩ ngay đến khóa tu Phật thất, nghĩ đến tôi là nghĩ ngay đến Đạo tràng Pháp Hoa. Vì ở nơi đó ta tìm được sự an lạc cho chính mình.

    Trì niệm danh hiệu của Đức A Di Đà, ta nhớ đến hạnh nguyện của Ngài, nhớ tới 48 lời nguyện bao la. Ngài nguyện tất cả những ai nhất tâm niệm danh hiệu Ngài dù chỉ một lần, Ngài đều tiếp họ về thế giới Tây phương Cực lạc. Thế giới này cũng được gọi là An dưỡng quốc, là quốc độ không có phiền não, khổ đau, chỉ có sự an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc. Trên bước đường tu của ta cũng vậy, nếu buông lung phóng túng là có tội, nhưng tu hành khắc khổ, ép xác hoặc cố làm việc quá mức để thân tâm phiền muộn thì cũng không tốt. Tu hành có hiệu quả là phải tạo được sự thảnh thơi, cần có chỗ an dưỡng để thân khỏe, tâm an, được vậy nội tâm mới yên tĩnh. Cái "An dưỡng quốc" này đương nhiên không phải do tạo mãi hay đổ công xây dựng mà chính nhờ công đức tu hành nên cảnh giới hiện ra. Như thế giới Hương Tích của chư Phật khi tu hành đắc đạo thì nó tự hiển bày. Nên Đức Thích Ca nói: thế giới của Đức Phật A Di Đà là thế giới "thành tựu như thị công đức trang nghiêm" là vậy. Nói khác, thân (chánh báo) và hoàn cảnh (y báo) có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Chánh báo tốt sẽ được hưởng y báo tốt. Đức A Di Đà nhờ có vô lượng công đức. Thành tựu được công đức này là nhờ Đức A Di Đà vô lượng kiếp tu hành Bồ tát đạo. Chúng ta chỉ là phàm trần, chỉ tu hành vài năm, vài chục năm nên công đức chẳng là bao.

    Trong kinh Đại Bửu Tích, Đức Thích Ca nói: Trước khi đi tu, Đức A Di Đà là một bậc Chuyển luân Thánh vương có tên là Vô Tránh Niệm, không phải là người nghèo khó đi tu. Nghèo khó đi tu là chuyện thường. Chuyển luân Thánh vương thống nhiếp thiên hạ mà đi tu mới là cực khó. Niệm là nhớ nghĩ. Vô Tránh là không hơn thua. Vị vua này không hơn thua với ai ở đời. Nơi nào có hơn thua thì tránh đi. Muốn được cái tâm không hơn thua phải tu hạnh nhẫn nhục. Còn tranh chấp hơn thua thì khó mà vãng sinh. Thế giới Tây phương Cực lạc không có dấu chân người hơn thua.

   Đức vua Vô Tránh Niệm được đi tu là nhờ Bảo Tạng Như Lai khai ngộ. Đến đây tôi nhớ Thái Tổ nhà Thanh là vua Thuận Trị sau khi được Ngọc Lâm khai đạo, vua chợt tỉnh ngộ lý đạo huyền bèn phong Ngọc Lâm làm Quốc sư rồi lìa ngôi đi tu, tìm đến Ngũ Đài Sơn để hội kiến Văn Thù Bồ tát. Nhờ duyên của Thuận Trị biết được Phật pháp nên các vua sau như Khang Hy, Càn Long... đều là những Phật tử tín tâm. Vua Vô Tránh Niệm được Phật Bảo Tạng khai đạo, và chứng đạo hiệu là A Di Đà, Ngài bèn xây dựng một thế giới có tên Cực lạc để tiếp độ người thiện tâm chuyên niệm hồng danh Ngài. Khi niệm đến nhất tâm bất loạn thì trí tánh hiển bày, thấy tất cả pháp đều bình đẳng vô phân biệt. Nên Hòa thượng Thiện Bửu có làm bài kệ:

Tây phương bất trạch phú hòa bần Bất tuyển hiền ngu quý tiện nhân Bất vấn nữ nam tinh lão ấu Bất phân tăng tục cập oán thân.
   Trong tiến trình giải thoát, hành giả chứng ngộ phải trải qua nhiều thứ bậc tùy công năng tu hành của mình, những thứ bậc đó gọi là "Cửu phẩm", cao nhất gọi là "Vô sinh pháp nhẫn". Mỗi đóa sen vàng nơi Liên Trì hải hội là để hành giả chứng đạo ngự lên. Tất cả những ai nỗ lực tu hành đều có thể vãng sanh về thế giới này. Facebook Google Tweet

Từ khóa » Niệm Phật Bằng ý