Vấn Đáp 7 Tịnh Độ - Diễn Đàn Phật Pháp
Có thể bạn quan tâm
101.Vấn Đáp 7 Tịnh Độ
35- Hỏi: Kim cang trì và mặc trì là sao, thưa Thầy?
Đáp: Niệm Phật ra tiếng lớn gọi là cao thanh trì, niệm ra tiếng nhỏ là đê thanh trì. Kim cang trì là niệm thầm (không ra tiếng) mà còn nhép môi. Mặc trì là niệm thầm hoàn toàn không nhép môi. Bốn cách này cao thanh trì, đê thanh trì, kim cang trì, mặc trì đều niệm bằng miệng, gọi là khẩu trì. Hiệu quả của khẩu trì không cao bằng ý trì.
36- Hỏi: Tại sao ý trì hiệu quả cao?
Đáp: Ý trì là niệm bằng ý, không phải bằng miệng (khẩu trì). Dùng ý để niệm Phật (không phảỉ nghĩ, tưởng hay biết, mà là niệm).
Lý do ý trì mang hiệu quả cao:
– Chư Tổ dạy: “Tâm vô nhị dụng”, nghĩa là tâm không thể làm hai việc cùng một lúc. Khi tâm lo nghĩ một việc nào khác, thì tâm không thể niệm Phật được.
– Kinh Pháp Cú dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình”.
– Theo Duy-thức học: “Ý thức công vi thủ, tội vi khôi”, nghĩa là về công, ý thức đứng đầu, về tội thì ý thức cũng đứng đầu. Làm ác do ý thức, làm thiện cũng do ý thức. Thí dụ: Ý thức muốn đánh, muốn đá thì tay mới đánh, chân mới đá. Ý thức muốn chửi mắng, miệng mới chửi mắng,… Sa địa ngục cũng do ý thức lôi kéo vào. Vãng sanh Cực Lạc cũng do ý thức đưa đẩy. Làm ma hay làm Phật đều do ý thức.
Bằng những lý lẽ trên. Với ý trì, ta bắt ý thức phải niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc để thành Phật, thật đúng là diệu pháp. Khi ý thức niệm Phật, như đã nói ở trên, thì ý thức không còn làm được việc gì khác, dứt vọng niệm, dừng vọng tưởng, mà câu Phật hiệu luôn hiện tiền.
Trong suốt thời gian ý trì, không có vọng niệm, vọng tưởng, đúng là pháp tu chỉ của Thiền tông. Lại lắng nghe rành rẽ, rõ ràng danh hiệu Phật, đó là pháp tu quán của Thiền tông. Như vậy ý trì không khác chỉ-quán song tu của Thiền.
Nói rộng hơn, niệm Phật bằng ý để chuyển ý thức thành Diệu quan sát trí, sau đó chuyển Mạt na thức thành Bình đẳng tánh trí, đó là điều kiện thiết yếu để phá ngã chấp, pháp chấp, hầu trở về với chân tâm thanh tịnh bình đẳng của chính mình.
37- Hỏi: Cách tập ý trì như thế nào?
Đáp: Tập ý trì có hai cách:
- Cách thứ nhất:
– Bước 1: Dùng máy (cassette hay chip) hát niệm Phật A-di-đà (6 chữ hay 4 chữ tùy ý thích). Hành giả tịnh tọa, lắng lòng nghe (bằng nhĩ căn tức lỗ tai), dùng ý thức nghĩ, ghi nhận, đưa vào tâm từng chữ, từng câu rành rẽ, rõ ràng theo đúng nhịp điệu hát của máy. Đừng để bị xen tạp và gián đoạn.
Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày, tự nhiên thuần thục.
Nên nhớ! Khi tập cách này phải xả, bỏ quên, không quan tâm đến cách niệm trước đây.
Cách này quá dễ, ai ai cũng thực hành được, nhưng có khuyết điểm là tâm còn phan duyên theo tiếng bên ngoài, gọi là hướng ngoại.
– Bước 2: Không dùng máy nữa, mà dùng bốn hay sáu ngón tay để nhịp. Hành giả tịnh tọa, lắng lòng, dùng ngón tay nhịp, dùng ý thức để nghĩ, niệm từng chữ một cách rành rẽ, rõ ràng, theo từng nhịp của ngón tay.
Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày, tự nhiên thuần thục.
– Bước 3: Không dùng máy và ngón tay.
Hành giả tịnh tọa, lắng lòng, tự nghĩ và tự niệm rành rẽ, rõ ràng từng chữ, từng câu thánh hiệu A-di-đà. (Có thể chậm, niệm ít câu hơn mình đã niệm trước đây, không thành vấn đề, luyện tập thuần thục sẽ nhanh và nhiều câu hơn trước nhiều, mà khỏe khoắn không mệt như trước nữa).
Lúc đầu biết tâm mình đang niệm Phật A-di-đà, chứ chưa nghe tiếng. Quen dần, thuần thục sẽ nghe rành rẽ, rõ ràng, từng tiếng (từng chữ), từng câu thánh hiệu A-di-đà. Cách này là nghe bằng tánh nghe (không phải bằng nhĩ căn, tức lỗ tai, nhĩ thức). Tình trạng này gọi là “Phản văn, văn Phật hiệu”.
Người (sơ cơ) mới thực hành ý trì, chỉ năm hoặc mười phút là mệt, niệm không được nữa. Lúc đó có thể thay đổi niệm bằng miệng (Kim cang trì hay mặc trì, là niệm thầm, hay niệm ra tiếng) thời gian ngắn (5, 10 phút) rồi lại tiếp tục niệm bằng ý (ý trì) luân phiên thay đổi như thế nhiều lần, lâu ngày ý trì sẽ thuần thục (hoàn toàn niệm bằng ý
- Cách thứ hai:
– Bước 1: Viết bốn chữ hay sáu chữ thánh hiệu A-di-đà lên bảng hay lên giấy. Kinh nghiệm cho thấy viết chữ thành một hàng ngang khó tập hơn viết từng chữ theo hàng dọc đứng như sau:
A
Di
Đà
Phật
1- Hoặc hành giả tịnh tọa, lắng lòng, mắt nhìn thánh hiệu A-di-đà Phật (4 hay 6 chữ) thay vì đọc bằng miệng thì nghĩ, đọc bằng ý (ý thức).
2- Hoặc mở máy cassette hát bốn chữ, tai nghe từng tiếng, mắt nhìn từng chữ, đồng thời ý niệm theo nhịp nhàng từng tiếng, từng chữ thánh hiệu A-di-đà.
Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày tự nhiên thuần thục.
Bước 2: Không dùng máy để nghe, mắt không nhìn bảng hay giấy có viết thánh hiệu A-di-đà nữa, mà hành giả tịnh tọa, lắng lòng, tự nghĩ và tự niệm y như bước ba, cách thứ nhất.
Thực tập vài tiếng đồng hồ hoặc vài ba ngày tự nhiên thuần thục.
Nói rõ hơn, khi dùng ý nghĩ từng tiếng, từng chữ, từng câu Thánh hiệu A-di-đà Phật, là gieo (huân tập) hạt giống (chủng tử) Phật vào tạng thức. Huân trưởng lâu ngày chày tháng, hạt giống vô lậu sẽ lớn mạnh dần dần, và khởi hiện hành qua nhiều trạng thái, từ thấp đến cao như sau:
– Giúp ta nhớ niệm Phật nhiều hơn.
– Giúp ta nghe thành tiếng (bằng tánh nghe).
– Thay vì ý thức mà tạng thức tự niệm (nhập tâm).
Ưu điểm của cách này là: không hao hơi, tổn khí, đúng như pháp, dứt trừ được vọng niệm, vọng tưởng, mau nhập tâm, đạt Bất niệm tự niệm. Nhưng khuyết điểm là khó thực hiện.
Kinh nghiệm cho thấy, khi thực sự buông xả được vạn duyên, thì:
1- Nếu hành giả ý trì được sáu mươi phút liên tục không gián đoạn, (suốt thời gian này tuyệt đối không có vọng niệm) mỗi ngày hai lần, một tuần lễ sau là hoàn toàn có khả năng sẽ được nhập tâm.
2- Nếu hành giả ý trì được năm giờ liên tục không xen tạp không gián đoạn (không có vọng niệm) mỗi ngày hai lần, thì hai ngày nhập tâm.
3- Đã có nhiều hành giả tại gia và xuất gia về Tịnh Luật tu viện, nhập thất từ hai đến bốn ngày liền “nhập tâm”.
Bởi vậy nên nói: “Nhập tâm không khó, khó ở Quyết tâm”.
Quyết tâm điều gì? Quyết tâm buông xả được vạn duyên và niệm Phật đúng cách, niệm không xen tạp, không gián đoạn thời gian dài, đơn giản thế thôi, kính xin quý hành giả luôn ghi nhớ (nằm lòng) bí quyết này.
38- Hỏi: Sao con ý trì mà bị nhức đầu và đau quai hàm quá, thưa Thầy?
Đáp: Niệm Phật mà bị đau xương quai hàm thì rõ ràng là niệm bằng miệng (khẩu trì) đâu phải ý trì. Ý trì là niệm bằng ý. Niệm Phật bị nhức đầu vì đã trụ danh hiệu Phật ở đầu. Theo cơ thể học, trụ ở đâu là máu tụ hội về đó, tụ hội nhiều quá sinh ra nhức đầu. Bởi vậy hành giả niệm Phật không được trụ bất cứ nơi nào trên cơ thể.
39- Hỏi: Ý trì có thể nhịp ngón tay hoặc lần chuỗi được không, thưa Thầy?
Đáp: Mới tập khi còn yếu thì được, tập quen rồi nên bỏ đi, vì nhịp tay hay lần chuỗi thì:
- Thân động, tâm sẽ động theo.
- Khi chú ý để nhịp tay hay lần chuỗi thì bị phân tâm.
Hai điều này gây khó nhất tâm
40- Hỏi: Xin thầy nói rõ hơn sự phân biệt giữa ba cách trì danh: kim cang trì, mặc trì và ý trì, và sự lợi ích của ý trì.
Đáp:
– Kim cang trì và mặc trì đều là niệm thầm bằng miệng (không ra tiếng), còn gọi là khẩu trì. Nhưng kim cang trì còn nhép môi, còn mặc trì thì không nhép môi.
– Ý trì cũng là niệm thầm (không ra tiếng), nhưng niệm bằng ý (không phải niệm bằng miệng như kim cang trì hay mặc trì). Ý trì ban đầu còn yếu không nghe tiếng, sau lớn mạnh thì có tiếng. Lúc bấy giờ ta nghe tiếng không phải nghe bằng lỗ tai, (nhĩ căn, nhĩ thức), mà nghe bằng tánh nghe (thường gọi là tánh trong căn).
Trong Tuyết Hư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Ý trì vẫn có tiếng”. (Xin đọc kỹ phần IV – Cách trì danh trong sách Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh).
– Lợi ích của ý trì như sau:
- Trong suốt thời gian ý trì, nhất định không có vọng niệm, vọng tưởng. Vì ý bận niệm Phật làm sao có niệm gì khác được (tâm vô nhị dụng, nghĩa là tâm một lúc không thể làm hai việc). Đó là pháp tu chỉ của Thiền tông. Lắng lòng nghe rành rẽ, rõ ràng danh hiệu Phật là tu quán rồi. Ý trì là Chỉ Quán song tu của Thiền. Do vậy, Kinh Đại Tập dạy: “Pháp môn Tịnh độ (niệm Phật) là vô thượng thâm diệu Thiền”, là Thiền thâm sâu, vi diệu, cao nhất.
- Ý căn và nhĩ căn xoay vào trong (hướng nội) để niệm Phật và nghe danh hiệu Phật, không để chúng rong ruổi (hướng ngoại) theo ngũ dục lục trần. Được vậy là ta đã nhiếp được hai căn chủ tể nhạy bén nhất của sáu căn. Sáu căn dung thông nhau, hễ viên thông được một là dung nhiếp cả sáu (nhất tu nhất thiết tu, thành tựu một là thành tựu tất cả).
Quán Thế Âm Bồ-tát chỉ tu nhĩ căn được viên thông mà thành tựu quả vị Đẳng giác Bồ-tát. Hành giả ý trì (niệm Phật bằng ý) là thực hành đúng phương cách trong Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, đắc Tam ma địa (tức đắc định, được Nhất tâm bất loạn) bậc nhất”, “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”, chẳng cần phương tiện gì khác tự được khai tâm (khai mở trí tuệ).
Trích Tinh Độ Thực Hành vấn Đáp
Thích Minh Tuệ
Từ khóa » Niệm Phật Bằng ý
-
Một Cách "Ý Trì" Dễ Đến Kết Quả “Nhất Niệm Bất Loạn” Để Đi Đến ...
-
Mặc Trì, ý Trì - Niệm Phật Đường An Dưỡng
-
3 Cách Niệm Phật - Đường Về Cõi Tịnh
-
Một Cách "Ý Trì" Dễ đến Kết Quả “Nhất Niệm Bất Loạn” để đi đến “Nhất ...
-
Các Phương Pháp Niệm Phật - .vn
-
3 Cách Niệm Phật | Đi Lễ Chùa
-
Sự Thật Kỳ Lạ Dùng Ý Niệm Trị Bệnh - Pháp Sư Tịnh Không - YouTube
-
Cách Niệm Phật Tại Gia - Tam Kỳ RT
-
Đại Thừa Khởi Tín Luận Dịch Và Giải - Ý Chuyên Niệm Phật
-
Phương Pháp Niệm Phật Thành Tựu - Bạch Hạc
-
Niệm Phật Niệm Tâm, Tâm Niệm Phật - Chùa Hoằng Pháp
-
Ý Nghĩa & Giá Trị Của Pháp Môn Niệm Phật | Giác Ngộ Online
-
Niệm & Niệm Phật | Giác Ngộ Online
-
Cách Niệm Phật Tại Nhà - - Tuệ Tâm