NỢ CHUNG, NỢ RIÊNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN ...

Bên cạnh việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, thì việc xác định các khoản nợ chung, nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân cũng đang được các cặp vợ chồng đặc biệt quan tâm. Qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các cặp vợ chồng thông tin về những vấn đề xoay quanh các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân và nguyên tắc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin tư vấn như sau:

Cách xác định nợ chung trong thời kỳ hôn nhân:

Nợ chung trong thời kỳ hôn nhân được hiểu là những khoản nợ phát sinh từ giao dịch của vợ chồng hoặc những khoản nợ đứng tên một trong hai bên vợ hoặc chồng sử dụng vì mục đích chung cho gia đình, con cái.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có các nghĩa vụ chung về tài sản như sau:

“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Cùng với đó, tại Khoản 20, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.”

Do đó, nợ chung của vợ chồng phát sinh không nhất thiết phải cần hai bên cùng thỏa thuận xác lập mà có thể do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường …

Nguyên tắc giải quyết nợ chung trong thời kỳ hôn nhân:

Đối với khoản nợ chung của vợ trồng trong thời kỳ hôn nhân, thì hai bên phải cùng có nghĩa vụ chịu trách nhiệm liên đới theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

  1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
  2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Sau khi ly hôn, các khoản nợ chung của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Hai bên phải cùng tiếp tục chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với bên thứ ba. Hai bên có thể thỏa thuận cùng với chủ nợ để giải quyết khoản nợ đó. Nếu không thỏa thuận được thì khi Tòa án nhận định đó là khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân thì nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đó sẽ chia đôi, mỗi bên phải trả một phần.

“Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn

  1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
  2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.”

Nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân:

Ngược lại, các khoản nợ do một bên xác lập được coi là nợ riêng của vợ hoặc chồng thuộc các trường hợp sau đây:

“1. Không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

  1. Không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  2. Không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  3. Không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật;
  4. Không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.”

Đối với khoản nợ riêng này, bên xác lập có trách nhiệm trả toàn bộ khoản nợ mà không được phép tự ý sử dụng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho các khoản nợ này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Web: www.citylawyer.vn

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Từ khóa » Nợ Chung Của Vợ Chồng Là Gì