Xác định Nợ Riêng, Nợ Chung Của Vợ Chồng Thế Nào? - LuatVietnam

Trong đời sống hiện đại, việc phát sinh các khoản nợ riêng của vợ, chồng là rất phổ biến. Vậy, vợ/chồng căn cứ vào đâu để chứng minh mình không phải trả tiền cho khoản nợ riêng của bên kia?

Thực tế, đa số các cặp vợ chồng không thỏa thuận về chế độ tài sản mà sau khi kết hôn tự động xác lập chế độ tài sản theo luật định. Tài sản tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng.

Điều này được áp dụng tương tự với các khoản nợ. Tuy nhiên, không phải mọi khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung của vợ, chồng.

Xác định nợ riêng, nợ chung của vợ chồng thế nào?

Xác định nợ riêng, nợ chung của vợ chồng thế nào? (Ảnh minh họa)

Phải cùng trả khoản nợ do người kia tạo nên khi nào?

Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng phải cùng trả các khoản nợ thuộc các trường hợp sau đây: “1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; 2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; 3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; 4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; 5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; 6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Điều 27 Luật này cũng khẳng định: Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ nêu trên.

Đồng thời, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình (đại diện giữa vợ, chồng trong quan hệ kinh doanh…).

Không có nghĩa vụ trả khoản nợ riêng

Cũng theo các quy định nêu trên, khoản nợ không do 02 bên cùng thỏa thuận mà do một bên tự ý xác lập thuộc các trường hợp sau thì có thể được xác định là nợ riêng:

"1. Không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; 2. Không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; 3. Không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; 4. Không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật; 5. Không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014".

Đối với khoản nợ riêng này, người xác lập có nghĩa vụ trả toàn bộ khoản nợ, không được dùng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho những khoản nợ này.

Điều 6 và khoản 5 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: Đương sự có quyền, nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy, khi có tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ, bên có yêu cầu chứng minh được việc vay tiền để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình như: Ăn ở, học hành, chữa bệnh… thì Tòa án có thể quyết định đó là nợ chung, vợ chồng cùng có trách nhiệm trong việc trả nợ. LuatVietnamXem thêm

  • Chồng ôm nợ về nhà, vợ có phải trả?

Từ khóa » Nợ Chung Của Vợ Chồng Là Gì