Nồi đất Thân Thương - Chơn Linh

Thuở nhỏ thời xưa lắc xưa lơ, khi nông thôn vẫn còn là nông thôn và thị thành chỉ là thị thành. Hồi ấy con nít có một trò chơi rất thú vị là nấu ăn bằng những chiếc lò bé xíu, cái niêu đất con con chỉ bé bằng bàn tay người lớn. Những món đồ ấy gọi là đồ hàng cho con nít, và thời ấy thì bán rất nhiều, đi bất cứ tiệm tạp hóa nào cũng thấy bán.

Mình biết đến cái thú vui ấy từ bà chị họ ở nhà ngoại. Bộ đồ hàng của chị gồm có một cái lò, hai cái niêu đất, một niêu dùng nấu cơm, một niêu thì nấu canh. Có một thời hứng chí, trưa nào chị cũng nấu rồi rủ mình qua ăn. Nhóm lửa cho cái bếp lò bé tí ấy cũng là một kì công, bẻ mấy cây củi trong bếp ra cho nhỏ rồi xếp vào, chẻ thêm mấy cây ngo dùng để đun lửa. Bài bản không khác gì nấu bằng bếp lò ba chân thực thụ.

Gạo chị chôm một ít trong nhà, vo gạo rồi bắt nước nấu cơm. Cơm được nấu trong niêu đất bao giờ cũng có được vài tảng cơm cháy dưới đáy nồi, cạo lên cả dề ăn giòn giòn đã thèm. Cái mùi cơm nó cũng có vị riêng đặc biệt không lẫn vào đâu được, khác với khi nấu bằng nồi nhôm thông thường (thời đấy cơm vẫn được nấu bằng nồi nhôm trên bếp than chứ chưa có nồi cơm điện như bây giờ). Canh thì chị chỉ biết nấu mỗi món canh chua lá me, kêu mình le te chạy ra đầu ngõ bứt một nắm lá me non đem về rửa sạch rồi nấu. Xắt thêm trái cà đỏ hỏn, bỏ nắm lá me vào, thêm tí gia vị là đã có một nồi canh chua ngon hết biết. Chưa hết, những hôm nhà có cá khô bà chị mình lẻn chôm lấy vài con đem ra nướng. Cá khô nướng trên bếp lò tỏa ra mùi thơm lựng, ăn bùi bùi khen khét, vét thêm miếng cơm cháy đáy nồi, húp một miếng canh chua thì không còn biết trời trăng mây gió gì.

Những bận ở thành phố, trò vui này vẫn còn phổ biến khi mình còn nhỏ. Hồi bé có một nhóm bạn toàn mấy đứa con nít lố nhố chơi chung ở xóm cũng bày ra trò nấu ăn. Cả bọn hùn tiền với nhau ra tiệm tạp hóa của ông Năm Cu Li mua về bếp lò, mấy cái nồi đất rồi nồi đổ bánh căn bé tẹo. Thường địa điểm tập kết sẽ là nhà một đứa nào đó trong xóm, khi thì nấu trong sân nhà, khi thì lén ba mẹ leo tận lên sân thượng nấu. Xoay vòng nhà từng đứa. Nấu kiểu hợp tác xã này có cái vui là mỗi đứa đều phải lén chôm đồ nhà vài thứ để đem ra “góp gạo thổi cơm chung”, đứa thì lấy gạo, đứa thì nước mắm, gia vị, còn mấy thứ cần mua thì trích quỹ ra mua.

Nhớ nhất là món canh cà trộn trứng, nấu kiểu hầm bà lằng thập cẩm. Ở thành phố không có lá me non, nấu canh chua chỉ biết xắt cà, bỏ hành ngò vào rồi đập thêm cái trứng khuấy khuấy lên cho ngả màu vàng. Nhìn sóng sánh mà ngon hết biết. Hên là con nít con nôi ăn xong chẳng bị đau bụng bao giờ. Có một niềm vui bất tận mà giờ nhắc lại chắc đứa nào cũng phì cười, đó là màn ăn trộm cá khô. Trưa trời trưa trật một đám con nít kéo nhau đi lang thang ngoài cảng, đi qua chỗ mấy xí nghiệp phơi cá khô tẩm gia vị thì bắt đầu để ý xung quanh. Ban đầu không có dám chôm bừa, chỉ dám đi nhặt nhạnh rớt chỗ nào lượm chỗ đó. Sau chẳng thấy ai để ý nên chôm đại mấy con đem về, chôm có chừng mực và có giới hạn đàng hoàng. Cá khô tẩm gia vị thì có cá trắng, cá đỏ, đủ loại đủ mùi, đem nướng trên bếp than thì thơm phưng phức. Xé một miếng cá khô đem chấm tương ớt thì ngon nhất trần đời, nhắc tới mà thèm ứa nước miếng. Ngẫm lại thấy hên một điều là đi chôm chẳng bị bắt bao giờ, may thiệt.

Một màn ăn uống khác cũng rất vui là đổ bánh căn bằng lò nhỏ, một cái có năm khuôn chứ không nhiều lò lớn người ta hay bán. Gạo thì cử một đứa đem đến tiệm nhờ người ta xay giùm, chỉ xay có một ít và là con nít quen nên người lớn chẳng lấy tiền bao giờ. Bột gạo đó đem về pha nước, khuấy đều lên rồi cả đám chổng mông đổ vào khuôn. Để thêm màn hấp dẫn như ngoài tiệm hay làm thì đập một cái trứng đánh đều lên, vừa đổ bột xong là đỗ chút trứng vào cho lên màu vàng bắt mắt. Bánh khạy ra khỏi khuôn thì rắc lên tí hành lá xắt nhỏ, rồi cũng lấy dầu ăn tráng khuôn chuyên nghiệp không khác gì hàng quán. Mặc dù đổ chẳng được bao nhiêu cái, mệt và nhọc công nhưng cái nào làm ra ăn cũng thấy ngon. Có lẽ cái mình tự tay bỏ công ra làm thì nó thú vị hơn rất nhiều.

Lâu lắm rồi không được ăn cơm cháy, không được ăn canh chua lá me, không được ngửi mùi cá khô nướng thơm lựng. Bà chị họ mình giờ đã lấy chồng, đã sanh con, đã chuyển về nhà chồng từ rất lâu. Cái nồi niêu ngày nào bỏ ngỏ, đã mất biệt tự khi nào. Những bạn bè xóm xưa cùng ngồi nấu ăn, bày đủ trò vui giờ tan tác phương nào. Chẳng ai biết, cũng chẳng ai hay. Thôi thì như một hồi ức dễ thương đọng lại trong lòng…

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Ủng hộ tác giả

Từ khóa » Cái ơ đất