Nụ Cười Trên Lá - Báo Phụ Nữ

“Văn là người”, câu này hoàn toàn chính xác với trường hợp của cây bút Hồ Ngọc Dinh. Anh nghiêm túc, chỉn chu trong công việc; ngoài ra thì lúc nào cũng tếu táo, đùa vui. Gặp anh, ta sẽ cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng. Con người ấy, tính cách ấy như tỏa ra năng lượng tích cực khiến người khác tin cậy và chia sẻ tâm tình.

Nu cuoi  tren la
 

Những năm gần đây, Hồ Ngọc Dinh bỗng dưng “nổi tiếng” bởi tiếng lành đồn xa về khả năng trồng cây, gieo hạt. Anh tự sự: “Mỗi sáng sớm, tôi mò lên vườn tưới cây; mỗi cuối tuần, tôi ở trên vườn gieo hạt, giâm cành, trồng cây, khi mệt thì ngồi uống trà khổ qua rừng tự làm, ngắm chồi non lá biếc và nghĩ ngợi. Và tôi viết, trên nhật ký của điện thoại, những chuyện vui vui hằng ngày”.

Chọn lối viết nửa đùa nửa thật và phảng phất kiểu nói trạng ở vùng quê, anh buộc người đọc thỉnh thoảng phải cười. Cười tủm tỉm như khi ta ăn nước mắm ngon lại có thêm chút cay cay của ớt. Thế mới đậm đà, khoái khẩu. Cũng như khi đọc những câu thơ lắt léo, lộn lạo mà có duyên ra phết: “Trồng cây ắt phải trầy công/ Có rau có sả lại trông... dĩa cầy/ Trông cầy lại ngắm cây trồng/ Công trầy trật tưới nhưng lòng vui thay!”.

Làm sao có thể nín cười với tình huống anh vào quán nhậu, lúc người bạn muốn ăn mướp xào lòng gà, ông kêu “lòng gà xào với cái trái...”, rồi tả thêm: “Cái trái này tên là gì nè? À, con gái, già tí nữa thì cái ngực nó xệ ra, mình gọi là... là...”. Bà chủ quán tức quá: “Mướp thì nói mẹ cho gồi”. Mà “nói mẹ cho gồi” thì còn gì văn phong và cách kể chuyện của Hồ Ngọc Dinh nữa.

Ngày xưa, Tú Xương từng tự trào về ba thứ lăng nhăng “nó hại ta”, để rồi gật gù “chừa rượu với chừa trà”. Đàn ông nào cũng thế chăng? Thế mới thấy oái oăm cho cái sự đời mà anh đã diễn tả bằng thơ. “Ngày em lên xe bông/ Lòng tôi buồn thấy mẹ/ Lôi đám củ ra trồng/ Chả rõ hành hay hẹ”. Rồi Dinh “đá giò lái” qua: “Ngày em ly hôn chồng/ Quái sao mà nhanh thế/ Thằng chả chân đầy lông/ Nhìn manly quá thể?”.

Với tập sách Nụ cười trên lá - Vui trong từng giây sống, thoạt đọc, bật cười, tưởng rằng chỉ mua vui. Chẳng phải đâu. Thấp thoáng đâu đó vẫn là một tình cảm sâu nặng với quê nhà Quảng Trị của anh. Dấu vết ấy, đã từng đậm nét trong tập thơ Eng về Quảng Trị đi eng khiến bao người yêu mến và xúc động. Bây giờ, Hồ Ngọc Dinh thể hiện nỗi nhớ quê xa xăm ấy qua cách viết, từ các con chữ, chơi chữ.

Một trong những bài thơ hay, gợi lên nhịp đi đồng dao, tôi tin nhiều người đồng cảm, nhất là ở đoạn này: “Kìa con kiến cỏ/ Cắn cái quần què/ Quần không kịp kéo/ Kiến cắn cong que”.

Đó chính là cái duyên rất “tưng tửng” của Hồ Ngọc Dinh. Nói như kiểu bác Ba Phi: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Anh viết dễ như chơi, như không hề có một sự nhọc công nào. Đơn giản vì tự bản thân anh là thế, ắt cách viết phải thế. Viết chơi thôi mà. Ừ, chơi thôi. Mà đã chơi là phải vui, có thế mới đạt đến “vui trong từng giây sống”.

Lê Minh Quốc

Từ khóa » Nụ Cười Gian Xảo Là Gì