Phản Cảm Vì... Nụ Cười - Báo Bà Rịa Vũng Tàu Online

Người lúc nào cũng rầu rĩ, cau có, gắt gỏng… sẽ chẳng ai muốn gặp vì sự bực bội của họ, hà cớ gì mình phải chuốc lấy? Lúc sơ ngộ, đối diện với một người luôn nở nụ cười tươi roi rói, ắt ta có cảm tình ngay. Thế nhưng, nếu cười “mọi lúc mọi nơi” đôi khi lại phản cảm.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Cô em kết nghĩa của tôi vốn từng đoạt danh hiệu hoa khôi trong cuộc thi nọ thở than: “Nếu mà…”. Thấy tôi ngạc nhiên, cô bèn đưa ra một loạt tấm ảnh chụp cùng các người mẫu đi làm từ thiện ở vùng cao. Nhìn ảnh, tôi mới rõ nỗi lòng của cô. Ai đời, đứng/ngồi bên cạnh những đứa trẻ nheo nhóc, nghèo đói trong ngày lũ lụt, mưa rét mà các cô cứ cười toe toét, trông hào hứng, vui vẻ lắm. Chưng diện quần áo se sua, thôi thì, còn có thể châm chước vì dù gì họ cũng là người đẹp, hoa khôi nhưng những nụ cười hơn hớn ấy, trông kỳ cục quá đi mất.

Cười không đúng lúc, đúng nơi, chắc gì đã đẹp, đã tạo ra thiện cảm? Thằng cháu con của chị tôi trốn học, bỏ đi chơi game. Cô giáo đến nhà than phiền. Chị giận điên người, lôi con đến trước mặt cô, bắt phải xin lỗi và hứa không được tái phạm. Ai ngờ, lúc ấy, chồng chị đi làm về, sau khi nghe chuyện, lẽ ra phải nghiêm mặt với con thì anh lại cười xòa, hào sảng như bản tính vốn có. Tiếng cười lạc điệu ấy liệu có nên chăng?

Nhìn mặt ông bố cười tươi như chẳng có gì, đối nghịch với gương mặt cau có, giận dữ của mẹ thì chuyện gì xảy ra? Thưa, đứa trẻ cảm thấy như vừa bị mẹ “bắt nạt” may mà có “đồng minh” đến kịp thời! Thái độ của bố đã khiến đứa trẻ cảm thấy việc sai phạm chẳng có gì nghiêm trọng cả. Có thể nói, cái cười trong trường hợp cụ thể này cực kỳ tréo ngoe bởi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Một khi vợ/chồng quá phung phí nụ cười, không biết kiềm chế trong một vài tình huống cũng khiến gia đình xào xáo. Cạnh nhà anh A là tiệm karaoke, cả ngày lẫn đêm ầm ĩ “giọng ca vàng”, đố ai có thể yên giấc. Sau nhiều lần nhỏ to góp ý nhưng vẫn không thể xoay chuyển tình thế, vợ chồng anh quyết định sang nhà bên cạnh nói chuyện phải trái một lần cho dứt khoát.

Trong lúc anh “làm việc” rành rọt lý lẽ từng câu từng chữ, ngộ thay, vợ anh lại cười nói hơn hớn như thể chồng mình đang… cụng ly với bạn nhậu! Thế có “chết” không chứ? Chủ nhà liền quay sang bắt chuyện với chị và “chuyển tông” chủ đề khác. Cuối cùng, mọi việc đâu lại vào đó.

Tôi biết đã có nhiều ông chồng dẫn vợ đến chốn đông người đã ghen tức lồng lộn, nhưng lại cảm thấy khó nói quá.

Ghen vì chuyện gì? Thì đây, có những người bạn của chồng dù mới gặp lần đầu nhưng cô vợ lại hấp ta hấp tấp bày tỏ sự thân thiện bằng tiếng cười xởi lởi như thể đã thân thiện, quen biết nhau từ trước. Dù vẫn biết sự vồn vã, nói cười ấy chỉ thói quen nhưng người chồng vẫn đâm ra nghi ngờ, bèn kề tai vợ hỏi nhỏ: “Ủa, trước đây 2 người đã quen nhau rồi à?”. Tất nhiên là không. Không quen nhưng sao lại “chưa nói đã cười”, cái miệng bô lô ba la nói cười như tri kỷ trăm năm?

Đi thăm người bệnh cũng vậy. Cháu trai của tôi vốn thông minh học giỏi, có bằng cấp đàng hoàng nhưng đã hụt vợ vì lý do ít ai có thể ngờ. Ngày nọ, mẹ của người yêu bị ốm nằm bệnh viện nên cả hai vào thăm. Sự xuất hiện của con rể tương lai khiến bà cảm động lắm nhưng rồi lần nào bà cũng xua tay bảo về sớm! Người bệnh đang mệt, cần yên tĩnh, không cần ai hỏi thăm chăng?

Chẳng phải. Trong lúc con gái đang hỏi han ân cần với nét mặt âu lo, cháu trai tôi lại khác. Cậu đi đứng vui vẻ, nói cười thân thiện với hết thảy mọi người từ mẹ vợ tương lai đến các bệnh nhân nằm chung phòng. Sự vui vẻ kèm theo nụ cười “thường trực” trên môi đã khiến ai nấy bực bội như bị trêu chọc. Đang mệt thở không ra hơi lại phải nhìn thấy cái bộ dạng hơn hớn, cười nói vô tư kia ai mà không bực bội?

Lại có câu chuyện thật, tôi đã từng chứng kiến: Ban đầu bố mẹ anh B nhất quyết không đồng tình cho anh cưới cô C vì nhiều lý do khác nhau, quan trọng nhất là không “môn đăng hộ đối”. Vì thế bố mẹ anh B đã chọn cô A cho anh mới “xứng tầm”. Câu chuyện đang dùng dằng thì bố anh đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, tất nhiên cả hai cô C và A đều có mặt.

Quan sát cử chỉ, lời ăn tiếng nói lúc “tang gia bối rối” cuối cùng mẹ anh đã “chấm” cô C, dù trước đó bà không ưng ý. Sau này, bà cụ tiết lộ là do ngày đó, cô C đã biết cách an ủi lúc bà đau buồn, khóc lóc. Sự đồng cảm ấy, có tác động đi sâu vào tình cảm người khác hơn lời nói, tiếng cười của cô A nhiều lắm.

Đành rằng, “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng phải tùy nơi tùy chốn mới đem lại hiệu quả, bằng không sẽ là một sự lố bịch. Lúc người ta đang rơi vào cảnh ngộ nào đó, không phải cứ đem nụ cười ra là có thể an ủi, chia sẻ với họ.

Đôi khi sự dễ dãi phung phí nụ cười của vợ/chồng lại đem đến nhiều bất cập. Chẳng hạn, họ khó có thể bàn luận một điều gì cho nghiêm túc nếu chưa nghe hết câu mà “nửa kia” đã… cười. Những nụ cười/tiếng cười “liên tu bất tận” ấy đã khiến người đối diện cảm thấy khó chịu.

Vậy đó, dù vẫn biết nụ cười là “vũ khí” lợi hại nhằm chiếm thiện cảm của người khác, nhưng nếu sử dụng bừa bãi, vô tội vạ thì sẽ trở nên vô duyên lắm lắm…

LÊ MINH QUỐC

Từ khóa » Nụ Cười Gian Xảo Là Gì