Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH - Femmes Et Guerres

Nữ Quân Nhân QLVNCH

KBCHN - 26/5/2011

The women in uni­form of ARVN are per­haps the ones who have been most for­got­ten and not men­tio­ned at all during the Vietnam war. Today, many of the next Vietnamese gene­ra­tion didn’t know their exis­tence in ARVN, their contri­bu­tion and sacri­fice they made in the defense of South Vietnam. [...]

The Women’s Armed Force Corps (WAFC) mem­bers duti­fully served in ARVN as the sup­por­ting roles, and in many cases even par­ti­ci­pa­ting in the combat action. There were the wives of many ARVN sol­diers who picked up rifles and fought side by side with their hus­bands in the tren­ches, when their camp (sort of Vietnam ALAMO) was under heavy attack, on the brink of being over­ran by the Viet Congs (It was a common prac­tice for sol­diers’ depen­dents living in the mili­tary remote out­posts, espe­cially at the Montagnard Ranger camps). For those women, they were known in ARVN as “the sol­diers without serial num­bers.” They fought, without salary, never expect any medals or rewards, and of course they didn’t have their own serial num­bers like the other cons­cripts. All for their fami­lies’ safety well-being and sur­vi­ving.

Thành lập vào năm 1965 (Trước đó có tên là Nữ Phụ Tá Xã Hội- LTS), văn phòng trưởng đoàn Nữ Quân Nhân và Trung Tâm Huấn Luyện đặt tại đường Nguyễn Văn Thoại, trước gọi là vùng rừng cao su, trước đài Phát Tuyến ngay trên ranh giới quận 10 và quận 11 Saigon, nay là đường Lý Thường Kiệt. Ranh giới thiên nhiên nguyên là một hồ dài và hẹp từ trước ra cuối Trung Tâm sau này được Công Binh Hoa Kỳ cho lấp bằng tráng nhựa làm mặt sân thêm rộng rãi.

Trưởng đoàn Nữ Quân Nhân kiêm Chỉ Huy trưởng TTHL/NQN đầu tiên là Thiếu Tá Trần Cẩm Hương cho đến ngày 1 tháng 4 năm 1975 nghỉ hưu đáo hạn tuổi, cấp bậc chị mang là Ðại Tá.

Trưởng Đoàn thứ hai và cuối cùng là chị Lưu Thị Huỳnh Mai, nguyên Thiếu Tá, Phân Đoàn Trưởng Nữ Quân Nhân Cơ Quan Trung Ương thuộc Bộ TTM được thuyên chuyển về văn phòng Trưởng Ðoàn NQN thăng cấp Trung Tá từ ngày 1 tháng 1 năm 1975 thay thế Ðại Tá Trần Cẩm Hương từ ngày 1 tháng 4 năm 1975.

Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân đảm nhận việc tuyển mộ phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tình nguyện gia nhập quân đội và huấn luyện căn bản quân sự như về tổ chức quân đội, cơ bản thao diễn v.v… Nhiệm vụ Nữ Quân Nhân là không tác chiến nên chỉ được học ít giờ làm quen với vũ khí do Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đảm nhận.

Sau phần căn bản quân sự, tùy nhu cầu quân số do bộ TTM ấn định, khóa sinh tốt nghiệp sẽ được thụ huấn chuyên môn tại các trường Tổng Quản Trị, trường Quân Y, trường Hành Chánh Tài Chánh, trường Quân Nhu, trường Xã Hội v.v…

Ðến năm 1966, việc tuyển mộ Nữ Quân Nhân do các Trung Tâm Tuyển Mộ phụ trách và chuyển nữ tân binh đến Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân để trang bị và thụ huấn căn bản quân sự.

Nữ Quân Nhân được tuyển theo bằng cấp. Trung học đệ nhất cấp và Tú Tài I được huấn luyện trở thành Hạ sĩ quan trong quân đội(Trung Sĩ) cho đến năm sau mới có khóa sĩ quan đầu tiên từ những Hạ sĩ quan có bằng Tú tài hoặc tuyển mộ mới.

Cũng tùy theo nhu cầu quân số do Bộ TTM ấn định, việc tuyển mộ và huấn luyện NQN được tiếp tục phát triển hàng năm. Ðến năm 1968, lệnh tăng quân số cho phép tuyển mộ thêm NQN hàng binh sĩ, chỉ cần biết đọc biết viết và đầy đủ sức khỏe là được nhận tại các Trung tâm tuyển mộ và sau đó được chuyển đến trường Nữ Quân Nhân.

Thời gian huấn luyện căn bản quân sự cũng được rút ngắn còn trong vòng một tháng thay vì sáu tuần lễ như trước. Số binh sĩ này được sung vào ngành Kiểm Soát An Ninh và Tài Xế (Ưu tiên nhận các quả phụ tử sĩ).

Năm 1967, Văn Phòng Trưởng Ðoàn NQN được chuyển về Bộ TTM, trực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Nhân Viên, còn TTHL/NQN trở thành trường Nữ Quân Nhân trực thuộc Tổng Cục Quân Huấn như các trường và các Trung tâm Huấn Luyện khác của QLVNCH.

Trường NQN huấn luyện trong 10 năm các khóa Căn Bản Quân Sự cho binh sĩ, hạ sĩ quan (không nhớ được mấy khóa tất ca)Ư. Riêng về Sĩ Quan NQN thì được 7 khóa tốt nghiệp và đến nửa chừng khóa 8 thì biến cố 30.4.75 xẩy ra.

Ngoài ra trường NQN cũng huấn luyện thêm các khóa sau.

Một khóa cho HSQ nguyên là Nữ Phụ Tá trước vốn chưa qua khóa căn bản quân sự nào từ ngày nhập ngũ. Bốn khóa Căn Bản Sĩ Quan cho Nữ Ðiều Dưỡng Không Quân do Bộ Tư Lệnh Không Quân gửi đến.

Hai khóa Căn Bản Sĩ Quan cho Nữ Sĩ Quan cảnh Sát do Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát yêu cầu.

Về quân phục của Nữ Quân Nhân thì từ năm 1969 về sau quân phục của NQN là mầu xanh da trời, lễ phục mầu trắng đồng kiểu với quân phục mầu xanh làm việc nhưng tay dài 3/4.

Quân phục nỉ mầu xanh thẫm cho các vùng lạnh. Lễ phục khi xuất ngoại vẫn là Worsted Kaki.

Tất cả NQN đều được phát một áo len đen dài tay để dùng khi trời trở lạnh, mặc ngoài quân phục xanh làm việc. Mũ NQN không còn mẫu Calo mà có kiểu như Nữ Chiêu Ðãi Viên hàng không, màu xanh thẫm. Nữ Quân Nhân mang giầy đen có gót cao 5 phân khi mặc quân phục làm việc hay lễ phục.

Nữ Quân Nhân để tóc ngắn, không dài quá cổ áo.

Thời gian thụ huấn tại trường NQN, khóa sinh phải mặc quân phục tác chiến, mũ vải, giầy vải đen có cổ. Cuối tuần xuất trại chị em được mặc thường phục.

Mỗi khóa sinh ngoài hai bộ quân phục tác chiến mặc khi thụ huấn, được may đo hai bộ quân phục xanh làm việc. Tại trường NQN, chị em được trang bị mũ, ví cầm tay mầu đen, huy hiệu đoàn NQN và một đôi giầy đen gót cao 5 phân trước khi mãn khóa.

Ðoàn Nữ Quân Nhân cũng được huấn luyện ở hải ngoại. Một số sĩ quan đã được đưa sang Hoa Kỳ để được thụ huấn trong các quân trường như Khóa Sĩ Quan Căn Bản Nữ Quân Nhân Lục Quân Hoa Kỳ tại Fort Mc Clellen, Alabama, Khóa Sĩ Quan cao cấp Nữ Quân Nhân Lục Quân Hoa Kỳ cũng tại Fort Mc Clellen, Alabama, khóa Dân Sự Vụ tại Fort Gordon, Georgia, khóa Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị tại Fort Bragg, North Carolina, các khóa về nhân viên, tuyển mộ, tổng quản trị tại Fort Benjamin Harrison, Indiana.

Riêng bốn khóa Nữ Ðiều dưỡng Không Quân sau khi tốt nghiệp Căn Bản Sĩ Quan tại trường NQN thì được Bộ Tư Lệnh Không Quân gửi đi thụ huấn nghiệp vụ tại Texas, Hoa Kỳ.

Cuối cùng thì trong đoàn đã có 5 Hạ Sĩ Quan nguyên làm thông dịch viên quân đội được đưa sang trường Nữ Quân Nhân Lục Quân Hoa Kỳ tại Fort Mc Clellen, Alabama để thụ huấn khóa sĩ quan căn bản. Khi về nước được thăng cấp Chuẩn Úy trước khi khóa 1 Sĩ Quan NQN mãn khóa.

Về tổ chức của Ðoàn NQN gồm có :

  • Một văn Phòng Trưởng Ðoàn trực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Nhân Viên của bộ TTM.
  • Trường Nữ Quân Nhân trực thuộc Tổng Cục Quân huấn bộ TTM.
  • Các văn phòng Phân Ðoàn trưởng NQN Quân Ðoàn/ Vùng Chiến thuật trực thuộc các Bộ Tư Lệnh QÐ/VCT.
  • Các Văn Phòng Phân Ðoàn Trưởng NQN Không Quân Hải quân trực thuộc các Bộ Tư lệnh Quân Chủng.
  • Các Văn Phòng Chi Ðoàn Trưởng NQN trực thuộc Bộ Tư Lệnh Tiểu Khu và Quân Chủng.
  • Nữ Quân Nhân phục vụ tại các đơn vị Quân Binh Chủng thuộc quân số các đơn vị ấy và chịu sự giám sát về quân phong quân kỷ của Chi Ðoàn Trưởng, Phân Ðoàn trưởng liên hệ.

Trước ngày 30.4.1975, quân số NQN trên lý thuyết là 10,000 người và đã thực hiện được trên 6,000. Riêng về Sĩ Quan thì có khoảng 600 kể cả cấp Chuẩn Úy.

Trên đây là những gì tôi nhớ và viết lại trong khoảng thời gian từ 1965 cho đến 30.4.1975 tôi phục vụ liên tục tại trường NQN. Tất nhiên là còn rất nhiều thiếu sót nên mong được sự bổ túc của chị em NQN ở hải ngoại. Xin liên lạc với chúng tôi ở số điện thoại (405) 691-0235.

Hồ Thị Vẻ

PHỤ NỮ TRONG QUÂN ÐỘI

Với tinh thần trách nhiệm cao và óc sáng tạo nên bất cứ ở ngành nào, quân binh chủng nào, người NQN/ QLVNCH cũng đem hết khả năng để phục vụ nên đã có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Chúng tôi đã vươn lên sau 10 năm, 20 năm để có thể ngang bằng với các cấp chỉ huy nam quân nhân mà nhận lãnh nhiều trọng trách ở hậu phương.

Nữ Quân Nhân chúng tôi đã có những chiến sĩ nhẩy dù gan dạ, những chiến sĩ trong các ngành truyền tin, tham mưu hay trong những nghề chuyên môn như y tá, nha tá, dược tá, chuyên viên thí nghiệm, tiếp huyết và các nữ điều dưỡng trong quân đội cũng như những người mang đến tình thương giáo dục cho các cô nhi của Tử Sĩ. Chúng tôi chỉ thua nam giới trong lãnh vực tác chiến vì qui chế của chúng tôi không ấn định.

Cuộc đời binh nghiệp của chúng tôi đang bình yên, đang cùng nam giới xây dựng một quân đội hùng mạnh, hậu phương và tiền tuyến cùng hoạt động nhịp nhàng thì có ai ngờ một ngày cuối tháng Tư đen đã làm sụp đổ tất cả những gì đã gầy dựng, làm dở dang mọi chương trình và kế hoạch đang trên đà thăng tiến của QLVNCH nói riêng và cả một chính thể VNCH nói chung.

Sau khi CS cưỡng chiếm miền nam, ngoài một số ít các chị may mắn thoát được, di tản sang Hoa Kỳ, còn phần đông chị em bị kẹt lại đã bị Cộng Sản lùa hết vào các “Trại Tập Trung Cải Tạo”. Kể sao cho hết những nỗi ê chề, đau khổ về tinh thần cũng như vật chất trong lao tù của CS. Chị em chúng tôi chịu đựng, người 2,3 năm kẻ 4,5 năm, chỉ tội một mình chị Cẩm Hương, người chị cả trong gia đình NQN, tuy tháng 4/75 đã nghỉ hưu mà vẫn bị CS cầm tù đến 10 năm trời. Khi được tha về một năm sau thì chị mất sau một cơn bạo bệnh.

Chị em chúng tôi lần lượt được thả về, đau đớn và chua xót làm sao khi nhà mình ở từ nhỏ đến giờ lại chỉ được ở với tư cách tạm trú và sau đó đều bị buộc phải đi vùng kinh tế mới của CS. Tuy nhiên nhiều chị em vẫn lì bám lấy ngôi nhà cũ, mưu sinh nơi các chợ trời vì tên bị xóa trong sổ hộ khẩu. Thỉnh thoảng lại thấy một chị vắng mặt, vài tuần sau lại nhận được tin từ Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật tân, Thái Lan của các chị ấy báo tin lành… Tuy nhiên cũng có nhiều chị em không được may mắn như vậy. Có chị ra đi năm lần bẩy lượt lại cũng về chốn cũ, có khi im hơi lặng tiếng luôn trong lòng Ðại dương, có khi bị bắt lại mắc vòng lao lý dăm ba năm nữa. Nhưng chúng tôi vẫn không hề nản, cứ tiếp tục tìm cách ra đi cho đến ngày được tin chính phủ Hoa Kỳ can thiệp sẽ được ra đi trong các chương trình H.O.

Nay thì gần ba mươi năm trôi qua, chị em chúng tôi những kẻ còn lại hầu hết đã sang được bến bờ tự do nhưng vẫn không thể nào quên được một chặng đường lịch sử hãi hùng…

Nguồn : http://kbchn.com/2011/05/26/n%E1%BB...

Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH : Hoa Lạc Giữa Rừng Gươm

OVV - 18/06/2009

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với cao điểm một triệu một trăm ngàn quân, ngành Nữ Quân Nhân cũng đã lớn mạnh chung của quân đội, với một quân số dù khiêm tốn so với nam quân nhân, theo ước đoán của người viết cũng xấp xỉ một sư đoàn, trên dưới mười ngàn người. Đây quả thật, người nữ quân nhân trong các đơn vị là những hoa lạc giữa rừng gươm. Từ vùng hỏa tuyến, miền cao nguyên, duyên hải đến vùng đồng bằng miệt cuối mũi Cà Mau. Đâu đâu cũng có sự hiện diện của các nữ chiến binh trong bộ quân phục tác chiến ở tiền phương hay bộ đồng phục màu xanh tại các đơn vị tham mưu, cơ sở trong mọi quân binh chủng và ngành chuyên môn của QLVNCH.

Trong buổi ban đầu, người Nữ Quân Nhân QLVNCH được gọi là Nữ Trợ Tá hay Nữ Phụ Tá khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam còn nằm trong khuôn khổ của Liên Hiệp Pháp. Người Nữ Phụ Tá của quân đội Pháp cũng hiện diện trong các đoàn quân viễn chinh của quân đội Pháp tại Đông Dương từ năm 1954 trở về trước. Được trao trả chủ quyền lớn dần, chính quyền quốc gia lớn mạnh, quân đội quốc gia trưởng thành cũng là lúc ngành Nữ Phụ Tá chính thức được thành lập từ năm 1952 mà nhiều người gọi là P.A.F, chữ viết tắt của tiếng Pháp (Personnel Auxiliaire Féminin).

Mới đầu, Nữ Quân Nhân thường phục vụ trong ngành quân y và xã hội, và sau nầy quân đội hùng mạnh về mọi mặt, người Nữ Quân Nhân cũng có mặt hầu hết trong các ngành, quân binh chủng của QLVNCH.

Trước 30/4/1975, công việc chính của Đoàn Nữ Quân Nhân là phục vụ tại các đơn vị tham mưu không tác chiến như : thư ký, đả tự, chuyên viên. Trong các ngành chuyên môn như quân y, xã hội, truyền tin, thông dịch… người Nữ Quân Nhân đóng một vai trò quan trọng trong guồng máy chung của quân đội. Muốn trở thành Nữ Quân Nhân QLVNCH, những thiếu nữ đến tuổi trưởng thành có trình độ học vấn tùy theo cấp bậc như binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan, tình nguyện đầu quân. Sau khi được khám nghiệm có đầy đủ sức khỏe, người thiếu nữ ấy được đưa về huấn luyện căn bản quân sự như nam giới.

Nhưng không chú trọng về tác chiến, mà chú trọng về huấn nhục, rèn luyện thân thể, quân phong quân kỷ để trở thành một Nữ Quân Nhân khỏe mạnh phục vụ đắc lực tại các đơn vị. Trường Nữ Quân Nhân, trên đường Nguyễn Văn Thoại, giữa Trường Đua Phú Thọ và Chợ Tân Bình. Trường Nữ Quân Nhân do Trung Tá Hồ Thị Vẽ (hiện nay ở Oklahoma) làm chỉ huy trưởng từ khi mới thành lập giữa thập niên 60 đến ngày quân đội tan tác. Một Nữ Quân Nhân xuất thân từ trường Nữ Quân Nhân chưa có đủ chuyên môn để phục vụ các đơn vị, nên thường phải trải qua một thời gian huấn luyện nữa, như ngành quân y, học tiếp ở trường Quân Y để trở thành một y tá lành nghề.

Trong các trường chuyên môn, người Nữ Quân Nhân phải học chung với các nam quân nhân. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một quân trường chuyên đào tạo những Nữ Quân Nhân xã hội từ hạ sĩ quan đến sĩ quan. Đó là trường Xã Hội Quân Đội thuộc Cục Xã Hội (Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị), tọa lạc trong Trại Lê Văn Duyệt, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô nằm trên đường Lê Văn Duyệt. Ngoài ra, trường Xã Hội Quân Đội còn đào tạo huấn luyện những cô giáo nhà trẻ mẫu giáo để phục vụ tại trung tâm, trường học ở khu gia binh do quân đội xây cất.

Vị chỉ huy trưởng trường Xã Hội Quân Đội những năm sau cùng là cựu Thiếu Tá Trần Thị Bích Nga, hiện định cư tại Sacramento, California.

Ngành Nữ Quân Nhân được gọi là Đoàn Nữ Quân Nhân QLVNCH trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân đầu tiên là nữ Đại Tá Trần Cẩm Hương, ái nữ của kỹ sư Trần Văn Mẹo – Tổng Trưởng Công Chánh thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Mỗi quân khu và quân binh chủng có phân đoàn Nữ Quân Nhân, Phân Đoàn Trưởng thường có cấp bậc là Thiếu Tá hoặc Đại úy thâm niên. Trong QLVNCH mới có một nữ Đại Tá, đó là Đại Tá Trần Cẩm Hương, bà xuất thân từ ngành Nữ Trợ Tá Xã Hội, tốt nghiệp Cán Sự Xã Hội trường Thévénet.

Ngành xã hội quân đội do phu nhân Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh – Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam lúc bấy giờ (khoảng năm 1952) – đề nghị thành lập. Nữ Đại Tá Trần Cẩm Hương giải ngũ vì đáo hạn tuổi vào đầu năm 1975 và do lệnh Bộ Tổng Tham Mưu bổ nhiệm, người kế vị Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân là Trung Tá Lưu Thị Huỳnh Mai (hiện nay ở Orange County).

Về cấp bậc Trung Tá, thâm niên quân vụ và cấp bậc có : Trung Tá Nguyễn Thị Hằng (đang ở Việt Nam), bà Hằng đang bị bệnh mất trí nhớ, từ Hòa Lan bà ở với con, nay bà về Việt Nam chờ ngày ra đi để trọn tình với quê hương. Trung Tá Hồ Thị Vẽ (Oklahoma), kế đến là Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (Nam Cali), Trung Tá Lưu Thị Huỳnh Mai (Orange County). Thiếu Tá có khoảng trên dưới mười vị.

Trần Văn

Nguồn : http://ong­vove.word­press.com/2009/0...

Câu chuyện của Trung tá Hạnh Nhơn, cựu nữ quân nhân VNCH

Trung tá Hạnh Nhơn khi còn tại ngũ. Trung tá Hạnh Nhơn khi còn tại ngũ.

RFA - 2005-04-25

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Cuộc chiến Việt Nam đi qua đã để lại những mất mát, đau thương cho hàng triệu phụ nữ Việt. Sự hy sinh của phụ nữ trong thời chiến không chỉ là những người chồng, những đứa con cho chiến tranh, mà nhiều người đã hy sinh tuổi thanh xuân và có khi là cả cuộc đời của mình nữa.

Trong chương trình hôm nay, Trà Mi xin mạn phép giới thiệu đến quý vị một cựu nữ quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Trung Tá Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân : Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, người đã tham gia và phục vụ quân đội trong suốt 25 năm.

Trung Tá Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân

Cô Hạnh Nhơn bước chân vào binh nghiệp năm 1950, khi còn là một cô gái 23 tuổi, đầy sức sống và nhiệt huyết. Trong 7 năm đầu, cô làm việc cho Sở Hành Chánh Tài Chánh, đảm nhiệm việc kế toán lương hướng.

Sau đó, cô chuyển về công tác tại Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, làm sĩ quan tiếp liệu, lo về y cụ, doanh trại cho quân y trong suốt 7 năm.

Đến năm 1964, người con gái dịu dàng của miền Trung vào Sài Gòn, để giữ chức vụ Trưởng phòng Hành Chánh Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân. Sau một năm, cô về Văn Phòng Đoàn Nữ Quân Nhân tại Bộ Tổng Tham Mưu làm trưởng phòng nghiên cứu trong 4 năm, rồi được điều về Bộ Tư Lệnh Không Quân, với vị trí Trung Tá Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân.

Cô phụ trách công tác quản lý nữ quân nhân không quân của 4 vùng chiến thuật, coi về kỷ luật, tác phong, tuyển mộ, huấn luyện, thanh tra cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Và cuộc đời ngừơi nữ quân nhân tận tuỵ cũng sang trang từ đây.

Mời quý vị tham gia Trang Phụ Nữ. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Lối rẽ cuộc đời đầy nước mắt

Với bề dày hoạt động và những chức vụ quan trọng trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, ngày quân đội miền Bắc phất cờ reo mừng chiến thắng cũng là lúc Trung Tá Hạnh Nhơn cùng những chiến hữu của cô bị bắt vào các trại cải tạo tập trung, kết thúc quãng đời binh nghiệp, dở dang những lý tưởng, những hoài bão của riêng mình, và bỏ lại sau lưng một gia đình cùng đàn con thơ dại.

Bốn năm trong tù cải tạo đối với người nữ quân nhân bình dị, dễ mến này, là một thời gian đằng đẵng, một lối rẽ cuộc đời đầy nước mắt. Cô đã được chuyển qua rất nhiều trại giam và đã nếm trải bao nhiêu gian khổ, nhọc nhằn của 1 nữ tù nhân chính trị.

Sau ngày ra tù, cuộc đời cô tiếp nối bằng những chuỗi ngày khó khăn, vất vả với hai bàn tay trắng trong cái nhìn khắt khe của 1 xã hội mới đối với những lớp người được coi là chế độ cũ như cô.

Làm việc thiện nguyện

Cho đến thập niên 90, cô Hạnh Nhơn được một người con trai sang Mỹ trước 75 bão lãnh. Là một người từng nếm trải và thấu hiểu những kinh nghiệm đau thương của chiến tranh, nên ngay khi đặt chân tới Mỹ, cô đã tham gia đóng góp vào các hoạt động giúp đỡ anh em cựu tù nhân chính trị trong bước đầu định cư trên xứ ngừơi.

4 năm đầu ở Mỹ, cô là Phó chủ tịch Hội tương trợ Cựu tù nhân Chính trị, tổ chức bảo trợ, giúp đỡ những cựu chiến binh không có thân nhân tại Mỹ sang đây định cư. Hơn 10 năm nay, cô đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký của Hội Cứu trợ Thương phế binh và Quả phụ tử sĩ.

Giờ đây, người cựu nữ quân nhân ngày nào tuy đã gần tuổi 80, nhưng ngày ngày vẫn âm thầm, cần mẫn với công việc quyên góp thiện nguyện, gửi về nước giúp đỡ thương binh, những đồng đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà cùng gia đình của họ.

Trò chuyện với cô Hạnh Nhơn

Bây giờ, mời quý vị cùng Trà Mi gặp gỡ nữ cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, Trung Tá Hạnh Nhơn.

Trà Mi : Kính chào cô Hạnh Nhơn, nghe qua cô có tới 25 năm phục vụ quân đội là Trà Mi đã hết sức ngạc nhiên rồi, nhưng có một điều mà Trà Mi rất thắc mắc không biết vì sao cô quyết định gia nhập quân ngũ từ hồi còn là một cô gái rất trẻ ở tuổi đôi mươi ?

Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên. [xin chú ý : cuộc phỏng vấn này không còn trên trang web của RFA]

Trang Phụ nữ xin chia tay với quý vị tại đây. Những chuyên đề về nữ giới đã được thực hiện trong thời gian qua được lưu giữ tại trang web của Đài ACTD ở địa chỉ www.rfa.org, để quý vị có thể nghe và xem lại. Hẹn gặp lại quý vị trong một chuyên đề mới trên làn sóng này, vào tuần sau. Trà Mi kính chào.

© 2006 Radio Free Asia

Nguồn : http://www.rfa.org/viet­na­mese/in_de...

Woman In Combat / Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Hình Ảnh Hào Hùng Nữ Quân Nhân QLVNCH / Đóng góp lớn trong Chiến Tranh Việt Nam (NhaKyThuat trên YouTube).

Từ khóa » Cấp Bậc Vnch