Nuôi Dê Hiệu Quả Cao - Sở Nông Nghiệp

Nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi thỏ, dê… nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ. Sản phẩm "lạ" nên giá bán khá cao, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư với quy mô từ nhỏ đến vừa.

I. MỘT SỐ GIỐNG DÊ PHỔ BIẾN

1. Dê cỏ

Giống dê địa phương được nuôi phổ biến ở nhiều vùng, tầm vóc nhỏ, mình hẹp, thân nhỏ, thấp, bụng to, đầu nhỏ, tai đứng. Bộ lông có màu không thuần nhất, loang vá, màu lông cơ bản: đen, vàng, vàng tro, một số con ở mặt có sọc nâu hoặc đen. Trọng lượng sơ sinh khoảng 1,6 - 1,8 kg. Con cái trưởng thành nặng 26 - 28 kg, con đực nặng 40 - 45 kg. Năng suất sữa thấp 0,33 - 1,5 kg/ngày. Thời gian cho sữa 90 - 120 ngày, tỷ lệ mỡ sữa 6,45%.

2. Dê núi

Nuôi tập trung chính ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn… Dê vùng cao có tầm vóc lớn hơn dê cỏ, có kết cấu chắc chắn, khỏe, mang đặc điểm ngoại hình cho thịt, sừng to và khỏe, con đực và cái đều có râu cằm. Trọng lượng sơ sinh khoảng 1,8 - 2,1 kg, trọng lượng trưởng thành con cái nặng 34 - 36 kg, con đực nặng 45 - 50 kg.

3. Dê bách thảo

Có nguồn gốc từ giống dê sữa của Pháp hoặc Ấn Độ du nhập vào nước ta từ hàng trăm năm nay và đã lai tạp với các giống dê địa phương. Dê có tầm vóc lớn, màu lông chủ yếu đen hoặc đen loang sọc trắng, vá trắng, đốm trắng hoặc đốm đen, một số con có hai dải lông trắng ở má và 4 chân, đầu thô, tai cụp, đa số không có sừng, nếu có thì sừng nhỏ, chếch ra phía sau. Dê kiêm dụng sữa, thịt có tầm vóc lớn, con cái nặng 40 - 45 kg, con đực nặng 70 - 80 kg. Trọng lượng sơ sinh khoảng 2,5 - 2,8 kg.

Dê có thể đẻ từ 2 - 4 con/lứa

4. Dê Saanen

Là giống dê sữa chuyên dụng. Hiện, nhiều nhà chọn giống dê sữa đều lấy nền là dê Saanen của Thụy Sĩ năng suất sữa tốt. Dê có màu trắng, xám nhạt hoặc màu vàng, không sừng, thường có râu cằm, có con có mẫu thịt thừa ở cổ gọi là hoa tai. Tính hiền, kết cấu thân thể chắc, thanh tú, bầu vú phát triển, ngoại hình đẹp, hướng sữa. Con cái nặng khoảng 50 - 60 kg, con đực nặng 70 - 78 kg. Trọng lượng sơ sinh: con cái 3 - 3,5 kg; con đực 4 - 4,5 kg. Ngoài ra, còn có một số giống dê cho sữa như dê Alpine (Pháp), dê Amhlo Nubian (Anh), dê Jumnapari, Barbari (Ấn Độ) hoặc dê chuyên dụng thịt Boer (Mỹ).

II. CHUỒNG TRẠI NUÔI DÊ

Dê phải được nuôi dưỡng trên sàn. Chuồng sàn không chia ngăn đang được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi dê thịt và chuồng sàn có chia ngăn sử dụng phổ biến cho dê sữa.

Có thể sử dụng các vật liệu rẻ, dễ thấy tại địa phương nhưng phải bảo đảm chắc chắn vì dê ưa phá phách. Yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và xây dựng chuồng nuôi dê:

Xây chuồng theo hướng Đông để nhận ánh nắng ban mai, chuồng cao, sáng, tránh mưa gió. Định mức chuồng nuôi cho mỗi đầu dê: đực giống 1,5 - 2 m2; cái sinh sản 0,8 m2; dê cái tơ; dê thịt 0,6 m2; dê cai sữa: 0,3 m2. Phải có sân chơi thông với cửa chuồng, diện tích sân chơi rộng ít nhất bằng 3 diện tích chuồng, lấp hết các hố có thể đọng nước ở sân chơi. Sàn chuồng cách mặt nền 0,7 m; có khoảng hở giữa các thanh ghép từ 1,5 - 2 cm cho phân rơi xuống dễ dàng. Sàn chuồng cần bằng phẳng, láng và có vách hở để không đọng phân và nước, dễ quét dọn. Giá cỏ, máng ăn, máng uống đặt ngoài chuồng và ngang tầm cho dê thò đầu ra ngoài ăn uống. Đối với dê sơ sinh phải có ô riêng để tránh va chạm với dê lớn. Yêu cầu chung kiểu chuồng nào cũng cần đảm bảo đông ấm, hè thoáng, có hố để ủ phân rác kèm theo.

III. DINH DƯỠNG VÀ THỨC ĂN

Dê có thể ăn được hầu hết các loại phế phụ phẩm nông, công nghiệp dành cho chăn nuôi. Nguồn thức ăn cho dê, cừu trong tự nhiên rất dễ kiếm, không cần chế biến cầu kỳ. Nên trồng thêm một số cây thức ăn có chất lượng tốt như cây so đũa, cây bình linh, cỏ voi, cỏ ghi-nê…

Đặc tính của dê là không ăn hết khẩu phấn mà thường bỏ lại một ít. Do đó, phải luôn tìm cách tăng thức ăn hợp khẩu vị dê, tạo điều kiện cho dê ăn, sao cho lượng thừa lại ít nhất. Nếu cây lá cỏ dài quá thì cắt ngắn, thức ăn củ quả rửa sạch, cắt thành miếng mỏng.

Dê có nhu cầu về nước thấp nhất trong số các gia súc nhai lại, dê thịt trưởng thành một ngày uống 3 - 4 lít nước. Trong những ngày mát dê uống khoảng 2 - 3 lít nước. Dê uống nước cả ngày lẫn đêm và uống làm nhiều lần.

Dùng thức ăn tinh với số lượng thấp nhất để đảm bảo kinh tế, có thể dùng urê làm thức ăn bổ sung protid nhưng chỉ giới hạn mức 0,2 - 0,3 g/kg thể trọng. Để đề phòng ngộ độc, ban đầu chỉ dùng 1/10 định mức, sau đó mỗi ngày tăng dần thêm 1/10 cho đến khi đạt mức qui định. Khi bị ngộ độc, cho uống ngay dung dịch acid acetic 5%: 0,5 lít/con, một giờ sau uống lại một lần nữa.

Mỗi dê 1 năm nên dự trữ khoảng 50 - 70 kg cỏ rơm khô hoặc 130 - 200 kg cỏ ủ để nuôi dê trong những ngày không chăn thả được hoặc cho những dê cần bồi dưỡng vào ban đêm.

>> Khoáng chất cung cấp cho dê dưới dạng đá liếm có thành phần: Muối ăn: 1 kg; Phèn đen: 1 kg; Phèn xanh: 50 g; Vôi tôi: 2 kg

Hoặc dùng ống tre đục nhiều lỗ nhỏ cho hỗn hợp muối vào bên trong ống và treo trong chuồng cho dê liếm tự do.

Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên và các nguồn phụ phẩm khác, cần cho dê ăn thêm một cỏ voi, cỏ ghi-nê, rau muống, rau lang; củ sắn (củ đậu), khoai lang, bí đỏ, cà rốt là loại thức ăn nhiều nước, giàu sinh tố có tác dụng kích thích tiêu hóa. Cần rửa sạch và cắt mỏng khi cho ăn.

Việc chăn nuôi chăn thả nên chú ý rải đều mật độ dê trên đồi bãi và phải chăn thả luân phiên, không khai thác lâu trên các bãi cỏ quen thuộc, dễ làm xói mòn và sinh dịch bệnh.

IV. KỸ THUẬT NUÔI

1. Nuôi dê sinh sản

Tuổi phối giống lần đầu phù hợp là 8 - 10 tháng tuổi. Chu kỳ động dục trung bình là 17 - 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 1 - 3 ngày. Khả năng sinh sản tốt nhất của dê cái thường từ 3 - 5 tuổi.

Một con dê đực có thể phối giống cho 30 - 50 dê cái. Nếu số lượng dê đực quá ít, đàn dê sẽ sinh sản kém, nếu quá nhiều cũng không tốt vì dê cái sẽ bị chúng quấy rầy. Một dê đực nên cho giao phối tối đa 6 lần/ngày. Dê đực khoảng 8 tuổi nên loại thải.

Dê cái sau khi phối giống khoảng 21 ngày mà không thấy động dục trở lại là biểu hiện của dê có chửa. Tuy nhiên, biểu hiện này chưa đảm bảo chính xác cao. Thời gian mang thai của dê là 150 ngày, biến động trong khoảng 146 - 157 ngày, tùy theo số con đẻ ra 2, 3 hoặc 4 con/lứa.

Khoảng một tháng trước khi đẻ nên nhốt dê chửa ở ô chuồng riêng, bồi dưỡng thêm thức ăn tinh và rau cỏ non. Tuyệt đối tránh thức ăn hôi, mốc. Đặc biệt thời gian này cần cung cấp thêm một lượng lớn vitamin A, D, E; có thể sử dụng Poly AD, B.Complex ADE tiêm cho dê, hoặc sử dụng AD3E dạng gói trộn vào thức ăn hỗn hợp cho dê. Chất khoáng cần cung cấp dưới dạng tảng liếm treo gần máng ăn cho dê liếm tự do để thỏa mãn nhu cầu về khoáng của dê.

Vào cuối thời gian có chửa, bụng dê to nhanh chóng, gần đến ngày đẻ bụng sa xuống dê đi lại khó khăn. Dấu hiệu sắp đẻ: bầu sữa to, sụt mông, có lớp dịch nhày mỏng trên niêm mạc âm hộ, dê cào bới sàn lồng, lúc nằm lúc đứng. Lúc này phải lót ổ bằng rơm, cỏ khô sạch vào cũi lồng và trực cho dê đẻ.

Sau khi dê đẻ, lấy khăn sạch lau nước nhầy ở miệng, mũi dê non. Nếu rốn đã đứt thì dùng cồn sát trùng, nếu rốn chưa đứt thì phải cột và cắt rốn. Bóc lớp màng móng ở đế bàn chân con sơ sinh và cho dê con bú sữa đầu ngay. Cho dê mẹ uống nước có pha đường 1% hoặc muối 0,5%, uống tự do theo yêu cầu. Trong 4 - 5 ngày đầu cho dê mẹ ăn thức ăn dễ tiêu như cỏ non, cháo. Tiêm Vime-Canlamin hoặc Vime ATP để phòng bại liệt sau khi đẻ.

Trong 10 ngày đầu, để đàn con ở cùng với mẹ bú tự do, hoặc tối thiểu cho bú 4 - 5 lần/ngày. Từ ngày thứ 11 trở đi chỉ cho con bú mẹ 2 - 3 lần/ngày, đảm bảo cho con bú được 0,4 - 0,5 lít/con/ngày. Từ tuần thứ 3 - 5, chỉ cho con bú ngày 1 lần sau khi vắt sữa sáng. Từ tuần thứ 5 - 12, tập dê ăn thức ăn tinh, thô cùng với bú sữa mẹ hoặc thức ăn thay thế sữa. Dê vắt sữa phải được ở trong môi trường yên tĩnh trước và trong suốt thời gian vắt sữa. Mười ngày đầu, nếu đẻ 2 - 3 con thì không vắt sữa để con tự bú hết. Nếu đẻ 1 con thì vắt sữa 1 - 2 lần/ngày. Từ ngày thứ 11 - 60 sau khi đẻ, vắt sữa 2 lần/ngày. Từ tháng thứ 3 trở đi là giai đoạn tiết sữa ít dần nên chỉ vắt sữa 2 ngày/lần

2. Nuôi dê thịt

Chọn giống dê thịt chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn về ngoại hình, thể trọng, phẩm chất và dòng giống. Cần dựa vào nguồn gốc và đàn con của nó để đánh giá.

- Chọn giống dê đực thịt: đảm bảo các đặc điểm ngoại hình như đầu to, cổ khỏe, thân hình cân đối, đùi nổi bắp thịt, hai dịch hoàn to và đều nhau, dáng điệu nhanh nhẹn, hoạt bát, tính dục hăng.

- Chọn giống dê cái thịt: thân hình đều đặn, đầu nhỏ, cổ thon, ngực nở và sâu, lưng thẳng và rộng, mông phình, háng rộng, chân khỏe, da mềm mại.

- Chọn dê con: dê con sinh ra đạt trọng lượng sơ sinh 2,5 - 3 kg, lúc cai sữa dê con phải đạt 6,5 kg con cái, 7,5 kg con đực. Chọn dê con ở những lứa trong thời kỳ sinh sung sức của dê mẹ.

3. Nuôi dê sữa

a. Chọn giống

Dê mắn đẻ, động dục, thụ thai đều đặn và hằng năm đều đẻ con là dê cho sữa tốt. Chọn dê cái đạt các tiêu chuẩn ngoại hình sau:

- Bầu vú: nở rộng, gắn chặt vào phần bụng, gọn ở phía trước, nhìn phía sau bầu vú nở tròn. Bầu vú phải treo vững, núm vú to dài từ 4 - 6 cm. Có nhiều tĩnh mạch nổi trên bầu vú.

- Đầu rộng, hơi dài, có cơ chắc, vẻ linh hoạt.

- Cổ dài, mềm mại, có cơ chắc, nổi, nhọn về phía đầu.

- Hông rộng và hơi nghiêng đảm bảo cho dê có bầu vú gắn chặt vào phần bụng.

- Chân trước thẳng, cân đối.

- Hàm khỏe.

Tuy nhiên, ở dê khả năng sản xuất sữa không thể xác định dựa theo ngoại hình như ở bò sữa mà chỉ có thể dựa vào lượng sữa thực tế.

Dê hậu bị đạt từ 7 - 8 tháng tuổi có thể phối giống được và vẫn tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Khả năng sinh sản tốt nhất của con cái là 3 - 5 tuổi. Khi đến 6 - 8 tuổi thì nên loại thải. Dê cái trưởng thành đạt 50 kg là đủ khả năng sản xuất sữa tốt.

b. Chăm sóc và nuôi dưỡng

- Dê cái vắt sữa: khẩu phần cơ bản: 1 kg cỏ khô + 1 kg cây họ đậu + 2 kg cây lá khác. Nếu sản xuất 2 lít sữa/ ngày cần 2 kg cỏ khô + 4 kg cỏ lá xanh + 0,3 hạt ngũ cốc + 0,2 kg hạt họ đậu. Khẩu phần thức ăn của dê vắt sữa phải dựa theo năng suất sữa. Ngoài thức ăn xanh, phải bổ sung thêm premix, vitamin, khoáng hợp lý vào thức ăn hỗn hợp, có thể bổ sung Vime Đạm sữa, cho ăn từ 2 tháng trước khi đẻ và tiếp tục cho ăn trong suốt thời gian cho bú hoặc vắt sữa. Tăng cường cho uống nước hòa đường hoặc rỉ mật 5%.

- Dê cạn sữa, dê mang thai: tùy theo thể trọng, khẩu phần gồm thức ăn tinh hỗn hợp 0,3 - 0,5 kg + thức ăn củ quả 0,4 kg + rau cỏ xanh 3 - 6 kg.

Thức ăn cần phải đủ nhu cầu khoáng và vitamin, nhất là vitamin A, D. Nhu cầu muối ăn là 8 - 10 g/ngày. Nhu cầu nước uống của dê sữa trong mùa khô khoảng 3 lít/ngày. Mỗi lít sữa sản xuất ra cần 1,5 lít nước. Như vậy tổng số lượng nước dùng cho dê sữa khoảng 5 - 6 lít/ngày.

ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Từ khóa » Dê Trưởng Thành Nặng Bao Nhiêu Kg