Nuôi Tôm Biển ứng Dụng Công Nghệ Cao - Báo Đồng Khởi

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Mạnh dạn chuyển đổi

Những ngày cuối năm 2021, ông Lê Văn Sấm (Ba Sấm), ngụ xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) vẫn tất bật ngoài ao tôm hết thu hoạch rồi đến đào ao ở khu đất rộng 10ha vừa mới tậu được. Trong căn biệt thự lớn nhất vùng, ông Ba Sấm kể việc chuyển sang nuôi tôm CNC đầy thú vị: “Sau khi về hưu, tôi quyết định đầu tư nuôi tôm nhưng vụ trúng, vụ lỗ… rất nản. Khoảng năm 2013, tôi cùng một số nông dân ở huyện Thạnh Phú được Công ty CP Việt Nam mời đi tham quan mô hình nuôi tôm CNC ở tận Cà Mau. Khi đó, mấy ông nông dân xứ Cà Mau bảo rằng nước, đất giờ đều bị nhiễm nên chỉ còn cách trải bạt đáy, đưa công nghệ vào mới làm hiệu quả được”. Khi trở về địa phương, ông Ba Sấm bắt đầu nghiên cứu để chuyển sang nuôi tôm CNC theo hướng 3 giai đoạn.

Hiệu quả mang lại thật bất ngờ, tôm lớn nhanh và hầu như không có dịch bệnh. Từ lợi nhuận thu được, ông đầu tư mua đất để tiếp tục nuôi tôm CNC. Hớp ngụm trà nóng, ông Ba Sấm khề khà: “Năm nay, tính ra tôi lời khoảng 40 tỷ đồng và mới mua thêm 10ha đất để tiếp tục đầu tư. Hiện tại, gia đình tôi có hơn 50ha đất nuôi tôm CNC. Năm nào tôi cũng tăng diện tích và sản lượng. Bây giờ, ở vùng này không có con gì qua con tôm thẻ chân trắng”.

Ông Đặng Văn Bảy ngụ xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) cũng làm giàu nhờ nuôi tôm CNC. Ông Bảy là nông dân sản xuất giỏi vinh dự được ra Hà Nội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020. Mới đây, ông được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021 với mô hình nuôi tôm CNC, mỗi năm cho thu nhập khoảng 25 - 35 tỷ đồng.

Ông Bảy cho biết: “Mặc dù nuôi tôm CNC vốn đầu tư cao, trung bình khoảng 1 tỷ đồng/ha nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, do không dịch bệnh, nước xử lý kỹ nên tôm mau lớn. Tôi áp dụng nuôi 2 giai đoạn, 1ha đất nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, diện tích còn lại là ao ươm và ao xử lý nước, tôm được nuôi với mật độ cao nên cần rất nhiều nước sạch để thay đổi liên tục. Thu hoạch, năng suất đạt khoảng 9 tấn, cao hơn 3 lần so với nuôi bình thường”.

Nuôi tôm CNC đang là xu hướng phát triển do hiệu quả mang lại rất lớn so với nuôi truyền thống. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư để thu lợi nhuận lớn. Ông Lê Hoàng Vũ, ngụ xã Bình Thới (Bình Đại) chi hơn 500 triệu đồng đầu tư ao tròn, trải bạt, dàn quạt ô-xy cho diện tích hơn 6.000m2 của gia đình. Ông Vũ cho biết: “Nếu nuôi cách truyền thống thì chỉ cần thuê máy đào thành 2 ao vuông gồm 1 ao lắng, 1 ao nuôi và một số dàn quạt với chi phí vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nuôi CNC thì phải tốn chi phí gấp hàng chục lần cho máy móc, thiết bị, hệ thống ao lắng, ao chứa nước…”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm biển CNC tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2025. Năm 2021, tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân phát triển ít nhất 500ha tôm biển CNC và thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC, năng suất bình quân 12 tấn/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với nuôi thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi.

Phát triển 4.000ha nuôi tôm CNC

Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy ra đời sẽ làm đòn bẩy tạo ra sự đột phá mới trong phát triển nuôi tôm CNC. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển về hướng Đông giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ phát triển hơn 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC và đến năm 2030 là 5.000ha.

Ông Lê Văn Sấm thu hoạch tôm. Ảnh: Cẩm Trúc

Ông Lê Văn Sấm thu hoạch tôm. Ảnh: Cẩm Trúc

Qua năm đầu tiên thực hiện nghị quyết, tại 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC đã đạt 50% với khoảng 2.000ha. Các địa phương có tốc độ chuyển đổi từ nuôi thâm canh sang CNC rất nhanh.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đến năm 2025, với tổng kinh phí dự kiến đầu tư hơn 10.705 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, số còn lại là vốn dân, vốn doanh nghiệp 9.500 tỷ đồng. Nếu đúng theo kế hoạch thì đến năm 2025, tỉnh sẽ có 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC. Trong đó, huyện Thạnh Phú 1.500ha, Ba Tri 500ha, Bình Đại 2.000ha. Đến năm 2025, sản lượng nuôi tôm biển ứng dụng CNC đạt 144 ngàn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%. Giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, địa phương đang phát triển kinh tế về hướng Đông với chủ lực là du lịch, nông nghiệp, điện gió. Đặc biệt, tôm CNC 2 - 3 giai đoạn, toàn huyện hiện có khoảng 730ha. Đây là mô hình nuôi tôm hiệu quả nhất khi xử lý nước tuần hoàn khép kín, tôm lớn nhanh, quản lý tốt dịch bệnh, xuất khẩu giá cao. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, huyện đang triển khai kế hoạch phát triển 1.500ha trên địa bàn trong thời gian tới”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, thời gian tới, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm CNC và đầu tư nhà máy chế biến tôm…Cụ thể, tỉnh phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.

“Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển 4.000ha tôm CNC theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ chuyển đổi một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, nuôi tôm CNC phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng CNC tại 3 huyện ven biển”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Hoàng Trung - Quang Khởi

Từ khóa » đầu Tư Nuôi Tôm Công Nghệ Cao