Vốn Nuôi Tôm, Bài Toán Vẫn Cần Lời Giải - Tạp Chí Thủy Sản

Tiếp sức sản xuất từ nguồn vốn

Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, sau 20 năm nuôi tôm, hiện phần lớn diện tích nuôi tôm của tỉnh vẫn chưa được nâng cấp, tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới nên người nuôi vẫn gặp không ít rủi ro về thời tiết, môi trường, dịch bệnh… Nguyên nhân chủ yếu là do sau thời gian thua lỗ, nhiều hộ dân không còn vốn để đầu tư, không còn tài sản thế chấp ngân hàng để được vay mới. Trước thực trạng trên, ngày 23/2, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về tín dụng cho NTTS, nhằm giúp người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có thêm điều kiện nâng cấp mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; giúp giảm thiểu rủi ro, gia tăng năng suất, lợi nhuận tiến tới thực hiện đạt mục tiêu phát triển nghề nuôi hiệu quả và bền vững.

Gắn bó với nghề nuôi khá lâu, ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh chia sẻ, để nuôi tôm đạt năng suất cao và ít rủi ro cần phải đầu tư mô hình nuôi công nghệ cao nhưng vấn đề khó khăn chính là ở vốn đầu tư cho mô hình này. Hiện người nuôi tôm rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp và buộc phải có hóa đơn VAT của đại lý thì mới giải ngân theo từng giai đoạn nuôi. Để tháo gỡ khó khăn này, cần có cơ chế tín dụng riêng cho người nuôi tôm, đó là vay theo dự án nuôi tôm.

Cần thêm giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người nuôi tôm. Ảnh: Phan Thanh Cường

Theo tính toán của ông Huy, tổng vốn đầu tư hạ tầng nuôi công nghệ cao khoảng 500 – 600 triệu đồng/ha, còn vốn nuôi nếu lấy năng suất bình quân 30 tấn, giá thành tôm nuôi 85.000 đồng/kg (loại 50 con/kg) thì tổng đầu tư cho vụ nuôi khoảng 2,5 tỷ đồng. Như vậy, mỗi hecta chuyển sang nuôi công nghệ cao sẽ phải có vốn đầu tư ít nhất là 3 tỷ đồng, nhưng nếu giá tôm tốt và đạt năng suất, chỉ cần qua 1 năm, người nuôi sẽ hoàn vốn, còn thông thường khoảng 2 năm (4 – 6 vụ) sẽ hoàn vốn đầu tư. Vì vậy, ông Huy kiến nghị: “Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu lại nợ cho người nuôi gặp rủi ro bất khả kháng. Định lại giá đất theo thị trường để tăng giá trị tài sản thế chấp, đầu tư cho người nuôi theo dự án. Xem nuôi tôm là ngành rủi ro không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ ngân hàng khi có rủi ro”.

Dẫn chứng cụ thể hiệu quả sau khi chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm lót bạt, ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, năm 2018 ông làm thử nghiệm 3 ao nuôi công nghệ cao với vốn đầu tư 850 triệu đồng vay từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Thạnh Phú. Chỉ sau 2 vụ nuôi ông đã thu hồi được vốn và còn lãi 170 triệu đồng. Năm 2019, ông đầu tư thêm 2 ao bạt và 3 thành viên HTX với 7 ao bạt. Kết quả có người chỉ sau 1 vụ nuôi đã thu hồi vốn, còn lại cũng chỉ qua 2 – 3 vụ nuôi đã thu hồi được vốn. Năm 2020, HTX có thêm 3 thành viên với 6 ao bạt. Năm 2021 tăng thêm 2 ao bạt với 2 thành viên và dù ảnh hưởng năng nề của dịch COVID-19, giá tôm xuống thấp lúc thu hoạch, nhiều diện tích nuôi truyền thống thua lỗ nhưng các ao bạt vẫn có lợi nhuận đủ sức bù đắp nên cuối vụ HTX vẫn thu trên 160 tấn tôm, lợi nhuận gần 5,3 tỷ đồng. Ông Luận đề xuất: “Qua thực tế cho thấy, 4 thành viên nuôi 18 ao bạt đều có lãi hàng năm khá tốt, còn 20 thành viên nuôi truyền thống với 92 ao đất có năm lãi, năm lỗ thu nhập thấp hơn rất nhiều so với ao bạt. Tuy nhiên, hiện HTX còn nhiều thành viên thiếu vốn đầu tư, lại đang có nợ xấu ở ngân hàng nên không thể tìm đâu ra nguồn vốn để chuyển sang nuôi ao bạt. Do đó, HTX kiến nghị các ngân hàng nên tạo điều kiện cho những hộ còn nợ xấu nhưng có chí làm ăn được vay vốn làm ao bạt, giúp họ giảm được rủi, tăng lợi nhuận có thêm điều kiện trả nợ”.

Giải pháp tiếp cận vốn thuận lợi hơn

Ông Phạm Kim Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đầu tư cho nuôi tôm với tổng nguồn vốn ước khoảng 56,5 tỷ đồng. Con số này theo ông Vương Quốc Nam là chưa tương xứng với nghề nuôi tôm của tỉnh. Vì vậy, ông Nam đề nghị các ngân hàng có những giải pháp để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp, hộ nuôi tôm và ngành nông nghiệp cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất.

Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và nhất là ngân hàng Agribank bắt đầu quan tâm nhiều hơn trong việc đầu vốn cho những mô hình nuôi tôm có hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiện việc đầu tư cho nuôi tôm vẫn được các ngân hàng triển khai hết sức thận trọng, dè dặt, chủ yếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cơ sở hạ tầng, trình độ quản lý và tay nghề, nguồn cung cấp đầu vào, phương thức tổ chức sản xuất, vốn đối ứng, tài sản đảm bảo thế chấp… của người nuôi vì lo sợ rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng kiến nghị: thực hiện cho vay theo chuỗi khép kín, gồm: cá nhân/hộ gia đình, doanh nghiệp (bên vay) – đơn vị cung cấp hàng hóa đầu vào, đơn vị bao tiêu sản phẩm (bên cung cấp, tiêu thụ) – ngân hàng (bên cho vay) – chính quyền địa phương (bên giám sát). Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng cho vay tháo gỡ khó khăn cho người nuôi có nợ xấu trước đây chưa trả hết nợ do thua lỗ được cấp thêm tín dụng theo phương án/dự án nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình chuỗi và tín dụng được cấp thêm không tính vào nợ xấu.

>> Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ cho vay nuôi tôm 1.756,2 tỷ đồng, trong đó, dư nợ của hộ nuôi là 1.687 tỷ đồng và của doanh nghiệp là 69,2 tỷ đồng; trong đó có 2,46% là nợ xấu.

An Xuyên

Từ khóa » đầu Tư Nuôi Tôm Công Nghệ Cao