Ông Nguyễn Việt Tiến 'trắng án' - VnExpress

Quyết định này vừa được trao cho ông Tiến lúc 14 giờ chiều qua. Theo đó, trong 3 tội mà cơ quan điều tra khởi tố, ông Tiến được đình chỉ 2 tội: cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS miễn trách nhiệm hình sự.

ong-tien-o-cong-vks-397613-1368809044_50

Trong trang phục comple sẫm màu, ông Tiến bước ra khỏi Viện kiểm sát tối cao. Ảnh: Thanh Hùng.

Cùng với quyết định đình chỉ, VKSND cũng đề nghị Bộ Giao thông và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tiến theo quy định của pháp luật.

Khoảng 14h30 ông Tiến bước ra khỏi cổng trụ sở Viện tối cao với khuôn mặt khá bình thản. Bắt tay một số phóng viên chờ bên ngoài, nhưng ông lịch sự từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Một số người thân đã mang hoa đón ông ngay tại cổng.

Vụ án liên quan ông Tiến bắt nguồn từ khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an phá ổ bạc với sự góp mặt của Bùi Quang Hưng (Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội) và hơn 20 cán bộ Công an thành phố, ngày 13/12/2005 tại Bách Thảo. Khám nhà, cảnh sát bất ngờ thu nhiều tài liệu liên quan cán bộ của PMU 18, đặt biệt là Tổng Giám đốc Bùi Tiến Dũng.

Điều tra về những sai phạm trong quản lý kinh tế tại PMU 18, đầu năm 2006, ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, người tiền nhiệm của Bùi Tiến Dũng, bị triệu tập.

Vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được khởi tố với 9 bị can gồm: ông Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và một số trưởng, phó phòng của PMU 18.

Cơ quan điều tra cho rằng, với cương vị Tổng Giám đốc PMU 18 (1994-1998), ông Tiến đã điều 4 xe từ nguồn vốn của ODA sang một số đơn vị trong ngành giao thông sử dụng, trong đó xe Toyota Crown do Bộ trưởng Bùi Danh Lưu sử dụng, chiếc Toyota Landcruise cho thứ trưởng Lê Ngọc Hoàn.

Cảnh sát nghi ngờ, việc điều chuyển các xe này nhằm trốn thuế. Tuy nhiên, Viện kiểm sát chứng minh việc điều chuyển là có ý kiến của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Hơn nữa, Bộ là chủ đầu tư dự án, cho nên việc điều chuyển là trong nội bộ nhằm phục vụ các hoạt động của bộ cũng như hoạt động của ngành, không có hậu quả và thiệt hại.

VKS khẳng định, không thể lấy chuyện khấu hao tài sản làm giá trị thiệt hại để cấu thành tội hình sự với ông Tiến và quyết định đình chỉ điều tra tội danh này.

ong-tien-o-cong-vks1-609518-1368809044_5

Trong vòng vây của các nhà báo. Ảnh: Thanh Hùng.

Về tội danh thứ hai, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo cơ quan điều tra, ông Tiến đã bút phê vào tờ trình của UBND xã Vân An, Chí Linh, Hải Dương giúp xã này nhận được tổng cộng 257 triệu đồng hỗ trợ việc di chuyển chợ Trại Sen. Cơ quan điều tra nghi ngờ việc hỗ trợ này của ông Tiến có liên quan đến việc mua đất rừng của con rể tại khu vực này.

Tuy nhiên, xác minh của Bộ Tài chính cho thấy, việc ông Tiến cấp 257 triệu đồng cho xã Vân An là đúng trình tự, thẩm quyền, tiền sử dụng đúng mục đích,

Từ đó, VKSND Tối cao đã bác bỏ nghi vấn của cơ quan điều tra và cho rằng không có căn cứ để khẳng định việc hỗ trợ 257 triệu cho xã Vân An của ông Tiến liên quan đến việc mua đất rừng của người con rể.

Viện quyết định đình chỉ điều tra tội lợi dụng chức vụ quyền hạn đối với ông Tiến.

Về tội danh thứ ba, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Viện kiểm sát nhận định, trong quá trình chỉ đạo thực hiện các dự án nguồn vốn ODA, ông Tiến đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, thiếu kiểm tra đôn đốc dẫn đến nhiều sai phạm ở PMU 18. Theo cơ quan điều tra, ông Tiến phải bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên, căn cứ các yếu tố khách quan và thời điểm xảy ra vụ án, Viện cho rằng, sai phạm chính thuộc về lãnh đạo ban quản lý PMU18. Việc quản lý khai thác vốn ODA là lĩnh vực kinh tế liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều dự án thực hiện đan xen nhau, lượng vốn lớn, thực hiện trong nhiều giai đoạn.

Quá trình điều tra không chứng minh được ông Tiến có hành vi tham ô. Bản thân ông Tiến với cương vị thứ trưởng có nhiều đóng góp trong việc khai thác các nguồn vốn ODA. Từ lập luận này VKS miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Tiến.

Như vậy, sau gần 2 năm bị khởi tố, 18 tháng bị tạm giam, với quyết định này của VKSND Tối cao, ông Tiến chính thức được coi như "trắng án".

Đánh giá về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, Viện phó VKSND Tối cao Hoàng Nghĩa Mai nói với VnExpress, VKS có trách nhiệm trong việc phê chuẩn các quyết định khởi tố, bắt giam đã thực hiện với ông Tiến. "Thời gian tới, VKS sẽ xem xét, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này", ông Mai nói.

Cùng với ông Nguyễn Việt Tiến, ngày 28/3, VKSND Tối cao cũng ký quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với 2 bị can trong vụ tiêu cực tại PMU 18 là Nguyễn Hữu Vĩnh (nguyên trưởng phòng PID 6 của PMU 18) và ông Nguyễn Ngọc Mỡi (bố của bị can Nguyễn Thanh Sơn là cán bộ PID 6).

Cơ quan điều tra cho rằng trong ê-kíp lập khống chứng từ thuê nhà, thanh toán lương... tại PMU 18, ông Vĩnh đã chiếm đoạt 3,2 triệu đồng; ông Mỡi 225 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, hai người đã tự giác nộp tiền để khắc phục hậu quả. Thậm chí, ông Vĩnh còn nộp gấp hơn 30 lần số tiền bị quy kết chiếm đoạt.

Như vậy trong vụ án tham nhũng tại PMU 18, hiện chỉ còn 6 bị can gồm: Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng (nguyên trưởng phòng kinh tế - kế hoạch), Vũ Mạnh Tiên (phó chánh văn phòng) cùng các đồng nghiệp Lê Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Thu Hạnh.

Hoàng Khuê

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa » Nguyễn Việt Tiến Pmu18