Phạm Trù Trung - Hiếu Trong Triết Lý Phương Đông Và Tư Tưởng Hồ Chí ...

  • Trang chủ
  • C. Mác; Ph. Ăngghen; V. I. Lênin; Hồ Chí Minh
  • Lãnh đạo Đảng, Nhà nước
  • Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương
  • Các Ban Đảng Trung ương
  • Các Đảng bộ trực thuộc Trung ương
  • Tư liệuvăn kiện Đảng
  • Hệ thống văn bản
  • Hồ sơ - Sự kiện Nhân chứng
Chủ Nhật, 24/11/2024 Hồ Chí Minh
  • Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp
  • |
  • Tác phẩm
  • |
  • Nghiên cứu, học tập tư tưởng
  • |
  • Tư liệu ảnh, hình ảnh, âm thanh
Thứ Hai, 12/10/2015 9:14'(GMT+7) Phạm trù trung - hiếu trong triết lý phương Đông và tư tưởng hồ Chí Minh với vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng hiện nay

Hoàng Trung TS, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

"Trung" là khái niệm chính trị - đạo đức, xuất hiện trong các tác phẩm kinh điển của Nho giáo và thường được dùng để chỉ hành động hết lòng với vua, mà theo đó, khái niệm "trung quân" (trung với vua) xuất hiện. Khi quyền lợi của ông vua ấy thống nhất với quyền lợi của dân tộc thì "trung" đó cũng đồng thời là trung với nước. Trong mối quan hệ quân - thần (vua - tôi), Khổng Tử đã nhận thấy ở đó mỗi bên đều phải có trách nhiệm với nhau, đều phải có cách đối xử cần thiết, và cách đối xử của bên này là điều kiện để bên kia có cách đối xử tương ứng. Khổng Tử nói : "Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung" (Nhà vua sai khiến bề tôi thì dùng lễ, bề tôi phụng sự nhà vua thì giữ đạo trung). Xuất phát từ thực tiễn Trung Quốc, Khổng Tử cho rằng nguyên nhân dẫn đến loạn lạc trong thời Xuân Thu là do vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi và do vậy đưa đến tình trạng giành địa vị của nhau, vương hầu lấn át quyền "thiên tử". Khổng Tử không chủ trương "ngu trung", không bắt buộc bề tôi phải phục tùng bề trên một cách vô điều kiện như quan niệm về chữ "trung" của các nhà Nho sau này. Mạnh Tử và Tuân Tử cũng đều cho rằng, trung không phải là tuyệt đối, khi vua không ra vua thì thần dân không nhất thiết phải trung. Đến chế độ phong kiến trung ương tập quyền thì nội dung của "trung" đã có khác. Khi đó, nhà vua và triều thần đều cần người bề tôi tuyệt đối phục tùng vua, trung thành với vua vô điều kiện. Trong lịch sử xã hội phong kiến phương Đông đã có biết bao người chết cho sự nghiệp của một ông vua. Việc làm đó do tư tưởng trên chi phối, đồng thời nó cũng làm cho tư tưởng trên mang ý nghĩa hiện thực và được củng cố. Ơở Việt Nam, quan niệm về "trung" không hoàn toàn như thế. Khi một triều đại đang lên thì trung gắn liền với lòng yêu nước, với lợi ích của dân tộc. Trong thời kỳ dựng nước, quan hệ vua tôi là quan hệ quân thần ; họ cùng chung một lý tưởng yêu nước, chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu cho lòng trung thành với người lãnh đạo. Chẳng hạn, vì sự nghiệp chung mà Lê Lai đã chết thay Lê Lợi ; Dã Tượng, Yết Kiêu đã liều chết để bảo vệ Trần Hưng Đạo... Nhưng khi triều đại ấy đã suy đồi, vua chúa trở thành kẻ phản động, bán nước như Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, Nguyễn Aánh cầu cứu thực dân Pháp, triều đình có những kẻ ngu quân thì nhân dân ta lại quyết tâm vùng dậy chống lại chế độ phong kiến, lật đổ vua này lập vua khác, như thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn. Truyền thống của người Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói, là "Trung với nước, hiếu với dân". Tư tưởng chủ đạo của người Việt Nam là yêu nước. Bởi trong quan niệm của họ, vua đến rồi lại đi, triều đại dựng lên rồi lại đổ, chỉ đất nước của muôn dân là còn mãi. Do vậy, lời dạy "Trung với nước, hiếu với dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào tâm trí mỗi người chúng ta một cách tự nhiên. "Hiếu" cũng là một phạm trù đạo đức - chính trị quan trọng trong lịch sử tư tưởng phương Đông. Song, trước tiên, nó hình thành trong gia đình, ở mối quan hệ con cháu đối với ông bà cha mẹ, nêu lên nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Dưới chế độ mẫu hệ hay chế độ thị tộc phụ hệ, người ta chưa biết đến hiếu. Khái niệm hiếu chỉ xuất hiện dưới chế độ chủ nô, khi người ta đã có ý thức về dòng giống. "Hiếu" trong quan niệm của Nho giáo có nội dung khá phong phú. Trước hết, đó là con cái phải phụng dưỡng bố mẹ khi già và tế tự họ khi mất. Khổng Tử nói : "Sống thì phải phụng dưỡng thân thể, chết thì an táng theo lễ" (Luận Ngữ). Đánh giá học thuyết Nho giáo về chữ "hiếu", Tôn Trung Sơn cho rằng : "So với các dân tộc khác, quan niệm về hiếu của dân tộc ta đã tiến bộ hơn họ rất xa... Bởi vậy, chỉ nói đối với vấn đề hiếu, mặc dù là những nước vǎn minh nhất trên thế giới ngày nay, không có một quốc gia nào mà người dân của họ có được một khái niệm hoàn toàn giống như đồng bào ta. Như vậy vấn đề hiếu càng không thể không cần và càng phải bảo tồn" (1). Theo dòng chảy của thời gian, Trung và Hiếu đã thâm nhập vào nước ta và đã trở thành một trong những chuẩn giá trị của các triều đại phong kiến. Bác Hồ tiếp nhận trung - hiếu ở một tầm nhận thức mới. Bác đã gọt bỏ nội dung cũ của Nho giáo là trung với vua và đưa vào đó nội dung mới : Trung là trung với nước. Ơở Người, chữ hiếu không còn bó hẹp trong phạm vi trọn đạo làm con đối với ông bà cha mẹ mình, mà hiếu còn là hiếu thảo với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ ; không chỉ thương yêu ông bà cha mẹ mình, mà còn phải thương yêu ông bà cha mẹ người (2). Người khẳng định : "Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình chí hiếu nhất. Vì sao ? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò". Người cách mạng "không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa" (3). Chính với ý nghĩa rộng lớn ấy, "hiếu thảo" vẫn gắn liền với "hiếu trung", như trong bức điện gửi họ Nguyễn Sinh sau khi nghe tin anh ruột qua đời, Hồ Chí Minh đã viết : "Một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước" (4). Khi xác định nội dung trung, hiếu cho mỗi đối tượng, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt nội dung ấy trong sự phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Đối với lực lượng vũ trang, khi xác định bản chất đạo đức cách mạng của quân đội ta - quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, anh dũng trong kháng chiến và cũng anh dũng trong hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ : "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khǎn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng ... Cán bộ và chiến sỹ thương yêu nhau như ruột thịt, chia sẻ ngọt bùi. Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau" (5). Ngày 26-5-1946, lần đầu tiên, Người đưa ra khẩu hiệu sáu chữ vàng "Trung với nước, hiếu với dân" và ghi trên lá cờ trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (trường đào tạo sĩ quan quân đội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) nhân dịp khai giảng khóa I. Đối với cán bộ cao cấp trong quân đội, Người dạy : "Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả : trí, tín, nhân, dũng, liêm) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn... Biết sức ta, biết sức địch thì trǎm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì 1 thắng 1 bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua" (6). Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải : "trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung ... Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng" (7). Sáu chuẩn mực đạo đức đó, theo Người, mọi cán bộ quân sự đều phải có. Mỗi chuẩn mực ấy có nội dung riêng, nhưng tất cả đều liên hệ với nhau, trong đó chữ trung là nền tảng. "Trung với nước, hiếu với dân" đã tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, giúp quân đội ta vượt qua mọi khó khǎn và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đối với công an nhân dân, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ bản chất của công an nhân dân : "Công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc" (8). Để làm rõ bản chất của người công an nhân dân, Người phân biệt công an ta với công an đế quốc : "Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp, áp bức đa số nhân dân... chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa... Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân". Và Người khẳng định : "Làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ, có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ". Muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, công an nhân dân "phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ bị thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn" (9). Người yêu cầu công an phải nắm vững đường lối, thấu suốt chính sách của Đảng và Chính phủ, tuyệt đối trung thành với Đảng. Hồ Chí Minh còn nêu lên sáu điều đạo đức, tư cách mà người công an cách mạng cần phải có và phải giữ cho đúng. Đó là : "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép Đối với công việc, phải tận tụy Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo" (10). Đối với thanh niên, Bác Hồ yêu cầu "Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng... Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp" (11). Trong thư gửi thanh niên ngày 2-9-1965, Người cǎn dặn thanh niên : "Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước, hiếu với dân" nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khǎn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ, hy sinh, hǎng hái thi đua tǎng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước" (12). Đối với các thầy, cô giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cǎn dặn : "Thầy và trò phải luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho... Dù khó khǎn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt" (13). Đối với Đảng, Hồ Chí Minh cho rằng, để xứng đáng là người lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ và nǎng lực để làm tròn nhiệm vụ. Một trong những lời dạy quan trọng mà Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhất là từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, đó là : "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Lãnh đạo nhân dân và làm người đầy tớ trung thành của nhân dân có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trên cơ sở thống nhất để thực hiện được đường lối, nhiệm vụ của Đảng. Lãnh đạo tốt mới làm người đầy tớ tốt. Bởi lẽ, có lãnh đạo tốt mới làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Nhiệm vụ làm người đầy tớ trung thành của nhân dân thể hiện trước hết ở chính ngay trong nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng. Đó là mục tiêu phấn đấu của Đảng, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, như Hồ Chí Minh đã từng nói : "Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ". Cho nên, Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như phát triển kinh tế, xây dựng nền vǎn hóa tiên tiến, đồng thời lại phải luôn quan tâm đến đời sống hằng ngày của nhân dân. Để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Đảng phải vạch ra đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn, đem lại lợi ích cho nhân dân. Mọi tổ chức Đảng, lãnh đạo các cấp phải luôn quan tâm đến đời sống vật chất và vǎn hóa của nhân dân, từ những việc nhỏ đến việc lớn, phải luôn ghi nhớ lời cǎn dặn của Người : "Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét thì Đảng và Chính phủ có lỗi ; nếu dân dốt thì Đảng và chính phủ có lỗi" (14). Trong Di chúc, Người còn cǎn dặn Đảng ta "cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân". Thấm nhuần lời dạy của Người, trong giai đoạn cách mạng mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mỗi đảng viên và cán bộ thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Kinh nghiệm lịch sử của hằng nghìn nǎm dựng nước và giữ nước, cũng như kinh nghiệm đấu tranh giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc trong thời hiện đại đã khẳng định rằng đạo đức là một trong những nhân tố hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Để dựng nước và giữ nước trong điều kiện đất không rộng, người không đông, lại phải nhiều phen đấu tranh để lật đổ ách thống trị, có khi kéo dài cả ngàn nǎm, cũng như để đánh bại các cuộc xâm lược vũ trang, các âm mưu thôn tính, nô dịch của những kẻ thù lớn mạnh, giàu có hơn mình gấp bội, dân tộc ta phải thường xuyên phát huy đến tối đa các yếu tố tinh thần, chuyển hóa chúng thành sức mạnh vật chất để chiến thắng. Đạo đức là một trong các yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh tinh thần của dân tộc ta. Cốt lõi của đạo đức truyền thống là lòng trung thành với Tổ quốc và dân tộc. Trong thời phong kiến, trung với nước thống nhất với trung với vua, tuy nhiên trung với vua là có điều kiện, điều kiện ấy là phải trung với nước. Tư tưởng đạo đức truyền thống của dân tộc ta đặt nước cao hơn vua, xoay quanh phạm trù "trung" với nội hàm như vậy và một loạt phạm trù khác thuộc hệ tư tưởng phong kiến. Các phạm trù đạo đức ấy được xác lập trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước gắn bó chặt chẽ với lòng thương dân và lòng nhân ái truyền thống qua các cuộc đấu tranh, thành vǎn hay không thành vǎn, bác bỏ các quan điểm tư tưởng phản đạo đức của bọn xâm lược và của bè lũ bán nước. Ngày nay chúng ta cần phải kế thừa những tinh hoa tư tưởng đạo đức truyền thống của dân tộc đồng thời hòa quyện với tư tưởng đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là nguồn sức mạnh tinh thần vĩ đại cho nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong hơn mười lǎm nǎm đổi mới, đường lối của Đảng đã đi vào cuộc sống, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, đất nước đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Đảng được nâng cao. Tuy nhiên, những mặt trái của kinh tế thị trường cũng tạo ra cơ hội cho những hiện tượng tiêu cực nảy sinh. Đó là nạn tham nhũng, buôn lậu bất chấp đạo lý và pháp luật để làm giàu bất chính. Sự biến chất của một số cán bộ, đảng viên đang làm giảm sút uy tín của Đảng, của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Kinh tế thị trường kích thích chủ nghĩa cá nhân phát triển, không ít người vì lợi, quên nghĩa, coi đồng tiền là trên hết. Chủ nghĩa cá nhân thời kinh tế thị trường nối tiếp những biểu hiện xấu xa của chủ nghĩa cá nhân thời bao cấp cũ, gây nên tác hại to lớn và nghiêm trọng, nhất là nạn tham nhũng. Tham nhũng và tệ quan liêu đã trở thành một trong bốn nguy cơ của đất nước, là môi trường tốt cho các thế lực thù địch thực hiện "âm mưu diễn biến hòa bình". Ngày nay, trên đất nước ta vẫn còn diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu ; giữa cái thiện vài cái ác ; giữa cái hợp pháp và cái phạm pháp ; giữa lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, thủy chung với lối sống thực dụng, dối trá ích kỷ, ǎn bám, chạy theo đồng tiền... Trong cuộc đấu tranh đó, đòi hỏi phải có đạo đức cách mạng mới thắng được. Mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, của công cuộc đổi mới mà Đảng ta đề ra là "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, vǎn minh". Mục tiêu đó nằm trong lý tưởng cách mạng, lý tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, trong khẩu hiệu : "Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" mà Người đã nêu lên, trong niềm tin của Người là thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Trước đây, trong thời kỳ cả nước làm cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giải phóng đất nước, cán bộ đảng viên và nhân dân ta phải thực hiện đạo đức cách mạng Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính ... thì ngày nay vẫn cần, thậm chí càng phải thực hiện đạo đức cách mạng đó. Bởi lẽ ngày nay, kẻ thù của nhân dân ta đang tìm mọi cách để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, biến nước ta thành một nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa bằng cách thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" rất tinh vi và nguy hiểm. Hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên lại càng phải "Trung với nước, hiếu với dân", "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"..., ra sức thực hiện "chống tham ô, chống lãng phí, chống quan liêu". Chúng ta phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người "chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng" cho tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

(1) Dẫn theo, Vũ Khiêu (chủ biên) : Nho giáo và gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr 97 (2) Xem Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 5, tr 640 (3) Hồ Chí Minh : Sđd, t 7, tr 60 (4) Hồ Chí Minh : Sđd, t 6, tr 114 (5) Hồ Chí Minh : Sđd, t 11, tr 350 (6) Hồ Chí Minh : Sđd, t 3, tr 519 (7) Hồ Chí Minh : Sđd, t 5, tr 479 - 480 (8) Hồ Chí Minh : Sđd, t 5, tr 406 (9) Hồ Chí Minh : Sđd, t 6, tr 365 - 366 (10) Hồ Chí Minh : Sđd, t 5, tr 406 - 407 (11) Hồ Chí Minh : Sđd, t 10, tr 621 (12) Hồ Chí Minh : Sđd, t 11, tr 504 - 505 (13) Hồ Chí Minh : Sđd, t 12, tr 403 (14) Hồ Chí Minh : Sđd, t 7, tr 572

  • Tweet
Tags:

Phản hồi

Ý kiến của bạn:(Không quá 1000 ký tự) Còn lại: 1000 ký tự

Thông tin người gửi phản hồi

  • Họ và tên*
  • Email*
  • Mã bảo vệ*

Các tin khác

  • Tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)
Chủ trương, chính sách mới

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tư liệu văn kiện Đảng
  • Lịch sử Đảng
  • Đảng kỳ
  • Điều lệ Đảng
  • Sách chính trị
  • Văn kiện Đảng toàn tập
  • Giới thiệu văn kiện Đảng
  • Văn kiện Đại hội Đảng
  • Hội nghị BCH Trung ương
Hồ sơ - Sự kiện - Nhân chứng
  • Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế
  • Các nước, vùng lãnh thổ Các nước, vùng lãnh thổ
  • Tổ chức quốc tế Tổ chức quốc tế
  • Luật quốc tế Luật quốc tế
  • Sự kiện và nhân chứng Sự kiện và nhân chứng
Liên kết website Liên kết website Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trang tin điện tử Hồ Chí Minh Báo Nhân dân Tạp chí Cộng sản Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật CƠ QUAN CHỦ QUẢN: BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG. © 2018 Bản quyền thuộc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Địa chỉ: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội Điện thoại: 08 048161 / 08 048160 / 08 048458 - Fax: 08 044175 Email: dangcongsan@cpv.org.vn Giấy phép số: 373/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Thiết kế bởi Acomm Chịu trách nhiệm nội dung: Tổng Biên tập: Nguyễn Công Dũng Phó Tổng Biên tập Thường trực: Đỗ Thị Thu Hiên Phó Tổng Biên tập: Phạm Đức Thái Ủy viên Ban Biên tập: Vũ Diệu Thu; Lương Thị Thanh Hoa; Nguyễn Thị Mai Phương

Từ khóa » Trong Chế độ Phong Kiến Trung Có Nghĩa Là Gì