Phân Biệt: Thiên Kiến, định Kiến Và Thành Kiến - Phan Phuong Dat

Khái niệm chung là thiên kiến (bias). Thiên kiến là xu hướng đưa ra quyết định hoặc diễn giải sự việc nghiêng về một bên nào đó, do bạn có sẵn thế giới quan, niềm tin, và vô thức chỉ chọn lọc những thông tin đầu vào phù hợp. Những niềm tin này không chính xác, không được khẳng định qua thực tế (fact), hoặc có nhưng không đầy đủ. Đây là hiện tượng tâm lý phổ quát cho tất cả mọi người. Thiên kiến được chia thành nhiều loại khác nhau.

Trong các loại bias thì có bias liên quan đến con người, được phân loại như sau:

  • Prejudice (định kiến): là thiên kiến về cảm xúc (emotional bias). Khi nhìn thấy hay nghe về một ai đó hay cái gì đó, bạn có ngay những cảm xúc được định trước. Thông thường là các cảm xúc tiêu cực.
  • Stereotype (khuôn mẫu): là thiên kiến về nhận thức (cognitive bias). Vì nhận thức thiên lệch nên người ta có định kiến về cảm xúc.
  • Discrimination (phân biệt đối xử): là thiên kiến về hành vi (bihavioral bias). Khi đã có định kiến, người ta sẽ có hành động tương ứng (ví dụ có hành động khinh bỉ)

Thành kiến thì sao? Trong tiếng Việt, định kiến và thành kiến hay được sử dụng tương đương, nhưng thực tế chúng có sự khác biệt:

  • Định kiến: là những quan điểm của cộng đồng nơi bạn sinh sống, có trước khi bạn sinh ra và bạn thừa hưởng trong quá trình sống và học ở đó. Vì vậy nên có cụm từ “định kiến xã hội” – chúng có sẵn trong xã hội.
  • Thành kiến: là những quan điểm do bạn tự xây dựng cho mình, chứ không có sẵn trong cộng đồng. Ví dụ bạn va chạm với một đồng nghiệp, có ấn tượng tiêu cực với anh ta, và sau đó có thành kiến với anh ta, rằng đây là một kẻ xấu tính, ích kỷ. Tiếng Anh từ prejudice cũng được dịch là thành kiến, tuy nhiên từ preconception có lẽ chính xác hơn. Và có thêm cụm từ sau cũng phù hợp: premature cognitive commitment (PCC).

Nói thêm về PCC. Trong cuốn Mindfulness, GS Ellen Langer đưa ra ví dụ về PCC như sau: một đứa trẻ sống với người ông sẽ hình thành cái nhìn về người già nói chung, và lưu giữ quan niệm đó mãi. Đến khi đứa trẻ trở nên già, thì cái hình ảnh đó sẽ ảnh hưởng ngược lại với chúng. Ví dụ, đứa trẻ ở với ông lúc 2 tuổi thì ghi nhớ hình ảnh người già tráng kiện, “to lớn”, còn đứa trẻ ở với ông lúc 13 tuổi thì ghi nhớ hình ảnh người già lụ khụ, bé nhỏ. Đến khi già đi, nhóm thứ nhất có lối sống tích cực hơn, nhìn nhận tuổi già lạc quan hơn.

Ghi chú: các khái niệm này không có ranh giới rạch ròi, và các định nghĩa còn cần được cải tiến, hoàn thiện thêm.

Tham khảo: Thang Allport về Định kiến và Phân biệt đối xử.

Share this:

  • Tweet

Like this:

Like Loading...

Từ khóa » Ví Dụ Về Thiên Kiến Sẵn Có