Phân Tích Bài Thơ Nhàn Của Nguyễn Bỉnh Khiêm Hay Nhất - Jobpro

Bài thơ Nhàn của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bài thơ rất hay về quan niệm sống nhàn tản, ung dung của một bậc ẩn sĩ thanh cao. Bài thơ thể hiện một nhân sinh quan lành mạnh, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi nơi chốn “xôn xao”. Hãy cùng nhau phân tích tác phẩm Nhàn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để thấy rõ một vẻ đẹp thật bình dị, thảnh thơi của nhà thơ.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Đồng Chí

1.Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1.1 Mở bài.

*Giới thiệu đôi nét về tác giả và tác phẩm.

– Giới thiệu về tác giả :Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) quê ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1535 (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) và làm quan dưới triều nhà Mạc.

+Là một con người sống gần trọn một thế kỷ đầy biến động, đảo điên của chế độ phong kiến Việt Nam Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh- Nguyễn phân tranh.

+Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn nhất Việt Nam thế kỉ XVI với những sáng tác ghi dấu mốc lớn trên con đường phát triển lịch sử văn học. Bạch vân quốc ngữ thi tập là tập thơ Nôm nổi tiếng của ông.

– Giới thiệu bài thơ Nhàn: (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, nội dung): Nhàn là bài thơ Nôm số 73 trong tập Bạch vân quốc ngữ thi tập. Bài thơ ra đời khi tác giả cáo quan về ở ẩn, nói về cuộc sống nhàn cư, thảnh thơi nơi thôn dã và triết lý nhân sinh cao đẹp của tác giả.

1.2. Thân bài.

* Hai câu đề: Hoàn cảnh sống nhàn nhã, ung dung của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

– Hình ảnh : mai, cuốc, cần câu: Là những dụng cụ lao động hằng ngày không thể thiếu của người nông dân chốn thôn quê Đồng Bằng Bắc Bộ.

– Phép điệp từ “một”: Một mai, một cuốc, một cần câu nhằm thể hiện sự gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của thi nhân.

– Nhịp thơ 2-2-3 diễn tả phong thái thong thả, ung dung của nhà thơ.

→ Câu thơ mở ra một không gian nơi chốn thôn quê yên ả với những vật dụng lao động gắn với công việc nặng nhọc, vất vả, lam lũ của một lão canh điền Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng thi nhân vẫn rất vui vẻ và tự hào về thú vui giản đơn ấy.

Câu thơ: Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

– Trạng thái “thơ thẩn”: trạng thái ung dung, tự tại, không hề vướng bận một chuyện gì của tác giả.

→ Tâm trạng thoải mái và vô cùng hào hứng vui vẻ trong quá trình thực hiện những công việc thường ngày, coi chúng như là một lẽ thường tình.

– Cụm từ “dầu ai vui thú nào”: diễn tả thật sâu sắc tâm tình của nhà thơ, thể hiện phong thái hoàn toàn thoát tục , không còn bị cuốn hút bởi tiền tài và danh vọng.

Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

⇒ Hai câu thơ mở đầu đã vẽ nên một không gian sống thật thanh tịnh của bậc nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm ở nơi quê nhà. Nơi đây Ông đã hoàn toàn cởi bỏ hoàn toàn những ham muốn về danh vọng, tiền tài để hóa thân thành một người nông dân nghèo với nhịp sống lao động thường nhật có phần lam lũ, mệt nhọc nhưng giữ được tâm hồn được thư thái,lạc quan.

⇒ Tâm thế ung dung, tự tại, triết lí sống nhàn của ẩn sĩ “nhàn tâm”.

* Hai câu thực: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao.

– Phép đối : ta – người, dại – khôn: Nhấn mạnh thái độ sống mang tính triết lý sâu sắc , thâm trầm của nhà thơ. Thực chất người khôn mà dại; ta dại mà khôn, đây là một cách nói ngược nhằm chê bai, xem thường lối sống tham vọng quyền lợi, danh tiếng của bọn tham quan.

– Nghệ thuật ẩn dụ:

+ “Nơi vắng vẻ”: đây chính là nơi chốn bình yên nhất, thanh tịnh nhất bởi không có những thị phi, sự tranh quyền đoạt lợi của các giai cấp. Đây cũng chính là quê hương Ông, nơi thi nhân lựa chọn để sinh sống sau khi cáo quan ở ẩn.

+ “Chốn lao xao”: là tượng trưng cho chốn huyên náo đầy thị phi, lừa lọc và tàn nhẫn; nơi chỉ có những trò gian xảo để tranh giành quyền lực. Ở lâu sẽ không giữ được thiên lương trong sáng mà sẽ bị tiền tài, danh vọng làm cho nhem nhuốc.

– Cách nói ngược: Ta dại – người khôn:

+Nghĩa đen: nghe rất hợp lý và đúng đắn, bởi vì ở chốn ấy Người được làm quan để cống hiến trí lực cho Triều Đình, hưởng vinh hoa phú quý một đời người và lưu tiếng thơm cho hậu thế. Còn ở thôn quê dân dã thì cuộc sống vất vả, lam lũ, nghèo hèn.

+ Nghĩa bóng: đây là một cách nói ngược quen thuộc trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi vì “dại” thực chất là khôn bởi khi sống ở nơi quê mùa giản dị con người mới được sống là chính mình, sống an nhiên, thanh thản, không cần phải nhìn sắc mặt hay sống lừa lọc. Còn khôn trong triết lí sống của Ông thực chất là dại bởi chốn quan trường thật sự hiểm ác, nơi khiến con người không được sống là chính mình, luôn phải thấp thỏm lo âu để tính toán thiệt hơn cho số phận của mình.

⇒ Câu thơ thể hiện một triết lý sống, phong cách sống thật đáng ngưỡng mộ của một bậc Đại Nho, tư tưởng “lánh đục về trong” để hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, sống được là chính mình của nhà thơ Nguyễn bỉnh Khiêm.

*Hai câu luận: Bức tranh bốn mùa về cuộc sống thanh tao của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

– Sự xuất hiện hình ảnh bốn mùa trong năm: Xuân, hạ, thu, đông.

– Cuộc sống thật giản dị với những hoạt động ăn uống, sinh hoạt thật đời thường của Ông.

+ Việc ăn uống: ăn măng trúc vào mùa thu, mùa đông ăn giá.

=> Măng trúc, giá là những món ăn thôn quê thật dân giã, thanh đạm. Tác giả đã trở về với cuộc sống đời thường”tự cung tự cấp” của người nông dân nghèo.

– Chuyện sinh hoạt: Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

– Thói quen sinh hoạt tự nhiên, thoải mái. Cảm giác nơi đâu cũng có thể thả hồn mình một cách thoải mái, sống thảnh thơi và vui vẻ không cần luồn cúi, cầu lụy một kẻ nào.

– Nghệ thuật: điệp cấu trúc câu và cách ngắt nhịp 4/3 nhịp nhàng.

→ Gợi sự nhịp nhàng và phong thái thong thả, yêu đời của nhà thơ.

⇒ Hai câu thơ đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống bốn mùa vô cùng tươi đẹp và đầy màu sắc bình dị, thanh mát bởi trong đó có cảnh đẹp hồ sen, và cả cảnh sinh hoạt thật sinh động của cuộc sống con người nơi vùng quê dân dã.

⇒ Hai câu thơ còn toát lên tâm thế yêu đời và rất lạc quan về một cuộc sống rất đỗi đạm bạc, giản dị mà vẫn thanh cao, tự do thoải mái của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

*Hai câu kết: Thể hiện triết lí sống nhàn của nhà thơ.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

– Nghệ thuật: tác giả sử dụng điển tích giấc mộng đêm hòe: Coi phú quý tựa như một giấc chiêm bao.

→ Thể hiện một nhân cách sống, một trí tuệ khác thường vì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng suốt nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa chiêm bao. Nhà thơ khuyên mọi người nên xem nhẹ vinh hoa, phú quý bởi nó chỉ là phù phiếm.

– Động từ “nhìn xem”: thể hiện sự thức tỉnh của Ông, tư thế làm chủ hiên ngang của cuộc đời mình.

⇒ Hai câu thơ thể hiện quan niệm sống Nhàn: Biết từ bỏ những thứ xa xỉ như vinh hoa , lợi danh bởi vì đó chỉ như một giấc chiêm bao mà thôi. Người ta chỉ mãi mãi chạy theo nó mà quên đi nhân cách, phẩm giá và đạo đức của một con người. Vì vậy nên nhớ rằng chỉ có vẻ đẹp về nhân cách, tâm hồn mới là vẻ đẹp đáng trân trọng và lưu giữ mãi về sau.

⇒ Thể hiện vẻ đẹp nhân cách đạo đức của một bậc Nho sĩ đại tài Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ông đã cởi mũ quan để về chốn thanh tịnh sống phần đời của chính mình, để giữ lại một nhân cách đáng trân quý. Quan điểm coi khinh danh lợi, xem đó là phù phiếm, hão huyền.

*Đặc sắc nghệ thuật.

  • Ngôn ngữ thơ trong sáng, dễ hiểu.
  • Cách kể, tả tự nhiên, gần gũi.
  • Các biện pháp tu từ: Liệt kê, điệp, đối lập, điển tích điển cố.
  • Nhịp thơ chậm, nhẹ nhàng, hóm hỉnh.

1.3. Kết bài:

– Tổng kết về nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhàn.

-Nêu cảm nhận của mình về bài thơ, triết lý sống cao đẹp mà trong sáng của thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2. Bài văn phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nhất.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là một người có học vấn uyên bác, từng đỗ Trạng Nguyên năm 1535 và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Nhưng do sống và phụng sự trong một thời kỳ lịch sử đầy sóng gió và đảo điên của chế độ phong kiến Việt Nam Lê-Mạc xưng hùng, Trịnh- Nguyễn phân tranh nên Ông đã cáo quan về quê ở ẩn và tận hưởng cuộc sống thanh nhàn cho đến cuối đời. Tập thơ Bạch vân quốc ngữ thi tập mà trong đó có bài thơ Nhàn của tác giả cũng ra đời vào hoàn cảnh đó. Bài thơ Nhàn là một tác phẩm nổi tiếng thể hiện quan niệm sống thanh tao của một bậc đại Nho xem thường danh lợi, phú quý, xem chúng là một giấc mộng xa hoa, phù phiếm , không xứng đáng để một con người trong sáng theo đuổi.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu cho người đọc về hoàn cảnh sống thư thái và êm ả nơi làng quê Đồng bằng Bắc Bộ thật yên bình với những hoạt động quen thuộc:

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Câu thơ hiện lên với những hình ảnh về các vật dụng vô cùng quen thuộc của người nông dân nơi làng quê: cái mai, cái cuốc để đào đất trồng cây, cần câu đê câu cá- một thú vui cực kì tao nhã của con người lúc rảnh rỗi. Nhà thơ thật tinh tế khi sử dụng số từ “ một” kết hợp với tên các dụng lao động quen thuộc để diễn tả một tư thế sẵn sàng lao động và sự gắn bó gần gũi của những vật dụng ấy với đời sống của người nông dân thiện lành. Phong thái ung dung của nhà thơ còn được thể hiện thật rõ nét qua cách ngắt nhịp 2/2/3 của câu thơ.

Chỉ bằng vài nét chấm phá mở đầu của bài thơ, đã mở ra một không gian nơi chốn thôn quê thật thanh bình với những vật dụng lao động gắn liền với công việc nặng nhọc, vất vả và lam lũ của một lão canh điền Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quan Trạng Nguyên đang áo mũ xênh xang, chức lớn, bổng lộc nhiều, ấy vậy mà bỗng dưng rũ bỏ tất cả để trở về với đời sống “tự cung tự cấp” thì âu cũng đã là một cái “ngông” trước thói đời hám danh, hám lợi. Nhưng cho dù đối diện với một nhịp sống mới mẻ, thi nhân vẫn rất vui vẻ và tự hào về những thú vui giản đơn mà đầy tao nhã ấy.

phân tích bài thơ Nhàn
phân tích bài thơ Nhàn

Câu thơ thứ hai với từ “ thơ thẩn” được đặt ở đầu câu thể hiện phong cách ung dung và tâm trạng thảnh thơi của con người khi tâm tĩnh tại không vướng bận chuyện trần thế. Hơn thế nữa cụm từ “dầu ai vui thú nào” cũng thể hiện tâm thế vô cùng ngạo nghễ và quyết đoán khi lựa chọn cho mình một con đường riêng. Một chốn ở thật yên bình, thanh tịnh: là một nơi không có tham lam sân si, cũng có những toan tính lợi danh, khiến Ông cảm thấy thật đúng đắn và thoải mái.

Hai câu đề đã vẽ nên một không gian sống nơi làng quê Đồng Bằng Bắc Bộ thật yên bình, dân dã của bậc ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi đây, không còn quyền uy của một bậc quan Trạng, cũng không còn sự khúm núm, e sợ của một kẻ thuộc hạ. Tất cả đã được cởi bỏ hoàn toàn, cả những ham muốn về danh vọng và tiền tài để chỉ còn đây là một lão nông Nguyễn Bỉnh Khiêm, với nhịp sống và lao động thường nhật như những người nông dân hiền lành, chất phác nhưng vô cùng lạc quan, vui tươi nơi làng quê.

Hai câu thực thể hiện một quan niệm sống, triết lí sống vô cùng mới mẻ: trở về với thiên nhiên để sống hòa hợp với thiên nhiên. Cũng có nghĩa là đã thoát khỏi vòng tranh đua của thói tục, không còn bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị; để tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Sự tài hoa của thi nhân được thể hiện qua việc sử dụng phép đối thật độc đáo: ta- người, dại- khôn nhằm nhấn mạnh thái độ sống mang tính triết lý sâu sắc, thâm trầm của thi nhân. Thực chất đây là một cách nói ngược để diễn tả sự coi thường lợi danh, nhằm chê bai lối sống tham vọng quyền lợi, tiền tài của bọn tham quan ô lại.

Chính bản thân nhà thơ đã nhiều lần khẳng định nghĩa dại – khôn bằng cách nói ngược này. Bởi những người tham vọng thường lấy lẽ dại- khôn để tính toán, tranh giành hơn thua, cho nên thực chất cách nói này để thể hiện những dục vọng thấp hèn của con người. Nơi vắng vẻ thực chất là một nơi yên ả với cuộc sống tươi mát hòa hợp với thiên nhiên hiền hòa, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn con người.

Còn chốn lao xao chính là nơi với những thế lực cường quyền luôn dương oai để đua nhau tranh chấp quyền lực, đầy xa hoa phù phiếm. Nơi ấy khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn phải e dè, sống lo sợ và thấp thỏm bởi lo cho sự an nguy của bản thân và gia đình.

Qua đó cũng thể hiện một sự đùa vui hóm hỉnh: dại mà thực chất là khôn, còn khôn mà hóa dại trong lối suy nghĩ độc đáo của nhà thơ. Trong một bài thơ Nôm khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại,

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.

Qua câu thơ trên, người đọc càng hiểu rõ hơn về triết lí sống và một phong cách sống thật đáng ngưỡng mộ của một bậc Đại Nho với tư tưởng “lánh đục về trong”, hướng tới cuộc sống an nhàn, hạnh phúc, sống được là chính mình của thi nhân.

Cuộc sống của bậc đại nhân ở am Bạch Vân đạm bạc mà thanh cao khiến ai nấy đề xuýt xoa:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Bức tranh thiên nhiên bốn mùa về cuộc sống thanh tao, gắn bó hòa hợp với thiên nhiên của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà hiện lên thật đáng ngưỡng mộ. Câu thơ hiện lên với hình ảnh của bốn mùa Xuân,Hạ, Thu, Đông và bức tranh về đời sống sinh hoạt vô cùng giản dị của nhà thơ.

Vốn là một vị quan Trạng đang ăn sung mặc sướng, hưởng bổng lộc của Triều đình thì giờ đây lại phải lao động, ăn uống “tự cung tự cấp” và sinh hoạt thật dân dã như những lão nông bình thường: ăn những thức ăn quê mùa, dân dã như măng trúc, giá đều là cây nhà lá vườn, do mình tự làm ra, là công sức của chính mình. Ăn đã vậy, còn ở, còn sinh hoạt? Một Ông Trạng nức tiếng giờ đây cũng tắm hồ sen, tắm ao chum như bao người dân quê khác.

Dù chỉ là những thói quen sinh hoạt hay cách ăn uống vô cùng giản dị nhưng lại gợi lên một cảm giác thật thoải mái, tâm hồn khoáng đạt của nhà thơ bởi lối sống thảnh thơi được thả hồn vào mọi thứ xung quanh, mà không cần luồn cúi, e sợ một kẻ nào. Nhờ nghệ thuật đối và cách ngắt nhịp 4/3 đã giúp gợi lên một phong thái nhịp nhàng, thong thả và yêu đời của thi nhân.

Hai câu thực đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống bốn mùa đầy màu sắc tươi đẹp nhưng thật tươi mát và bình dị bởi trong đó có cảnh đẹp hồ sen và cả cảnh sinh hoạt của con người được tác giả tái hiện thật sống động ở am Bạch Vân. Đâu đó cũng toát lên một tâm thế yêu đời và rất lạc quan về một cuộc sống rất đỗi đạm bạc, giản dị mà vẫn thanh cao, tự do của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhãn quan nhạy bén và cái nhìn sáng suốt của nhà thơ đã được thể hiện tập trung nhất ở hai câu thơ cuối. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm đến cái “say” là để “tỉnh” và ông đã tỉnh táo hơn bao giờ hết:

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Đến đây tác giả sử dụng điển tích giấc mộng đêm hòe:Coi phú quý tựa như một giấc chiêm bao để khẳng định một lần nữa sự lựa chọn lối sống “nhàn” của mình. Hai câu thơ đã thể hiện một nhân cách sống, một trí tuệ khác thường bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng suốt nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa như một giấc mộng chiêm bao, không bao giờ với tới được. Động từ “nhìn xem” đã thể hiện sự thức tỉnh một cách đúng lúc của thi nhân trong tư thế làm chủ hiên ngang của cuộc đời mình.

Hai câu thơ kết đã truyền đạt thật trọn vẹn ý nghĩa của quan niệm sống Nhàn đó là: biết từ bỏ những thứ xa xỉ như vinh hoa , lợi danh bởi vì đó chỉ như một giấc chiêm bao mà thôi. Ông khuyên con người đừng nên học theo thói xấu đó, và nên nhớ rằng chỉ có vẻ đẹp về nhân cách, tâm hồn trong sạch mới là vẻ đẹp đáng trân trọng và lưu giữ mãi về sau. Qua đó cũng toát lên vẻ đẹp nhân cách đạo đức của một bậc Nho sĩ đại tài Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ông đã cởi mũ quan để về chốn thanh tịnh sống phần đời của chính mình, để giữ lại một nhân cách đáng trân quý. Quan điểm coi khinh danh lợi, xem đó là phù phiếm, hão huyền.

Bài thơ “Nhàn” chỉ với 8 câu thơ Đường luật với kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa, đã khắc họa cho người đọc về một lí tưởng sống hiền tuệ, triết lý sống đầy tính nhân văn : vinh hoa phú quý chỉ như một giấc mộng phù du mà những con người hám lợi danh luôn chạy theo nhưng không bao giờ với tới nên Ông chọn cách rời xa chốn hư danh phàm tục đó để giữ cho thiên lương trong sạch mới là bậc đại trí, đại tài. Thông qua tác phẩm, chúng ta cũng thấy rõ về một tâm hồn yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, một cốt cách cao đẹp xứng đáng làm một tấm gương sáng cho bao thế hệ mai sau.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Tỏ Lòng

Từ khóa » Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm Trong Bài Nhàn