Phân Tích Bài Thơ Nhàn ( Nguyễn Bỉnh Khiêm ) - Soạn Bài Online

Lượt xem ( 2024): 31

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

  Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) quê ở làng Trung Am, nay thuộc xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo. Năm 1535, ông đỗ Trạng nguyên, làm quan dưới triều Mạc. Trong khi làm quan ông đã dâng tấu sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám tên lộng thần, nhưng vua không nghe. Bất mãn chuyện quan trường ông cáo quan về quê ở ẩn, lấy hiệu Bạch Vân Cư Sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn của dân tộc, ông để lại tập thơ Bạch Vân am thi tập và tập thơ Bạch Vân quốc thi tập. Thơ ông mang triết lí, giáo huấn, ngợi ca thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội thời bấy giờ. Bài thơ Nhàn được trích trong tập thơ Bạch Vân quốc thi tập, bài thơ thể hiện quan niệm sống và vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm với nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa trữ tình và triết lí.

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

   Qua hai câu thơ đầu, có thể thấy được một khung cảnh dân dã, bình dị của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ông sống ẩn dật ở quê nhà. Biện pháp tu từ điệp từ “một” kết hợp với các danh từ mai, cuốc, cần câu càng gợi lên rõ hình ảnh của một lão nông tri điền, cùng với cuộc sống thuần hậu, đơn sơ của tác giả. Với thân phận từng là một người giữ chức quan lớn được cung cấp đầy đủ về vật chất nhưng ông lại rũ bỏ hết những phú quý, giàu sang phù phiếm đó và tìm thấy được niềm vui trong công việc lao động, cuộc sống yên ả nơi quê nhà.

    Từ láy thơ thẩn ở đây có nghĩa là cuộc sống thảnh thơi, gợi liên tưởng cho người đọc đến tâm trạng nhàn nhã, thanh bình, ung dung, tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi chọn lựa cuộc sống giản dị, chân chất nơi thôn dã. Trong lòng ông bây giờ chỉ có yên bình không còn là cuộc sống bon chen, tránh xa những lòng tham sân si. Ngoài kia dẫu ai còn đang vui thú với vinh hoa phú quý thì ông vẫn mặc kệ, ông ung dung mà tận hưởng sự thanh nhàn trong cuộc sống của ông. Ông sống như một người nông dân, tự đào giếng tìm nước uống, từ cày ruộng lấy cơm ăn. Hai câu thơ trên đã làm rạng lên vẻ đẹp trong cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một con người không màng danh lợi và hưởng thụ cuộc sống yên bình.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chỗ lao xao

    Hai câu thơ trên cho ta thấy tác giả tự cho rằng bản thân dại khi tìm đến nơi vắng vẻ, nơi có cuộc sống thanh bình, tự tại. Còn người khôn lại đến chốn lao xao, nơi có cuộc sống quyền quý, kẻ hầu người hạ nhưng lại bon chen hãm hại nhau. Với những hình ảnh đối lập từ câu thơ trên “dại – khôn” “vắng vẻ – lao xao”, gợi cho người đọc hai khung cảnh hoàn toàn tách biệt, đối lập với nhau. Nơi vắng vẻ là nơi có cuộc sống thanh bình yên ả, thư giãn về tâm hồn; chốn lao xao là chốn quang trường bon chen, đầy cạm bẫy, dối trá, lộc lừa. Nguyễn Bỉnh Khiêm thà chấp nhận bản thân “dại” mà tìm đến nơi vắng vẻ chứ ông không “khôn” mà ở lại chốn lao xao. Với triết lí khôn mà dại, dại mà khôn, hai câu thơ đã giúp ta thấy rõ được lối sống thanh cao của tác giả, ông đứng ở một chỗ cao hơn, đối lập với những con người đang mù quáng trong danh vọng, tiền bạc. Cách nói ngược hóm hỉnh pha chút mỉa mai, đồng thời thể hiện triết lí sống của tác giả. Ở một bài thơ khác, ông đã từng nói “Khôn mà hiểm độc là khôn dại, dại vốn hiền lành ấy là dại khôn”. Đó cũng chính là cách mà Nguyễn Bỉnh Khiêm định nghĩa “dại và khôn”. Bởi vì người đời vẫn lấy lẽ dại – khôn để tính toán, tranh giành tiền tài vật chất, cho nên thực chất dại – khôn là thói thực dạng ích kỉ làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

    Câu thơ đã vẽ ra một bức tranh từ bình, thể hiện cuộc sống bình dị, đạm bạc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một cuộc sống tự cung tự cấp: thu ăn măng trúc, đông ăn giá, xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao, mùa nào thức ăn ấy mỗi mùa đều chứa một đặc điểm thú vị riêng của nó. Hai câu thơ lột tả được vẻ đẹp trong cuộc sống sinh hoạt của tác giả, mỗi một hoạt động đều rất đơn giản, bình dị nhưng không kém phần thú vị nơi thôn dã với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Ông nói về những sinh hoạt hết sức bình thường như việc ăn, tắm với những vật phẩm có sẵn tuy rất đơn sơ nhưng nó lại thú vị ở điểm mùa nào cũng có sẵn, chẳng phải nhọc công tìm kiếm về mặt tinh thần, cuộc sống giản dị như thế cho phép con người ta được tự do, tự tại, không cần phải nịnh hót, cầu cạnh kẻ khác, không cần phải theo đuổi công danh, phú quý, bon chen, không bị gò bó, ràng buộc vào bất cứ khuôn phép nào.

   Những đặc điểm làm rạng lên vẻ đẹp của một cuộc sống nơi thôn dã, từ những thức ăn như măng trúc, giá,… do chính tay tác giả làm ra, một lão “nông tri điền” tự tìm thức ăn cho bản thân dẫu đó chẳng phải là sơn hào mỹ vị nhưng đó cũng là công sức của chính mình. Về chuyện sinh hoạt, một viên quan bây giờ vẫn tắm ao hồ như một người nông dân bình thường. Với những câu thơ tinh tế đã toát lên được vẻ đẹp của khung cảnh bốn mùa, một bức tranh thiên nhiên thanh thoát, nhẹ nhàng. Đó là cuộc sống của một Quan trạng từ bỏ vinh hoa phú quý một cuộc sống dường như chỉ có tác giả và thiên nhiên, mối quan hệ tâm giao hòa hợp nhau.

Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

   Đến khi uống rượu cũng là những hình ảnh thiên nhiên qua hình ảnh “rượu đến gốc cây”. Ông sẽ thưởng thức ly rượu cùng với thiên nhiên, khung cảnh hữu tình, vẽ lên một bức tranh trữ tình. Hình ảnh một nho sĩ già môi uống lấy một cái ngâm trong miệng cái nồng nàn hơi men của rượu, nhấm nháp từng hương vị cay nồng của rượu cùng với khung cảnh xung quanh suy ngẫm về cuộc sống. Ông đã một lần nữa khẳng định sự lựa chọn từ bỏ phú quý chọn lựa cuộc sống yên bình nơi vùng quê của mình qua câu thơ “nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Quan niệm về công danh của ông chính là xem công danh tựa như một giấc chiêm bao.

   Đối với một con người tài hoa, có trí tuệ như ông thì thực sự phú quý không hề là giấc chiêm bao nhưng ông đã nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa chiêm bao khi tỉnh dậy thì mọi thứ sẽ tan biến. Nguyễn Bỉnh Khiêm với lối sống thanh cao, ông chấp nhận từ bỏ cuộc chiến nơi quan trường dẫu bao thứ xa hoa ông có thể có được, ông thà chọn cuộc sống nghèo nơi làng quê còn hơn chọn con đường lộng lẫy nhưng đầy dối trá, ông chọn một cuộc đời đơn sơ với niềm vui lao động của bản thân.

   Qua bài thơ, giúp người đọc thấy được hình ảnh của một Nguyễn Bỉnh Khiêm với lối sống thanh cao của bản thân. Ông lao động, ăn uống, sinh hoạt như bao người nông dân, ông từ bỏ một cuộc sống bao người mơ chọn lấy sự thanh nhàn về quê ở ẩn. Bài thơ mang một triết lí sâu xa, khiến người đời suy ngẫm về định nghĩa “khôn và dại”. Nguyễn Bỉnh Khiêm xem vinh hoa phú quý là khôn trong dại, nơi vùng quê đơn sơ là dại trong khôn, ông dựa vào khái niệm “khôn-dại” mà lựa chọn cho bản thân một cuộc sống đúng đắn. Ông là một tấm gương đáng để ta noi theo, một con người không mù quáng vì xa hoa.

Bài liên quan:

  • Các tác giả tiêu biểu trong phong trào thơ mớiCác tác giả tiêu biểu trong phong trào thơ mới
  • Thuyết minh về một loài hoaThuyết minh về một loài hoa
  • BÀI  DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ THỰC TIỄN – PHẦN 2BÀI DỰ THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ THỰC TIỄN – PHẦN 2
  • Bổ trợ Văn 10: CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG VÀ TU TỪ CÚ PHÁPBổ trợ Văn 10: CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG VÀ TU TỪ CÚ PHÁP
  • Trắc nghiệm Ngữ văn 10 – Bài 18: Bạch đằng giang phúTrắc nghiệm Ngữ văn 10 – Bài 18: Bạch đằng giang phú
  • Trắc nghiệm Ngữ văn 10 – Bài 17: Văn bản thuyết minhTrắc nghiệm Ngữ văn 10 – Bài 17: Văn bản thuyết minh

Từ khóa » Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm Trong Bài Nhàn