Phân Tích Hình Tượng Người ở ẩn Trong Bài Thơ Nhàn

Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ NhànBài văn mẫu lớp 10Nâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhà

  • 1. Dàn ý phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn
  • 2. Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn

Văn mẫu: Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn

1. Mở bài

- Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm (những đặc điểm về con người, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác...)

- Giới thiệu khái quát về bài thơ "Nhàn" (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ...)

- Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: Hình tượng người ở ẩn trong bài thơ "Nhàn".

2. Thân bài

a. Cuộc sống ung dung, tự tại và giản dị

- Biện pháp điệp ngữ "một" được lặp đi lặp lại nhiều lần kết hợp với phép liệt kê "mai", "cuốc", "cần câu" đã gợi lên hình ảnh một người nông dân với tư thế an nhàn.

- Từ láy "thơ thẩn" giàu sức gợi đã lột tả tâm thế thảnh thơi, ung dung, không vướng ưu tư, muộn phiền.

b. Một con người sống trong sạch, tránh xa vòng danh lợi để giữ tâm hồn, nhân cách thanh sạch của mình

- "Nơi vắng vẻ' và "chốn lao xao" là những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng.

+ "Nơi vắng vẻ" là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, bình yên trong tâm hồn

+ "Chốn lao xao" là chốn quan trường - nơi luôn chứa đầy những bon chen, giành giật quyền tước, danh vị.

- Nghệ thuật đối độc đáo và đặc sắc "ta" - "người", "dại" - "khôn", "nơi vắng vẻ" - "chốn lao xao" đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét thái độ của tác giả, đó là sự khẳng định lối sống của chính bản thân mình, "lánh đục tìm trong"

- Một con người sống hòa mình vào thiên nhiên

+ Những món ăn dân dã, đời thường như măng, giá.

+ Những thói quen sinh hoạt rất đỗi giản dị, hòa mình vào thiên nhiên, vạn vật.

c. Một con người với "triết lí nhàn" sâu sắc và giàu ý nghĩa

- Mượn điển tích giấc mộng đêm hòe: Coi phú quý tựa như một giấc chiêm bao, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện sự tự thức tỉnh của bản thân và khuyên mọi người nên coi vinh hoa, phú quý, danh vị chỉ như một giấc chiêm bao, những thứ phù phiếm.

- Triết lí nhàn với ý nghĩa độc đáo, sâu xa

+ Nên tránh xa chốn vinh hoa, phù phiếm xem chúng chỉ như những giấc chiêm bao để giữ cho tâm hồn mình được thanh sạch.

+ Cần sống ung dung, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên, vạn vật.

3. Kết bài

Khái quát về hình tượng người ở ẩn trong bài thơ "Nhàn" và nêu cảm nghĩ của bản thân.

2. Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn

Thời phong kiến, khi công danh đã được hợp về Nhàn (Thuật hứng, bài số 24 – Nguyễn Trãi), hoặc khi bất mãn với chốn quan trường đầy bon chen, danh lợi, nhiều vị quan đã lui về chốn quê, mai danh ẩn tích. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một trong số đó và người ở ẩn trong trong bài thơ Nhàn là sự phản chiếu hình ảnh của chính ông.

Xưa nay, thiên nhiên là người bạn muôn đời của con người. Đặc biệt, với những cư sĩ, thiên nhiên càng gắn bó, thân thiết hơn hết. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Nhàn cũng là một con người yêu thiên nhiên sâu sắc. Tấm lòng đó được thể hiện ở ngay trong những câu thơ đầu tiên:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Chẳng có hình ảnh thiên nhiên nào trong câu thơ trên những người đọc vẫn cảm nhận rất rõ sự gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên của ẩn sĩ. Mai, cuốc, câu kia để làm gì nếu không phải để con người ấy vui vầy với công việc nhà nông: cuốc xới đất, câu cá? Và những công việc ấy lẽ nào không khiến con người gắn mình với thiên nhiên? Cách đếm một… một… một thể hiện tinh thần sẵn sàng nhập cuộc của ẩn sĩ. Ý thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự tương đồng với ý thơ Nguyễn Trãi.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh phát cỏ ương sen.

Những hình ảnh này khiến ta khó có thể nghĩ rằng trước đây họ từng là những vị quan triều đình, chỉ quen với việc triều chính đại sự. Công việc chốn quê mùa khiến họ trở thành những “lão nông tri điền” và chắc chắn điều đó càng tôn thêm vẻ đẹp trong nhân cách Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tình cảm gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên đó đạt đến độ giữa thiên nhiên và con người không còn khoảng cách:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Hai câu thơ là bức tranh tứ quý, có cảnh, có người, mùi vị, hương sắc. Mùa nào con người cũng thảnh thơi thú vui với thiên nhiên, cũng được tận hưởng niềm vui mà thiên nhiên mang lại. Bậc đại ẩn trở về trở về với cuộc sống chất phác, nguyên sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền” hết sức giản dị. Ông ăn những thức ăn quê mùa, dân dã và cũng tắm ao như bao người dân quê khác. Đạm bạc nhưng không khắc khổ. Vì đạm đi với thanh: xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Thiên nhiên đã sẵn nước xanh trong và hương thơm thanh quý để dâng tặng con người. Lời thơ giản dị nhưng lại biểu hiện sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên của tác giả.

Thiên nhiên chốn quê mùa không khiến con người phải mệt mỏi, lo toan nên lúc nào con người cũng được sống trong thư thái. Điều đó khiến tâm hồn con người giản dị, chất phác. Và hơn đâu hết, chính chốn này, nhân cách cao đẹp của con người được lộ diện:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao…

Ẩn sĩ tìm về với thiên nhiên, sống hòa thuận theo thiên nhiên để được thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, để không bị lôi cuốn bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt. Nơi vắng vẻ là nơi không có người cầu cạnh, là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi thảnh thơi của tâm hồn. Chốn lao xao là chốn cửa quyền, ngựa xe tấp nập. Nơi đó cũng chính là nơi đầy rẫy những thủ đoạn bon chen, luồn lọt, sát phạt nhau. Tự ý thức là mình dại, nhưng ẩn sĩ không không có ý định khắc phục cái dại đó mà lại chủ động tìm đến nơi vắng vẻ. Nơi đây, ẩn sĩ không được ai cầu cạnh, cũng chẳng cầu cạnh ai. Nơi đây, ẩn sĩ không được sống trong nhung lụa, vàng son…

Nhưng đổi lại tất cả những thứ đó, ẩn sĩ nhận được sự thư thái của tâm hồn. Đó mới là thứ quý giá nhất, không dễ dàng có được. Cách nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm rõ ràng là cách nói ngược nghĩa, đùa vui. Nó còn cho ta thấy sự tỉnh táo, hay cao hơn là trí tuệ của bậc đại ẩn. Ai dại, ai khôn chắc chắn người đọc có thể trả lời được.

Nhãn quan thời cuộc của ẩn sĩ thật tỉnh táo. Và chính sự tỉnh táo ấy là nguồn gốc, căn nguyên dẫn đến thái độ coi thường danh lợi, phú quý:

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Đứng cao hơn phú quý là tư thế mà con người đã lựa chọn. Sự lựa chọn này không phải dễ dàng. Ít ai trong trần này lại thờ ơ với lợi danh, phú quý. Phải mang trong mình nhân cách rất mực thanh cao, bản lĩnh thực sự cứng cỏi, con người đó mới có thể hành động như thế. Ngay cả với Cao Bá Quát, khi đã nhận thức được sự cám dỗ khủng khiếp của danh lợi và chán ghét nó cực độ, khi đã nhận thức rất rõ sự lạc lõng, cô độc của mình trên con đường (kiếm tìm công danh) mờ mịt, ông vẫn băn khoăn nên đi tiếp theo phường danh lợi hay quay về ở ẩn giữ riêng mình trong sạch giữa cuộc đời ô trọc? Câu hỏi cuối bài Sa hành đoản ca thể hiện rõ điều đó:

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

Tất nhiên, Cao Bá Quát có lí do của riêng ông khi vẫn còn băn khoăn như thế. Nói như vậy để một lần nữa chúng ta thấy rằng vòng danh lợi, phú quý là một thứ bả có sức cám dỗ mãnh liệt đối với những kẻ tầm thường. Nhưng đối với những nhân cách thanh cao, nó lại chỉ là thứ phù du, không đáng bận tâm.

Nhàn là một lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quan niệm sống của nhà thơ và người ở ẩn chính là người thực hiện quan niệm đó một cách triệt để. Có thể nói người ở ẩn là hình tượng nhân vật lí tưởng tuyệt đẹp, là hiện thân của con người, nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu lớp 10: Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 và các tác giả - tác phẩm Ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Soạn văn 10 bài: Nhàn
  • Soạn bài lớp 10: Nhàn
  • Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Từ khóa » Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm Trong Bài Nhàn