Phân Tích đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Thiếu Nhi - TopLoigiai

Câu hỏi: Phân tích đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi 

Lời giải:

Các đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi là :

- Sự hoà giải giữa cảm quan của người lớn và tâm hồn trẻ thơ

- Hồn nhiên, vô tư, trong sáng

- Thơ mộng và lãng mạn

- Ly kỳ, ấn tượng

Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về văn học thiếu nhi nhé!

Mục lục nội dung 1. Khái niệm Văn học thiếu nhi2. Một số đặc điểm cơ bản về Văn học thiếu nhi3. Đặc trưng của văn học cho thiếu nhi từ góc độ tiếp nhận

1. Khái niệm Văn học thiếu nhi

- Cách hiểu văn học thiếu nhi, theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Theo nghĩa hẹp, văn học thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi, như Đôn Ki-hô-tê của M. Xéc-van-tex, Ro-bin-xơn Cơ-ru-xô của Đ.Đi-phô, Gu-li-vơ du kí của Gi.Xuýp-tơ, Túp lều của bác Tôm của H.Bi-sơ – Xtâu...”. Như vậy, thuật ngữ văn học thiếu nhi được nêu ra trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học vẫn chưa đưa ra một khái niệm hay định nghĩa cụ thể về văn học thiếu nhi mà chỉ giới hạn những “loại” tác phẩm được gọi là văn học thiếu nhi, bao gồm cả những tác phẩm không thuộc về văn học mà thuộc về khoa học phổ cập.

- Khái niệm văn học thiếu nhi được nhận diện ở nhiều góc độ: chủ thể sáng tác, nhân vật trung tâm, mục đích sáng tác, đối tượng tiếp nhận… Cụ thể, “Văn học thiếu nhi" bao gồm:

+ Mọi tác phẩm được mọi nhà sáng tạo ra với mục đích giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách cho thiếu nhi. Nhân vật trung tâm của nó là thiếu nhi, và đôi khi cũng là người lớn, hoặc là một cơn gió, một loài vật, một đồ vật, một cái cây… Tác giả của văn học thiếu nhi không chỉ là chính các em mà cũng là các nhà văn thuộc mọi lứa tuổi.

+ Những tác phẩm mà thiếu nhi thích thú tìm đọc. Bởi vì các em đã tìm thấy trong đó cách nghĩ cách cảm cùng những hành động gần gũi với cách nghĩ cách cảm và cách hành động của chính các em, hơn thế, các em còn tìm được ở trong đó một lời nhắc nhở, một sự răn dạy, với những nguồn động viên khích lệ, những sự dẫn dắt ý nhị, bổ ích… trong quá trình hoàn thiện tính cách của mình.

- Như thế, văn học thiếu nhi là người bạn thông minh và mẫn cảm của thiếu nhi”.

- Khái niệm văn học thiếu nhi cụ thể hơn nữa: “Văn học thiếu nhi (children’s litereture) hay văn học dành cho trẻ em là các tác phẩm văn học dành cho độc giả và thính giả đến khoảng mười hai tuổi và thường có tranh minh họa. Thuật ngữ này được dùng với nhiều nghĩa, đôi khi có loại trừ các loại truyện viễn tưởng cho tuổi mới lớn, các sách truyện hài hước hoặc các thể loại khác. (...) Văn học thiếu nhi có thể là những tác phẩm do trẻ em (thiếu nhi) viết, những tác phẩm viết cho trẻ em, những tác phẩm được chọn viết cho trẻ em hoặc những tác phẩm được trẻ em lựa chọn”. “Văn học thiếu nhi không có định nghĩa duy nhất được sử dụng rộng rãi. Nó có thể được định nghĩa rộng là bất cứ điều gì mà trẻ em đọc, hay cụ thể hơn văn học thiếu nhi có thể là tiểu thuyết, phi tiểu thuyết, thơ, hay phim truyền hình dành cho trẻ em và những người trẻ tuổi đọc”.

Phân tích đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi

2. Một số đặc điểm cơ bản về Văn học thiếu nhi

- Thứ nhất, độ tuổi “thiếu nhi” trong khái niệm văn học thiếu nhi: chúng tôi xếp nhóm độ tuổi từ mười sáu trở xuống là nhóm “thiếu nhi”.

- Thứ hai, văn học thiếu nhi là một loại văn học, hơn nữa là một loại văn học đặc biệt. Văn học thiếu nhi dù nhiều hay ít thì vẫn là một phần không thể thiếu của bất kì nền văn học dân tộc nào. Sự đặc biệt của loại văn học này chính là ở đối tượng đã được thể hiện ngay trong nội hàm thuật ngữ: thiếu nhi. Văn học thiếu nhi có lẽ nên được hiểu một cách rộng rãi là những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, cả những tác phẩm văn học do thiếu nhi sáng tạo hoặc những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Được thiếu nhi yêu quý, tìm đọc.

- Thứ ba, tính giáo dục trong văn học thiếu nhi: Với những tác phẩm văn học thiếu nhi sáng tác bởi người lớn thì giáo dục là tiêu chí hàng đầu của một tác phẩm văn học thiếu nhi cũng như để đánh giá một tác phẩm văn học thiếu nhi. Đối với những tác phẩm văn học thiếu nhi viết bởi chính lứa tuổi thiếu nhi thì tính giáo dục chưa được các em ý thức để đưa vào tác phẩm. Tuy nhiên, một tác phẩm văn học thiếu nhi thực thụ phải là tác phẩm mà “trẻ em khen hay, người lớn khen tốt”. Tính giáo dục, vì vậy, được coi là một trong những đặc trưng cơ bản nhất có tính sống còn với văn học thiếu nhi. Văn học thiếu nhi có vai trò to lớn trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em, về cả đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ. Trẻ em luôn mang theo những hình ảnh, ước mơ, những ấn tượng từ những trang sách mà chúng đã đọc vào tương lai. Sự tác động sâu xa, bền vững ấy của tác phẩm văn học vào cuộc đời trẻ em đòi hỏi người cầm bút cho các em phải có ý thức trách nhiệm lớn lao. Chức năng giáo dục, vì thế, càng có ý nghĩa với độc giả nhỏ tuổi, những tác phẩm viết cho thiếu nhi cần có sự tham gia của các nhà văn yêu nghề, mến trẻ. Đó là những người giàu nhiệt huyết, góp phần xây dựng nên bộ phận văn học quan trọng trong nền văn học nói chung. Chủ tịch hội nhà văn nước Cộng hòa Xô Viết liên bang Nga, bí thư lãnh đạo hội nhà văn Liên Xô – nhà văn Xecgay Mikhancop đã viết: “Thật vậy, tương lai của nhân loại tủy thuộc nhiều ở lí tưởng và đạo đức của chúng ta sẽ gieo trồng vào thế hệ đang lên. Khả năng giáo dục to lớn của sách văn học thì ai cũng rõ… Tính giáo dục là nét nổi bật, là yếu tố quan trọng song nếu quá coi trọng điều đó thì e rằng sẽ làm mất đi chất văn học trong tác phẩm, lúc đó sẽ không còn là tác phẩm văn học thiếu nhi nữa mà sẽ trở thành tác phẩm giáo dục dễ gây nhàm chán cho các em khi quá nặng về chức năng.

- Thứ tư, minh họa trong tác phẩm văn học thiếu nhi: trong các tác phẩm văn học thiếu nhi thường có minh họa bằng tranh để thu hút trẻ em hơn, tăng tính sinh động cho tác phẩm. Tiêu biểu như cặp đôi họa sĩ – nhà văn Jean Jacques Semplé và Renné Goscinny với Nhóc Nicolas (Le Petit Nicolas), Đỗ Hoàng Tường – Nguyễn Nhật Ánh trong nhiều tác phẩm. Đặc trưng này xuất phát từ đặc điểm tâm lí và lứa tuổi thiếu nhi. Lứa tuổi thiếu nhi chủ yếu tư duy bằng hình tượng, thường bị hấp dẫn bởi những đường nét, hình khối, màu sắc, vì vậy việc minh họa cho tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ làm tang sức mạnh của nghệ thuật ngôn từ, giúp thiếu nhi đến với câu chữ và lĩnh hội tác phẩm dễ dàng hơn cũng như tác phẩm sẽ để lại ấn tượng sâu đậm hơn trong các em.

- Thứ năm, văn học thiếu nhi thường giàu yếu tố tưởng tượng. Truyện viết cho thiếu nhi không giống truyện viết cho người lớn. Độc giả lứa tuổi này bé nhỏ, mong manh nên cần có những tác phẩm phù hợp với tâm sinh lí các em. Theo Vân Thanh: “Chúng tôi cho rằng văn học thiếu nhi cần nhiều cách điệu, khoa trương, nhiều mơ mộng, tưởng tượng tàn bạo hơn nữa. Không phải những tưởng tượng viển vông tách rời hiện thực, đi sâu vào hiện thực một cách khái quát hơn, bản chất hơn. Dù mơ mộng đến đây, lùi xa về quá khứ hay viễn tưởng đến tương lai thì nơi khởi đầu và chỗ đến cuối cùng của chúng ta vẫn là sự chân thật của ngày hôm nay”.

3. Đặc trưng của văn học cho thiếu nhi từ góc độ tiếp nhận

- Sự hoà giải giữa cảm quan của người lớn và tâm hồn trẻ thơ

+ Văn học cho thiếu nhi có cả hai bộ phận: văn học do người lớn sáng tác và một phần do chính các em sáng tác. Phần do các em sáng tác ít, nhưng lại là phần định hình rõ nhất đặc trưng của văn học cho thiếu nhi. Những gì do trẻ em làm ra không đạt đến độ sâu sắc như người lớn nhưng bao giờ cũng gần gũi với các em hơn. Điều đáng nói là sáng tác của người lớn cho các em thường chủ quan, dễ rơi vào áp đặt hoặc xa rời các em. Sự hoà giải giữa cảm quan của người lớn và tâm hồn trẻ thơ là điều cần thiết nhất để tạo nên chất lượng thẩm mỹ đích thực của văn học cho thiếu nhi.

+ Mọi cửa ngỏ đi vào thế giới nghệ thuật đều bắt đầu từ cái nhìn. Con mắt của nghệ sỹ nếu thiếu tinh tế sẽ đi nhầm sang một thế giới khác phi nghệ thuật. Ranh giới của văn học với đạo đức, chính trị, sử học, sinh học… rõ ràng đấy nhưng cũng rất mong manh. Nhất là văn học cho thiếu nhi, người lớn chúng ta thường xem trẻ thơ là đối tượng cần giáo dục một cách toàn diện, cho nên thường biến văn học thành các hình thái ý thức khác. Đành rằng văn học nào cũng mang những nội dung giáo dục, nhưng trước hết nó phải là sản phẩm của ý thức thẩm mỹ. Trẻ em có nhu cầu thẩm mỹ riêng, không thể lấy cảm quan của người lớn làm thước đo cho chúng. Tất nhiên, sáng tác văn học đích thực không hoàn toàn theo đuôi phía tiếp nhận mà bao giờ cũng đóng vai trò nâng cao tri thức văn hoá thẩm mỹ cho đối tượng tiếp nhận.

+ Sáng tác văn học cho thiếu nhi là hoà giải tất cả những mâu thuẫn trên. Đừng tưởng rằng giữa trẻ em và người lớn chúng ta bao giờ cũng giữ được hoà khí. Ngoài đời sống, con trẻ có thể nhẫn nhục, chịu đựng bỡi những áp lực của chúng ta, nhưng trong tiếp nhận văn học thì không. Xung đột có thể hiện hình trên nét mặt, thái đô của chúng khi đọc tác phẩm. Chúng tỏ ra thích hay không thích, tuân thủ hay bất tuân, trân trọng hay bất kính, tất nhiên là đối với quyển sách hay hình tượng mà chúng đang thưởng thức.Theo kinh nghiệm sống và sáng tác của mình, Võ Quảng nói: “Thường lứa tuổi trên có thể hiểu được lứa tuổi dưới, nhưng lứa tuổi dưới không thể hiểu được lứa tuổi trên”. Cho nên, người viết văn, làm thơ cho các em “phải đủ sự nhạy bén mới có thể phân thân, mới có thể nhập vào đối tượng, mới có thể làm cho sáng tác trở nên chân thật, sinh động và gần gũi với đối tượng” . Cả cuộc đời sáng tác của Võ Quảng là cuộc hoà giải giữa cảm quan của ông với bạn đọc nhỏ tuổi. Người ta thấy trong truyện và thơ của ông luôn có cả hai con ngưỡi: một bác Võ Quảng từng trải, lão thành và một bé Quảng ngày xưa ngây thơ hồn nhiên. Cả hai cùng chơi một trò chơi trên sân chơi nghệ thuật. Ông già Quảng biết đứng ra tổ chức những câu chuyện hóm hỉnh, hài hước mà nghiêm trang, trẻ con nghe một cách thú vị, vui vẻ hồn nhiên mà kính trọng. Trước Cách mạng, Tô Hoài rất thành công ở Dế Mèn phiêu lưu ký là cũng vì thế. Tác phẩm toàn hướng vào những vấn đề rất nghiêm túc, thậm chí cả những vấn đề lớn lao của thời đại như nhu cầu giải phóng của cái tôi cá nhân, khát vọng được tự do hoà đồng… Tuy nhiên những vấn đề ấy lại ăn nhập rất khớp với khát vọng hồn nhiên, tự nhiên của con trẻ. Trẻ em tìm thấy được chính mình ngay trong lý tưởng của người lớn.

+ Có sự hoà giải giữa cảm quan của người lớn và tâm hồn trẻ thơ, tác phẩm sẽ không dễ dãi, tầm thường, vừa sát thực với nhu cầu của trẻ em, vừa phát huy hết chức năng giáo dục của văn học. Viết văn học cho thiếu nhi, nói như Võ Quảng là tạo ra một cuộc giao lưu, gặp gỡ thật sự giữa người lớn và tâm hồn con trẻ.

- Hồn nhiên, vô tư, trong sáng

+ Đặc điểm này xuất phát từ bản chất ngây ngô, ngộ nghĩnh của trẻ con. Khi chưa bước sang tuổi trưởng thành, con người chưa bị áp lực của miếng cơm, manh áo cũng như những ràng buộc xã hội khác làm tha hoá, đấy là lúc đời sống tinh thần tự nhiên, lành mạnh nhất. Không kéo lùi con người về với tự nhiên như triết học Lão – Trang, nhưng ít ra văn học cho thiếu nhi phải lấy đó làm tiêu chuẩn hàng đầu mới tìm thấy con đường du nhập vào thế giới trẻ em.

+ Dù chúng ta có cố tình nhét vào đầu trẻ em hàng trăm thứ mà người lớn chúng ta có được, thì muôn đời trẻ em vẫn cứ là trẻ em. Hồn nhiên, vô tư, trong sáng là đặc điểm ổn định trong mọi chuyển biến của lứa tuổi, bởi vì đây là lứa tuổi còn say mê chơi đùa, nhu cầu vui chơi giải trí xuyên thấm trong mọi hành vi, hoạt động của chúng. Khi nào mất đi đặc điểm ấy trẻ em không còn là trẻ em nữa. Một tác phẩm văn học bỏ qua đặc điểm này tự nó xa lạ với trẻ em.

 + Nói tính hồn nhiên, vô tư, trong sáng của văn học cho thiếu nhi gần như ta  chạm phải đến khái niệm thanh lọc (carthasis) trong mỹ học của Aristote. Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng mang chiều hướng tích cực, hoá giải nước mắt thành nụ cười, nỗi buồn thành niềm vui, cái dung tục tầm thường thành cái thanh cao. Văn học cho thiếu nhi trong xu hướng hiện đại hoá gần như không từ chối  những gì đời thường nhất với mục đích cho các em tiếp cận dần những phức tạp của cuộc sống tương lai, nhưng không phải vì thế mà bôi lên trang giấy trắng cuộc đời các em phần bụi đời đáng sợ. Không gia đình của H. Malot chẳng hạn. Tác phẩm có bao nhiêu nỗi đời cay cực, có cả những gian dối, lừa lọc của người lớn vì kế sinh nhai nhưng tất cả đều được thanh lọc bởi cái vô tư, trong sáng của một em bé mới vào đời. Dư vị còn lại với các em khi đọc tác phẩm vẫn là ánh sáng của lòng yêu đời, vị tha chiến thắng bóng tối của sự toan tính nhỏ nhen, ích kỉ.  

+ Vui đùa, giải trí là phương tiện quan trọng để trẻ em giữ được bản chất hồn nhiên, vô tư, trong sáng, hơn nữa nó không làm cho các nội dung phức tạp của đời sống quá ngưỡng tiếp nhận của trẻ em. Muốn thế, người sáng tác phải biết pha trò dí dỏm trong cấu trúc hình tượng, tình huống, ngôn ngữ… M. Gorki nói nhiều về chức năng giáo dục của văn học xô viết, nhưng rốt cuộc ông cũng phải thừa nhận vui cười, thú vị là một nét căn bản của văn học cho thiếu nhi. “Về mặt sư phạm mà nói, cái khuynh hướng đó như một phương tiện, như một sự bảo đảm chống đối lại tính chất nguy hiểm làm cho trẻ con khô khan bởi tính nghiêm nghị…”. Văn học cho thiếu nhi chứ không phải là văn học cho người lớn chúng ta, không phải lúc nào nghiêm nghị trẻ em cũng chịu đựng được,và hiểu được vấn đề. Xuân Quỳnh có tứ thơ rất hay cho con của mình: Con yêu mẹ bằng ông trời, bằng Hà Nội, bằng trường học…tất cả những thứ so sánh ấy tưởng cụ thể nhưng với bé đều trở nên mơ hồ, lấy cái nghiêm nghị uốn nắn cảm xúc làm cho cái lớn lao trở thành bé nhỏ. Thế thì phải là “Con yêu mẹ bằng con dế”, ngộ nghĩnh và buồn cười đấy, nhưng cảm xúc ấy lại tự nhiên, hồn nhiên và chân thật hơn. Vui đùa với trẻ em có giá trị hơn tất cả mọi thứ trong tham vọng, dục vọng của người lớn.

- Thơ mộng và lãng mạn

+ Trẻ em nào cũng thơ mộng và lãng mạn. Ngây thơ, ngộ nghĩnh, dễ yêu thương, dễ hờn dỗi, hay mộng mị, buồn vui là thơ mộng. Đôi mắt trẻ thơ là khoảng trời xanh, áng mây trắng đi vào mắt chúng là cả một ảo giác về tương lai. Trăm năm của một đời người, khoảnh khắc tuổi thơ là cõi lãng mạn mênh mông nhất. Phương diện tâm lý này trở thành đặc điểm thẩm mỹ quan trọng của văn học cho thiếu nhi.

+ Đặc điểm này ít được nói đến hay nói một cách sơ sài trong  nghiên cứu văn học cho thiếu nhi. Trong khi đó, lãng mạn và thơ mộng là thiên tính rõ nét nhất của lứa tuổi từ ấu thơ cho đến lúc thành niên. Hiện thực đối với trẻ em là những gì đang có, rất nghèo nàn, chỉ là những gì trẻ nhìn thấy xung quanh góc sân hay khoảng trời, con đường hay mái trường chúng đang học tập. Quan hệ xã hội có khi chỉ là những cấm đoán làm cho chúng thấy luôn bị tù túng. Đó là lý do trẻ em cần một thế giới khác, lãng mạn hơn, thơ mộng hơn, thế giới của những ảo tưởng.

+ Văn học nói chung dù là tác phẩm đi theo chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt nhất cũng phải có một chút lãng mạn, mộng mơ. Bởi đó là niềm tin, khát vọng của con người mà thiếu nó tác phẩm trở thành bản kê khai đơn giản những sự kiện  hàng ngày của đời sống. Quan niệm văn học càng ngày càng gần gũi với đời sống có lẽ thích ứng với người lớn hơn là đối với trẻ em. Cũng như chúng ta càng lớn lên miếng cơm, manh áo và các ràng buộc xã hội khác càng làm cho ta phải bận tâm. Nhưng văn học cho con trẻ chúng ta không thể là một thế giới đóng kín như thế đê chúng những tưởng tương lai của cuộc đời này chỉ có tối tăm. Nhiệm vụ của  một nền văn học lành mạnh là phải dọn đường cho trẻ em thênh thang bước tới tương lai. Chúng phải được nhìn thấy ánh sáng nhiều hơn bóng tối, cái đáng yêu nhiều hơn đáng ghét, cái vui vẻ nhiều hơn những buồn phiền. Khéo như Adecxen, một giọt nước mắt của chú lính chì cũng phải biết giấu đi hay phải thanh lọc bằng một tình yêu trong sáng. Các tác giả dân gian, dù không ý thức rõ điều này, nhưng bằng kinh nghiệm mỹ cảm, gần như những tác phẩm nào được đọc hoặc kể cho trẻ nghe cũng đều thấm đẫm tinh thần lãng mạn, mộng mơ. Cũng có lẽ vì thế mà thời phong kiến Khổng tử chọn Kinh Thi cho trẻ học vỡ lòng. Ông nói“Kinh Thi oán nhi bất nộ”, những lời ca ấy dù có lúc bi ai nhưng không đẩy con người vào thất vọng hay căm thù. Có thể nói, bất cứ một tác phẩm nào, dù có ý thức viết cho trẻ em hay không, nhưng ánh sáng lãng mạn càng tràn ngập trong thế giới nghệ thuật, tác phẩm đó càng dê đến với trẻ em.

+ Khi được làm người lớn, đôi khi chúng ta nhẫn tâm đánh mất quá khứ của mình. Chúng ta giáo dục con trẻ toàn những răn đe, cấm kỵ, điều mà xưa kia, trong chúng ta chẳng mấy ai thích thú. Chúng ta quên rằng, chơi đùa đúng nghĩa tích cực của nó sẽ mang lại bao nhiêu điều bổ ích. Không cần nói đến việc giải toả bao nhiêu căng thẳng của đời sống thường nhật, với trẻ con những khi giải trí như thế là cả một thế giới mới đang mở ra. Chúng có thể tưởng tượng ra cả một lâu đài ngoài xa khơi, nàng tiên dưới đáy biển hay thần tiên ở trên trời… Đó là lý do vì sao trẻ em rất thích huyền thoại, cổ tích hơn là những sự thật trong lịch sử, thích truyện khoa học viễn tưởng hơn là những trang giáo khoa thư với những công thức, định lý, định luật. Chính thế giới hư ảo, lãng mạn và mộng mơ đã chắp đôi cánh tâm hồn cho trẻ thơ đi vào cõi huyền diệu của trời đất. Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em chính là vun đắp cho cả một sự sống tâm hồn  trẻ trung lành mạnh ấy.

+ Viết được những trang văn, trang thơ giàu chất lãng mạn, mộng mơ là giúp cho trẻ em nhìn thấy được chính mình trong tác phẩm. Không thấy được bóng dáng của mình trong tác phẩm, trẻ em đọc văn khác nào lạc vào một thế giới xa lạ mà chúng chưa bao giờ tin đó là sự thật. Sự thật của trẻ em đơn giản là sự thật mà chính chúng muốn giãi bày, khao khát chứ không phải là sự thật như người lớn chúng ta nghĩ.

- Ly kỳ, ấn tượng

+ Đặc điểm này xuất phát từ tính hiếu kỳ, ham hiểu biết và cả những hành vi  thích phiêu lưu mạo hiểm của trẻ em.

+ Trẻ em không giống với chúng ta được đi nhiều biết rộng. Cái thấy và cái biết của chúng thật đơn giản, nghèo nàn và nhàm chán. Chúng cần rất nhiều những cái mới để lấp đầy khoảng trống trong kho trí tuệ của mình. Tâm lý học xác nhận rằng, nhu cầu nhận thức của trẻ em phát triển mạnh ngay từ những năm đầu cấp tiểu học. Tuy nhiên, đừng nên hiểu rằng, bất cứ thứ gì cũng có thể nhồi nhét vào đầu trẻ em. Chúng không có trạng thái bão hoà hay bội thực như người lớn chúng ta, mà phải nói một cách chính xác, chúng có một bộ lọc, hay phản xạ tự nhiên rất tinh. Thường những kiến thức chúng không thích sẽ khó ăn nhập trong bộ nhớ, hoặc bị đào thải nhanh chóng, hoặc bị rối loạn tư duy, hoặc trở thành cái máy của những hành vi bắt chước. Ta tưởng tượng ông thầy đồ ngày xưa tay sách, tay thước vừa đọc vừa đe doạ trẻ em phải thuộc lòng từng câu văn mà người lớn xem là kinh điển. Hiển nhiên bây giờ cũng còn một số nhà giáo dạy trẻ theo kiểu ấy. Hậu quả, trẻ em sợ hãi với cây thước kia thì ít mà sợ tri thức thì nhiều. Chúng vẫn phải làm theo người lớn dạy bảo, nhưng toàn bộ óc khám phá, sáng tạo bị giết chết dần mòn.

+ Cứ xem trẻ em đọc sách hay xem phim, ai cũng dễ thấy rằng đứa trẻ nào cũng đam mê những cái ly kỳ, ấn tượng. Chúng có thể xem mãi, xem nhiều lần không thấy chán. Và nữa, chúng có thể tự cảm và hiểu mà không cần ai giảng giải. Tính chất dễ kích động là nguyên nhân căn bản của loại sở thích trên. Tất nhiên có hai loại kích động: kích động tiêu cực và kích động tích cực. Kích động tiêu cực như bạo lực, tình dục…chẳng hạn. Điều này rất cần sự can thiệp của người lớn. Nhưng kích động tích cực lại là điều cần phải phát huy. Bởi lẽ, nhờ những kích động mà cơ chế của cảm giác, cảm xúc lẫn trí tuệ của trẻ em hoạt động một cách mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố như phép thuật, thần tiên, quỷ quái…nói chung là những yếu tố hoang đường, kỳ dị, nghịch dị đều dễ dàng kích động các em, khắc sâu trong các em những ám ảnh, những biểu tượng, thần tượng.

+ Yếu tố ly kỳ, ấn tượng không phải bao giờ cũng đồng nhất với cái gọi là hoang đường. Nó không chỉ là đối tượng được miêu tả bằng tưởng tượng mà là vấn đề thủ pháp đặc biệt phải có trong sáng tạo văn học. Theo V. Shklovski, “nghệ thuật như là thủ pháp”, trong đó những yếu tố kỳ dị, nghịch lý, phi lý…được xem là “thủ pháp lạ hoá của văn học”. Gọi là hoang đường, nhưng bản chất của những yếu tố ấy lại thực hơn cả sự thực, bởi vì đó là sự thực của cái nhìn, sự thực của tư tưởng, sự thực của tâm hồn. Tính chất lạ hoá của văn học biến cái đời thường, tầm thường trở thành phi thường, cái nhỏ bé trở thành lớn lao, cái vô tri vô giác trở nên có hồn, cái đơn giản , vô nghĩa trở thành có nghĩa. Phải là con khỉ Tôn Ngộ Không, con lợn Trư Bát Giới,… câu chuyện Tây du ký mới đạt đến cái phi thường trong tư tưởng, cái sâu sắc trong cảm xúc và những ý vị nhân sinh gần gũi nhất trong sự sống của loài người chúng ta. Nếu không có những cái phi lý đến bất ngờ trong Donkihote, cái kỳ dị trong Giulivơ du ký, những câu chuyện ấy không thể tự nhiên đến với trẻ em và không thể mang lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng con trẻ. Thế giới con vật trong truyện đồng thoại cũng thế. Tất nhiên không phải cứ có loài vật trong truyện là trẻ em thích như nhiều người nhầm tưởng. Phải là những con vật lạ, nếu không là những con vật kỳ dị, thì cũng phải được nhân cách hoá, hư ảo hoá để trẻ em cảm thấy không bị thừa sau khi phải nhồi nhét quá nhiều những kiến thức sinh học hàng ngày.

+ Khi nói về nghệ thuật sử thi, giải thích vì sao trẻ em thích, M. Gorki nói: “Bản chất của trẻ em đặc biệt là ham thích những cái gì chói lọi phi thường”. Thiên tính ấy thể hiện rất rõ tinh thần hướng thiện và cao cả của trẻ em. Đừng sợ quá nhiều những yếu tố ly kỳ sẽ làm cho trẻ em nghi ngờ những chân lý khoa học, hay sợ hãi cái thế giới phức tạp của chúng ta. Ngược lại, chính những nhân tố ấy lại có khả năng kích thích trí tưởng tượng của trẻ thơ, đưa trẻ thơ du hành vào những thế giới mới mẻ giàu ý nghĩa hơn những cái đời thường tẻ nhạt.

Từ khóa » Các đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Thiếu Nhi