Phân Tích, đánh Giá Tác động Của Biến đổi Khí Hậu đến Các định ...

1. Tác động của sự gia tăng nhiệt độ:

Dựa trên các biểu hiện về tác động của sự gia tăng nhiệt độ tại thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây có thể nhận định một số tác động rõ rệt của sự gia tăng nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng trong tương lai đó là:

- Nguy cơ nắng nóng nhiều hơn và tăng diện tích đất đai bị khô cằn. Sự khô cạn tăng lên trong mùa khô có thể làm giảm (10÷30)% năng suất cây trồng do thiếu nước, giảm đất canh tác nông nghiệp, mất đất nuôi trồng thủy sản;

- Thay đổi chu kỳ sinh khí hậu, dẫn đến nhiều mưa hơn nhưng lượng bốc hơi cũng lớn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng hệ thống nước mặt và nước ngầm;

- Thay đổi về nhiệt độ nước và cấu trúc nhiệt của các vùng nước ngọt tác động đến sự tồn tại và phát triển của một số loài sinh vật và khả năng phát triển của hệ sinh thái;

- Tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thông qua sự thay đổi tính chất các lớp chất trầm tích, chất dinh dưỡng, sự phân hủy carbon hữu cơ do nhiệt độ tăng;

- Tăng nguy cơ thiếu nước, thiếu điện, làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, làm tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm,…

2. Tác động của sự thay đổi lượng mưa:

- Phân bố lượng mưa thay đổi sẽ ảnh hưởng đến lượng nước có thể thu giữ được. Cường độ mưa nhìn chung đang tăng, điều này dẫn đến tăng dòng chảy mặt và gây ra lũ lớn, tuy nhiên lại làm giảm khả năng thẩm thấu của nước vào trong đất, làm giảm tài nguyên nước, ảnh hưởng đến sự phân bố của nước mặt và nước ngầm;

- Thay đổi lượng mưa làm thay đổi độ ẩm trên mặt đất, thay đổi tình trạng bức xạ, ảnh hưởng đến các loài thực vật;

- Lượng chất dinh dưỡng trong đất bị mất cao hơn trong suốt các đợt mưa kéo dài do tình trạng xói mòn và ngập úng;

- Nguy cơ hạn hán trong mùa khô và ngập lụt trong mùa mưa bão sẽ diễn ra trầm trọng hơn.

3. Tác động do thiên tai, lụt bão:

Bão có khả năng xuất hiện sớm, trái mùa, diễn biến bất thường hơn, tần suất xuất hiện các cơn bão lớn sẽ tăng lên đáng kể. Là thành phố ven biển với bờ biển dài 70km, trên 3% lao động trong ngành ngư nghiệp, Đà Nẵng có nguy cơ gánh chịu các tác động do bão như chết người, đổ nhà cửa, mất/hư hỏng tài sản, tàu bè đánh cá; hư hỏng đường xá, công trình giao thông, thông tin liên lạc,… Các khu vực ven sông, ven biển thường xuyên chịu tác động của bão, đặc biệt là quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn.

Tương tự như bão, lũ lụt cũng là một dạng thiên tai rất phổ biến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian tới, tình trạng lũ lụt càng trầm trọng hơn, bao gồm lũ quét, xói lở và ngập lụt dần dần. Bên cạnh đó, sự dâng lên của mực nước biển toàn cầu nói chung và khu vực biển Đông nói riêng cũng dẫn đến tình trạng ngập lụt, mất đất trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng.

4. Tác động do nước biển dâng:

Được bao bọc bởi bờ biển dài hơn 70km, thành phố Đà Nẵng đã, đang và sẽ hứng chịu tất cả các hậu quả do mực nước biển gia tăng. Những tác động như các vấn đề mất đất, tình trạng ngập lụt ngày càng tăng đối với các khu vực đất thấp, tăng tốc độ xói mòn dọc theo bờ biển, làm tăng độ mặn tại các cửa sông và nguồn nước ngầm và mặc khác làm giảm chất lượng nước, làm suy thoái hệ sinh thái ven biển.

Hiện nay toàn bộ vùng ven biển chủ yếu khai thác phục vụ cho du lịch và dịch vụ thương mại, nguy cơ tàn phá khu vực này khi nước biển dâng là rất lớn nếu không có biện pháp tích cực về quản lý hiệu quả vùng bờ.

Nước biển dâng kết hợp với thiên tai bão lũ cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng: hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước,…

Hiện tượng sạc lở đất và xói mòn tại lưu vực sông có độ dốc cao cũng như tại các cửa sông cũng là một tác động cần lưu ý của hiện tượng nước biển dâng kết hợp với mưa lớn và lũ quét. Sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều đoạn dọc các tuyến sông chính gồm cửa sông Hàn và sông Cu Đê. Các cửa sông này đang bị thu hẹp và nông hóa rất nhanh. Ngập lụt là nguyên nhân gây nên việc xói mòn bờ sông. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên dọc bờ các con sông lớn không có đê bảo vệ.

Nhiễm mặn vùng bờ cũng là một tác động nghiêm trọng khác của sự gia tăng mực nước biển. Nước biển dâng làm cho lưỡi mặn ăn sâu vào đất liền, tác động trực tiếp đến hệ thống sông ngòi và nước ngầm của thành phố, nguy cơ thiếu nước ngọt sẽ rất trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu, giải pháp quy hoạch hướng đến giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể:

- Phát triển kinh tế: Phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên như du lịch, giáo dục, …. chuyển đổi công nghiệp sạch sang công nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao;

- Phát triển không gian: Xây dựng mạng lưới không gian xanh và không gian mở, bao gồm: rừng, các hệ sinh thái, các hồ chứa nước, bãi biển,…; thúc đẩy xây dựng đô thị nén về giao thông công cộng; Sử dụng đất có hiệu quả với không gian mở phù hợp; xây dựng thành phố môi trường.

- Phát triển giao thông: Nâng cao quản lý giao thông, đảm bảo cung cấp giao thông an toàn và giảm ách tắt giao thông; phát triển giao thông công cộng, tăng cường sử dụng xe đạp và đi bộ bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng.

- Phát triển hạ tầng và tiện ích đô thị: Nâng cấp mạng lưới cung cấp dịch vụ như cấp nước, cấp điện, viễn thông, thoát nước, quản lý chất thải rắn. Tăng cường các biện pháp quản lý tổng hợp vùng bờ, bảo đảm an ninh nguồn nước.

- Phát triển xã hội: Nâng cao ý thức người dân về môi trường; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ khóa » Những Biểu Hiện Biến đổi Khí Hậu Tại Việt Nam