Phân Tích SWOT Cho Các Doanh Nghiệp May Xuất Khẩu Việt Nam

Mục lục

Phân tích SWOT cho các doanh nghiệp may xuất khẩu Việt Nam

Điểm mạnh

– Ngành may xuất khẩu Việt Nam có một số lợi thế để phát triển bao gồm: là ngành truyền thống lâu đời, là ngành ưu tiên phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, giá nhân công rẻ, Việt Nam ở vị trí giao thương thuận lợi đối với các nước trên thế giới do có bờ biển dài và hệ thống cảng, có điều kiện phát triển công nghệ phụ trợ như trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải,…

– Nội lực cạnh tranh của các doanh nghiệp may mặc dù còn chưa hoàn thiện nhưng bước đầu đã có những thành tựu đáng kể trong thời gian qua. Cụ thể, giá nhân công ngành may rẻ so với nhiều nước trên thế giới, trong đó một lực lượng không nhỏ công nhân lành nghề có khả năng sản xuất được những sản phẩm phức tạp, yêu cầu cao; tố chất người lao động tốt bởi tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ; khả năng khai thác máy móc thiết bị tốt nên dù thiết bị ở mức độ công nghệ trung bình vẫn có thể sản xuất được những sản phẩm phù hợp với yêu cầu cao của khách hàng, …

– Chi phí sản xuất thấp do sự ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong việc áp thuế 0% cho những mặt hàng tạm nhập tái xuất. Các doanh nghiệp may xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô nếu những nguyên liệu này được tái xuất dưới dạng thành phẩm trong vòng từ 90 đến 120 ngày.

– Khả năng phản ứng linh hoạt đối với việc đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất có qui mô nhỏ nên đáp ứng tốt các đơn hàng qui mô nhỏ lẻ có tính chuyên môn đặc biệt.

– Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trên thị trường hàng may quốc tế. Cụ thể là vị trí của Việt Nam trong bản đồ ngành dệt may thế giới như sau: năm 2007, Việt Nam đứng thứ 16, năm 2008, đứng thứ 10, năm 2009, đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Hàng may của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Số lượng khách hàng tìm đến để may gia công và đặt đơn hàng xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều hơn. Mặc dù nhãn hiệu là của khách hàng nhưng dòng chữ “Made in Vietnam” trên các sản phẩm đã trở thành quen thuộc và dần trở thành tin cậy đối với khách hàng quốc tế.

Điểm yếu

– Nội lực cạnh tranh của các doanh nghiệp may xuất khẩu Việt Nam mặc dù trong những năm qua đã cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn yếu: thiếu nhân công có trình độ cao, năng suất lao động thấp, tiềm lực vốn thấp, công nghệ lạc hậu, công tác tổ chức sản xuất lạc hậu, … Trong khi hàng may xuất khẩu lại là mặt hàng liên tục thay đổi mẫu mã.

– Thương hiệu yếu, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế kém, không tiếp cận trực tiếp nhà bán lẻ mà phải thông qua các nhà xuất nhập khẩu, thậm chí là các nhà môi giới xuất nhập khẩu.

– Công tác thiết kế thời trang trong các doanh nghiệp may xuất khẩu còn hạn chế, thiếu đội ngũ thiết kế thời trang được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm. Rất ít các doanh nghiệp có khả năng bán sản phẩm với thương hiệu của mình mà chủ yếu là sử dụng thương hiệu của khách hàng.

– Hạn chế về khả năng tự chủ nguyên phụ liệu trong sản xuất, hầu hết những nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu đẩy các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam vào thế bị động trong kinh doanh.

– Liên kết dọc theo chiều hoàn thiện sản phẩm may mặc và liên kết giữa các doanh nghiệp may xuất khẩu nhằm tạo ra sức mạnh chưa chặt chẽ và chưa hiệu quả.

Cơ hội

– Việt Nam nằm trong khu vực phát triển ngành dệt may trên thế giới, do vậy thừa hưởng những lợi thế về mặt địa lý. Như đã đề cập trong phần trước về hiệu ứng “đàn sếu” của ngành dệt may. Hiện tại, ngành may xuất khẩu đang dừng lại khu vực Châu Á, trong đó các quốc gia có thể cung cấp nguyên phụ liệu tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, … Vị trí địa lý thuận lợi từ Việt Nam đến các quốc gia này làm cho việc vận chuyển hàng hóa chỉ khoảng từ 3- 5 ngày làm việc, tăng khả năng chủ động của các doanh nghiệp may xuất khẩu. Đồng thời, sự gần nhau về mặt địa lý cũng khiến cho những thông tin về thị trường nhanh và nhiều hơn.

– Chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với ngành may xuất khẩu khi định vị ngành này là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.

– Cơ hội phát triển sản phẩm may mặc của Việt Nam ở những thị trường không truyền thống như là Trung Đông và Nga.

– Nhu cầu ngày càng tăng lên của ngành may xuất khẩu mở ra cơ hội bán hàng cho các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam

Thách thức

– Cạnh tranh trên thị trường gay gắt. Sự nổi lên của những quốc gia với chiến lược tập trung vào phát triển dệt may, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia. Trong đó, Trung Quốc trở thành một người khổng lồ vững chãi trong thị trường dệt may thế giới. Sức cạnh tranh của hàng may Trung Quốc càng ngày tăng bởi các doanh nghiệp may xuất khẩu của đại quốc gia này tận dụng được rất nhiều lợi thế từ chi phí nhân công rẻ đến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước và cuối cùng là hệ thống phân phối rộng khắp đến các thị trường cao cấp.

– Rủi ro tiềm ẩn ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản bởi những qui định ngày càng khắt khe.

– Công nghệ phụ trợ của Việt Nam còn yếu, trong khi giá cả đầu vào trên thị trường thế giới biến động khó lường. Nguyên phụ liệu của ngành dệt may hiện ở trong tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài. Giá trị kim ngạch nhập khẩu so với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm một tỷ trọng lớn. Sự yếu kém của ngành công nghiêp phụ trợ cho may xuất khẩu là nguyên nhân căn bản khiến Việt Nam trong nhiều năm vẫn chỉ là một xưởng sản xuất thuê cho các doanh nghiệp khác trên thế giới.

– Ngành may là ngành có suất đầu tư nhỏ và chi phí chuyển nhượng thấp. Chính vì vậy, một khách hàng có thể dễ dàng chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác chỉ bằng một quyết định nhanh chóng, không tốn kém, thậm chí tiết kiệm và hiệu quả theo cách lựa chọn của họ. Chính vì vậy, bất kỳ những rủi ro tiềm ẩn trong môi trường nào như là sự bất ổn về chính trị, thiên tai, sự tốt lên của các đối thủ cạnh tranh,… đều có thể làm cho các doanh nghiệp may xuất khẩu mất khách hàng một cách nhanh chóng.

– Xu hướng thị trường may là vòng đời sản phẩm ngắn hơn và vòng xoáy thị trường nhanh hơn.

– Chính sách kiềm chế lạm phát của Việt Nam kéo theo việc thắt chặt tiền tệ diễn ra trong một thời gian dài khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Thời kỳ gia tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng đến mức 21%/ năm từ năm 2008. Tỷ lệ này giảm dần sau đó và hiện tại giữ ở mức 17%/ năm, quá cao so với năng lực hoạt động của các doanh ngiệp may xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc không có lãi do gánh nặng chi phí vay ngân hàng.

– Bất cập trong môi trường thể chế trong nước.

Phân tích SWOT cho các doanh nghiệp may xuất khẩu Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Bài viết liên quan:

  • Đặc điểm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
  • Khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
  • Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương
  • Khái niệm doanh nghiệp công nghệ cao
  • Khái niệm phát triển nông nghiệp ven biển
  • Thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay
  • Dịch thuật Anh - Việt giá rẻ 80k/trang
  • Các nguyên nhân và tác động của rủi ro tín dụng

Từ khóa » Swot Xuất Khẩu