Phát Triển Ngành Nuôi Trai Lấy Ngọc: Hướng đi Rất Tiềm Năng

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Hiện trạng, thách thức và cơ hội phát triển ngành ngọc trai Việt Nam" diễn ra chiều ngày 20/1 tại Hà Nội, Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam - cho hay, với điều kiện tự nhiên nhất là bờ biển kéo dài, lại nằm trong vùng nền ấm, Việt Nam có tiềm năng lớn nuôi trồng trai lấy ngọc. Thời gian vừa qua, ngành nuôi trai tại Việt Nam đã phát triển được thương hiệu trên thị trường thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ ngọc trai lớn.

Cở sở nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc
Cở sở nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc

Khẳng định, nuôi trai lấy ngọc là hướng đi rất tiềm năng và hiệu quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chu Hồi, trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có 6 lĩnh vực ưu tiên, trong đó nuôi trai lấy ngọc mới được ghép vào lĩnh vực nuôi biển theo nghĩa chung chứ chưa thành một ngành kinh tế. Do đó, nếu có hướng đi đúng chúng ta có thể giúp phát triển thành một ngành thực thụ.

Dù nhiều tiềm năng nhưng theo các đại biểu tham dự tọa đàm, ngành nuôi ngọc trai nếu phát triển đúng hướng thì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Đòi hỏi sự khéo tay, khéo mắt của người nuôi, bởi nó tác động vào từ khâu nuôi khá lớn. Đồng thời, muốn khai thác tự nhiên tốt thì cần bảo tồn tốt. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chủ yếu chưa nghĩ đến chuyện bảo tồn các khu có tiềm năng nuôi trai lấy ngọc.

Mặt khác, đi vào nuôi trai lấy ngọc cần chú ý đến khâu nuôi, vừa phát triển nhưng phải quản lý theo chuỗi. Cần phát triển kỹ thuật từ khâu nuôi đến khâu chế biến. Nuôi đã tốt rồi nhưng nếu chế tác kém thì cũng không đạt được giá trị kinh tế cao.

Nuôi cấy ngọc trai nước mặn là một việc làm rất khó, không chỉ có nhiều vốn là đủ, mà phải có tầm nhìn rộng vươn thế giới, có kỹ thuật chuyên môn sâu và tâm huyết với nghề, mới dám dấn thân… mới làm được. Mặt khác, ngành rất rất tiềm năng nhưng những doanh nghiệp "làm thực" lại khá chật vật vì "ma trận" ngọc trai bủa vây người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Trần Thị Oanh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - ngọc trai ở các vùng có sinh thái khác nhau sẽ khác nhau về mặt tỷ lệ các thành phần, khác biệt rõ nhất là nước mặn và nước ngọt. Để người tiêu dùng nhận biết và tránh nhầm lẫn ngọc trai nước biển và ngọc trai nước ngọt cần nhờ truyền thông mạnh mẽ và cần chính sách của nhà nước để đưa sản phẩm đến với tay người tiêu dùng sớm nhất có thể.

Ngọc trai Phú Quốc
Ngọc trai Phú Quốc

Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ngọc trai, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Giám đốc Công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú - cho biết, ngọc trai biển và ngọc trai nước ngọt có nhiều điểm khác biệt. Theo đó, về nguồn gốc, ngọc trai biển được nuôi cấy trong những con trai sống ở vùng biển phía nam Thái Bình Dương, ở một số quốc gia như Nhật Bản, Australia, Philippines, Myanmar, Việt Nam, quần đảo Polynesia (Pháp)... Ngọc trai nước ngọt được nuôi trồng trong những con trai sống ở ao, hồ, sông, suối. Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về sản lượng ngọc trai nước ngọt do có hệ thống sông ngòi rộng lớn thích hợp phát triển nuôi cấy ngọc trai.

Về độ bóng, vùng biển là môi trường lý tưởng cung cấp nhiều dưỡng chất cũng như nguồn thức ăn đa dạng, nước biển có chứa nhiều khoáng chất, nguyên tố vi lượng nên ngọc có độ bóng sáng cao và ánh sáng lấp lánh. Khi đặt dưới ánh nắng mặt trời viên ngọc trai biển có thể tỏa ra ánh ngũ sắc. Ngược lại độ bóng của ngọc nước ngọt thấp, nhiều viên ngọc mờ và xỉn màu, không có khả năng phản chiếu và thay đổi ánh màu ngũ sắc….

Về hình dạng, ngọc trai biển trải qua quá trình chăm sóc, nuôi trồng nghiêm ngặt, và yêu cầu kỹ thuật cao và đặc biệt là được định hình nhờ viên nhân tròn vì vậy ngọc trai biển có thể có hình dạng tròn đều hoặc gần tròn. Ngoài ra còn có hình bầu dục, giọt nước, quả lê, baroque… Trong khi đó, trai nước ngọt không được cấy nhân định hình nên ngọc trai nước ngọt có nhiều hình dạng khác nhau, chủ yếu ngọc trai bị bẹt và méo mó, dị dạng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, về độ quý hiếm và giá trị, mỗi con trai chỉ nhận một viên nhân trên một lần cấy, tối đa có thể cấy nhân ba lần, tỷ lệ thành công từ 30-40%, thời gian nuôi cấy lâu, đây chính là những lý do khiến ngọc trai biển trở thành loại ngọc quý hiếm và có giá trị lớn, chỉ sau ngọc trai tự nhiên. Một con trai nước ngọt có thể sản xuất từ 30 - 80 viên và có thể thu hoạch chỉ sau 1-2 năm nuôi cấy. Ngọc trai nước ngọt sẽ có giá thành rẻ hơn nhiều lần ngọc nước mặn.

Nếu phát triển tốt, đúng hướng, ngành nuôi trai lấy ngọc không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo thương hiệu riêng. Do đó, ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, khi chúng ta quan niệm nó là một ngành thì nó phải phát triển theo chuỗi và phải có sự tham gia, quản lý của Nhà nước. Ngoài ra, muốn phát triển ngành thì phải toàn diện hơn. Quản lý Nhà nước phải có cơ chế, chính sách để khai thác được tiềm năng, đi đúng hướng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chắp cánh cho những công ty làm bài bản từ vùng nuôi cho tới tạo tác hoàn thiện sản phẩm.

Từ khóa » Cách Chế Biến Ngọc Trai