Phẫu Thuật đưa Dạ Dày Trở Lại ổ Bụng Cho Bệnh Nhân Thoát Vị Hoành

(CTO) - Một bệnh nhân nguy cấp bị thoát vị cơ hoành rất hiếm gặp vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long phẫu thuật cấp cứu thành công. Sau phẫu thuật, người bệnh tiến triển sức khỏe tốt, đã xuất viện ngày 29-5-2022 và tái khám theo hẹn của bác sĩ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh do bệnh viện cung cấp.​

Người bệnh Q.T.C (55 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng trên rốn, lan ra sau lưng, nôn ói nhiều lần, mệt mỏi. Qua thăm khám và kết quả các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân thoát vị hoành phức tạp, cần phẫu thuật khẩn.

Quá trình mổ, ê-kíp phẫu thuật ghi nhận ổ bụng người bệnh có nhiều dịch hồng và máu; dạ dày, mạc nối lớn và lách thoát vị qua lổ thủng cơ hoành trái. Ê-kíp đã xử trí, đưa các tạng thoát vị xuống ổ bụng, khâu phục hồi cơ hoành...

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, thoát vị cơ hoành là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách. Người ở độ tuổi trên 50 và phụ nữ thừa cân dễ mắc bệnh này hơn.

Thoát vị cơ hoành có những dấu hiệu ban đầu giống biểu hiện của bệnh trào ngược như ợ hơi, nóng, chua, khó nuốt, khó chịu ở dạ dày hay thực quản. Một số người có thể bị đau ngực và dễ nhầm lẫn với cơn đau tim. Đôi lúc bệnh nhân có cảm giác buồn nôn hoặc nôn, bí đại tiện hoặc trung tiện. Nếu không được điều trị, các tạng thoát vị chèn ép vào phổi, ảnh hưởng huyết động và thông khí ở phổi dẫn đến suy hô hấp. Ngoài ra, khi các tạng nằm trên khoang màng phổi có nguy cơ bị nghẹt, tắc ruột, thậm chí có thể hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc, ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh. Do đó, cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

THU SƯƠNG

Từ khóa » Cơ Hoành Vùng Bụng